[Chia sẻ nghề nghiệp] Đừng đem nhược điểm ra làm lý do

  1. Thấu Ngành Hiểu Nghề

Lâu lắm mới rảnh rang được xíu sau chuỗi ngày điên cuồng trở lại với công việc sau hơn một năm trời work from home, mình lại nhớ đến câu hỏi có bạn đã hỏi dưới bài poll 

Chị làm qua nhiều nghề như thế, thì cách để thích nghi nhanh với môi trường mới và trải nghiệm làm quen với nghề của chị? 

Lại nhân tiện gần đây, không biết do vô tình hay hữu ý, mình gặp được rất nhiều câu hỏi dạng Em có yếu điểm ABC thì có thể làm được XYZ hay không? Thế là quyết định tâm tình vài câu. 

Disclaimer: Bài viết này hoàn toàn là trải nghiệm cá nhân mà mình đúc rút ra, nó có thể đúng với một số người và không đúng với một số người khác, bạn vui lòng đọc chủ động và có chọn lọc vì mình không có ý định "dạy đời" ai cả. Vui vẻ không quạu nhen!!!

https://cdn.noron.vn/2022/05/03/photo-1495465798138-718f86d1a4bc-1651591663-1651591663.jpg

Mình đi làm đến nay đã được ngót chục năm, số lượng công việc mình từng làm qua cũng đếm được gần chục, đúng ngành có, trái ngành cũng có như mình đã từng tâm sự trong bài đầu tiên của series. Thực sự, việc trải nghiệm nhiều như thế đối với mình không phải đơn giản và cũng không phải tự nhiên mà mình có thể thích nghi nhanh chóng vào một môi trường mới như vậy. 

 

Nói sơ qua về bản thân, mình thực sự là một đứa con gái có nhiều điểm yếu. Từ nhỏ mình vốn là đứa bé nhút nhát vì suốt ngày bị gia đình nuôi như cấm cung, từ năm lớp 1 đến năm lớp 12 mình chỉ biết duy nhất 2 quãng đường là từ nhà đến trường và từ nhà đến lớp học thêm. Mình cũng sinh trưởng trong một gia đình nhiều vấn đề, mình có bệnh trầm cảm và rối loạn lo âu. Mình là một người hướng nội điển hình, hễ mà ra ngoài gặp quá nhiều người lâu là mình sẽ bị hao hụt năng lượng và trở về nhà mình thực sự không thể làm gì nữa. Vì rất nhát nên từ nhỏ đến lớn mình rất sợ gặp những người quyền lực - đi học thì sợ thầy cô, mình luôn tránh hết sức có thể việc tiếp xúc với các thầy, cô giáo trong trường, có phản kháng cũng chỉ dám ngấm ngầm; ở nhà thì lúc nào cũng cẩn trọng như đi trên dây; đến lúc đi làm thì cứ gặp sếp là bị "khớp", lắp ba lắp bắp và căng thẳng. Mình nhớ hồi năm thứ 4 Đại học, có lần bạn nhóm trưởng mình nghỉ ốm bất ngờ thế là nhóm mình phải tìm người lên thuyết trình thay bài tập nhóm, thầy giáo lúc đó vì thấy nhóm đùn đẩy nhau không ai chịu lên nên đã tự mình chọn, cuối cùng thầy chỉ trúng mình. Ôi hỡi ôi, dù là đứng thuyết trình trước lớp cũng toàn bạn thân quen mà mình run đến mức không nói được câu vào và bị đau dạ dày. Đó, kể ra để thấy là mình thực sự rất đồng cảm với những bạn đang lo lắng rằng em hướng nội, em không giỏi giao tiếp, em không thích người lạ...thì liệu có thể làm công việc nào đó không.

 

Tuy nhiên, dù là một đứa nhiều khuyết điểm, thì mình lại có một ưu điểm là học nhanh, hiểu nhanh và có khả năng tự nhận thức cao, tư duy độc lập. Mình ý thức được các điểm yếu của bản thân và cũng ý thức được hình ảnh bản thân mình ở mỗi giai đoạn cuộc đời như thế nào. Với giai đoạn từ bé đến khi bắt đầu lên Đại học, đó là lúc mình bộc lộ tất cả các điểm yếu của bản thân và hứng chịu tất cả những thất bại và khó khăn do điểm yếu và nỗi sợ hãi của mình gây nên. Giai đoạn từ năm đầu đến năm cuối Đại học là giai đoạn mình bắt đầu định hình về thế giới nội tại của bản thân, mình rơi vào các cơn khủng hoảng liên tiếp buộc mình phải nhìn thẳng vào con người thật của mình, học cách chấp nhận và học cách vượt qua. Nếu có điều gì mà việc buộc bản thân phải lăn xả ra xã hội từ sớm đã dạy cho mình, thì đó là muốn tồn tại trong xã hội thì ta buộc phải học được cách hòa hợp cái "tôi" cá nhân với cái toàn thể - tức cái "tôi" xã hội. Nếu mình là một cá nhân độc lai độc vãng, không cần ai cũng có thể sống tốt thì mình hoàn toàn có thể thu mình vào thế giới riêng của mình, thậm chí chui lên núi ở ẩn luôn mà không cần quan tâm đến bất cứ điều gì. Tuy nhiên, bản thân mình chưa đến được cái độ không cần ai cũng có thể sống tốt, đôi khi mình cũng cần bạn bè để trò chuyện, mình cần tiền để phục vụ cho nhu cầu cá nhân của mình, và mình cũng cần phải chăm sóc bản thân cũng như những người xung quanh. Ngoài ra, mình cũng nhận thức được trách nhiệm của cá nhân với xã hội, mình thấy rằng mình sống trong xã hội thì mình không thể ngó lơ những thân phận yếu thế, những người nghèo khổ, những vấn nạn kéo xã hội thụt lùi được. Chính vì thế, mình bắt đầu học cách hòa hợp.

 

Mình không nói là "hạ cái "tôi"" đâu, vì bản chất mình không thích hạ mình trước điều gì, mình sinh ra vốn đã kiêu hãnh, dù mình nhát như cáy nhưng mình có một trái tim kiêu hãnh và không bao giờ khuất phục. Tuổi thơ nhiều đau buồn cũng đã góp phần rèn giũa sự mạnh mẽ từ bên trong của mình. Để rồi, nó hun đúc lên trong mình một tinh thần không bao giờ khuất phục trước khó khăn. 

 

Từ bé mình sống với bà ngoại, thực ra gia đình không giàu có gì nhưng do mình là con đầu cháu sớm lại chỉ có mỗi mình ở chung với bà từ bé nên bà ngoại thương mình nhất nhà, từ bé mình thực sự không phải động tay động chân làm gì và chỉ cần học thôi. Còn lại thì đã có bà lo hết (nhưng mà không phải mình không biết làm gì đâu nhóe, mọi việc mình chỉ cần nhìn người khác làm một lần hoặc không biết thì bà bảo, mẹ bảo một lần, hoặc google là mình làm được ngon lành nên dù được chăm như gái cấm cung thì có vứt mình vào đâu mình cũng sống được á). Nhưng cũng do ảnh hưởng của sự chăm sóc đó mà đã từng có thời gian mình rất ái ngại các công việc chân tay, phục vụ. Lúc lên năm nhất Đại học, bắt đầu đi làm, công việc đầu tiên mình có là một công việc khá nhẹ nhàng là làm gia sư nên cũng không phải làm việc chân tay. Tuy nhiên, công việc thứ một rưỡi của mình lại là làm admin cho một trung tâm tiếng Anh nhỏ xíu ở gần trường mình. Mang tiếng là làm admin nhưng thực chất mình làm lễ tân kiêm thu ngân (thu học phí) kiêm lao công dọn dẹp lớp học, sắp xếp bàn ghế, pha trà nước, in tài liệu, và dọn cả nhà vệ sinh. Thực sự công việc chân tay đầu tiên đã khiến cho mình sáng mắt ra rất nhiều. (Dù chưa phải dọn dẹp ở nhà một ngày nào nhưng mình rất tự hào là dọn nhà vệ sinh sạch bóng nhé). Mình chưa bao giờ nghĩ về người sếp thứ một rưỡi đó tệ, dù cách họ đối xử với mình không thể coi là tốt, bởi vì ít nhất họ đã dạy cho mình một bài học về sự quý trọng của những công việc chân tay. Trên đời này không có công việc nào sang hay hèn, chỉ có con người và tư duy sang hay hèn. Công việc chân tay đầu tiên cũng khiến cho mình dạn dĩ hơn một xíu bởi vì làm sai có người chửi thì lần sau không sai nữa, mà nghe chửi quen thì thấy bình thường vì học được cách bỏ ngoài tai.

