BPhone - Sẽ thành công nhờ vào sự bền-bỉ-có-chiến-lược?!

  1. Marketing

Nếu tuần trước là Vinfast, thì tuần này Cộng đồng mạng (CĐM) Việt Nam lại được một phen sôi sục với sự kiện ra mắt BPhone 3 của BKAV. Và mình lại có dịp quay trở lại với đam mê nghiên cứu và phân tích (xem

bài về Vinfast của mình tại đây
, bài về
Milo vs Ovaltine tại đây
).

Như thường lệ, mình sẽ không đi sâu phân tích về sự kiện ra mắt (tại một thời điểm), mà sẽ là dựa trên cái nhìn tổng quan cả quá trình, nhiều khía cạnh và sẽ có sự so sánh liên hệ với nhiều sự kiện, hiện tượng khác liên quan.

Bỏ qua phần khen chê về sự kiện ra mắt, hay các ý kiến cá nhân trái chiều hướng về phía anh Quảng - CEO BKAV. Đầu tiên, mình phải công nhận rằng BKAV và cá nhân anh Quảng có vẻ thật sự tâm huyết với điện thoại "Made in Vietnam", tại sao mình lại cho rằng như vậy? Đơn giản mà, BKAV từ một thương hiệu lớn và uy tín trong ngành công nghệ thông tin của Việt Nam, suốt 3 năm qua tự dưng phải chịu không biết bao nhiêu gạch đá từ khi ra mắt chiếc BPhone 1, nhiều thành phần quá khích còn gọi là Boom-Phone . Nếu so sánh với các dòng điện thoại "made in Vietnam" khác như HKPHONE (bây giờ đổi thành Rovi), Q Mobile (bây giờ là Q), hay Mobiistar - rõ ràng mình thấy BKAV có tiềm lực và tâm huyết hơn hẳn.

Ảnh: VN Review

Tại sao mình gọi đây là sự "bền-bỉ-có-chiến-lược"?

"Bền bỉ" thôi chưa đủ, có một "chiến lược" tốt vẫn chưa đủ. Vấn đề là phải kiên trì, bền bỉ theo đuổi nó, và bạn sẽ chẳng thể có được 2 điều này - nếu không có đam mê và tâm huyết.

Bạn nào học về Marketing, hẳn sẽ nghe đến công thức AIDA trong lập chiến lược bán hàng cơ bản. AIDA: Attention (thu hút sự chú ý) - Interest (tạo sự thích thú) - Desire (Khơi gợi mong muốn) - Action (hành động - mua hàng), mà nếu ai đó nói về công thức 4A, thì cũng chính từ nền tảng từ AIDA - 4A: Attention - Awareness - Attitude - Action:

  • Suốt 3 năm qua, chắc chẳng cần con số thống kê nào, chúng ta cũng có thể dễ dàng thấy rằng sự kiện ra mắt BPhone là một trong số những sự kiện thu hút nhiều sự quan tâm nhất của CĐM (mà thậm chí mẹ mình ở nhà nội trợ cũng biết). Rất đều, 3 năm - 3 chiếc điện thoại (đều như vắt chanh, đều như Chipu ra MV). Năm nào cũng có khen, có chê, và có cả tranh cãi xung quanh, không phải vì thiết kế, tính năng của điện thoại, thì cũng là vì cái sự "nổ" của anh Quảng. Quan trọng là dù gì đi nữa, BPhone đã tạo ra sự thu hút nhất định, và đều đặn (ít nhất là đã 3 năm qua) - Mình tạm gọi đây là ATTENTION.
  • Trước 2010, mình cũng không biết Kangaroo là cái gì đâu, nhưng bây giờ mình bị ám ảnh trong đầu nguyên cụm từ "Kangaroo - máy lọc nước hàng đầu Việt Nam". Và "BPhone - Điện thoại CHẤT" đã cơ bản là thứ định hình trong đầu của mình về BPhone. Không quan tâm là anh Quảng "nổ" đến như thế nào, và BPhone xịn, dởm ra sao. Như BPhone một cách vô thức đã được gắn vào từ "Chất" (dù chắng biết là nó có chất thật hay không). À, nhân tiện, nếu muốn mua Tivi, Tủ Lạnh thì bạn biết mình phải làm gì chưa? -Mình tạm gọi đây là Awareness.
Ảnh: VN Review
  • Chúng ta cho rằng BPhone tuy nhận được sự chú ý, nhưng thực chất toàn chê bai và chửi bới. Cũng đúng, và chính xác hơn là nó đã từng đúng. Không tìm thấy thống kê của 2 năm trước, nhưng lần ra mắt BPhone 3 này, lượt phản hồi tích cực là cao hơn hẳn - Mình tạm gọi đây là Attitude
Thống kê lượt đề cập đến từ khóa "BPhone" trong 30 ngày gần nhất. Lượng phản hồi tích cực đang gấp rưỡi tiêu cực. Theo smcc.vn
  • Nhưng thu hút tốt, tạo nhận biết tốt, gây thiện cảm cho công chúng tốt, cũng không thể chắc chắn có được doanh số tốt (không đảm bảo có được cái "Action" của khách hàng). Nên nhớ rằng, tất cả sự thu hút, nhận biết và thái độ trên (nếu có) thì mới chỉ trên mạng. Trên thực tế, 2 dòng BPhone trước có rất hiếm cửa hàng phân phối lớn trưng bày sản phẩm (chứ đừng nói đến bán), mình thậm chí tuy nghe về BPhone nhiều trên mạng, nhưng còn chưa nhìn thấy tận mắt. Mà với một sản phẩm công nghệ đặc thù như điện thoại di động, thì "nghe trên mạng" là chắc chắn chưa đủ để mình quyết định mua (dù giá có rẻ đến thế nào đi chăng nữa). BKAV cần phải cải thiện khâu phân phối sản phẩm, phải tạo điều kiện cho BPhone "lượn lờ" trước mặt khách hàng nhiều hơn nữa, tần suất dày đặc hơn nữa. Mình thấy Thế giới di động (TGDĐ) có một cách làm khá hay, họ cung cấp dịch vụ thu tiền điện, nước, internet, điện thoại, bán card điện thoại với mức chiết khấu hấp dẫn (5% - Card 100k mua với giá 95k) để kéo khách hàng vào cửa hàng giao dịch. Khi khách vào cửa hàng, họ nhận được sự đón tiếp nồng hậu từ chú giữ xe, đi từ cửa đến quầy giao dịch phải đi qua hàng loạt khu trưng bày sản phẩm, các sản phẩm được trưng bày, khuyến mãi, mời gọi, v.v... đủ kiểu - đảm bảo đủ 3 khâu Attention - Awareness - Attitude vận hành tốt, thậm chí ai máu có thể "Action" luôn. Và thực tế mình cũng đã từng "Action" 2 lần trong trường hợp này (hồi đấy mình mua Chuột và Tai Nghe).

