Tổng hợp 17 công cụ trực quan hóa dữ liệu

  1. Marketing

Khoa học đã chứng minh, cơ chế hoạt động của não người sẽ tiếp thu thông tin dưới dạng hình ảnh tốt hơn so với văn bản - nhất là đối với các thông tin chứa nhiều dữ kiện về thống kê. Như vậy, việc trình bày dữ liệu dưới dạng hình ảnh một cách khoa học sẽ làm tăng tính thuyết phục cho các nội dung của bạn trình bày. Trong quá trình tìm kiếm dữ liệu, điều quan trọng nhất là những con số thống kê đáng tin cậy và có ý nghĩa.

Sau đây là tổng hợp 17 công cụ phổ biến giúp tìm kiếm thông tin và trực quan hóa dữ liệu phục vụ cho việc soạn thảo và trình bày một cách khoa học những nội dung liên quan đến tổng hợp số liệu:

1. Statista

Miễn phí. Bản Premium giá 49$/tháng.

Statista là một cổng thống kê, nghiên cứu và dự đoán dựa trên các con số, tập trung vào nghiên cứu thị trường và khảo sát ý kiến người dùng. Statista phục vụ cho các doanh nghiệp và cá nhân với mục đích nghiên cứu, giúp dễ dàng tìm ra dữ liệu thị trường đáng tin cậy dựa trên các ngành nghề, các chủ đề hoặc các quốc gia khác nhau.

Một trong những điểm hữu dụng nhất của Statista là giao diện dễ điều hướng và các tính năng trực quan hóa tự động. Bạn có thể dễ dàng tải xuống các thống kê và biểu đồ dưới định dạng PNG, PDF hoặc các định dạng văn bản khác của Office để tùy chỉnh và sử dụng dữ liệu phù hợp.

2. Google Trends


Miễn phí.

Nếu bạn đang có nhu cầu tìm kiếm dữ liệu về các chủ đề đang phổ biến, các xu hướng và những sự kiện đang diễn ra, Google Trends sẽ là công cụ miễn phí vô cùng hữu ích dành cho bạn. Google Trend cung cấp cho bạn dữ liệu về sự chuyển dịch các xu hướng tìm kiếm theo thời gian và các từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất ở các khu vực, đất nước, lãnh thổ khác nhau. Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm những xu hướng cụ thể hoặc đơn giản là theo dõi những xu hướng đang thịnh hành ở thời điểm bạn cần. Điều tuyệt vời nhất của Google Trends đó là nó hoàn toàn miễn phí và vô cùng dễ sử dụng.

3. Zanran

Miễn phí.

Việc tìm kiếm trên Google sẽ phù hợp nếu bạn cần tiếp cận với một lượng lớn thông tin, tuy nhiên nếu cần tìm những biểu đồ hoặc những con số cụ thể, bạn nên sử dụng Zanran. Zanran là một công cụ tìm kiếm chuyên để lọc ra những bảng biểu và đồ thị trực tuyến. Công cụ này hoạt động thông qua cơ chế đánh giá và thu thập dữ liệu dựa trên những hình ảnh được đăng tải trực tuyến chứ không phải văn bản nhờ vậy bạn có thể tiếp cận những dữ liệu thô qua các bảng biểu, đồ thị rất nhanh. Tuy nhiên nếu bạn cần nguồn dữ liệu đã qua gạn lọc và rút gọn để có thể đưa ra đánh giá thì Zanran sẽ khó đáp ứng được.

4. Pew Research Center

Miễn phí.

Pew Research Center là một trong những trung tâm nghiên cứu dữ liệu hàng đầu của Mỹ công bố vô vàn thông tin và dữ liệu về quan điểm công chúng, các vấn đề xã hội và nhân khẩu học ở Mỹ và trên thế giới. Đây là một nguồn dữ liệu đáng tin cậy tuyệt vời cho các chủ đề như chính trị, truyền thông, công nghệ và internet, các xu hướng xã hội, v..v… Bạn có thể lưu trang này lại nếu muốn tìm kiếm những dữ liệu cụ thể, và đừng quên theo dõi các trang mạng xã hội của trung tâm này để liên tục cập nhật các xu hướng hiện tại cũng như để dồi dào ý tưởng làm nội dung.

5. SocialMention

Miễn phí.

