Chuẩn bị gì trước khi mổ mắt cận thị?

  1. Sức khoẻ

Đi khám mắt trước khi phẫu thuật 

Khi bạn quyết định phẫu thuật chữa cận thị để có thể xa rời việc dùng kính mắt, việc đầu tiên là bạn phải đi khám để bác sĩ đánh giá tình trạng tật khúc xạ của bạn ở thời điểm hiện tại: độ cận, tình trạng giác mạc…

Việc khám để đánh giá một trường hợp mắc tật khúc xạ có thể mổ được hay không sẽ diễn ra rất kỹ càng so với một ca chỉ khám đo khúc xạ thông thường. Bệnh nhân muốn mổ chữa cận ngoài việc đo khúc xạ sẽ được chụp bản đồ giác mạc, đo chiều dày giác mạc, khám bằng đèn sinh hiển vi… Dựa trên kết quả này, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên: Có nên phẫu thuật không? Nếu phẫu thuật thì có tồn dư độ cận không? Nên thực hiện phẫu thuật vào thời điểm nào?…

Không phải tất cả bệnh nhân cận thị đều có thể phẫu thuật chữa cận; và không phải ai bị cận, sau khi phẫu thuật xong cũng đảm bảo hết cận (còn tùy thuộc cả tình trạng tật khúc xạ, đặc điểm bệnh lý ở mắt cũng như nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác).

Trước khi phẫu thuật cận thị

Nếu bạn đã trải qua các bước khám theo đúng quy trình, bác sĩ tư vấn bạn có thể phẫu thuật chữa cận và bạn cũng đã sẵn sàng cho việc phẫu thuật thì bước chuẩn bị tiếp theo là làm sao để cuộc phẫu thuật thành công nhất.

Để cuộc phẫu thuật đạt kết quả tốt, bạn cần:

-Ngưng sử dụng kính áp tròng mềm ít nhất 3 ngày hoặc kính áp tròng cứng 2 tuần trước khi phẫu thuật.

Tất nhiên không phải ai cũng đeo kính áp tròng, nhưng nếu bạn đang đeo kính áp tròng thì tốt nhất là bạn nên dừng lại và chuyển sang đeo kính gọng ít ngày. Lý do của việc này là do kính áp tròng thay đổi hình dạng của giác mạc đến vài tuần sau khi bạn ngừng đeo. Việc đeo kính áp tròng đến sát ngày phẫu thuật, bỏ kính áp tròng chưa đủ thời gian sẽ khiến việc đánh giá mắt sai lệch và dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.

-Không trang điểm, không dùng các sản phẩm kem lót, kem dưỡng, mascara, nước hoa, nước xịt tóc hay bất cứ dung dịch có mùi nào khi đến phẫu thuật. Lý do là các bụi phấn kem sẽ tạo nguy cơ nhiễm trùng.

-Tắm gội sạch sẽ trước khi phẫu thuật. Nên mặc áo có khuy cài, không nên mặc áo chui đầu để dễ dàng khi thay đồ phẫu thuật.

-Ăn uống bình thường. Không dùng chất kích thích như rượu, bia, cà phê… trước khi đến phẫu thuật.

-Tùy từng trường hợp hoặc tùy từng đơn vị phẫu thuật mà bác sĩ có thể yêu cầu tra thuốc kháng sinh trước hôm phẫu thuật để đề phòng nhiễm khuẩn. Thuốc kháng sinh này sẽ được bác sĩ kê đơn từ trước. Nếu được yêu cầu tra thuốc kháng sinh trước, bạn nên tuân thủ.

Trong ngày phẫu thuật

Bệnh nhân nên đến đúng theo lịch hẹn. Việc đến trễ giờ có thể sẽ khiến bạn bị nhỡ hẹn, khiến mất thời gian để chuẩn bị cho cuộc mổ hoàn hảo.

-Bệnh nhân nên giữ tâm lý thoải mái và hợp tác với bác sĩ. Trước mổ ít phút, bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ. Trong quá trình mổ, bệnh nhân cần nhìn thẳng vào ánh đèn mổ, không đảo mắt quá nhiều. Việc hợp tác tốt sẽ giúp bác sĩ thuận lợi hơn trong các thao tác phẫu thuật, và đương nhiên kết quả bạn nhận được cũng tối ưu hơn.

Những đối tượng không nên phẫu thuật chữa cận thị

– Người có độ cận chưa ổn định, đang dùng thuốc trị khô mắt…

– Những người chưa đủ 18 tuổi (sau 18 tuổi, độ cận mới tương đối ổn định, vì thế phương pháp mổ chữa cận chỉ áp dụng cho bệnh nhân đủ 18 tuổi trở lên).

Ngoài ra, những người có các bệnh lý tại mắt hoặc toàn thân cần phải trao đổi với bác sĩ để bác sĩ xem xét, quyết định.

– Những người có bệnh lý tại giác mạc như: giác mạc chóp, loạn dưỡng giác mạc… thì không có chỉ định phẫu thuật lasik.

Nguồn:

matsaigon

Từ khóa: 

sức khoẻ