Trường Luật dạy gì?

  1. Hướng nghiệp

  2. Luật pháp

Mình không phải tác giả của bài viết. Trên Noron chắc hẳn có nhiều bạn đã, đang và có mục tiêu học luật. Vì vậy, mình muốn chia sẻ bài viết của một người bạn thân, người anh, thầy, hiện đang là giảng viên của Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG Tp. HCM.

Hi vọng những sinh viên luật có thể rút ra cho mình một số bài học nào đó để phát triển ngay trong trường luật và không phạm phải nhiều sai lầm như mình.

*bài viết hơi dài, hi vọng các bạn kiên nhẫn. Mình tin chắc sẽ có ích cho các bạn rất nhiều.

Tác giả: Lưu Minh Sang - Trưởng bộ môn Luật Chứng khoán, Khoa Luật - UEL, cựu sinh viên khoá 08.

https://cdn.noron.vn/2021/09/29/25550603911198808-1632896978.jpg

Link: 

Facebook

Ghi chú DÀI dành tặng cho sinh viên luật năm thứ nhất.

---

Để trang bị thêm những góc nhìn cho sinh viên luật năm thứ nhất, tui xin mạo muội viết bức thư dài.

Nội dung bức thư là tất cả những gì tui đã trải qua, đã quan sát, chiêm nghiệm và đúc rút, xin chia sẻ với các bạn tân sinh viên. Điều gì các bạn thấy phù hợp, có thể thử. Điều gì thấy không hợp, xin hoan hỷ bỏ qua.

-

1. Đại học khác biệt hoàn toàn với trung học.

Bốn điểm khác biệt căn bản giữa trường trung học và đại học:

Mục tiêu. Trường trung học trang bị cho người học kiến thức phổ thông, đại học trang bị cho người học năng lực làm việc trong một lĩnh vực ngành nghề mang tính chuyên môn hóa.

Vậy nên, tấm bằng cử nhân chỉ là giá trị tối thiểu mà người học nên hướng đến, mục tiêu thực chất phải là năng lực tìm kiếm và đảm trách được một công việc chuyên môn gắn với ngành nghề đào tạo sau khi ra trường.

Có nhiều cách để có được tấm bằng, do may mắn, do học tủ, do thủ thuật thi cử, do gian lận, do tiêu cực. Nhưng năng lực làm việc thì chỉ có cách duy nhất để thâu đắc và sở hữu, đó là học thật và học đúng.

Tính chịu trách nhiệm. Bước chuyển vào đại học cũng là bước chuyển của người học từ tuổi vị thành niên sang tuổi thành niên. Đủ 18 tuổi, con người ta bắt đầu chịu trách nhiệm cho mọi lựa chọn và hành vi của mình. Vậy nên sự thành bại của 4 năm đại học phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức và hành động của mỗi sinh viên.

Đại học vì thế hay được gọi là “học đại”. Nghĩa là sinh viên có thể tự do lựa chọn phương pháp học tập và quyết định ý thức và rồi tự chịu trách nhiệm.

Phương pháp. Học chủ động và tự học là hai phương pháp phù hợp và bắt buộc đối với học đại học. Nếu chỉ đến lớp nghe giảng, cuối kỳ đi thi và trải qua 4 năm như thế thì chỉ có thể có được tấm bằng, khó có thể đạt được mục tiêu nào khác. Thế nào là học chủ động và tự học thì vui lòng đọc tiếp.

Nội hàm các khái niệm. Tại đại học, các khái niệm gắn với trường học đều có nội hàm rộng lớn hơn nhiều lần so với thời trung học.

Trường – lớp không chỉ giới hạn trong không gian vật lý và khuôn viên nữa, trường là tất cả những nơi sinh viên có thể học: trường học, trường đời, nơi làm thêm, nơi thực tập, các hội thảo, các cuộc thi, câu lạc bộ, đội, nhóm, hoạt động xã hội,…

Trường đại học không chỉ là nơi có các lớp học với các bài giảng của thầy cô. Trường đại học tạo cho người học một môi trường, không gian và điều kiện để tích lũy kiến thức, rèn kỹ năng và tu dưỡng thái độ.

Do đó, học ở đại học, không chỉ học ở trên lớp.

