So sánh đặc trưng của Phật giáo Nhật Bản và Phật giáo Việt Nam

  1. Kiến thức chung

Từ khóa: 

kiến thức chung

Bạn có thể tham khảo về nguồn gốc các tông phái của Phật Giáo để có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này

Trả lời

Bạn có thể tham khảo về nguồn gốc các tông phái của Phật Giáo để có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này

• Nguồn gốc của Phật giáo: Vào giữa thiên niên kỉ I TCN, chế độ đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ được củng cố rất vững chắc, đạo Bà La Môn cũng rất phát triển. Nhiều giáo lý, luật lệ hà khắc, các nghi lễ cúng tế phức tạp được đặt ra khiến nhân dân lao động phẫn uất cả chế độ đẳng cấp và đạo Bà La Môn. Từ đó, nhiều tư tưởng khác nhau xuất hiện để chống lại các tư tưởng đạo Bà La Môn. Phật giáo là một trong những tư tưởng đó. Tương truyền Đức Phật, tên thật là Siddhartha Gautama, sinh năm 536 TCN. Cha ngài là một quý tộc ở đất nước Sakya. Thuở nhỏ, Ngài có một cuộc sống xa hoa, sung túc. Ngài vốn thông minh từ thuở nhỏ. Bảy tuổi Ngài theo học các đạo sĩ phái Bà-la-môn, như ông Tỳ-xa-mật-đa-la (Visvamitra) và ông tướng võ Sằn-đề-đề-bà (Ksautidiva). Dần dần Ngài thông hiểu các khoa, nhất là nghị luận, triết lý. Chính trong khi bắt đầu hiểu biết ấy, cũng là khi Ngài bắt đầu cảm thấy chán nản cuộc đời vinh hoa phú quý và buồn đau cho cuộc thế của nhân sinh. Năm 16 tuổi, Ngài vâng lời vua cha cưới 3 vị phu nhân La-gia (Gapika), Gia-du-đà-la (Yasodhara), Lộc-giả (Urganika). Năm 19 tuổi, khi sự chán nản lên đến cực độ; Ngài quyết bỏ vợ con, bỏ cuộc đời vinh hoa phú quý, vào hang núi chịu đói rét, tu khổ hạnh để mong tìm nghĩ được một phương pháp gì cứu loài người ra khỏi vòng khổ ải, và bầy cảnh cực lạc trên thế gian. Ngài đã thành Phật năm 31 tuổi. Suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời, Đức Phật đã đi khắp nơi để thuyết giảng Chân lý cho mọi người. • Khái quát Phật giáo ở Nhật Bản: Phật giáo được truyền đến Nhật Bản vào thế kỷ thứ VI từ vương quốc Bách Tế ở Triều Tiên. Vua Bách Tế đã gửi cho hoàng đế Nhật Bản một bức ảnh của Phật và một vài bộ kinh. Phật giáo đã vượt qua sự phản đối quyết liệt của các thế lực bảo thủ và được triều đình Nhật Bản chấp nhận vào năm 587. Các quý tộc Nhật Bản đã quyết định xây dựng chùa Phật giáo tại thủ đô Nara, và sau đó xây tiếp tại thủ đô mới Heian (bây giờ là Kyoto). Nhiều hình thức của Phật giáo đã đến Nhật Bản vào thế kỉ XII. Phổ biến nhất là Thiền, môn phái phổ biến nhất của Phật giáo thời bấy giờ. Hai trường phái Thiền tông là Lâm Tế và Sōtō đã được thành lập; còn trường phái thứ 3 Hoàng Bá tông được thành lập năm 1661. Đến năm 1868, Thần đạo đã được chọn là quốc giáo. Sau đó phong trào tiêu diệt triệt để Phật giáo xuất hiện. Ngày nay, giáo phái Phật giáo phổ biến nhất là Tịnh độ tông, được truyền tới Nhật Bản trong thời kỳ Kamakura. Giáo phái này nhấn mạnh vai trò của phật A-di-đà và hứa hẹn rằng nếu đọc liên tục các cụm từ "Nam mô A di đà Phật" thì khi chết sẽ được A-di-đà đưa lên "Tây phương cực lạc", và sau đó tới Niết-bàn. Tịnh độ tông thu hút các tầng lớp thương gia và nông dân. Sau khi Honen, người truyền giáo Tịnh độ tông đầu tiên tại Nhật Bản chết đi, Tịnh độ tông chia rẽ thành hai phái: Jodo-shu (tịnh thổ tông), tập trung tụng niệm các cụm từ lặp đi lặp lại nhiều