Tại sao sinh viên dễ bị lôi kéo vào "đa cấp" ? - Những hiệu ứng tâm lý đằng sau thực trạng này

  1. Tâm lý học

"Đa cấp" theo quan điểm của nhiều người có thể được coi là một trong các thực trạng, thậm chí tệ nạn của xã hội Việt Nam hiện nay. Tỉ lệ số sinh viên bị cám dỗ và dẫn dắt tham gia các công ty này không phải là ít. Nhưng tại sao lại như vậy? Liệu khoa học có thể phần nào giải thích được vấn đề này?

Qua bài viết này, mình mong muốn có thể mang đến cho bạn đọc những thông tin và câu trả lời thỏa đáng.

kinh-doanh-da-cap

(Vietnamnet)

Sinh viên bị điều gì thôi thúc để tham gia "đa cấp"?

Khoan bàn đến khía cạnh tài năng thuyết phục và dắt mối của các nhân viên bán hàng đa cấp, nhưng nguyên nhân nói chung thường đến từ hai phía: bản thân các bạn sinh viên cũng cảm thấy có động lực để tham gia các công ty này. Vậy đó là những động lực nào?

Áp lực tâm lý từ người đồng trang lứa - Peer pressure

Đây là hiện tượng tâm lý có mặt đặc biệt nhiều ở các bạn thanh thiếu niên. Vào giai đoạn này (sinh viên), các bạn chưa thực sự trưởng thành về mặt tâm lý và nhận thức. Bản ngã của các bạn vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Bởi thế, các bạn cũng chưa có thói quen tĩnh lại và nhìn vào chiều sâu tâm thức của chính mình, để hiểu được đâu là những điều quan trọng và không quan trọng với bản thân.

Việc này dẫn đến một hệ lụy: các bạn trẻ trong giai đoạn này thường nhìn ra bên ngoài, quan sát thế giới bên ngoài và dựa vào đó mà đánh giá hoặc định hướng cho cuộc sống của bản thân. Các sinh viên thường quan sát những người đồng trang lứa với mình (họ làm việc gì, mặc quần áo hiệu gì, ăn chơi những món gì...) và bắt trước.

ngo-nhan

(BBC)

Nếu không cẩn thận, việc này có thể khiến cho các bạn phải sống một cuộc sống mà mình không mong muốn.

Đối với vấn đề "đa cấp", cùng với việc thiếu các thông tin và kiến thức cần thiết (về kinh tế, pháp luậ, cách thức vận hành của các công ty đa cấp...), các bạn sinh viên sẽ dễ dàng bị lôi kéo tham gia các công ty này, nếu như đó là điều mà những người đồng trang lứa của các bạn ấy làm.

Tâm lý lo sợ bị "tụt hậu" - Fear of missing out (FOMO)

Đây cũng là một hiện tượng tâm lý phổ biến trong xã hội hiện đại. Chỉ có điều, dường như nó được biểu hiện không chỉ ở các bạn trẻ, các sinh viên. Hiệu ứng FOMO cũng có thể xuất hiện tại những người "trưởng thành", đã đi làm. Đặc biệt trong thời đại mạng xã hội hiện nay, độ nghiêm trọng của hiện tượng tâm lý này còn bị khuếch đại hơn nữa, khi mà mọi người liên tục săm soi "tường Facebook" của bạn bè để cạnh tranh với nhau.

Việc tham gia vào các công ty đa cấp cũng tương tự. Một số các bạn sinh viên, với suy nghĩ rằng để làm một sinh viên thật ngầu, thật "cool", thì họ cần phải có trên CV của mình những hoạt động ngoại khóa, những "dự án làm thêm" ngoài luồng nào đó. Và có một sự thật là việc có được những dự án như thế là không hề đơn giản. Thế nên không ít các bạn xoay sang tìm kiếm các cơ hội dễ dàng hơn, điển hình là tham gia một mạng lưới đa cấp.

ao-tuong

(Saloni Singh)

Tâm lý tự nhiên của con người là lười biếng và tham lam?

Mình thừa nhận "tham lam" là một từ hơi thái quá, nhưng giới khoa học hiện nay đa số đều đồng tình với ý kiến: con người bình sinh là một tạo vật lười biếng. Và điều này thuần túy là tự nhiên, nó không mang một ý nghĩa tốt hay xấu nào cả.

Về mặt tự nhiên, con người luôn tìm kiếm những phương án hành động dễ dàng và nhanh-gọn-lẹ nhất, nhằm tiết kiệm năng lượng. Dù là hoạt động thể chất hay trí óc. Nhiều nghiên cứu cho thấy, ngay cả khi di chuyển, cơ thể chúng ta cũng vô thức lựa chọn những động tác và nhịp độ để bước đi theo cách ít tốn năng lượng nhất.

Nói về khía cạnh "tham lam", bạn đã bao giờ tự quan sát cảm xúc của bản thân và nhận thấy rằng, mỗi khi ta mong muốn và khát khao đạt được một điều gì đó, thì sau khi có được nó, chúng ta liền cảm thấy chán thứ đó, và tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm một thứ khác mới hơn, hấp dẫn hơn? Nếu câu trả lời là có, thì thực ra bạn có chung tâm lý với hầu hết con người.

le-xua-thoi-cu

(Medium)

Vậy, con người vừa muốn không ngừng đạt được nhiều lợi ích hơn, vừa luôn ưu tiên lựa chọn những phương án dễ dàng và ít tốn kém nhất. Các công ty đa cấp đã tấn công vào chính điểm yếu này, hòng cám dỗ các bạn sinh viên, vốn vẫn còn thiếu nhận thức về bản thân và thế giới xung quanh.

Trên đây là thông tin về một số hiệu ứng tâm lý mà mình đã tập hợp lại, nhằm trả lời cho câu hỏi ở tiêu đề bài viết. Bạn đọc có quan điểm như thế nào về vấn đề này?


Tham khảo:


Từ khóa: 

lề xưa thói cũ

,

ảo tưởng

,

ngộ nhận

,

sinh viên

,

kinh doanh đa cấp

,

tâm lý học