 

Công việc thứ hai của mình là trợ giảng cho một trung tâm tiếng Anh, mình xoay tua mỗi buổi mấy lớp học liền, chạy lên chạy xuống ba tầng nhà đế kiểm tra lớp, chụp ảnh, quay phim buổi học, nhắc thầy ghi sổ đầu bài, viết báo cáo, rồi quản cả lớp nếu thầy đến muộn. Có hôm trống tiết mà chưa hết giờ làm, mình chạy xuống chỗ mấy chị tư vấn ngồi chơi rồi nhân tiện vui mồm tư vấn giúp các chị mấy khách, ấy mà mình cũng vợt được hai, ba bạn học viên đấy. Chỗ làm này đã giúp mình dần dần học được cách giao tiếp với mọi người mà không lui mình vào một góc nữa. Việc gặp hàng chục học viên mỗi ngày, giao tiếp với các thầy, cô nước ngoài để giúp thầy, cô và học viên hiểu nhau khiến cho mình buộc phải học cách nuốt xuống cơn đau dạ dày khi nói chuyện trước đám đông, buộc phải mở mồm ra nói để hoàn thành công việc của mình mà nhắm mắt bỏ qua cơn tê dại trong đầu khi phải nói chuyện với người lạ. Dần dần, người lạ thành quen khi mấy thầy cô ở trung tâm khá quý mình và cũng truyền đạt cho mình nhiều kinh nghiệm học ngoại ngữ cũng như về cuộc sống ở nước ngoài. 

 

Có một điểm yếu nữa mà mình mãi không khắc phục được là sợ gọi điện thoại. Mình ghét việc gọi điện thoại khủng khiếp và luôn luôn chọn nhắn tin nếu có thể. Ấy mà rồi sau mình bập phải mấy công việc ở NGOs, rồi nhà nước, toàn phải nghe gọi điện thoại với đối tác, thậm chí toàn đối tác khủng như các chuyên gia nước ngoài, chuyên gia UN hẳn hoi (huhu), bộ trưởng, thứ trưởng, vụ trưởng, cục trưởng các đơn vị nhà nước, chủ tịch tỉnh, giám đốc các trung tâm nhà nước, chủ các doanh nghiệp lớn, vừa, nhỏ...Ôi giờ nghĩ đến mình vẫn thấy hơi đau đau dạ dày đây này. Tuy nhiên, lại là câu chuyện do công việc bắt buộc, mình phải học cách làm nó, vượt qua khó khăn của mình. Khi đi làm, mọi người có thể thông cảm cho những khó khăn của bạn ban đầu, nhưng ai cũng có công việc của họ, khó khăn của họ, nếu bạn không học cách khắc phục những vấn đề của mình thì chẳng ai làm giúp bạn được cả, nói thẳng ra là chẳng ai thương được. Sếp giao việc sẽ không quan tâm bạn như thế nào mà chỉ quan tâm hiệu quả công việc, còn hoàn thành nó như thế nào là việc của bạn. Mình nhớ đã từng có hôm mình phải gọi điện cho một danh sách 100 người to đùng đoàng ngã ngửa như trên và cứ sau mỗi cuộc điện thoại là mình chạy ra ngoài đi một vòng từ tầng 1 lên tầng 4 rồi lại gọi tiếp cuộc tiếp theo. Và cứ thế, danh sách 100 người với người khác mất 2-3 ngày để gọi, mình mất 1 tuần. May mà mình biết trước mình nên đã phải làm sớm lên. Nhưng hay chưa, sau 100 người này mình hết hẳn bệnh sợ điện thoại. Thực ra lúc đấy mình mới thấm cái câu mà mọi người hay an ủi "Ông nào thì cũng là người thôi", nhưng lúc sợ thì nghe không vào đâu, hết sợ thì mới hiểu được. 

 

Kinh nghiệm đi phỏng vấn vài chục công ty cũng giúp cho mình viết CV, cover letters và phỏng vấn dạn dĩ hơn. Cho đến thời điểm hiện tại, mình tự hào vì cuối cùng đã luyện được kỹ năng bình thản trước mọi việc. Mình rất thích và nằm lòng một câu của Cụ Hồ là "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" - câu nói đó đã theo mình suốt nhiều năm để trở thành một câu thần trú cho những lúc sóng gió của mình. Không cần biết vấn đề lớn hay nhỏ như thế nào, miễn giữ được sự bình thản là bạn đã thắng được 50% rồi. Mình giữ thái độ đó trong mọi buổi phỏng vấn, trượt thì không khóc lóc buồn bã, đỗ cũng không vui mừng sung sướng, mình sẽ nhìn lại những gì mình đã làm được và không được, đặt ra hàng chục câu hỏi tại sao cho bản thân để tìm bằng được nguyên nhân mình làm chưa tốt, và chuẩn bị tâm thế kỹ lưỡng đón nhận môi trường mới, đồng nghiệp mới, sếp mới, công việc mới. 