Thật sự mà nói, chưa có dấu hiệu rõ ràng nào đảm bảo cho sự thành công của BPhone 3 lần này. Nhưng như mình nói, với sự tâm huyết, quyết tâm và sự bền-bỉ-có-chiến-lược của BKAV, mình tin và hy vọng Bphone sẽ thành công trong tương lai.

Nhưng đây không phải là sự hy vọng đơn thuần, đây là dạng hy vọng có tính chất lạc quan trong thận trọng.

Lạc quan trong thận trọng?!

Cách đây hơn nửa thế kỷ, tại Bắc Mỹ và Châu Âu nảy ra tranh cãi gay gắt về sự xuất hiện của Bơ thực vật (Margarine) - có nguồn gốc từ Pháp, trước đó mọi người đều quen sử dụng Bơ (Butter). Sự tranh cãi, đấu tranh gay gắt, nhưng không chốt được đúng sai, dẫn đến việc luật pháp các nước phải cấm tạm thời việc các hãng quảng cáo Bơ thực vật, hãng nào quảng cáo sẽ bị cấm bán. Khi đó một thương hiệu Bơ thực vật của Unilever chấp nhận bị cấm bán sản phẩm để tiếp tục chạy các chiến dịch quảng cáo. Nôm na là người dân cứ thấy quảng cáo, nhưng chẳng thấy cửa hàng nào bán cả. Sau một thời gian, tranh cãi kết thúc, Bơ thực vật hoàn toàn hợp pháp. Nhờ vào lợi thế của Unilever trong ngành FMCG, ngay lập tức sản phẩm bơ thực vật của thương hiệu này xuất hiện khắp các cửa hàng, và nhanh chóng chiếm hầu như toàn bộ thị phần (thực tế thì Unilever bán cả Bơ và Bơ thực vật), và kéo dài sự thống trí đến tận bây giờ.

Thị phần của Unilever về mặt hàng Bơ và Bơ thực vật. Thống kê năm 2016 của Euromonitor, Rabobank.

Một ví dụ khá tương tự là trường hợp của rượu Vodka Cá Sấu, ở Việt Nam thì cấm quảng cáo rượu, nhưng Vodka Cá Sấu lại bất chấp luật (chấp nhận chịu phạt) để làm, và Agency Orion Media đã làm khá tốt chiến dịch này, khi đó rất nhiều người biết đến Vodka Cá Sấu, mình (khi đó) là người hoàn toàn không uống rượu nhưng cũng muốn mua uống thử mấy chai, nhưng đi nhiều cửa hàng, chẳng thấy ở đâu có bán cả (phân phối quá kém), nên mọi thứ chìm trong im ắng đến tận bây giờ, giá như ngày đó khâu phân phối được làm tốt đi kèm với chiến dịch quảng cáo thì có lẽ mọi chuyện sẽ khác.

Quay lại với BPhone của BKAV, Smartphone là một ngành hàng rất khác so với rượu hay bơ, nên chắc chắn nó cần một chiến lược bền bỉ hơn. Và mình tin cũng như hy vọng rằng BKAV và anh Quảng sẽ giữ đủ lửa để bền bỉ với chiến lược của mình. Mình cũng chẳng có gì để ủng hộ, chỉ biết ủng hộ bằng cách đặt mua một chiếc BPhone 3.

P/s: Link về vụ tranh cãi Bơ và Bơ thực vật cho bạn nào cần


Từ khóa: 

bphone

,

bphone 3

,

truyền thông

,

chiến lược kinh doanh

,

marketing