Người Thầy. Thầy cô không còn là “teacher”, họ được gọi là “Lecturer”. Người thầy không còn cầm tay chỉ việc, dìu dắt từng bước đi, giám sát từng hoạt động như thời trung học. Người thầy ở bậc đại học, họ là người truyền cảm hứng, dẫn dắt học trò bằng cách chỉ cho học trò hướng đi, phương pháp để lĩnh hội những kiến thức, kỹ năng từ nền tảng tới chuyên sâu. Thậm chí, người thầy là một đối tác với sinh viên của mình trong các hoạt động nghiên cứu.

Mối quan hệ thầy trò cũng vì vậy mà trở nên bình đẳng hơn, xa cách hơn. Thầy không phải luôn đúng, học trò có quyền nghĩ khác thầy và tranh luận với thầy.

Người Thầy cũng không chỉ là những người đã dạy các môn học trong chương trình đào tạo. Ở đại học, sinh viên cần học nhiều đối tượng khác nhau. Học ở bạn bè cùng nhóm, cùng lớp, cùng trường, trường khác vì mỗi người đều có một năng lực đặc thù. Học ở các anh chị em trong câu lạc bộ, đội, nhóm mà mình là thành viên. Học ở người sếp và đồng nghiệp tại nơi làm thêm hay nơi thực tập. Học bất kỳ ai chia sẻ giá trị mà mình quan tâm ở bất kỳ đâu.

Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Thầy có khắp mọi nơi. Quan trọng là chú tâm quan sát, cầu thị học hỏi.

-

2. Học luật

Trong bộ phim The Paper Chase (Tạm dịch: Chạy theo tấm bằng) – Một bộ phim kinh điển dành cho người học luật – có một đoạn hội thoại rất hay của vị giáo sự luật học Kingsfield, giáo sư nói với sinh viên luật năm đầu như sau: “Tôi là giáo sự luật nhưng tôi không dạy luật. Luật thay đổi theo thời gian, theo không gian, nên các em phải tự dạy luật cho mình. Các em vào đây từ chỗ chưa biết gì, nếu nỗ lực và may mắn tốt nghiệp, điều quý giá nhất mà trường luật đã giúp cho các em đó là có thể tư duy như một luật sư”. (Xem film tại đây:

https://fsharetv.com/.../the-paper-chase-episode-1-tt0070509
).

Đoạn hội thoại này phản ánh chân thật nhất cho người chọn học luật biết họ cần học điều gì ở trường luật.

Học luật không nên và không thể học thuộc lòng. Luật thì nhiều, phức tạp và rối rắm, không ai có thể học thuộc hết và cũng không cần thiết làm điều đó.

Luật thì thay đổi theo thời gian, không gian, việc học thuộc trở nên không có ý nghĩa và đôi khi còn gây hại vì có thể gây lẫn lộn cũ mới, văn bản còn hiệu lực và hết hiệu lực. Nên các kỳ thi trong trường luật, 95% là đề mở. Vậy, để qua được các môn học, không thể chỉ dùng trí nhớ.

Học luật là học nội hàm các khái niệm và nắm vững các nguyên tắc pháp lý. Dù luật có thay đổi thì vẫn đều xoay quanh các nền tảng: nội hàm các khái niệm và các nguyên tắc pháp lý.

Học luật là học tư duy pháp lý – tư duy như một người luật sư (thinking like a lawyer). Theo vị đại Luật sư đáng kính Nguyễn Ngọc Bích, tư duy pháp lý “là cách thức suy nghĩ của luật sư để tìm ra giải pháp tranh chấp phù hợp với luật lệ”.

Một khái niệm khác về tư duy pháp lý chi tiết hơn của PGS. TS Nguyễn Minh Tuấn thì “tư duy pháp lý là phương pháp, cách thức, kỹ thuật tư duy, trong đó không chỉ bao gồm cách nghĩ, mà còn có cả cách thức tiếp cận, cách thức lập luận, phân tích, đánh giá, ra quyết định trong hoạt động thực hiện pháp luật, áp dụng pháp luật”.

Tui thử nói một cách dễ hiểu nhất là: khi đứng trước một vụ việc, một tranh chấp, người có tư duy pháp lý sẽ biết được vấn đề cốt lõi cần giải quyết là gì, áp dụng quy định nào để giải quyết, áp dụng quy định đó như thế nào và kết quả của việc áp dụng là trình bày được giải pháp ứng xử để các bên thực hiện.