lần; và phái tự do hơn Jōdo Shinshū, vốn tuyên bố rằng chỉ cần tụng những cụm từ một lần với trái tim thuần khiết là đủ. Một giáo phái Phật giáo phổ biến khác là Phật giáo Nhật Liên, được thành lập bởi tu sĩ thế kỷ XIII tên Nhật Liên, người nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh Pháp Hoa. Đại diện chính của Phật giáo Nhật Liên là các nhánh Nichiren Shū, Nichiren Shōshū và các tổ chức liên quan như Risshō Kōsei Kai và Soka Gakkai, một giáo phái gây tranh cãi, tham gia vào chính trị và hình thành Đảng Công Minh, đảng chính trị lớn thứ ba tại Nhật Bản. Điểm chung cho hầu hết các nhánh của Phật giáo Nhật Liên là tụng kinh của Nam (u) Myōhō Renge Kyo (hoặc Nam Myoho Renge Kyo) và Gohonzon do Nhật Liên viết lại. Tính đến năm 2007, ở Nhật Bản đã có đã có hơn 315,000 tu sĩ, đại đức và các nhà lãnh đạo Phật giáo. Tính đến năm 2014, con số này lên đến hơn 377,000 người. • Khái quát Phật giáo ở Việt Nam: Trong số các tôn giáo ở Việt Nam, Phật giáo là tôn giáo có số tín đồ đông đảo nhất. Theo thống kê dân số năm 2009 thì số tìn đồ Phật giáo là 6.802.318 người trong đó 2.988.666 tín đồ ở thành thị và 3.813.652 tín đồ ở nông thôn, nơi tập trung đông đảo tin đồ Phật giáo nhất là thành phố Hồ Chí Minh với 1.164.930 tín đồ. Còn theo số liệu thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cả nước có gần 45 triệu tín đồ đã quy y Tam bảo, có 839 đơn vị gia đình Phật tử và khoảng 44.498 tăng ni; hơn 14.775 tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường trong cả nước. Ngoài ra từ 80% đến 90% dân số Việt Nam mang thiên hướng Phật giáo[9][10]. Có hai nhánh Phật giáo ở Việt Nam là Đại thừa và Tiểu thừa. Phật giáo Đại thừa lần đầu tiên từ Trung Quốc vào tới vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng của Việt Nam từ khoảng năm 200 và trở thành tôn giáo phổ biến nhất trên toàn đất nước, trong khi Phật giáo Tiểu thừa từ Ấn Độ du nhập vào phía nam đồng bằng sông Cửu Long từ khoảng năm 300 - 600 và trở thành tôn giáo chính ở vùng đồng bằng phía nam Việt Nam. Có thuyết khác lại cho rằng Phật giáo bắt đầu truyền vào Việt Nam trong khoảng thế kỉ thứ ba đến thế kỉ thứ hai trước công nguyên từ Ấn Độ theo đường biển chứ không phải từ Trung Hoa. Lúc đầu Phật giáo tại Việt Nam (đồng bằng châu thổ sông Hồng) mang màu sắc của Phật giáo Tiểu thừa nhưng về sau do ảnh hưởng của Trung Hoa mời chuyển dần thành Đại thừa[11] Phật giáo Đại thừa được nhiều người thừa nhận là tôn giáo chính của người Việt, người Hoa và một số dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi phía Bắc như Mường, Thái, Tày... Phật giáo Đại thừa tại Việt Nam có ba tông phái chính là Thiền tông, Tịnh Độ tông và Mật tông. Trong thực tế Phật giáo Đại thừa ở Việt Nam tồn tại hòa hợp với Đạo giáo, Khổng giáo và các đức tin bản địa như tục thờ cúng tổ tiên, thờ Mẫu. Phật giáo Tiểu thừa thì lại được coi là tôn giáo chính của người Khmer tại Việt Nam. • So sánh đặc trưng của Phật giáo ở Nhật Bản và Phật giáo ở Việt Nam. - Điểm giống nhau + Tính đa dạng tông phái Phật giáo Nhật Bản có rất nhiều tông phái khác nhau. Năm 2001, Cục Văn hóa Nhật Bản thống kê rằng Phật giáo Nhật Bản có 157 tông phái. Các tông phái Phật giáo ở Nhật Bản hiện nay bao gồm: Hòa tông và Thánh Đức Tông, Lục tông, Thiên Thai tông, Chân Ngôn tông, Tịnh Thổ tông, Tịnh Thổ Chân tông, Thiền tông, Nhật Liên tông. Hai phái Thiên Thai tông và Nhật Liên tông chiếm tỉ lệ cao nhất, 60% phật tử Nhật Bản là theo hai phái này. Ngoài những tông phái Phật giáo ở trên, ở Nhật Bản còn có các tông phái Phật giáo khác. Còn Phật giáo Việt Nam, về hệ phái Bắc tông có Thiên Thai tông, Chơn Ngôn tông, Thiền tông, Tịnh Độ tông, Mật tông… Những tông phái này chịu ảnh hưởng của Phật giáo từ Trung Quốc nên mỗi tông phái còn chia ra nhiều dòng phái. Về hệ phái Nam tông có hai cộng đồng tộc người ở Nam Bộ là người Việt và người Khmer theo đạo. Trong người Khmer, Phật giáo Nam tông gồm hai phái chính là Mahanikay và Thommayut. Trong người Việt có Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam (Theravada). Sau năm 1975, cả nước thống nhất, tất cả các hệ phái, tông phái, chi phái Phật giáo đều đứng vào một tổ chức chung nhất là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhưng mỗi hệ phái, chi phái đều vẫn duy trì bản sắc riêng có, tiếp tục giữ gìn những đặc trưng trong sinh hoạt, trong trang phục, trong nghi lễ của riêng từng hệ phái mình. Tính thế tục hóa: Thế tục” là tập tục ở đời, là đời sống trần tục, đối lập với đời sống tu hành theo quan điểm của tôn giáo. Như vậy, thế tục hóa chính là việc đưa tôn giáo vào đời sống thường ngày, biến những giáo lý khô cứng thành những bài học sống động để có thể áp dụng vào việc xây dựng một xã hội hiền thiện. Tính thế tục của Phật giáo Nhật Bản thể hiện trước hết là nhiều giáo lý, nghi lễ Phật giáo đã trở thành phong tục, tập quán, thành nếp sống của quảng đại nhân dân. Thế tục hóa Phật giáo ở Nhật Bản còn thể hiện qua hành Thiền. Thiền cũng là Đạo, là Phật, là Tâm... Thiền trở thành cách thức ứng xử trong đời sống xã hội, tư tưởng, đạo đức, lối sống, hoạt động chính trị, kinh doanh... Ở Nhật Bản Phật giáo đã trở thành công cụ đạo đức để ứng xử trong xã hội, thể hiện sâu sắc tính thế tục hóa ở trong tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng. Đối với Phật giáo Việt Nam, tính thế tục được thể hiện ở nỗ lực hướng đến một cuộc sống giải thoát dành cho những vị xuất gia đã hoàn toàn từ bỏ cuộc sống thế tục chuyên tâm tu hành, hoạt động Phật giáo còn hướng vào các vấn đề của đời sống xã hội, thể hiện được tinh thần Phật giáo gắn bó với con người và dân tộc, đồng hành cùng đất nước, phát huy được truyền thống yêu nước và tinh thần xây dựng đất nước, tạo được một khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng các lĩnh vực hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo như: nuôi trẻ mồ côi, cứu trợ người tàn tật, ủng hộ người có hoàn cảnh hiểm nghèo, thực hiện nồi cháo tình thương tại bệnh viện, xây dựng nhà tình thương, tham gia cứu trợ cho đồng bào bị lũ lụt, tham gia các dự án tăng cường khả năng đáp ứng của tôn giáo trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS… + Tính nhân đạo hiện thực: Tính nhân đạo hiện thực của Phật giáo được thể hiện ở triết lý từ bi, hỷ xả và khuynh hướng thẩm mỹ, tình yêu và sự hòa đồng với thiên nhiên. Phật giáo khuyên con người ta hướng thiện, góp phần hoàn thiện nhân cách con người. Phật giáo Nhật Bản đã tiếp thu và phát huy tinh thần ấy nhưng theo cách riêng của dân tộc mình. Các Phật tử thiên về thế giới thực tại trực tiếp và cụ thể của con người như được may mắn, giàu