Bạo lực học đường: Trách nhiệm không của riêng ai

  1. Giáo dục

  2. Xã hội

Bắt nạt và bạo lực học đường từ bao lâu nay đã là vấn đề gây nhức nhối của ngành giáo dục và trở thành nỗi trăn trở của toàn xã hội. Câu chuyện học đường này đã không còn mới nữa, nhưng tại sao vẫn gây ra tranh cãi ?

Vấn đề muôn thuở

Bạo lực học đường là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nói hoài đến phát chán, nhưng không nói thì không được. Năm nào, quý nào, tháng nào, địa phương nào cũng cũng có xảy ra bạo lực học đường. Mặc dù nỗ lực ngăn chặn bạo lực học đường của cơ quan đầu não ngành giáo dục khá quyết liệt. Thế nhưng, tình trạng bạo lực học đường nhiều năm nay không có chiều hướng giảm bớt mà vẫn tiếp tục gia tăng.

https://cdn.noron.vn/2022/06/03/781822555712403508-1654265296.png
Nguồn: Internet

Theo số liệu được Bộ Giáo dục và đào tạo (GD- ĐT) đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh (HS) thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 HS thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. Đáng lo ngại hơn, theo thống kê của Bộ Công An mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước kia: tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Bây giờ giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30 (độ tuổi từ 14 đến dưới 18 chiếm đến 17%). Những số liệu đó thực sự trở thành hồi chuông cảnh báo cho các gia đình, nhà trường và xã hội, cần quan tâm và có biện pháp thích hợp để đẩy lùi vấn nạn này.

Hiểu rõ về bạo lực học đường

Mọi người đều thầm hiểu rằng, bạo lực học đường chính là vấn nạn cần được lên án, chấn chỉnh ngay lúc này. Vậy bản thân bạn, các bậc phụ huynh hay chính các em học sinh đã có những hiểu biết đúng về vấn đề này hay chưa ?

Khái niệm

Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học.

Bạo lực học đường bao gồm các hành vi bạo lực về thể chất, gồm đánh nhau giữa các học sinh hoặc các hình phạt thể chất của nhà trường; bạo lực tinh thần, bao gồm cả việc tấn công bằng lời nói; bạo lực tình dục, bao gồm hiếp dâm và quấy rối tình dục; các dạng bắt nạt bạn học; và mang vũ khí đến trường.

https://cdn.noron.vn/2022/06/03/79801432915300104-1654265893.png
Nguồn: Internet

Nguyên nhân

Nguyên nhân bạo lực học đường là do gia đình, nhà trường, xã hội chưa chú trọng giáo dục cách ứng xử, kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh.

Nhiều người lớn không làm gương cho trẻ, dùng bạo lực trong giải quyết mâu thuẫn, trong đó có cả thầy cô giáo, những người được xem là “khuôn vàng thước ngọc” cho học sinh.

Một số phụ huynh lại tán đồng, “khuyến khích” con em mình đánh trả khi bị bạn bắt nạt. Điều đó làm cho bạo lực học đường có nguy cơ bùng phát, lan rộng thêm.

Sự thờ ơ, vô cảm của một bộ phận học sinh, chúng tung hô, reo hò, “cỗ vũ”, kích động khi thấy đám bạn đánh nhau, rồi dùng điện thoại quay để đăng facebook, youtube như một thú vui, một cách “câu Like” trên mạng xã hội.

https://cdn.noron.vn/2022/06/03/781822555712403511-1654265528.png
Nguồn: Internet

Các dạng bạo lực học đường có thể xảy ra

Đừng lầm tưởng bạo lực học đường sẽ chấm dứt khi xã hội phát triển văn minh hơn. Các hình thức của bạo lực học đường cũng sẽ biến đổi theo những phát triển của xã hội như bắt nạn trên không gian mạng, bạo lực về tinh thần bằng các hành động, lời nói thao túng tâm lý nạn nhân…

https://cdn.noron.vn/2022/06/03/781822555712403510-1654265390.png
Nguồn: Internet

HIện nay vẫn còn sự hiểu lầm rằng chỉ những hành vi như xích mích bạo lực thân thể như đánh, đấm, tát để lại vết thương trên cơ thể hoặc la mắng, chửi rủa nhau trong phạm vi trường học mới được xem là bạo lực học đường. Nhưng thực chất, những lời kêu gọi tẩy chay bạn bè, hùa nhau nói xấu bạn trên mạng xã hội, lan truyền thông tin sai lệch, và lặp lại những hành vi tương tự trong một khoảng thời gian dài, cũng chính là hành vi bạo lực học đường.