Gợi mở: Để hiểu hơn về tư duy pháp lý, sinh viên nên tìm đọc hai quyển sách: (i) Tài ba Luật sự của tác giả LS Nguyễn Ngọc Bích; (ii) Giáo trình tư duy pháp lý của tác giả PGS Nguyễn Minh Tuấn và Nguyễn Hoàng Anh. Tui cho rằng, sinh viên luật nên trang bị hai quyển sách này như hai quyển sách gối đầu nằm.

Học luật không có môn chính môn phụ. Pháp luật luôn mang tính hệ thống. Để giải quyết một vụ việc hay thực hành nghề nghiệp cụ thể gắn với luật đều cần am hiểu tính hệ thống này. Sẽ không có bất kỳ đạo luật nào là chính hay phụ. Chỉ có thể tìm được giải pháp chính xác cho một vấn đề pháp lý khi có được góc nhìn toàn diện các khía cạnh. Vì đại học là trang bị nền tảng nên những môn được thiết kế trong chương trình đều phục vụ cho nền tảng ấy.

Sau khi tốt nghiệp và xác định rõ hướng chuyên sâu, chúng ta có thể đầu tư thời gian, công sức cho lĩnh vực cụ thể để phục vụ cho mục tiêu trở thành một chuyên gia. Nhưng dù chuyên gia trong lĩnh vực cụ thể nào đều cần nắm chắt nền tảng về tính hệ thống của pháp luật.

Học luật không chỉ biết luật. Bên cạnh việc học kiến thức về luật, các bạn sinh viên cần tranh thủ bổ túc thêm các kiến thức xã hội, kinh tế, chính trị,… Ví dụ, nếu muốn trở thành luật sư, cố vấn pháp lý cho doanh nghiệp, bên cạnh tư duy pháp lý buộc phải có kiến thức về kinh tế, tài chính để hiểu được mong muốn thương mại của khách hàng.

Học luật không chỉ để làm luật sư. Có một ngạn ngữ rất hay về học luật: “Học luật có thể đưa chúng ta đến bất kỳ đâu, chỉ cần ta học luật đến nơi đến chốn”.

Thật vậy, cơ hội nghề nghiệp của người học luật dường như là đa dạng nhất, không chỉ có một lựa chọn là làm luật sư như suy nghĩ ám thị của nhiều người, có thể liệt kê sơ bộ như sau: thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên thi hành án, luật sư, bào chữa viên nhân dân, hòa giải viên thương mại, trọng tài viên thương mại, công chứng viên, thừa phát lại, đấu giá viên, làm việc tại bộ phận pháp chế của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, giảng viên luật, nghiên cứu viên pháp luật, làm tư vấn cho các tổ chức phi chính phủ, liên chứng phủ hoặc các tổ chức quốc tế khác liên quan đến pháp luật…

Thậm chí, với tư duy và năng lực thâu đắc được từ 4 năm học luật, người học luật có thể dùng nó làm nền tảng để phát huy năng lực ở bất kỳ ngành nghề có tính chất xã hội nào.

-

3. Bộ ba yêu cầu

Bộ ba yêu cầu đối với học đại học: (i) học để biết; (ii) học để làm việc; (iii) học để chung sống lành mạnh với người khác.

Bộ ba yêu cầu đối với người học luật. Một người học luật cần phải tự trao dồi ba đức tính/khả năng: (i) Biết tìm tòi; (ii) Biết trình bày; (iii) Biết tranh luận.

Biết tìm tòi. Một người hành nghề luật là người phải tìm tòi: tìm vấn đề pháp lý, tìm luật áp dụng, tìm cách áp dụng, tìm giải pháp và tìm phải trái đúng sai.

Luật thì nhiều, phức tạp như một khu rừng. Lắm nội dung không rõ ràng. Không ít vấn đề luật chưa dự liệu được. Công việc của người học luật là phải vận dụng tư duy pháp lý để tìm cho được giải pháp cho vấn đề cần giải quyết trền nền tảng luật pháp.

Học luật thì nên luôn thường trực câu hỏi tại sao? Tại sao? Và tại sao?

Biết trình bày. Phương tiện biểu đạt tư duy là nói và viết. Người học luật luôn được xem là “trội” trong khả năng biểu đạt tư duy. Vậy nên, buộc người học luật phải không ngừng trao dồi, rèn luyện kỹ năng viết và nói.

Trình bày đối với người học luật cần phải ĐÚNG, GỌN, RÕ.

