Thấu hiểu - điều quan trọng trong giao tiếp

  1. Phong cách sống

Theo bạn, thế nào là một người có kỹ năng giao tiếp và là một người giao tiếp tốt? Người nói nhiều đã phải là người giao tiếp tốt hay chưa? Hay người giao tiếp tốt phải là người luôn dùng những từ hay ý đẹp, lựa chọn từ hoa mỹ? Hay giao tiếp là phải nói thẳng, nói thật, không giấu giếm suy nghĩ của mình? Giao tiếp là phải tạo ấn tượng tốt, thu hút, hấp dẫn người khác từ vẻ bề ngoài? Người giao tiếp tốt phải là người tạo ra sự thay đổi ở người khác (giống như một diễn giả truyền cảm hứng)…Thật khó để tìm câu trả lời tuyệt đối đúng cho tất cả mọi trường hợp. Bởi trong mỗi tình huống giao tiếp, mỗi hoàn cảnh khác nhau chúng ta lại lựa chọn những cách giao tiếp khác nhau.

Tuy nhiên, để trở thành người giao tiếp tốt điều đầu tiên bạn cần làm là xóa bỏ những suy nghĩ, nhận định, những nhận thức sai về giao tiếp (giao tiếp là phải nói nhiều, nói hay, phải dùng từ hoa mỹ, giao tiếp là nói…). Tất cả chúng ta ai cũng có thể giao tiếp (ngay cả với những người không có khả năng sử dụng các phương tiện giao tiếp quan trọng là ngôn ngữ - những người câm, điếc thì họ vẫn có khả năng giao tiếp (giao tiếp bằng cử chỉ, điều bộ, những bộ phận kiến tạo nên giao tiếp mà không được mã hóa bằng từ ngữ). Giao tiếp là quá trình trao và nhận thông tin giữa những người tham gia giao tiếp nhằm đạt được mục đích giao tiếp nhất định. Do vậy, cốt lõi của hoạt động giao tiếp là sự tương tác nhiều chiều, là sự kết nối và chia sẻ thông tin giữa các nhân vật tham gia giao tiếp. Vì vậy bạn muốn là một người giao tiếp tốt thì trước hết bạn cần có nhận thức đúng về giao tiếp.

Trước khi bước vào cuộc giao tiếp và trong quá trình giao tiếp bạn cần nhận thức đúng về cuộc giao tiếp của mình: hiểu về bản thân và đối tượng giao tiếp với mình, nội dung, đặc điểm, tính chất, mục đích của cuộc giao tiếp, không gian và thời gian giao tiếp…Điều này sẽ giúp bạn có một tâm thế tốt khi giao tiếp, sự chủ động, tự tin, từ đó lựa chọn được cách giao tiếp, chiến lược giao tiếp phù hợp để đạt được mục đích của cuộc giao tiếp. Trong đó, sự thấu hiểu, thấu cảm người khác là chìa khóa cực kỳ quan trọng giúp bạn trở thành một người giao tiếp tốt. Tuy nhiên, để thực sự thấu hiểu, thấu cảm một ai đó ngoài những thông tin cơ bản như tên tuổi, giới tính, nghề nghiệp, quê quán…bạn cần phải biết rõ thế mạnh/thế yếu, tâm lý, tính cách của đối tượng giao tiếp. Đặc biệt là bạn phải hiểu nhu cầu, mong muốn của họ, những giá trị mà họ theo đuổi và cao hơn nữa là cơ sở, lý do mà họ hướng tới điều đó. Nếu nắm bắt được những điều trên, tôi tin rằng bạn sẽ có sự hiểu biết thấu đáo và trọn vẹn về người giao tiếp với mình, hiểu được những suy nghĩ và cảm được những cảm xúc của họ.

Tuy nhiên, điều quan trọng để thấu hiểu, thấu cảm người khác bạn cần biết đặt vị trí của mình vào họ, không dùng quan điểm, suy nghĩ của mình để phán xét, định kiến hay dán nhãn. Thay vào đó chúng ta hãy luôn nhìn vào điểm tích cực của nhau. Mỗi người khi được sinh ra trên thế giới này đều mang trong mình một sứ mệnh nhất định, do đó, chúng ta là những con người khác biệt, không ai giống ai và đều có những thế mạnh riêng của bản thân.

