(Bình sách) Có phải Thành Cát Tư Hãn là người đã thúc đẩy toàn cầu hóa?

  1. Sách

“Toàn cầu hóa” từng là một câu thần chú tuyệt vời làm thay đổi thế giới, thậm chí hiệu

nghiệm hơn cả phép gọi thần hộ mệnh (expecto patronum) tối thượng của Harry Potter. Trong phát biểu kết thúc nhiệm kỳ năm 2001, Tổng thống Bill Clinton khẳng định trước toàn thế giới rằng: “nền kinh tế toàn cầu đang mang lại nhiều cơ hội hơn cho đất nước chúng ta và hàng tỷ người khác trên khắp thế giới. Đó là cơ hội việc làm, cơ hội cải thiện mức sống và địa vị xã hội cho mọi nhà.” Một năm sau, thủ tướng Anh Tony Blair còn phát biểu với tinh thần sôi nổi hơn: “Cái mà thế giới nghèo đói cần không phải là ngăn chặn toàn cầu hóa mà phải thúc đẩy toàn cầu hóa hơn nữa. Nỗi bất công họ phải chịu không phải do toàn cầu hóa mà vì họ không tiếp cận được thành quả của toàn cầu hóa.”


Tuy nhiên phép thuật của toàn cầu hóa đã nhanh chóng biến mất sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Hiện giờ Donald Trump đang tạo ra một loại chủ nghĩa bảo hộ mới: 15% thuế đối với các công việc thuê ngoài, 20% thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, không còn giao dịch thương mại quốc tế, bởi "họ đang lấy hết việc làm của người Mỹ!" Và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders tự hào tuyên bố: “Tôi đã bỏ phiếu chống Hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Hiệp định mậu dịch tự do Trung Mỹ (CAFTA) và Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Trung Quốc ... một thảm họa cho người lao động Mỹ. ... Nước Mỹ chúng ta đã mất hàng triệu việc làm có thu nhập tốt.” Bóng ma chống toàn cầu hóa đang ám ảnh thế giới, trải từ tây sang đông bán cầu: Nhà chính trị Pháp theo chủ nghĩa dân tộc Marine Le Pen căm ghét "trào lưu chính thống Hồi giáo [và] toàn cầu hóa, vốn chỉ là một dạng của chủ nghĩa độc tài", trong khi lãnh đạo đảng Lao động Anh Jeremy Corbyn chống lại "các chủ ngân hàng và tập đoàn đa quốc gia tham lam”


Jeffery E. Garten xuất bản cuốn sách "

From Silk to Silicon
" (“Từ tơ lụa đến silicon”) vào thời điểm làn sóng chủ nghĩa dân túy đang dâng cao như thể không gì ngăn cản nổi, được cổ vũ bởi các nhà kinh tế như nhà kinh tế đạt giải Nobel Joseph Stiglitz, tác giả sách bán chạy nhất ở Pháp Thomas Piketty và nhà làm phim đoạt giải Oscar Michael Moore. Garten chỉ ra “phát triển thương mại có thể dẫn đến tăng trưởng kinh tế hơn ... nhưng đồng thời cũng hủy hoại các công việc hiện có.” Mặc dù vậy, niềm tin của Garten vào toàn cầu hóa không hề thay đổi, vì "câu chuyện toàn cầu hóa cũng chính là câu chuyện về lịch sử loài người". Nguyên là Viện trưởng Học viện Quản lý tại Đại học Yale, Garten chứng minh quan điểm của mình bằng việc phác họa cuộc sống của 10 người thúc đẩy toàn cầu hóa trong lịch sử: từ Thành Cát Tư Hãn ở thế kỷ 12 đến Andrew Grove -- giám đốc điều hành Intel, từ Hoàng tử Henry -- nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha sinh năm 1394 đến Cyrus Field -- nhà tư bản tài chính anh hùng mong muốn kết nối châu Mỹ với châu Âu bằng cáp điện báo xuyên đại dương vào thế kỷ 19. Có điều gì chung giữa một chiến binh Mông Cổ với một doanh nhân sống sót sau vụ thảm sát người Do Thái, một hoàng tử buôn bán nô lệ với một người tiên phong trong ngành điện báo? Theo Garten, họ đều là các anh hùng trong “câu chuyện toàn cầu hóa”, một quá trình độc đáo từ “đi bộ, phi ngựa (Thành Cát Tư Hãn), tàu biển (Hoàng tử Henry), điện báo (Cyrus Field)” cho đến “công nghệ thông tin” của Grove – công nghệ làm nền móng cho quá trình toàn cầu hóa ngày nay.