Biết tranh luận. Sự đúng sai phải trái đối với các vấn đề xã hội luôn không rõ ràng và có nhiều quan điểm. Những tranh luận luôn phải diễn ra. Vậy nên, người học luật cần biết cách xây dựng luận điểm, luận cứ, luận chứng để tham gia vào những cuộc tranh luận văn minh nhằm làm sáng tỏ các vấn đề không rõ ràng.

Tranh luận là để làm rõ vấn đề, là để thuyết phục người khác, không phải để thắng cuộc hay thể hiện hiểu biết của bản thân.

Bộ ba yêu cầu để tốt nghiệp cử nhân luật. Chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo luật đều đặt ra ba chuẩn kỹ năng:

(i) kiến thức – tư duy: kiến thức nền tảng và tư duy pháp lý;

(ii) kỹ năng: kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm (ngoại ngữ, khả năng công nghệ, giao tiếp,..);

(iii) thái độ và khả năng học tập suốt đời: tự tin nhưng khiêm nhường, cầu thị nhưng không cầu cạnh, ý thức được việc học tập là suốt đời và có khả năng học tập suốt đời.

Nhiều nghiên cứu thực nghiệm cho thấy: thái độ chiếm 70-75% thành công của một người nói chung.

Bộ ba yêu cầu để có thành tựu trong nghề luật.

Quan sát thực tế, tui nhận thấy, người có thành tựu trong nghề luật đều phải có 3 thứ:

(i) kiến thức – kinh nghiệm;

(ii) đam mê và nỗ lực, kiên trì;

(iii) đạo đức nghề nghiệp.

Và 90% đến từ nỗ lực, chỉ có 10% là may mắn và phần lớn sự may mắn là đến từ nỗ lực.

Nếu bén duyên với luật, hãy tìm cách yêu thích ngành mình đã chọn và sống với cái nghề mà mình yêu. Kiên trì theo đuổi với nỗ lực, chắc chắn sẽ có thành tựu.

-

4. Phương pháp học tập

Học tại lớp. Khác với phổ thông, người học đến lớp để hấp thụ những gì người thầy giảng dạy. Ở đại học, việc học tại lớp chỉ có hiệu quả nếu như người học chủ động. Hàm lượng nội dung trong 2-3 tín chỉ của một môn học là rất ít, chỉ có thể mang tính trang bị nền tảng và hướng dẫn người học tìm tòi và tự học.

- Sinh viên cần chủ động đọc giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo trước khi đến lớp. Đọc với tâm thế tìm tòi và đặt câu hỏi.

- Chủ động đặt câu hỏi với thầy cô ngay trên lớp học và sau giờ học.

- Chủ động tìm kiếm các tài liệu, tình huống được thầy cô giới thiệu, được nhắc trong giáo trình.

- Chủ động thảo luận, tranh luận khi có thể. Chủ động trong làm việc nhóm.

- Đừng trốn học và đừng chỉ mang mỗi cái xác đến trường.

- Chủ động ôn bài, mở rộng kiến thức. Đừng đợi thi mới học, nước tới chân mới nhảy. Xin nhớ, học đại học không chỉ để thi…

Học tại trường. Ngoài không gian lớp học, trường đại học còn có cả hệ sinh thái bổ trợ cho sự phát triển của người học.

- Sinh viên nên làm quen dần sự hiện diện tại Thư viện, tập thói quen đọc sách, tìm hiểu tài liệu và học tại thư viện. Đó là nơi thích hợp nhất để đọc, để học.

- Gia nhập một câu lạc bộ, đội, nhóm về học thuật, kỹ năng hoặc làm cộng tác viên cho một phòng, ban nào đó tại trường. Đó sẽ là “ngôi nhà”. Ở đó có anh, chị khóa trước, có đàn em khóa sau, có sự chỉ dẫn, có cơ hội rèn luyện năng lực làm việc, quán xuyến công việc và đặc biệt là tu dưỡng thái độ cần có để sống chung với người khác.

- Tham gia các cuộc thi học thuật, đạt giải là chính, học hỏi là mười. Mỗi cuộc thi sẽ giúp sinh viên tích lũy thêm giá trị từ “đối thủ”, từ ban tổ chức, từ giám khảo.

- Tìm hiểu, sắp xếp tham gia các tọa đàm, hội thảo về các nội dung chuyên sâu liên quan đến luật.

Học ở đời. Như đã trình bày ở trên, đại học không gói gọn trong không gian của ngôi trường mà sinh viên đang học. Sinh viên cần chủ động học từ thực tiễn cuộc sống.