Việc nhận dạng được các loại bạo lực học đường sẽ giúp cha mẹ và thầy cô dễ nhận ra các dấu hiệu nếu trẻ bị bắt nạt hoặc đang bắt nạt bạn khác. Đây là một bước quan trọng trong quá trình ngăn chặn sự tồn tại và phát triển của bạo lực học đường. Về cơ bản, bạo lực học đường có thể chia làm các loại: bạo lực lời nói, bạo lực thân thể, bạo lực xã hội, bạo lực trên môi trường mạng.

Trách nhiệm thuộc về ai ?

Chịu khó lướt mạng xã hội mấy ngày nay, chắc hẳn bạn cũng đã biết đến vụ việc bạo lực học đường ở trường quốc tế gây chú ý dư luận. Chưa bàn đến đúng sai của những người tham gia thì cách giải quyết vấn đề của nhà trường và phụ huynh cũng gây ra rất nhiều tranh cãi.

Bạo lực học đường là vấn đề có thể xảy ra ở bất kỳ đâu với bất kỳ trường học nào, ngay cả ở trường quốc tế. Tuy nhiên, sự việc sẽ chẳng ồn ào nhiều nếu như nhà trường và phụ huynh có tiếng nói chung và cùng nhau ngồi lại để bàn bạc hướng giải quyết vấn đề.

https://cdn.noron.vn/2022/06/03/7252226169521785-1654265443.jpg

Theo ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Thủ Đức, TPHCM, đơn vị này đã nhận được báo cáo của Trường ISHCMC-AA liên quan đến vụ việc học sinh đánh nhau hôm 26.5 vừa qua. Theo ông Nguyên trong báo cáo của mình, ISHCMC-AA đã thừa nhận chưa xử lý khéo léo vụ việc với phụ huynh.

Chính vì thế, người lớn, đặc biệt là nhà trường cần có buổi gặp gỡ, tìm hiểu xác minh nội dung, nguyên nhân. Lúc này vai trò của nhà trường vô cùng quan trọng khi hoà giải, gắn kết giữa phụ huynh và học sinh.

Về phía phụ huynh, Viện trưởng Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục cho rằng, khi để bức xúc lên cao thì phụ huynh cả hai phía cũng chưa xử lý thật sự khéo léo, chưa ổn thỏa trong hành vi ứng xử với nhà trường.

“Nếu muốn con em mình tốt hơn thì đầu tiên chúng ta cũng phải thay đổi hành vi và cách xưng hô của mình. Biết rằng khi chúng ta bức xúc một vấn đề nào đó thì thường sẽ làm ầm lên thì vấn đề này mới được giải quyết, kéo dư luận xã hội vào câu chuyện này. Tuy nhiên, đó là suy nghĩ không gây hiệu ứng tích cực cho cộng đồng cũng như tạo sự lan toả cho con em mình”, ThS.BS Phạm Văn Giào - Viện trưởng Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục (IAPE) phân tích.

Từ vụ việc vừa rồi, có thể khẳng định trách nhiệm to lớn của gia đình và nhà trường trong việc xử lý và phòng chống bạo lực học đường. Hạn chế bạo lực học đường không thể phó thác hoàn toàn cho nhà trường hay đổ trách nhiệm xuống gia đình. Đó phải là sự kết hợp giáo dục từ hai phía. Cha mẹ luôn phải là tấm gương cho các con học tập.

https://cdn.noron.vn/2022/06/03/7252226169521788-1654265817.jpg

Những biện pháp giúp giải quyết vấn đề như: nâng cao tư duy phản biện cho học sinh, nâng cao giá trị tự trọng cho học sinh để hạn chế hành vi bạo lực, tổ chức cho cha mẹ học sinh cùng tham gia các chương trình giáo dục kỹ năng giúp trẻ phòng vệ, tổ chức các chương trình can thiệp tập trung cho các nhóm học sinh có nguy cơ cao sử dụng bạo lực...đều cần sự tham gia, hỗ trợ lẫn nhau từ hai phía

Từ khóa: 

bao_luc

,

hoc_duong

,

giáo dục

,

xã hội