Gã hàng xóm lắm tiền?

  1. Sách

Bài bình sách của Daniel Gross

ngày 5 tháng 8, năm 2007

Robert H. Frank là giáo sư kinh tế học tại Đại học Cornell, đồng thời cũng là nhà nhân chủng học chuyên nghiên cứu về tầng lớp siêu giàu. Những cuốn sách trước của ông “Luxury Fever” (tạm dịch "Cơn sốt xa hoa") và “The Winner-Take-All Society” (tạm dịch "Xã hội kẻ-thắng-được-tất-cả") đã khám phá ra cách thu nhập và thói quen tiêu dùng của những người giàu ảnh hưởng đến xã hội chung như thế nào. (Ông không liên quan gì đến nhà "nhân chủng học" Robert Frank của tờ Wall Street Journal -- tác giả của cuốn sách gần đây “Richistan” (tạm dịch "Đất nước của các đại gia"))

Trong cuốn sách mới của mình

“Falling Behind: How Rising Inequality Harms the Middle Class”
("Bị bỏ lại phía sau: Sự gia tăng bất bình đẳng tác động xấu đến tầng lớp trung lưu như thế nào”) Giáo sư Frank khéo léo cập nhật luận điểm mới cho thời đại vàng son ngày nay của chúng ta. Ông lập luận một cách thuyết phục rằng: Sự gia tăng của tầng lớp siêu giàu gián tiếp tác động đến chất lượng sống của phần còn lại của dân số — và không theo cách tốt đẹp gì.


Khi biết rằng Steve Schwarzman, chủ Tập đoàn Blackstone kiếm được gần 400 triệu đô-la vào năm ngoái, hoặc ông ấy chi 3 triệu đô-la vào tháng Hai đầu năm trong bữa tiệc sinh nhật lần thứ 60 của mình (với sự góp mặt giải trí của các ngôi sao hàng đầu như: Rod Stewart, Marvin Hamlisch, Martin Short, Patti LaBelle), không nhất thiết sẽ khiến người lao động bình thường của Mỹ ghen tị và do đó cảm thấy buồn rầu khổ sở. Trái lại, theo giáo sư Frank, vấn đề là hành vi tiêu thụ xa xỉ thái quá — điều Schwarzman rất giỏi — góp phần định hình các chuẩn mực cho toàn xã hội, chứ không chỉ là những người bạn siêu giàu cùng đẳng cấp với ông. "Ví dụ, sự đơn thuần hiện diện của... một căn biệt thự lớn hơn, có thể thay đổi nhận thức của một số người về độ lớn của một ngôi nhà ai đó có thể xây được mà không quá phô trương.


Sự thay đổi nhận thức đó kết hợp với động lực mạnh mẽ của “sự thiếu thốn tương đối”, Frank viết. Khi được hỏi liệu họ muốn một ngôi nhà rộng 372 m2 trong một khu phố gồm toàn căn biệt thự 560 m2 hay một ngôi nhà rộng 280 m2 trong một khu phố toàn nhà gỗ rộng 186 m2, hầu hết mọi người đều chọn phương án để nhà mình to đẹp hơn nhà hàng xóm. Tương tự vậy, việc xây dựng một căn nhà rộng 3.720 m2 của Bill Gates đã gián tiếp khiến người quản lý cấp trung ở Tacoma cố vay trả góp 100% cho toàn bộ căn nhà 325 m2 của mình.


Frank thúc giục các đồng nghiệp xem xét các con số và dữ liệu theo khía cạnh tương đối, chứ không phải tuyệt đối. Một người lướt web bằng modem 56K ngày nay biết rằng những gì anh ta có đã tốt hơn 20 năm trước khi anh ta phải dùng một modem 1.200 baud. Nhưng khi mọi người đều có internet băng thông rộng, chiếc modem 56K đó khiến bạn cảm thấy mình như một kẻ thất bại về công nghệ. Mong muốn tránh sự thiếu thốn tương đối thúc đẩy tiêu thụ ở nhiều loại hàng hóa, nhất là những thứ mà Frank gọi là "hàng hóa định vị" —ví dụ như nhà ở và xe hơi, vốn có sự phân cấp rõ ràng về chất lượng và kích cỡ. Khi quyết định mua nhà lớn hơn, máy tính nhanh hơn và lò nướng tốt hơn, mọi người bị thúc đẩy bởi mong muốn trở thành một phần của cộng đồng và chẳng kém cạnh hàng xóm. Nếu bạn tình cờ sống trên Park Avenue, nó có nghĩa là bạn phải mua một bức tranh Monet và một căn nhà 930 m2 để theo kịp với nhà Schwarzman. Giống như chính trị, tất cả sự thiếu thốn tương đối đều mang tính địa phương.


