Tìm hiểu về Tiếp thị Kỹ thuật số (Digital Marketing)

  1. Marketing

Tại sao cần quan tâm đến Tiếp thị Kỹ thuật số (Digital Marketing)?

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 nở rộ hiện nay, hầu như tất cả các công ty đều đang dần nhận ra được rằng mình cần phải trở mình và chuyển đổi, trở nên gần gũi với thế giới kỹ thuật số hơn, nếu không muốn bị tụt hậu.

Thêm vào đó, marketing và tiếp thị bán hàng luôn nằm trong danh sách những khía cạnh quan trọng nhất mà một công ty hoặc startup cần phải tập trung đầu tư vào, ít nhất là trong một khoảng thời gian dài khi vừa ra mắt sản phẩm.

tiep-thi-ky-thuat-so

Hai yếu tố trên kết hợp lại đã khiến cho việc tiếp thị qua các kênh truyền thông kỹ thuật số, với khái niệm ngắn gọn là tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing), ngày càng trở nên phổ biến, và được các chuyên viên marketing quan tâm. Những ứng viên có kỹ năng trong lĩnh vực tiếp thị kỹ thuật số cũng thường được các nhà tuyển dụng ưu tiên, săn đón.

Vậy, chính xác thì, tiếp thị kỹ thuật số nghĩa là gì?

Khái niệm Tiếp thị Kỹ thuật số (Digital Marketing)

Tiếp thị kỹ thuật số có thể được hiểu là những hoạt động tiếp thị mà một công ty hoặc tổ chức thực hiện, nhằm quảng bá hình ảnh hoặc sản phẩm của công ty hoặc tổ chức này, nhưng thông qua những kênh truyền thông kỹ thuật số (ví dụ: website, mạng xã hội, email, ứng dụng/app trên smartphone v.v...) thay vì những phương pháp tiếp thị truyền thống (ví dụ: báo chí, TV, tờ rơi, thư quảng cáo, v.v...).

Do mang những tính chất "kỹ thuật số" rất đặc thù, nên mặc dù bản chất vẫn là tiếp thị và marketing, nhưng những chuyên gia tiếp thị kỹ thuật số tựu trung cần phải sở hữu những kỹ năng tin học khác, cùng với sự "nhạy cảm" về cách vận hành của thế giới số, để có thể ứng dụng thành công phương pháp tiếp thị này.

Vậy, đâu là những cách thức để trau dồi kỹ năng tiếp thị kỹ thuật số?

hoc-tiep-thi-ky-thuat-so

Phát triển kỹ năng Tiếp thị Kỹ thuật số (Digital Marketing) như thế nào?

Sau đây là một số công cụ tiêu biểu nhất của lĩnh vực tiếp thị kỹ thuật số, và cách thức mà chúng ta có thể trau dồi và phát triển chúng:

1/ Sử dụng Website

Nếu nói rằng website là công cụ quan trọng nhất trong thế giới tiếp thị kỹ thuật số thì cũng không ngoa, bởi lẽ mọi hoạt động tiếp thị kỹ thuật số thường đều dẫn khách hàng về với website của bạn. Ngoài website ra, bạn cũng có thể sử dụng blog. Việc học cách thiết kế các website và blog vì vậy cũng trở thành một kỹ năng quan trọng cho các chuyên viên tiếp thị kỹ thuật số.

Các bạn không cần phải lo lắng nếu như không học chuyên về IT, vì giờ đây có rất nhiều công cụ trên Internet giúp chúng ta thiết kế website và blog (dễ nhất là sử dụng WordPress, hoặc Joomla) một cách nhanh chóng và dễ dàng.

2/ Công cụ SEO (Search Engine Optimization)

SEO - có thể tạm dịch là công cụ tối ưu hóa chức năng tìm kiếm các nội dung (content), chủ yếu là qua Google, hoặc các công cụ tìm kiếm khác. Một người muốn nâng cao kỹ năng SEO của mình, trước hết cần phải chú ý về việc viết content. Content của bạn không cần nhiều và dài dòng, mà cần phải thú vị và đủ ngắn gọn để khiến người đọc muốn đọc. Content của bạn cũng nên chứa nhiều những "keywords" (những từ ngữ được lặp đi lặp lại trong content của bạn, và có thể giúp người đọc hiểu được ý chính của content của bạn).

