[Tấm gương Lịch Sử] Mẫn Tử Khiên hiếu nghĩa vẹn toàn

  1. Lịch sử

Mẫn Tử Khiên tên thật là Tổn, cũng là một trong "Thập nhị tiên hiền", tức là 12 người học trò giỏi nhất của Khổng Tử trong thời Xuân thu chiến quốc. Vì mẹ mất sớm nên cha ông phải lấy vợ khác và sinh được hai đứa con riêng. Lo lắng sợ Mẫn Tử Khiên tranh đoạt hết gia tài, kế mẫu vô cùng tức tối, ra sức đày đọa hành hạ đứa con chồng một cách khắc nghiệt, từ sáng sớm cho đến tối mịt, hết bổ củi đến chăn trâu nhưng ông không bao giờ ta thán hoặc mách lại với cha. Tuy hai đứa em được sung sướng, ăn ngon mặc đẹp, chẳng hề phải làm gì động đến móng tay nhưng Mẫn Tử Khiên không bao giờ tị nạnh, hết lòng thương yêu như em ruột của mình.

Một năm, trời chợt lạnh rét khác thường, kế mẫu may cho hai đứa con mình hai chiếc áo bông thật dày, còn Mẫn Tử Khiên chỉ được một chiếc áo đơn, phía trong lót một lớp mỏng bông lau để áo dày lên, không ai biết được sự thực. Một hôm, cha của ông có việc phải đi xa, bèn gọi cả ba đứa con ra kéo xe cho mình. Thoạt đầu, dưới cơn gió lạnh như cắt, Mẫn Tử Khiên còn cố chịu đựng được, càng về sau tay chân càng lạnh cứng khiến không sao cầm vững được tay xe, suýt chút nữa đã hất cha già xuống đất.

co-nhan-5

Người cha không sao nhịn nổi tức giận, sẵn cầm roi liền quất cho Mẫn Tử Khiên một cái. Ngờ đâu làn roi khiến lớp áo mỏng manh rách bung ra, lộ ra lớp bông lau. Khi ấy người cha mới hiểu nguyên nhân tại sao, ông lập tức quay xe trở về và nhất quyết đuổi bà vợ kế ra khỏi nhà. Mẫn Tử Khiên vội quỳ xuống van lơn:

Nếu có mẹ thì chỉ mình con lạnh lùng, còn như cha đuổi mẹ đi thì cả ba anh em đều bị đói rét, không có ai chăm nom nuôi dưỡng, như thế chẳng thà để mình con chịu rét lạnh còn hơn.

Người cha nghe vậy rất cảm động, bao nhiêu giận dữ tiêu tan bằng hết. Kế mẫu cũng nghe được câu chuyện, tự thấy xấu hổ, hối hận. Từ đó, bà thay đổi tính tình, chăm lo cho cả ba người con giống như nhau. Nhờ vậy gia đình thuận hòa, rất mực và Mẫn Tử Khiên cũng yên tâm, học hành tấn tới, chẳng bao lâu đã nổi danh là hiền nhân, hiếu nghĩa vẹn toàn cả đôi đường.

Từ khóa: 

100 tấm gương lịch sử

,

hiếu thảo

,

lịch sử