- Học từ việc tham gia mùa hè xanh, xuân tình nguyện, các hoạt động thiện nguyện, hoạt động xã hội khác: giúp sinh viên mở rộng thế giới quan, nuôi dưỡng sự lương thiện, tinh thần sẻ chia và thấu cảm.

- Học từ chỗ làm thêm: nếu cần tiền hoặc có thể sắp xếp thời gian, sinh viên năm nhất, năm hai có thể tìm nơi làm thêm. Vừa có thêm thu nhập, vừa học hỏi từ đời sống.

Tự kiếm tiền sẽ biết quý trọng đồng tiền. Đi làm thuê sẽ học cách làm việc với giới chủ, với khách hàng. Sự va chạm với công việc sẽ hiểu hơn về cuộc sống bên ngoài giảng đường, sau khi ra trường sẽ thích nghi dễ dàng hơn.

Nhưng lưu ý kỹ, có rất nhiều cạm bẫy chờ những bạn sinh viên còn “lơ ngơ”, sinh viên cần tìm hiểu kỹ, tham vấn gia đình, thầy cô, anh chị đi trước về nơi dự định làm.

- Học từ việc thực tập: Kể từ học kỳ 5, sinh viên hãy lên kế hoạch tìm kiếm một tổ chức hành nghề luật để thực tập (có thể có lương hoặc không). Mục tiêu chính là để trải nghiệm thực tế, hiểu hơn về nghề nghiệp cũng như thực hành kiến thức đã học. Nếu được, cũng có thể trải nghiệm nhiều môi trường để tìm được nghề, môi trường phù hợp với bản thân. Khoảng thời gian thực tập này sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc ứng tuyển việc làm vào cuối năm tư hoặc sau khi tốt nghiệp. HÃY ĐI THỰC TẬP, CHẬM NHẤT LÀ NĂM BA.

- Học từ các hội thảo, tọa đàm của các tổ chức hành nghề luật, trung tâm trọng tài, trung tâm hòa giải,…: Đến đó để lắng nghe các chuyên gia trình bày, trao đổi. Vừa học kiến thức, vừa học tác phong. Biết đâu sẽ gặp được “người thầy” nghề nghiệp đầu đời, biết đâu bén duyên nghề nghiệp từ đây.

- Học tại các phiên tòa. Hãy sắp xếp dự các phiên tòa tại các tòa án. Sinh viên có thể lên tòa xem lịch xét xử các vụ án và dự các phiên tòa công khai mà mình quan tâm. Qua đó, học được những vấn đề pháp lý từ vụ án; thực tế của trình tự, thủ tục; hoạt động thực tế của thẩm phán, luật sư, các chủ thể khác;...

Học trên mạng. Internet là một ngôi trường khổng lồ có thể chứa đựng tất cả người học. Sinh viên cần khai thác tối đa tri thức ở môi trường này.

- Trao dồi, thực hành kỹ năng tìm kiếm văn bản quy phạm pháp luật. Các trang web có thể tìm kiếm rất đa dạng, bao gồm:

(1) Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật của TW: 

http://vbpl.vn
; (2) Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật của Chính phủ: 
http://vanban.chinhphu.vn
; (3) Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật của Bộ Tư pháp: 
http://www.moj.gov.vn
; (4) Cơ sở dữ liệu luật Việt Nam của VP Quốc Hội: Website: 
http://www.vietlaw.gov.vn
; (5) Cơ sở dữ liệu thu phí: 
https://thuvienphapluat.vn
www.luatvn.net
www.luatvietnam.vn
http://www.vietnamlaws.com/home.aspx

- Tìm kiếm, đọc và học từ các án lệ, bản án. Sinh viên có thể tìm thấy hơn nửa triệu bản án ở mọi lĩnh vực tại đây: 

https://congbobanan.toaan.gov.vn
http://anle.toaan.gov.vn
https://caselaw.vn

- Theo dõi diễn biến thời sự liên quan đến thực tiễn pháp lý, các vụ án tại các trang báo như Thời bao kinh tế Sài Gòn, Pháp luật TP.HCM, Tạp chí luật sư, Pháp lý,…

- Tìm kiếm và học từ các bài nghiên cứu ở các tạp chí chuyên ngành luật. Hiện tại có khoản 40 tạp chí chuyên ngành luật uy tín trong nước, mỗi tạp chí đều có trang web, sinh viên có thể dễ dàng tìm kiếm các bài viết liên quan đến chủ đề mình đang học và đang nghiên cứu.

