Xây dựng và cuộc đời?

  1. Khoa học

1. Gió.

Các tòa nhà thấp, thường không phải tính toán tải trọng ngang. Tòa nhà càng cao, thì mới phải tính tải trọng gió. Nhà càng cao, sức gió càng mạnh. Cũng như cuộc đời này, lên cao thì gió lớn. Cái giá của vị trí cao, chính là gió mạnh. Nên nếu ở trên cao thì tính toán chống lại gió, chứ đừng than vãn. Nếu xác định muốn an nhàn, thì đừng tham vọng.

Thứ chống lại tải trọng ngang, chính là lõi cứng. Như cơ thể con người, cứng thì không sợ bị bạt ngang.

2. Móng

Móng có chắc chắn thì nhà mới đứng được. Nhà đẹp cỡ nào mà móng yếu thì cũng hỏng sớm. Công trình quan trọng nhất là móng, và công trình lỗ và khổ cũng ở phần móng. Cũng như bạn, học tập luôn là khổ nhục nhất. Học cũng không kiếm ra tiền. Nhưng khi bạn học xong, cũng là lúc móng vững, ấy là lúc bạn làm hoàn thiện. Chỉ ở hoàn thiện, thì mới lời.

Con người cũng như cái nhà. Quan trọng ở cái nền tảng tạo dựng. Cái gốc mà vững thì phát triển sẽ tốt và làm gì cũng dễ. Facebook khiến nhiều kẻ yếu đuối hay kêu khổ, và thích hỏi bí quyết.

3. Kiến trúc

Tòa nhà đẹp hay xấu, cứ nhìn vào kiến trúc. Nhưng có những tòa nhà xấu, mà nội thất đẹp. Ngược lại, có tòa nhà đẹp, mà bên trong không có gì. Oái ăm thay, nội thất mới là thứ quyết định gia chủ giàu hay nghèo. Cuộc đời cũng vậy, một Lâm Bình Chi bề ngoài tuấn tú mà bên trong rách nát thập phần, thì ngồi ngựa chạy ngàn dặm cũng không đuổi kịp gã lãng tử vô hạnh ham rượu Lệnh Hồ Xung - anh hùng hơn vạn kẻ anh hùng.

4. Tường chịu lực và thép.

Thuở chưa sinh ra thép, tường chịu lực. Với tường chịu lực, ngôi nhà sẽ chịu tải đến tầng thứ 15. Sau tầng 15, tường chịu lực là trò cười của xã hội với bề dày vài mét ngang hệt tường lô cốt chống bom và chiếm diện tích sử dụng. Nhưng khi có thép thì nhà vươn cao thành chọc trời. Khi nhà chọc trời, lại sinh ra vấn đề về di chuyển, và thang máy được sinh ra.

"Trường Giang sóng sau xô sóng trước", không thay đổi là đứng im, không cao lên được nữa.

5. Động đất

Ở Nhật Bản có một ngôi chùa tên là Chureito, nhìn thẳng ra ngọn núi Phú Sĩ. Trên ngôi chùa có một cái trục nhô cao hơn hẳn, với những cái chén xung quanh. Chúng không phải tự nhiên sinh ra. Đấy là sản phẩm trí tuệ của tổ tiên nước Nhật nhằm đối phó với động đất.

Khi động đất xảy ra, các cấu trúc của ngôi chùa sẽ rung lắc, khi thì bên trái, khi thì bên phải. Người Nhật đã tạo nên một thanh trụ gỗ xuyên từ dưới móng lên đến mái. Thanh gỗ này chỉ gắn với cái tầng trên cùng, còn lại 4 tầng dưới đều không liên kết. Lúc có động đất, các tầng ngôi chùa nghiêng rung, lập tức bị thanh trục đó giữ lại. 4 tầng dưới không gắn vào trục, chỉ có tầng trên gắn, tất cả tạo nên sự cân bằng lực.

Ngôi chùa đó đối phó với động đất theo kiểu "nương theo gió". Cũng như con người đối phó với các mối quan hệ. Cũng phải biết nhu biết cương thì dễ thành công hơn.

6. Đại tướng

Chơi cờ, chơi bài, xây dựng. Kẻ chỉ huy thực ra như đại tướng ra trận. Phải biết khi nào "tướng ngoài mặt trận có thể không nghe lệnh vua", khi nào "một cơn giận yên thiên hạ". Điều quân xây dựng như điều lính đánh trận. Mai phục nơi nào có lời, tăng quân khi nào hợp lý. Đều là nghệ thuật cả. Đáng tiếc, kẻ làm xây dựng cứ nghĩ chỉ cần đọc "Bê tông cốt thép 1" là đủ. Bạn nên đọc thêm Tam Quốc hoặc giỏi chơi cờ tướng.

7. Khối lượng

Sinh viên xây dựng mới ra trường, ngạo nghễ tự hào về chuyên môn, nhưng thứ đầu tiên họ đối mặt hóa ra là khối lượng. Người chủ cũng chỉ quan tâm khối lượng, cưng đứa bóc và kiểm tra khối lượng cho mình, vì sao? Đó là thứ sinh ra tiền.

Cuộc sống này, được quyết định bởi tiền.

8. Công trình nhà nước và công trình tư nhân

Công trình nhà nước dùng vốn ngân sách. Công trình tư nhân dùng vốn tự có. Công trình tư nhân xiết chặt về chất lượng, hạn chế phát sinh, vì đó là tiền mồ hôi nước mắt. Công trình nhà nước xiết chặt về giấy tờ, tăng phát sinh vì đó là chỗ để họ lấy ra.

Cuộc sống này cũng vậy, cái gì của mình thì quý, không phải của mình thì dễ xảy ra chuyện "cha chung không ai khóc".

//

Một năm qua, dồn tâm huyết cho xây dựng, hiểu ra mọi thứ trên đời đều chảy về một chân lý.

(31.05.2019)

Dũng phan

Từ khóa: 

khoa học

Bài viết hay và ý nghĩa. Cảm ơn tác giả ạ

Trả lời

Bài viết hay và ý nghĩa. Cảm ơn tác giả ạ

Bài viết hay, thú vị!