có, hạnh phúc... Ở Nhật Bản thường kết hợp các khái niệm thuộc di sản Thần đạo truyền thống với các trải nghiệm bản thân về Phật giáo để hình thành nên Phật giáo bản địa Nhật Bản, thể hiện tình thương, lòng từ bi, đặc biệt là đối với những tầng lớp xã hội bị chà đạp, bị áp bức. Tính hiện thực của Phật giáo Nhật Bản được thể hiện cụ thể trong nghệ thuật trà đạo, nghệ thuật này thấm nhuần tinh thần của Thiền tông và mang một triết lý triết lý nhân sinh cao đẹp. Nghi thức trà đạo cùng với sự sùng kính thiêng liêng ở Nhật Bản đã mang lại cảm giác như đang được hành hương trở về nơi đất Phật. Trà đạo đã khơi nguồn cho các tín đồ cảm hứng về sự thanh khiết, sự nhịp nhàng, sự huyền bí của lòng từ ái tương thân, sự cảm thông chủ nghĩa lãng mạn của trật tự xã hội. Hay như ngay trong nghệ thuật Bonsai, người Nhật đã kết hợp việc trồng cây và thiền của phật giáo để tạo nên những cây có tạo hình đẹp, thể hiện sự hòa hợp giữa thiên nhiên và nghệ thuật... Nghệ thuật Bonsai mang đến những bài học kinh nghiệm, triết lý nhân sinh và nhân văn sâu sắc, giúp thanh lọc tâm hồn, tâm hướng đến giá trị đạo đức sống. Môn nghệ thuật này còn giúp đưa con người gần gũi với thiên nhiên, yêu thiên nhiên hơn. Tính hiện thực nhân đạo của Phật giáo Việt Nam được thể hiện trong tinh thần bác ái của dân tộc Việt Nam. Tinh thần ấy được thể hiện trong nếp sống, nếp sinh hoạt của người dân. “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”, “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”,... là những câu tục ngữ thể hiện tinh thần này. Nó vừa là bản chất của người Việt, vừa được Phật giáo lan truyền làm phổ biến thêm. Bên cạnh đó, các tổ chức Phật giáo còn tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, nhân đạo như hoạt động hiến máu cứu người, quyên góp từ thiện,... - Điểm khác nhau + Phật giáo Việt Nam được bản địa hóa, dung hợp các tín ngưỡng truyền thống còn Phật giáo Nhật Bản được kết hợp với nhiều yếu tố ngoại lai từ bên ngoài. Việt Nam tiếp thu tinh thần của Phật giáo và hòa trộn nó với bản sắc dân tộc. Việt Nam là một nước luôn chống chọi với thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là luôn phải chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Do đó, không kể vị thần của Phật giáo, Đạo giáo…, hầu hết các vị thánh thần được thờ phải có công với nước, với dân. Phật giáo Việt Nam dung hợp các tín ngưỡng truyền thống của người Việt Nam: thờ cúng Tổ tiên, thờ Thần, thờ Mẫu nhưng Phật giáo vẫn giữ vai trò chủ đạo để làm nên Đạo Phật Việt Nam. Điều này được thể hiện rất rõ việc bài trí tượng thờ trên chính điện chùa Phật giáo. Trong đó, chư vị Phật được tôn trí ở gian giữa là đại hùng bảo điện; chư vị thánh tổ của Lão giáo, Nho giáo, được an trí ở hai bên. Ngoài ra, còn tôn trí cả tượng của các vị Thiên hoàng Ngọc đế, Thập điện Diêm vương. Đặc biệt, trong khuôn viên thờ tự của chùa, nhất là các chùa ở vùng Bắc Bộ, luôn có phủ Mẫu (cũng gọi là điện Mẫu) thờ chư vị thánh Mẫu và đức thánh Cha (Trần Hưng Đạo hiển thánh). Nhiều trường hợp khác, trên gian phụ của chính điện chùa còn thờ cả các vị có công khai mở, trùng tu, tôn tạo chùa. Nét đặc trưng cho tính dân tộc của Phật giáo Nhật Bản là tích hợp các yếu tố ngoại lai với các yếu tố bản địa trên tinh thần khẳng định tôn giáo của dân tộc Nhật Bản. Phật giáo