Cuộc chạy đua mua sắm của toàn xã hội có liên quan gì tới bất bình đẳng thu nhập? Frank đưa ra các con số nghiêm trọng. Từ năm 1949 đến năm 1979, sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ khiến thu nhập tăng tương đối bình đẳng. Trên thực tế, thu nhập của 80% dân số có thu nhập thấp nhất tăng trưởng nhanh hơn thu nhập của 1% dân số có thu nhập cao nhất, và nhóm 20% dân số có thu nhập thấp nhất tăng trưởng nhanh nhất trong tất cả các nhóm. Nhưng kể từ năm 1979, các lợi ích kinh tế chỉ tập trung vào nhóm người có thu nhập cao nhất. Trong một nền kinh tế nơi những người giàu có đặt ra các chuẩn mực mua sắm và người dân ở mọi cấp bậc đều cố gắng duy trì mức tiêu thụ giống như cấp bậc trên gần mình nhất, điều này thật không ổn. Trong cuộc đua mua sắm ngày nay, nhóm 1% hàng đầu được trang bị vũ khí tận răng còn những người khác chỉ mót được vài viên đạn. Frank dẫn chứng: từ năm 1980 đến năm 2001, kích thước trung vị của những ngôi nhà mới ở Mỹ tăng từ 150 m2 lên 195 m2, “dù thu nhập thực tế của gia đình trung vị không thay đổi là bao trong những năm đó”. Kết quả cuối cùng là gì? Frank, một cách có phương pháp, trình bày các dữ liệu cho thấy người Mỹ tiêu biểu hiện nay làm việc nhiều hơn, tiết kiệm ít hơn, đi lại lâu hơn và vay mượn nhiều hơn để duy trì những gì họ xem là tiêu chuẩn sống phù hợp.


Và điều này ngày càng tồi tệ. Frank lưu ý rằng "nhiều yếu tố dẫn tới gia tăng bất bình đẳng dường như đang mạnh lên" Do lợi ích kinh tế quá chênh lệch — tỷ trọng trong tăng trưởng kinh tế quốc gia của nhóm 1% giàu nhất tăng từ 8,2% năm 1980 lên 17,4% năm 2005 — những người hơi phong lưu cũng phải căng mình chỉ để bắt kịp. "Khi thu nhập tiếp tục tăng ở tầng lớp cao nhất và trì trệ ở nơi khác, chúng ta sẽ thấy càng nhiều phần trong thu nhập quốc gia dùng để chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ, tác động chính của việc này là nâng cao các tiêu chí định nghĩa sự sang trọng". Ngay lúc này, người ta có thể hình dung ra những miếng trứng cá tầm khổng lồ đang được thu hoạch cho bữa tiệc sinh nhật lần thứ 65 của Steve Schwarzman. Giải pháp của Giáo sư Frank là gì? Thuế tiêu dùng lũy tiến sẽ ngăn cản nhóm người giàu nhất chi tiêu nhiều hơn, nhờ đó hạ thấp tiêu chí sang trọng.


Frank là một trong những nhà kinh tế hiếm hoi có biệt tài châm biếm. Và những chuyện châm biếm kinh tế không thiếu trong cuốn “Nhà tự nhiên học trong kinh tế”, một tập hợp các ví dụ kinh điển được chọn lọc từ bài tập Frank giao cho các sinh viên mới theo học ngành kinh tế tại đại học Cornell: chỉ dưới 500 từ, “hãy đặt và trả lời một câu hỏi thú vị về một vài mẫu hình sự kiện hoặc hành vi mà bạn quan sát được. ” Frank coi bài tập này như một phần nỗ lực mang nhiều ví dụ thực tế hơn vào việc giảng dạy kinh tế, đồng thời giúp các sinh viên "ngơ ngác" nhận ra rằng họ vốn đã nắm được cơ bản môn "khoa học ảm đạm".