Sau đây là 20 tạp chí mà tui hay vào tìm kiếm dữ liệu nghiên cứu:

(1) Tạp chí Nhà nước và pháp luật, Viện Nhà nước và Pháp luật 

http://isl.vass.gov.vn/
; (2) Tạp chí Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội 
http://tapchi.hlu.edu.vn/
; (3) Tạp chí Cộng sản, Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam 
www.tapchicongsan.org.vn
; (4) Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam, Trường Đại học Luật TP.HCM 
http://tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/
; (5) Tạp chí khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội 
https://js.vnu.edu.vn/
; (6) Tạp chí Nhân lực khoa học xã hội, Học viện KHXH, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Namhttps://gass.edu.vn/tapchi/; (7) Tạp chí khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam 
http://tapchikhxh.vass.gov.vn/
; ( Tạp chí pháp luật và phát triển, Hội luật gia Việt Nam 
http://phapluatphattrien.vn/
; (9) Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ phòng quốc hội 
www.lapphap.vn
; (10) Tạp chí Tòa án, Tòa án nhân dân tối cao 
https://tapchitoaan.vn/
; (11) Tạp chí Kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao 
https://kiemsat.vn/
; (12) Tạp chí Dân chủ và pháp luật, Bộ Tư pháp 
https://tcdcpl.moj.gov.vn
; (13) Tạp chí Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 
www.tapchinganhang.com.vn
; (14) Tạp chí Quản lý Nhà nước, Học viện Hành chính Quốc gia 
www.quanlynhanuoc.vn
; (15) Tạp chí Tài chính, Bộ Tài Chính 
http://tapchitaichinh.vn/
; (16) Tạp chí Công thương, Bộ Công Thương 
www.tapchicongthuong.vn
; (17) Tạp chí Thuế Nhà nước, Tổng cục Thuế 
http://tapchithue.com.vn/
; (18) Tạp chí Khoa học Kiểm sát, Đại học Kiểm sát 
https://kiemsat.vn/an-pham
; (19) Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn, Trường ĐH Luật – ĐH Huế; (20) Tạp chí của UEL: 
http://stdjelm.scienceandtechnology.com.vn/index.php/stdjelm
; (21) 
https://thongtinphapluatdansu.edu.vn

- Học từ các mạng xã hội: mạng xã hội rất hữu ích nếu như biết tận dụng những tri thức mà cộng đồng chia sẻ.

(1) Sinh viên cần follow các luật sư, giảng viên, chuyên gia thường xuyên có những chia sẻ hay trên mạng xã hội facebook, LinkedIn, 

https://www.researchgate.net
Academia.edu.
Thông qua đó, sinh viên sẽ học được hằng ngày những kinh nghiệm thực tiễn hoặc nghiên cứu chuyên sâu.

(2) Tham gia vào các Group chuyên về học thuật dành cho luật sư và các nghề luật khác trên mạng xã hội để quan sát và học hỏi từ những người đi trước.

-

5. Ba lô vào đời

Trong thời đại hội nhập cùng với sự phát triển của công nghệ. Ngoại ngữ và kỹ năng công nghệ trở thành chiếc ba lô giúp sinh viên dễ dàng hơn đối với việc tiến bước vào đời.

Ngoại ngữ. Không cần nói nhiều, buộc phải học và buộc phải dùng được tiếng Anh để làm việc. Đối với sinh viên luật thì phải học thêm tiếng anh pháp lý. Hai kỹ năng quan trọng nhất phải thành thạo là đọc và viết.

Có thể tự học và tìm kiếm các trung tâm để học, khuyến khích tự học. Gợi mở: Cách học tiếng anh pháp lý tốt nhất là (i) tìm kiếm một môi trường thực tập làm việc bằng tiếng anh, hoặc (ii) phải chủ động tìm tòi đọc, học nhiều tài liệu chuyên ngành bằng tiếng anh, hợp đồng bằng tiếng anh, văn bản luật bằng tiếng anh.

Tiếng Anh không còn là lợi thế nữa trong bối cảnh hiện nay, đó chỉ còn là điều kiện căn bản tất yếu phải có. Hiện tại, số lượng người trẻ biết 2-3 thứ tiếng đã bắt đầu phổ biến. Vậy nên, tranh thủ thúc đẩy kế hoạch bổ túc tiếng Anh, nếu được nên tiếp tục lựa chọn một ngoại ngữ thứ 2 để học.