Cuốn sách chứa đầy các tình tiết sinh động, miêu tả cách thương mại làm thay đổi thế giới thời trung cổ, khi “các kinh đô thương mại như Genova, Baghdad và Samarkand tạo ra một tầng lớp thương nhân mạo hiểm ... truyền bá những thành tựu về công nghệ và nghệ thuật, từ đồ gốm thời Tống ở Trung Quốc đến đồ nội thất mạ vàng và bạc của Ba Tư.” Những giai thoại thú vị đôi khi ẩn chứa những triết lý khôn ngoan. Jean Monnet, người khai sinh Liên minh châu Âu, bắt đầu sự nghiệp với công việc kinh doanh rượu cognac của gia đình. Ông luôn khẳng định "tính kiên nhẫn" là một đức tính cao quý của các nhà ngoại giao, “mà để có đức tính này, rượu cognac -- bản thân nó là kết tinh của thời gian -- là chất liệu tuyệt vời.” Grove đã lớn tiếng với một đồng nghiệp đang bị quá tải bởi các vấn đề trong công việc: “Không có vấn đề nào lớn hơn vấn đề nào. Tất cả chỉ là vấn đề mà thôi.”


Vấn đề được nêu trong cuốn “Từ tơ lụa đến silicon” là giả định của Garten rằng: toàn cầu hóa chính là bản chất của lịch sử, chứ không chỉ là giai đoạn hỗn loạn trước khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Garten viết: những người tùy tùng của Hoàng tử Henry “không chỉ đổi khăn trải giường lấy nô lệ ... Họ săn lùng đàn ông, phụ nữ và trẻ em ... và vận chuyển họ trong những điều kiện vô nhân đạo.” Thành Cát Tư Hãn “nấu chín kẻ thù trong vạc dầu và lấy sọ của họ làm cốc uống mạ bạc” trong khi Thiếu tướng Robert Clive, một lính đánh thuê người Anh của Công ty Đông Ấn trong thế kỷ 18, bị cáo buộc là “đánh bom một trại dân thường của Pháp ... hoặc bắn vào binh sĩ Pháp khi họ đã giơ cờ trắng đầu hàng." Đây là những nhân vật tham vọng và tàn nhẫn chỉ nhắm tới mục tiêu quyền lực thuần túy, không hề biết tới những lý tưởng cao cả và lợi ích cụ thể của phong trào quốc tế mà chúng ta gọi là toàn cầu hóa, cùng với nó là quá trình xây dựng đồng thuận chậm chạp dựa trên thiện chí chính trị, đàm phán thương mại kéo dài kiểu Doha, các tập đoàn đa quốc gia với lợi nhuận đáng ngờ, các tổ chức phi chính phủ rao giảng về sự bất bình đẳng lan tràn. Theo nhà kinh tế Xavier Sala-i-Martin của Đại học Columbia: tỷ lệ nghèo đói đã giảm 80% và phúc lợi toàn cầu đã tăng trong khoảng từ 128% đến 145% trong vòng chưa đầy 50 năm nhờ toàn cầu hóa, mặc cho những người ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ hô hào phản đối trong chiến dịch tranh cử tổng thống.


Tuy nhiên, có lẽ hơi phấn khích, Garten dường như đánh đồng chủ nghĩa đế quốc với toàn cầu hóa, cho dù toàn cầu hóa chưa bao giờ có ý định thúc đẩy tăng trưởng ồ ạt qua việc khai thác thuộc địa và thâu tóm quyền lực chính trị đầy tàn nhẫn như chủ nghĩa đế quốc. Danh sách các nhân vật của ông hết sức thú vị nhưng được chọn một cách ngẫu nhiên; ví dụ, Alexander Đại Đế và Napoleon ngoài việc đem quân đội và hàng hóa đã đem theo văn hóa, luật pháp và truyền thống, đáng được đề cập nhưng lại không xuất hiện trong những trang sách này. Garten đã đúng khi ca ngợi Margaret Thatcher nhưng lại không đề cập Henry Kissinger và Richard Nixon -- những người kiên định ủng hộ toàn cầu hóa, khởi đầu bằng chuyến đi lịch sử tới Trung Quốc.