Tất nhiên, đây cũng là cách làm kinh tế thông minh. Sinh viên phải trả học phí để theo học, Frank được trả tiền để dạy họ, và sau đó sinh viên cung cấp tư liệu cho một cuốn sách hấp dẫn. Trong cuốn “Nhà tự nhiên học trong kinh tế”, với sự hỗ trợ học thuật từ Frank, các sinh viên giải thích lý do vì sao một chiếc xe hơi trị giá 20.000 đô-la có giá thuê 40 đô-la một ngày, trong khi một bộ tuxedo giá 500 đô-la lại có giá thuê 90 đô-la một ngày. (Ngoài các yếu tố khác, việc này cần thiết để cửa hàng tuxedo có thể duy trì một lượng lớn quần áo có kích cỡ khác nhau trong kho.) Hoặc vì sao các cửa hàng đồ ăn nhanh cam kết tặng bữa ăn miễn phí nếu khách hàng không lấy biên lai. (Việc này để ngăn chặn hành vi trộm cắp của nhân viên thu ngân).


Theo thiết kế, các câu trả lời mang tính trực giác hơn là thực nghiệm. Và việc diễn giải nguyên nhân thường vượt ra ngoài phạm vi kinh tế học. Vì sao khuy áo của phụ nữ cài từ bên trái còn của nam giới lại từ bên phải? Bởi vì khi các khuy đầu tiên xuất hiện trên áo cho những người giàu có trong thế kỷ 17, đàn ông tự mặc trong khi phụ nữ được người hầu mặc giúp. Có hàng chục ví dụ nữa trong cuốn sách này, có thể đọc đi đọc lại mà không chán như một trong các món của buffet tự chọn. (Tôi cũng không rõ vì sao các nhà hàng tính ít tiền hơn cho các bữa buffet tự chọn so với các bữa ăn gọi món trong cùng thời điểm). Tuy nhiên, đôi chỗ trong cuốn sách, Frank lại dùng đến quá nhiều tính toán. Bạn không cần bằng cấp kinh tế để biết rằng các quán bar cho miễn phí đậu phộng và bán nước bởi vì đậu phộng rất mặn và làm cho mọi người khát.


Cuộc đua mua sắm mà Frank nêu trong cuốn “Bị bỏ lại phía sau” xuất hiện lại trong cuốn “Nhà tự nhiên học trong kinh tế”. "Nếu mọi phụ nữ có thể cùng quyết định một loại giày để đi, có lẽ tất cả đều đồng ý bỏ giày cao gót", ông viết. “Nhưng do bất kỳ ai cũng có thể đạt được lợi thế về chiều cao hơn người khác bằng cách đi giày cao gót, một thỏa thuận như vậy rất khó duy trì.” Và vì sao các đồng nghiệp của Frank trong khuôn viên bình dị của trường đại học Cornell, những người được cho là giỏi viết, lại sử dụng rất nhiều thuật ngữ chuyên ngành? Đó là cuộc đua thể hiện học vấn uyên bác.


Kết hợp với nhau, hai cuốn sách này rất phù hợp với độc giả đại chúng, cho thấy một nhà kinh tế học hàn lâm với hiểu biết sâu rộng, có biệt tài về các giai thoại và tinh thần cởi mở có thể trở thành một thầy giáo và một công dân có ảnh hưởng sâu sắc như thế nào. "Bị bỏ lại phía sau" là ví dụ cô đọng về việc một nhà kinh tế chuyên nghiệp đã sử dụng sáng tạo các công cụ khoa học xã hội để làm sáng tỏ hoàn cảnh con người. “Nhà tự nhiên học trong kinh tế” khiến người đọc ấn tượng về hiểu biết sâu sắc của các nhà nghiên cứu nghiệp dư.

Hữu Hoàng

NYTimes

Từ khóa: 

,

sách