Ngoài ra, các chuyên viên SEO cũng nên tích cực trau dồi thêm kiến thức thông qua việc đọc sách. Những cuốn sách kinh điển nhất trong lĩnh vực này bao gồm SEO Starter by Google hoặc SEOBOOK.

digital-marketing-seo

3/ Tiếp thị Liên kết (Affiliate Marketing)

Khái niệm tiếp thị liên kết có thể được hiểu qua ví dụ sau: bạn có một sản phẩm (hoặc có thể là một thông tin liên quan đến sản phẩm của bạn) và một người quen của bạn có sở hữu một website hoặc blog; bạn quyết định yêu cầu người này cho phép bạn đăng tải thông tin về sản phẩm của bạn lên website của anh ta. Nếu người bạn này đồng ý, vậy là bạn đã đang thực hiện việc tiếp thị liên kết rồi.

Trong quá trình tiếp thị liên kết, tất nhiên việc đính kèm các đường dẫn (link) của sản phẩm của bạn lên trên các website thuộc sở hữu của người khác là tối quan trọng. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý sử dụng tên đường link thật đơn giản, dễ nhớ và có chứa keyword liên quan đến sản phẩm của bạn (ví dụ: thoi-trang-nu cho quảng cáo thời trang phụ nữ).

4/ Quảng cáo qua Email

Đây là một công cụ khá hữu ích, nhưng nó đòi hỏi một số lưu ý quan trọng nếu bạn muốn sử dụng nó theo cách hiệu quả nhất. Hữu ích là bởi vì email có thể giúp các công ty tương tác và trao đổi một cách trực tiếp với khách hàng, và gần như mỗi ngày, bởi đa số mọi người đều có thói quen kiểm tra email thường xuyên.

Tuy nhiên, khi sử dụng công cụ này, chúng ta cần phải lưu ý rằng tuyệt đối chỉ gửi email quảng cáo cho những người đã chấp nhận (subscribers), nếu không, người nhận sẽ coi đó là những email rác, và thương hiệu của công ty bạn sẽ nhanh chóng mất giá trong mắt khách hàng.

Ngoài ra, một thủ thuật mà bạn có thể sử dụng để đổi lấy địa chỉ email của các khách hàng tiềm năng là hãy cung cấp một dịch vụ nào đó miễn phí (ví dụ: các ứng dụng, game...trên điện thoại di động).

email-marketing

5/ Quảng cáo qua Mạng xã hội (MXH) - Social Media Marketing

Quảng cáo quá MXH chắc chắn là một trong những phương pháp tiếp thị thông dụng nhất hiện nay. Hầu hết các công ty và tổ chức lớn đều hiện diện trên các nền tảng MXH, như Facebook, Twitter, LinkedIn, v.v...Có lẽ, lợi thế nổi bật nhất của việc tiếp thị qua MXH nằm ở khả năng giúp khách hàng tương tác với các công ty theo rất nhiều cách đa dạng khác nhau (bình luận, "like", chia sẻ nội dung...) và trên diện rộng (tương tác giữa nhiều người cùng một lúc).

Tất nhiên, việc ứng dụng công cụ MXH trong việc quảng cáo theo cách hiệu quả lại là một vấn đề khác. Trước hết là, các công ty phải hiểu được thị hiếu của người dùng, và cung cấp cho họ những content mà họ quan tâm. Việc này đòi hỏi một sự nghiên cứu hành vi khách hàng - consumer behavior/persona (để hiểu kỹ hơn về khái niệm này mời bạn đọc click vào

đây
) thật kỹ lưỡng, nhằm xác định loại content nào sẽ phù hợp với đối tượng nào.

hoc-digital-marketing

Bước tiếp theo chính là việc viết những content bắt mắt với người đọc. Ngoài ra, tùy theo loại hình kinh doanh mà các công ty cũng nên khéo léo lựa chọn những nền tảng MXH khác nhau (ví dụ: nếu kinh doanh thời trang, bạn nên đăng tải thật nhiều hình ảnh trên các nền tảng như Instagram hoặc Pinterest).

Lời kết

Tiếp thị Kỹ thuật số đang dần thay thế cho các phương pháp tiếp thị truyền thống. Có lẽ, nhiệm vụ của cá công ty là cố gắng liên tục cập nhật kiến thức và kỹ năng để có thể bắt nhịp kịp thời với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tiến đến một cách vũ bão.

Còn bạn đọc thì sao? Các bạn thường sử dụng kênh tiếp thị kỹ thuật số nào nhất? Cùng chia sẻ tại phần bình luận dưới đây nhé!


Nguồn:

Hoàng Mai (2016) Digital marketing là gì? 21 bí quyết vàng của digital marketing.

Phong Vu (2018) Digital Marketing là gì? Tìm hiểu tất cả các hình thức.

Thao Uyen (2017) Digital Marketing là gì? Làm sao tự học Digital Marketing?

Trần Duy Ninh (2014) Làm sao tự học Digital Marketing cho sinh viên và người đi làm.

Từ khóa: 

digital marketing

,

tiếp thị kỹ thuật số

,

marketing