Các tác phẩm văn học nói gì với chúng ta?

  1. Giáo dục

  2. Văn hóa

  3. Kỹ năng mềm

  4. Xã hội

Nghệ thuật nói chung hay văn học nói riêng là muôn vàn khái niệm mà chưa ai có thể định nghĩa trọn vẹn, hoàn chỉnh. Có những cảm xúc mông lung, mơ hồ và cũng có những điều gần gũi, dễ hiểu. “Văn học là con đẻ của đời sống” - văn học bắt nguồn từ cuộc sống, thông qua những từ ngữ, hình ảnh, những bút pháp nghệ thuật của tác giả để vẽ lên bức tranh phản chiếu đời sống xã hội. Chính cuộc sống bao la, diệu kỳ, với bao trăn trở, suy tư này lại mang tới chất liệu vô giá, phong phú và trở thành nơi xuất phát, điểm kết thúc cho văn học.

https://cdn.noron.vn/2022/06/01/7980162043439622-1654071632.png
Có người từng nói: “Khi tác phẩm kết thúc, ấy là lúc cuộc sống của nó mới thực sự bắt đầu”. Một tác phẩm văn học không đơn thuần là mấy con chữ nằm thẳng đơ trên trang giấy, mà nó là cả cuộc đời. Trạm dừng chân cuối cùng của chuyến tàu văn học chính là ở trái tim độc giả - nó nở hoa, đơm trái, sống mãi trong lòng người đọc như ngọn lửa bập bùng mà chẳng ai có thể dập tắt. Đó là sức mạnh của ngôn từ, sức mạnh của nghệ thuật những con chữ.


Trân quý những những thi phẩm như “Bầm ơi”, “Việt Bắc”, “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, của Tố Hữu; “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm; “Tây Tiến” của Quang Dũng; “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?” của Chế Lan Viên; “Tiểu đội xe không kính”, của Phạm Tiến Duật; “Đất nước” (trích trong trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm; “Đồng chí” của Chính Hữu; “Đất Nước” - Nguyễn Đình Thi đã đưa lòng yêu nước thiêng liêng, cao cả vào những vần thơ thi vị mà hào hùng, đi sâu vào lòng người để từ đó ấp ủ một lòng yêu nước nồng nàn.

https://cdn.noron.vn/2022/06/01/3765299306383819-1654071680.jpg
Nguồn: Sưu tầm


“Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu, anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành."

Chỉ vài con chữ nhưng nó là bức tranh của hiện thực chiến tranh tàn khốc, là những người lính đã anh dũng hy sinh, nguyện nằm xuống để đổi lấy nền tự do, hòa bình độc lập cho dân tộc. Những tác phẩm văn học ra đời thời chiến tranh ca ngợi, tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong công cuộc giải phóng đất nước. Tổ quốc và nhân dân mãi mãi là đối tượng số một của văn học, cũng như lòng yêu nước là tư tưởng xuyên suốt của người cầm bút. Cái điều tưởng như cũ kỹ này vẫn chẳng bao giờ lạc hậu, nó mãi mãi định hướng sáng tạo, là phần không thể thiếu trong những tác giả, tác phẩm văn học lớn của dân tộc và nhân loại. Để rồi từ đó giáo dục cho con người về lòng yêu nước, lòng biết ơn và lòng trân quý cuộc sống hiện tại.

https://cdn.noron.vn/2022/06/01/3765299306383833-1654071850.jpg
Nguồn: Sưu tầm

Ta bắt gặp ở “Chí Phèo” - Nam Cao một thứ sát nhân còn khủng khiếp hơn cường quyền và bạo lực – thứ giết người không dao – là định kiến xã hội. Để từ đó phản ánh cách tư duy một chiều, những tâm hồn định kiến xơ cứng không đón nhận nổi màu sắc hồi sinh của con người. Nó không chỉ là một sản phẩm của hư cấu, mà xã hội từ thời của Nam Cao, hay còn trước đó nữa, cho đến tận bây giờ, vẫn còn tồn đọng thứ định kiến ích kỉ làm con người sẵn sàng đẩy con người tìm tới cái chết để giải thoát. Tha thiết mong rằng mỗi chúng ta hãy xóa bỏ định kiến, cái nhìn sai lệch, quy chụp của cá nhân lên người khác, nó là vết cứa vô hình gây tổn thương bất kì ai. Và tha thiết mong mỗi người hãy cố gắng vượt lên mọi định kiến ấy, để sống một cuộc đời an yên.

https://cdn.noron.vn/2022/06/01/7980162043439647-1654072000.jpg
Nguồn: Sưu tầm

“Văn học không phải chỉ là chuyện văn chương mà thực chất là chuyện đời” - Tố Hữu - văn học là người bạn thân thiết trên mọi nẻo đường, nuôi lớn và làm phong phú tâm hồn ta với thứ tình cảm giàu tính nhân văn cao cả! Chính vì thế mà văn học không thể đứng riêng lẻ, tách rời mà phải gắn với cuộc đời, phải hòa mình vào cuộc sống của cộng đồng. Mãi mãi với muôn đời sau cuộc đời vẫn luôn là nơi xuất phát và là nơi đi tới của văn học.

Cảm ơn các bạn đã đồng hành cùng mình trong bài viết trên, mình rất mong nhận được thêm ý kiến đóng góp của các bạn! ❤️

Từ khóa: 

giáo dục

,

văn hóa

,

kỹ năng mềm

,

xã hội