Kỹ năng công nghệ. Cách đây 5-10 năm, yêu cầu về công nghệ đối với nghề luật chỉ đơn thuần là thành thạo tin học văn phòng. Điều này không thay đổi, chỉ có điều tin học văn phòng giờ chỉ là yêu cầu tối thiểu. Sinh viên luật cần chủ động nắm vững các thao tác, thủ thuật tìm kiếm. Nếu có định hướng làm luật sư chuyên về cách lĩnh vực như thương mại điện tử, fintech, kinh tế số, big data, start-up công nghệ thì cần phải dành thời gian tìm hiểu căn bản về công nghệ liên quan.

-

6. Năng lực tích cực và sự lạc quan

Phát triển cân bằng. Thân cường, tâm an, trí sáng là ba trụ cột của một người thành công và hạnh phúc. Hãy quan tâm đến cả ba.

- Thiết lập thói quen sống tốt, ăn ngủ đúng giờ, đủ chất.

- Dành thời gian cho thể dục, thể thao, thể hình.

- Dành thời gian chăm sóc tâm hồn một cách lành mạnh: thiện nguyện, du lịch, trải nghiệm, leo núi,…

- Quan tâm đến nội tâm và kết nối với chính mình.

- Giữ gìn và chăm sóc ngoại hình: sạch sẽ, thơm tho, tươm tất. Tướng do tâm sinh, giữ tâm lương thiện, tinh thần lạc quan tự dưng sẽ duyên và có ngoại hình đầy thiện cảm.

Ngừng than thở, chỉ trích, phán xét. Sứ mệnh của người làm nghề luật là đi giải quyết những vấn đề rắc rối cho người khác. Người giải quyết rắc rối không thể có tư duy u ám và tiêu cực được vì chỉ có thể làm cho mọi việc trở nên rối loạn thêm.

Vậy nên, để có thể sống điềm tĩnh, an vui với nghề và tốt cho khách hàng, xin hãy tu dưỡng tính tình. Trước mọi vấn đề cần suy xét thiệt hơn, nhìn nhiều góc độ để thôi than thở, bớt chỉ trích và không phán xét. Thận trọng khi bày tỏ, suy xét khi biểu đạt.

Tỏa ra năng lượng tần số nào sẽ thu hút năng lượng tần số đó. Muốn có một cuộc đời hanh thông thì hãy bắt đầu từ những suy nghĩ tích cực và lạc quan.

Gíải trí. Để củng cố thêm niềm cảm hứng về nghề luật, hãy tìm xem các bô phim kinh điển về nghề, vừa giải trí vừa bổ ích. Gợi mở: trọn bộ Suit, trọn bộ các phần của Bằng Chứng Thép, 9 bộ phim kinh điển khác: xem 

https://nhanlucnganhluat.vn/.../9-bo-phim-truyen-cam-hung...

Chúc tất cả các bạn tân sinh viên có những trải nghiệm thú vị ở trường luật.

THẤT BẠI TRONG VIỆC CHUẨN BỊ LÀ CHUẨN BỊ CHO THẤT BẠI... Chúc thành công

Từ khóa: 

hướng nghiệp

,

luật pháp

Em cũng đang là 1 sinh viên Luật, cảm ơn bài viết của anh rất nhiều ạ. Học Luật khó nhưng rất thú vị, hy vọng sẽ theo đuổi được nó đến cùng

Trả lời

Em cũng đang là 1 sinh viên Luật, cảm ơn bài viết của anh rất nhiều ạ. Học Luật khó nhưng rất thú vị, hy vọng sẽ theo đuổi được nó đến cùng

Lâu lâu mới thấy Ninh.

Mình không phải sinh viên Luật nhưng rất ngưỡng mộ các bạn học Luật vì mình nghĩ học Luật cần phải có tư duy logic cực cao và khả năng tự học tốt vì đây là một chuyên ngành khá khó để theo đuổi

Bài viết dài mà hay quá, cực kỳ hữu ích ạ. Cảm ơn anh rất nhiều vì đã chia sẻ, em sẽ chia sẻ rộng hơn với bạn bè ạ.

Từng có ước mơ vào luật mà không thành. Chúc các bạn trẻ thành công và giữ vững đạo đức nghề nghiệp nhé. Cám ơn tác giả vì bài viết chân thực.