Trong giao tiếp, sự hòa hợp đến từ thấu hiểu và thấu hiểu bắt đầu bằng sự lắng nghe. Lắng nghe là kỹ năng quan trọng đầu tiên để bạn thấu hiểu một ai đó. Nhưng đôi khi chúng ta đã quên mất điều này hoặc cho rằng lắng nghe là đương nhiên và không cần rèn luyện. Lắng nghe không chỉ là bạn nghe thấy những điều ai đó nói với mình mà còn là sự hiểu, sự ghi nhớ và hồi đáp, phát triển câu chuyện. Điều đó có nghĩa là lắng nghe không chỉ đơn giản là sự định dạng và lưu giữ thông tin mà bao gồm cả việc chọn lọc, quan tâm, phân tích và thông hiểu. Để làm được điều này ngoài sự tập trung, bạn cần là người tạo môi trường an toàn, thoải mái cho người nói để họ có thể “dốc hết bầu tâm sự” với bạn mà không cảm thấy e dè hay lo sợ điều gì. Sự tham gia của bạn vào cuộc giao tiếp, những cái gật đầu, ánh mắt ngạc nhiên, vui vẻ, nụ cười biểu lộ sự thích thú với những thông tin mà bạn nghe được, những câu hỏi với mong muốn hiểu sâu hơn vấn đề…chính là nguồn năng lượng tích cực, truyền cảm hứng, thúc đẩy cho người nó và là cách để phát triển câu chuyện. Do đó, khi giao tiếp thay vì chỉ là một người lắng nghe bị động như một “miếng bọt biển” hấp thụ tất cả những gì người khác nói bạn hãy là “tấm lò xo” để thúc đẩy, phát triển chủ đề giao tiếp. Và như vậy, khi cuộc giao tiếp kết thúc, cả người nói và người nghe sẽ đều cảm thấy thỏa mãn, vui vẻ, hân hoan với những gì được đề cập tới trong cuộc giao tiếp mà đôi khi ngoài mong đợi của họ.

Trong nghe thấu cảm, người nghe không chỉ nghe bằng tai, mà quan trọng hơn là nghe bằng mắt, bằng cả trái tim để hiểu được những cảm xúc, nhu cầu của người nói. Lắng nghe không chỉ những điều trong lời nói mà cả những gì không nói lên được, những gì bộc lộ qua ngôn ngữ không lời: ánh mắt, nét mặt, tư thế, điệu bộ... Muốn vậy, mỗi người phải rèn luyện cho mình kỹ năng quan sát tốt để từ những biểu hiện bên ngoài đoán định tâm trạng bên trong của họ để có những ứng xử tinh tế, phù hợp, đáp ứng mong muốn, nhu cầu của người giao tiếp với mình.

Trên có sở có nhận thức đúng về cuộc giao tiếp, thấu hiểu người giao tiếp với mình, bạn sẽ lựa chọn được cách giao tiếp, chiến lược giao tiếp phù hợp như nắm bắt được tâm lý của đối tượng giao tiếp (được tôn trọng, được khen, được công nhận, được quan tâm…), tìm kiếm được điểm chung (sở thích, tính cách, mối quan tâm…), lựa chọn chủ đề giao tiếp, cách dẫn dắt câu chuyện…Ngoài ra, bạn cần rèn luyện cho mình kỹ năng truyền tải thông điệp như ngôn từ khi giao tiếp (rõ ràng, mạch lạc, đúng về nghĩa và mang giá trị biểu cảm), chú ý vấn đề phát âm, giọng nói, tốc độ nói, lựa chọn các lối nói phù hợp (hiển ngôn/hàm ngôn, nói cơ giới/tình thái, nói lịch sự, nói giảm, nói tránh…) để biểu đạt đúng ý mà mình muốn nói.

Hãy luôn là người chủ động, kết nối trong giao tiếp bằng trạng thái cơ thể tốt, với cảm xúc, tâm thế tích cực và luôn là người trao đi nguồn năng lượng tích cực cho người giao tiếp với mình. "Đừng để những cảm xúc tiêu cực hiển thị trên khuôn mặt vì đó là một loại biểu tình khiến người khác chán ghét".

Nếu bạn làm được những điều trên tôi tin rằng bạn sẽ trở thành “thỏi nam châm” luôn thu hút người khác đến với mình, muốn giao tiếp cùng mình. Và như vậy, tất nhiên rồi, khi bạn có nhiều mối quan hệ tốt, bạn sẽ trở thành một người giàu có vì bên bạn sẽ luôn có rất nhiều người sẵn sàng kết nối, giúp đỡ bạn.

Hãy là người mà người khác luôn muốn giao tiếp với bạn!

Từ khóa: 

giao tiếp

,

phong cách sống