Tương tự như Google Trends, SocialMention là một công cụ tìm kiếm và phân tích giúp bạn theo dõi các xu hướng hiện hành dựa trên nội dung tạo ra bởi người dùng trực tuyến (online user-generated content). Nếu muốn quan sát những gì khách hàng đang nói về thương hiệu của bạn, SocialMention sẽ là một lựa chọn tuyệt vời. Điểm mạnh của SocialMention nằm ở những tính năng phân tích của nó. Chỉ cần gõ vào những từ khóa bất kỳ (như tên thương hiệu của bạn chẳng hạn), SocialMention sẽ cho bạn biết những yếu tố đánh giá từ khóa đó như tần suất (được thảo luận và nhắc tới nhiều hay ít), mức độ yêu thích (tỉ lệ giữa những bình luận tích cực, tiêu cực) và khả năng tiếp cận của từ khóa đó. Việc thu thập các dữ liệu này sẽ giúp ích cho nội bộ doanh nghiệp hoặc phát triển nội dung cộng đồng.

6. Think with Google

Miễn phí.

Với một công cụ tìm kiếm toàn cầu như Google, không có gì là lạ khi nền tảng này có nguồn dữ liệu khổng lồ để chia sẻ thông qua hệ thống các công cụ theo dõi xu hướng miễn phí riêng của họ dành cho các marketer, trong đó có Think with Google. Đây là một công cụ tuyệt vời để các marketer luôn cập nhật kịp thời những thông tin và dữ liệu họ cần biết.

7. HubSpot Research

Miễn phí.

Một nguồn tài nguyên dữ liệu dồi dào khác về kinh doanh và marketing đó là HubSpot Research. HubSpot Research cung cấp những báo cáo, thống kê, biểu đồ và những ý tưởng tư duy đi đầu. Nếu đang cần những thống kê hoặc bảng biểu cụ thể, bạn có thể tìm kiếm dữ liệu theo danh mục hoặc theo cụm từ khóa. Và nếu cần theo dõi những chủ đề cụ thể, bạn có thể đăng ký để HubSpot Research gửi những báo cáo hoặc dữ liệu mới nhất cho bạn qua email.

Những công cụ hỗ trợ trực quan hóa dữ liệu Khi đã có những dữ liệu đáng tin cậy rồi, bạn sẽ cần phải trực quan hóa và trình bày chúng một cách rõ ràng, dễ hiểu để sử dụng. Về bản chất, trực quan hóa dữ liệu là quá trình biến những dữ liệu và thông tin thô trở thành những bảng biểu, sơ đồ, infographic, niên biểu, hay những dạng hình ảnh khác. Những công cụ dưới đây sẽ giúp bạn làm điều đó.

8. Excel

Giá sử dụng bắt đầu từ 8.25$/tháng.

Chắc hẳn Excel sẽ là công cụ đầu tiên và quen thuộc nhất mà ai trong chúng ta cũng nghĩ tới khi cần làm việc với thống kê dữ liệu và các con số. Excel tích hợp vô vàn các tính năng giúp bạn dễ dàng phân tích dữ liệu và biến chúng thành đa dạng những bảng biểu phù hợp. Ban đầu thì Excel sẽ hơi khó sử dụng, vì vậy nên chúng ta mới cả cả tá năm học hành trên trường với nó nhưng khi đã sử dụng thành thạo Excel rồi bạn có thể tự tin thành “thần” khi làm việc với dữ liệu.

9. Infogr.am

Miễn phí sử dụng những tính năng cơ bản. Bản Pro 19$/tháng, bản Doanh nghiệp 67$/tháng, bản Nhóm 119$/tháng.

Infographic là hình thức tuyệt vời để diễn giải dữ liệu nhờ việc mô tả, minh họa chúng bằng những hình ảnh gần gũi, bắt mắt. Nếu không biết nhiều về thiết kế, Infogr.am sẽ là công cụ phù hợp cho bạn. Nó cung cấp những định dạng mẫu phù hợp để tùy biến thông tin trên infographic của bạn. Bạn có thể sử dụng biểu đồ, bản đồ, sơ đồ, hình ảnh và các biểu tượng để trực quan hóa dữ liệu một cách bắt mắt và dễ nuốt hơn.

10 & 11. Adobe Photoshop & Illustrator

19.99$/tháng cho mỗi phần mềm.

Nếu bạn có nhiều kinh nghiệm về mảng trực quan hóa dữ liệu và cả thiết kế thì sẽ biết tới những sản phẩm của Adobe. Đây là hai công cụ nâng cao giúp tạo ra những hình ảnh phức tạp và sáng tạo hơn dựa trên những dữ liệu sẵn có của bạn. Bạn sẽ cần tới hai công cụ này nếu cần tạo ra những infographic dài và nhiều thông tin.

12. Tableau

Dùng cá nhân với 35$/tháng và 70$ một tháng nếu bạn có nhu cầu cao để phục vụ công việc.

