[Tình ruột thịt giữa hai người khác chiến tuyến.]

  1. Lịch sử

Theo lời kể của đại tá Vũ Nam Bình (tên thật là Nguyễn Văn Khả), trưởng ban Bảo vệ an ninh của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Trại Davis – Tân Sơn Nhất (Sài Gòn, thời kì 1973-1975).

________________


Trong số các nhân viên điện - nước của địch tại Trại Davis, có một sĩ quan công binh mang quân hàm thiếu tá, tên là Bùi Thiện Khiêm, chừng hơn 30 tuổi. Khiêm tỏ ra mẫn cán, nhiều lần kiểm tra hoạt động của hệ thống điện - nước và đến được những nơi “cần đến” trong Trại Davis. Nhưng có điều đáng nghi ngại, mỗi khi gặp ai trong phái đoàn ta, Khiêm nhìn người đó rất lâu...

Được báo cáo việc này, tôi tạo ra một tình huống ngẫu nhiên để gặp Khiêm, thì thấy đúng như thông tin được phản ánh. Anh em bảo vệ an ninh hội ý và thống nhất nhận định: "Phải chăng, Khiêm có người quen trong phái đoàn của ta? Có thể lúc Khiêm còn nhỏ, cha hoặc anh trai của Khiêm đi tập kết, nay cũng có mặt trong phái đoàn...?"

Tôi tập trung rà soát toàn bộ danh sách phái đoàn thì phát hiện một người có họ, tên đệm trùng khớp với Khiêm; xét về tuổi tác thì có thể là anh trai của Khiêm. Người này tên Bùi Thiện Hùng, làm nhiệm vụ phiên dịch tiếng Nga cho đoàn ta khi làm việc với đoàn Hungary và đoàn Ba Lan (trong Ủy ban Quốc tế kiểm soát và giám sát thi hành Hiệp định Paris).

Quả nhiên hôm ấy, sau một phiên họp, khi phái đoàn ta tiễn đoàn Hungary và đoàn Ba Lan ra về, thì bất ngờ Bùi Thiện Khiêm xuất hiện và – có lẽ vì quá xúc động, không thể kìm nén được – đã chạy ào về phía đoàn ta, ôm chầm lấy đồng chí Hùng rồi kêu lên: “Ối anh Hùng ơi, em là Khiêm đây!”. Hai anh em họ ôm chặt lấy nhau và trào nước mắt, khiến những người chứng kiến không khỏi bùi ngùi.

Đồng chí Hùng sau đó đã báo cáo đầy đủ về mối quan hệ với người em trai. Khi đồng chí Hùng ra Bắc tập kết, Bùi Thiện Khiêm mới trên dưới 10 tuổi. Gần 20 năm, anh em họ mới gặp lại nhau trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Khi tôi báo cáo việc này, đồng chí Trần Văn Trà trầm ngâm giây lát và nhận định: “Việc này cũng bình thường thôi, đó là vì chiến tranh. Ta cứ cho anh em họ gặp nhau thêm; nhưng phải xin ý kiến cơ quan nghiệp vụ cấp trên”.

Được sự đồng ý của cấp trên, tôi đã bố trí cho hai anh em họ gặp nhau. Trong cuộc gặp ấy, đồng chí Hùng với tư thế của người chiến thắng, đồng thời là người anh trai đã dành cho đứa em ruột những tình cảm chân thành. Sau khi hỏi thăm sức khỏe cha mẹ và những người thân, đồng chí Hùng nhắc nhở Khiêm, đại ý: Gia đình mình có truyền thống tốt, chưa làm gì hại đến Tổ quốc, bản thân em phải ghi nhớ và thực hiện điều đó...

Cuối cùng, đồng chí Hùng nhắc Khiêm phải làm tốt việc bảo đảm điện nước phục vụ phái đoàn. Sau này, qua đánh giá tình hình thực tế, chúng ta quyết định không tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để sử dụng Bùi Thiện Khiêm. Phần đồng chí Hùng, sau ngày giải phóng miền Nam đã vào TP.HCM tiếp tục công tác và đoàn tụ với gia đình. 


__________________


Nguồn: Trần Duy Hiển/Báo điện tử Công an nhân dân

59504587_286647622246982_3942830327629611008_n
Từ khóa: 

lịch sử

,

tình anh em

,

lịch sử