Cuối mỗi chương đều có lập luận chính, khi Garten cố gắng lần theo mối liên hệ từ Thành Cát Tư Hán cho tới iPhone, sushi và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tầm nhìn của Monnet về việc khởi xướng thị trường chung bình yên ở châu Âu ngay sau Thế chiến II — phần nào hơi tức cười — khi bị đứng chung với chiến tích của các nhà cai trị sắt máu kể trên, vì theo Garten: "bản chất của toàn cầu hóa là xóa dần biên giới -- chính xác là những gì Monnet đã làm ... và cũng là những gì Thành Cát Tư Hãn và Robert Clive đã làm thông qua việc xây dựng các đế chế.” Toàn cầu hóa thực sự là "xóa dần biên giới", nhưng biểu trưng của nó là không có chiến tranh toàn cầu, ít nhất là cho đến trước khi xảy ra các diễn biến ở Crimea, Ukraine và Syria. Thương mại tự do tăng lên, nhưng không phải bằng pháo hạm. Kịch bản mới này chỉ có thể xảy ra khi không có siêu cường thống trị, khi tăng trưởng kinh tế kéo Trung Quốc, Ấn Độ, châu Mỹ La Tinh ra khỏi hàng thế kỷ chịu ách thống trị của nước ngoài, đồng thời mở ra kỷ nguyên mới rối ren hiện nay, kỷ nguyên mà Moises Naim gọi là “Sự chấm dứt của Siêu cường”, hay Ian Bremmer miêu tả là thời đại G-Zero không có quốc gia lãnh đạo, không còn những hội nghị thượng đỉnh G-7, G-8, hay G-20, với nhiều ảnh chụp các chính trị gia bắt tay nhau nhưng ít giải pháp thiết thực.


Sự mâu thuẫn này đến với tác giả vào cuối cuốn sách, khi Garten hài hước: “Khi bắt đầu viết cuốn sách này, tôi giả định rằng mười người tôi chọn là những người nhìn xa trông rộng ... Nhưng sau khi nghiên cứu kỹ cuộc sống của họ ... tôi kết luận rằng: họ không có chiến lược lớn nào ... Họ chưa bao giờ định đẩy nhanh sự liên kết giữa các quốc gia; thay vào đó, họ bị thôi thúc bởi tham vọng quyền lực, tài sản, hoặc danh tiếng.” Đúng như thế, và mâu thuẫn này xóa bỏ bất kỳ liên kết trực tiếp nào từ Thành Cát Tư Hãn tới Đặng Tiểu Bình, nhân vật cuối cùng trong danh sách của Garten. Các cuộc phiêu lưu xuyên quốc gia chẳng phải điều gì mới mẻ: Alexander đã tới Ấn Độ, Caesar đến Ai Cập, Marco Polo đến Trung Quốc, nhưng các lãnh chúa và nhà thám hiểm chưa bao giờ có ý định tăng cường phúc lợi và tăng trưởng kinh tế ở nước ngoài.


Toàn cầu hoá và nền kinh tế hậu công nghiệp đã phá hủy hàng triệu công ăn việc làm ở các nước phát triển, đồng thời nâng cao mức sống của hàng trăm triệu người nghèo đói ở các nước đang phát triển. Đây là một hiện tượng độc đáo, vừa tuyệt vời vừa tồi tệ, và đầy mâu thuẫn. Hậu quả của nó vẫn đang định hình thế giới của chúng ta, từ những cơn thịnh nộ của Tổng thống Trump trên tivi đến những vụ bạo loạn của nhóm người vô chính phủ ở Athens. Garten dường như không nhận ra cuộc cách mạng này cấp tiến ra sao và nó vẫn đang ảnh hưởng mạnh mẽ thế nào tới điều mà thống đốc của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ Raghuram Rajan gọi là “sự bình thường mới”.


"Từ tơ lụa đến silicon" được viết lôi cuốn và duy trì nhịp độ nhanh, dù đôi chỗ hơi đều đều và một vài lỗi chính tả trong các bản đồ, ví dụ như "Đế quốc Bồ Đào Nha" và "Những cuộc chiến của Magaret Thatcher". Trong cuốn sách này chỉ có Field -- nhà tư bản tài chính người Mỹ đã bất chấp rủi ro khủng khiếp để đặt đường cáp điện báo đầu tiên xuyên Đại Tây Dương vào năm 1858, hiện lên như một anh hùng thực sự của nền toàn cầu hoá đương đại. Nếu không có dây cáp ngầm, “vào năm 1830 một tin nhắn từ London đến New York hoặc Bombay mất nhiều thời gian ngang với thời của nhà thám hiểm Vasco da Gama vào thế kỷ 16,” trong khi “vào thời điểm Field qua đời năm 1892, thông tin liên lạc giữa Mỹ và châu Âu gần như tức thời nhờ vào cáp ngầm xuyên đại dương này.” Garten có thể hài hước ca ngợi sự ngạc nhiên của Nữ hoàng Victoria khi chúc mừng việc đặt cáp bằng một bản điện tín gửi tới Tổng thống James Buchanan, chỉ 99 từ nhưng "như rùa bò" tới 16 tiếng rưỡi qua đại dương. Hãy nghĩ về nó khi bạn định phàn nàn về việc mãi không gửi được email.


 Bài bình sách của Gianni Riotta,

ngày 25 tháng 3 năm 2016




Nguồn:

Washington Post
,

Hữu Hoàng dịch, Minh Thu hiệu đính

Từ khóa: 

,

sách