Nếu đang tìm kiếm một công cụ trực quan hóa dữ liệu chuyên nghiệp thì Tableau là một lựa chọn trên hết.Tableau kết nối với các công cụ dữ liệu khác như Excel và dễ dàng biến những dữ liệu thô thành hình ảnh đẹp mắt cho bạn. Có điều là Tableau không nên sử dụng nếu lâu lâu bạn mới có nhu cầu trực quan hóa dữ liệu. Đây là một công cụ chuyên nghiệp và đắt đỏ, phù hợp với những doanh nghiệp thường xuyên phải làm việc với khối lượng dữ liệu thô khổng lồ.

13. DataBox

Miễn phí nếu trực quan hóa dữ liệu từ 3 nguồn trở xuống. 59$/tháng cho 10 nguồn trở lên và 299$ từ 50 nguồn trở lên.

Có giảm giá cho các marketing agency. Nếu bạn đang cần trực quan hóa những dữ liệu của performance marketing nhằm báo cáo hoặc thuyết trình với đồng nghiệp, sếp hay khách hàng có thể sử dụng DataBox với rất nhiều mẫu báo cáo phù hợp cho nguồn dữ liệu từ hơn 50 công cụ marketing khác nhau như Google Analytics, HubSpot, Adwords và Facebook ads. Nếu muốn tùy chỉnh báo cáo, bạn có thể sử dụng trình thiết kế báo cáo riêng của DataBox. Chưa kể nếu muốn tác động sâu hơn nữa, bạn có thể trình tạo truy vấn của họ để lọc dữ liệu hoặc kết nối với cơ sở dữ liệu SQL nếu có. Bạn cũng có thể cho phép người khác xem và truy cập dữ liệu của bạn từ nhiều thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh, TV hoặc thậm chí cả Apple Watch.

14. ZingChart

Phí dao động từ 199$ đến 9999$ tùy nhu cầu sử dụng.

Muốn tạo ra những biểu đồ minh họa theo kiểu hoạt ảnh mà không biết bắt đầu từ đâu thì bạn có thể tìm tới ZingChart. ZingChart được xây dựng dựa trên Javascript, cung cấp cho bạn một thư viện đầy đủ các loại bảng biểu, sơ đồ để tạo những hoạt ảnh ấn tượng cho website hay blog của mình.Điểm mạnh của ZingChart là khả năng linh hoạt và thích ứng tuyệt vời của nó, các mẫu thiết kế được đảm bảo hiển thị đẹp mắt trên mọi màn hình.

15. Timeline JS

Miễn phí.

Một hình thức trực quan dữ liệu thường bị bỏ qua đó là dạng timeline. Hình thức này rất thích hợp để hiển thị dữ liệu của bạn và thể hiện sự thay đổi qua các mốc sự kiện và thời gian. Ngoài việc tạo ra những dạng timeline trên các nền tảng thiết kế chuyên nghiệp như Illustrator, bạn có thể sử dụng Timeline JS để tạo ra những dạng timeline dạng slideshow đơn giản để chèn trên website hoặc blog cá nhân.

16 & 17. Google Charts và Google Sheets

Miễn phí.

Nếu bạn đang cần tìm những công cụ cho phép nhúng bảng biểu, sơ đồ lên trang web tương tự như ZingChart thì có thể thử qua Google Charts. Google Charts là một công cụ API cho phép bạn tùy chỉnh tạo ra các biểu đồ để nhúng. Các biểu đồ này có thể là hoạt ảnh nhưng lại có hình thức tương tự với định dạng .png trên Google Sheets. Nếu bạn thích các dạng biểu đồ của Google, nhưng chỉ cần xuất file hình ảnh dưới dạng jpeg hoặc png để đính kèm tài liệu thì có thể sử dụng Google Sheets.

18. Piktochart

Tài khoản miễn phí trọn đời. Có thêm 2 sự lựa chọn 15$/tháng cho phiên bản Lite và 29$ cho bản Pro.

Piktochart tương đối giống với Infogr.am, giúp bạn dễ dàng tạo và tùy chỉnh infographic theo những mẫu sẵn có. Công cụ này thích hợp với những người không biết thiết kế nhưng vẫn muốn tạo ra những infographic đẹp mắt. Nếu bạn có ý định sử dụng một trong hai công cụ nói trên, thì đừng quên là có thể kết hợp cả hai. Như vậy bạn sẽ có nhiều mẫu để lựa chọn hơn, phù hợp cho từng kiểu nội dung khác nhau.

Từ khóa: 

trực quan hóa dữ liệu

,

nghiên cứu thị trường

,

marketing