 

Và cuối cùng, mình nhận ra tri thức rất quan trọng. Các sếp và đồng nghiệp mình hay bảo mình là "Ủa sao chuyện gì nó cũng nói được" =)))) Nhưng không phải là mình cố tỏ vẻ đâu. Mình trót có niềm đam mê với tri thức nên thực ra là mình đọc kha khá, chủ đề mình đọc cũng rộng vì mình cứ vớ được cái gì có chữ là mình đọc. Nên cũng vô tình mà có nhiều chủ đề mọi người nói mình cũng có thể hiểu được nên góp giọng vài câu. Việc bạn có thể nói chuyện với ai đó về cùng chủ đề họ quan tâm luôn khiến cho mọi người dễ dàng tiếp nhận bạn hơn. 

https://cdn.noron.vn/2022/05/03/photo-1608347183661-cbc3ecf769ce-1651591643-1651591643.jpg

Tuy nhiên, dù cho mình có thể tìm được cách để hòa hợp với mọi người, mình cũng không bao giờ quên cái "tôi" của mình. Như mình đã nói, mình không thích từ hạ cái "tôi" xuống vì bản sinh mình là người kiêu hãnh. Mình ý thức rõ ràng về bản thân và càng lớn mình càng ý thức về giá trị cốt lõi của mình. Dù mình hòa hợp được với mọi người nhưng mình không bao giờ hòa hợp giả tạo, mình sẽ luôn cho mọi người thấy và biết giới hạn của sự hòa hợp đó. Mình cũng kiên quyết từ chối nói những chủ đề không phù hợp với hệ giá trị của mình, kiên quyết từ chối làm bạn với những người khác xa tư tưởng của mình, và cũng không bao giờ thỏa hiệp với sai lầm. Ngoài ra, để giữ cho bản thân một khoảng trời riêng, mình hướng đến sự cân bằng tối đa. Ví dụ như mình không bao giờ mang việc ở công ty về nhà, ở nhà mình sẽ hoàn toàn xa rời những thứ liên quan đến công việc. Mình cũng có rất nhiều hoạt động cá nhân thú vị và không liên quan gì đến công việc để chìm vào trong đó, tái tạo năng lượng và không lo nghĩ hoài về một thứ. 

 

Thực ra, thế giới này không có ai sinh ra là không có nhược điểm, không có ai sinh ra là hòa hợp 100% với thế giới và chúng ta cũng không cần điều đó. Mình không bao giờ chấp nhận việc đánh mất chính mình cho công việc. Với mình, công việc là thứ dễ từ bỏ nhất, còn bản thân là thứ không bao giờ từ bỏ được. Mình sẽ kiên quyết giữ lấy cái "tôi" của mình đến cùng và lựa chọn những công việc phù hợp với cái "tôi" đó. Mình chỉ chấp nhận hòa hợp với sự phù hợp này chứ không chấp nhận hòa hợp với mọi điều. Đó là cách mình sống trong thế giới này, có bản dạng và bản sắc riêng của mình, có cái "tôi" kiêu hãnh của riêng mình, và vẫn tìm được điểm chung với thế giới. 

Từ khóa: 

chia sẻ công việc

,

đi làm

,

chuyện đi làm

,

cách vượt qua chính mình

,

thấu ngành hiểu nghề

đọc bài này em rất bất ngờ vì con người của chị thời học sinh - sinh viên. Tuy em có ưu điểm giao tiếp ổn, cũng không ngại khổ ngại khó, nhưng không hiểu sao tới bây giờ em vẫn mông lung về mọi thứ. Chị giúp em có thêm động lực để học tập và trau dồi nhiều hơn, cám ơn chị 😍

Trả lời

đọc bài này em rất bất ngờ vì con người của chị thời học sinh - sinh viên. Tuy em có ưu điểm giao tiếp ổn, cũng không ngại khổ ngại khó, nhưng không hiểu sao tới bây giờ em vẫn mông lung về mọi thứ. Chị giúp em có thêm động lực để học tập và trau dồi nhiều hơn, cám ơn chị 😍

lần đầu ngồi đọc hết 1 bài viết tâm sự cá nhân dài như này mà không bỏ chữ nào :v ngưỡng mộ 👍 👍

"Thực ra, thế giới này không có ai sinh ra là không có nhược điểm, không có ai sinh ra là hòa hợp 100% với thế giới và chúng ta cũng không cần điều đó. Mình không bao giờ chấp nhận việc đánh mất chính mình cho công việc. Với mình, công việc là thứ dễ từ bỏ nhất, còn bản thân là thứ không bao giờ từ bỏ được." - Câu này của chị làm em gợi nhớ tới bản thân khi đang còn mải mê định nghĩa từ "hạnh phúc"

👍👍👍👍