ở Nhật có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố Nhật Bản với các yếu tố ngoại lai như: Phật giáo Triều Tiên, Trung Quốc, nhưng lại mang tính đề cao dân tộc Nhật Bản. Đó là quá trình bản địa hóa một cách sáng tạo nhằm tôn vinh nét đẹp tinh thần và vật chất của người Nhật. Điểm đặc biệt là Phật giáo ở Nhật Bản coi nghi lễ thờ cúng Thái tử (Taishi) ngang với nghi lễ thờ cúng Thích Ca Mâu Ni (Thái tử Tất Đạt Đa) và Di Lặc (Thái tử Ajita). Bên cạnh đó, các phật tử Nhật Bản rất tôn kính Thái tử Shotuku như hiện thân đức Phật tổ ở Nhật Bản mặc dù ngài chỉ là một cư sĩ. + Phật giáo Việt Nam là thành tố tạo nên tính đặc trưng văn hóa và thành tố trong “Tam giáo đồng nguyên” Đây là hai đặc trưng quan trọng của Phật giáo Việt Nam: Phật giáo Việt Nam là thành tố tạo nên tính đặc trưng văn hóa. Văn hoá, đạo đức Phật giáo như quan điểm “ở hiền gặp lành” “báo đáp tứ trọng ân” “người Phật tử hiếu hạnh” “hành thiện tránh ác”, “từ bi cứu khổ”, “tôn trọng con người”, “bình đẳng tâm, không phân biệt đẳng cấp, sang hèn”, “yêu chuộng hòa bình”… đã thấm đậm trong tâm tưởng mỗi con người Việt Nam qua các thế hệ. Nó đã góp phần tạo dựng nên nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Mà ở đó, người ta không còn phân biệt đâu là đạo đức xã hội, đâu là đạo đức tôn giáo. Phật giáo Việt Nam là thành tố của “Tam giáo đồng nguyên”. Phật giáo Việt Nam dung hợp cùng tinh thần Nho giáo, Lão giáo để trở thành "Tam giáo đồng nguyên" nhằm hộ trì quốc gia, dân tộc. Đó là sự kết hợp rất trí tuệ để hài hoà và cùng phát triển. Từ những buổi đầu xây dựng nền phong kiến độc lập chúng ta đã thấy các vị danh tăng Phật giáo thông hiểu Nho giáo, uyên thâm Lão giáo, và vận dụng tam giáo nhuần nhuyễn trong cuộc sống, tu hành của mình. Các vị ấy hành trì Phật pháp, tham gia chính sự bàn quốc kế dân sinh như một vị thạc Nho, khi xong việc lớn lại rút về núi rừng thanh bạch ẩn tu như một Đạo sỹ. Đây là điều hiếm có ở đặc trưng văn hóa mà chưa từng thấy của bất kỳ một dân tộc nào. Phật giáo Nhật Bản không có những đặc trưng này. - Tính đoàn kết nội bộ Phật giáo Việt Nam có tinh thần đoàn kết, gắn bó nội bộ. Tuy có nhiều tông phái Phật giáo cùng tồn tại và phát triển, nhưng tất cả đều sinh hoạt trong một tổ chức chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Năm 1981, trải qua một năm vận động thống nhất, 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo trên toàn quốc đã thống nhất thành lập tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong Hiến chương của mình Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định “Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Giáo hội duy nhất đại diện cho tăng ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước”. Ngoài ra, Phật giáo Việt Nam còn đoàn kết với các tầng lớp trong xã hội và đoàn kết với các tôn giáo bạn để chung tay xây dựng và phát triển đất nước. Đây là điều chưa có một tổ chức Phật giáo nước ngoài nào có thể làm được. Phật giáo Nhật Bản thiếu đi tinh thần này. Số lượng tông phát Phật giáo ở Nhật bản lên tới 157 tông phái. Tín đồ của những tông phái này không có một tổ chức chung để sinh hoạt. Sự đa dạng về các tông phái của đạo Phật cũng như các tôn giáo khác đã tạo nên một bức tranh tôn giáo đa sắc màu, mang đặc trưng riêng của xứ sở hoa anh đào.