Có nên nhảy việc vào thời điểm cuối năm?

  1. Kỹ năng mềm

Thời gian gần đây các bạn Recruiter hay than thở với nhau là cuối năm tuyển dụng khó quá, ứng viên (UV) đa số đều đợi thưởng cuối năm này kia nên đa phần không chịu đi phỏng vấn, cá nhân mình cũng gặp vấn đề này nên hôm nay chia sẻ một chút theo quan điểm cá nhân.

Với gần 8 năm làm Tuyển dụng là chủ yếu, mình đã phỏng vấn rất nhiều ứng viên và nhận thấy phần lớn UV từ chối các cơ hội công việc là vì:

1. Đối với nhiều người, công ty cũng như là gia đình thứ hai của họ, ngoài gia đình thì phần lớn thời gian họ ở công ty. Vì vậy nơi đây đã trở nên quá thân thiết và gần gũi, họ không muốn rời xa những gì dường như đã thuộc về mình: từ đồng nghiệp đến đường đi làm, chỗ ăn trưa,… tuy nhiên theo mình đó tất cả chỉ là thói quen và ta có thể thay đổi, thích ứng rất nhanh. Bạn có thể nhớ lại thời điểm mình bắt đầu tham gia vào công ty hiện tại mọi thứ có phải đều xa lạ nhưng giờ thì cũng ổn cả.

2. Thông thường UV hay nghĩ môi trường, đồng nghiệp, sếp,…ở công ty hiện tại đều rất tốt và rất phù hợp với mình. Sếp, đồng nghiệp là những người đã dìu dắt, chia sẻ, chỉ dạy mình trong công việc từ lúc mình mới ra trường chưa biết gì nên luôn có cảm giác mang ơn và không nỡ dứt áo ra đi. Mình hoàn toàn đồng ý việc biết ơn những người đã chỉ dạy mình là rất tốt, tuy nhiên không ai thương mình bằng bản thân mình vì vậy mình phải tự lo cho mình tốt nhất trước đã nên nếu có cơ hội tốt thì hãy biết tận dụng. Kinh nghiệm mình nhận thấy, đa phần đồng nghiệp mình chuyển việc nếu có tìm hiểu kỹ càng thì đều hài lòng với môi trường, công việc mới. Bên cạnh đó, công ty/môi trường nào cũng có mặt tốt và chưa tốt, quan trọng là mình có thể thích nghi. Hơn nữa mình chưa thử ở môi trường mới kia thì sao biết được nó là không tốt với mình. Hãy suy nghĩ tích cực và lạc quan hơn để mình không phải bỏ lở cơ hội công việc tốt nào.

3. Một lý do nữa thường các bạn ngại tìm hiểu/thử sức với công việc mới là vì sợ mình sẽ thất bại với vị trí công việc mới; ở công ty hiện tại sẽ “an toàn” hơn. Với hơn 8 năm đi làm và đặc biệt gần 6 năm làm trong lĩnh vực công nghệ thì mình nhận thấy không có gì là an toàn tuyệt đối cả, đặc biệt là lĩnh vực IT, môi trường và các hoạt động kinh doanh thay đổi rất nhanh, việc đóng cửa, mua bán, sát nhập, cắt giảm là chuyện hết sức bình thường và là người đi làm thuê mình cũng nên sẵn sàng tâm lý đề đón nhận.

Theo quan điểm cá nhân mình thì chúng ta nên xem xét hết các cơ hội công việc mới nếu có, và mỗi năm mình nên cập nhật CV, đi phỏng vấn 1-2 lần để:

- “Định giá” lại bản thân, nên dành cho mình cơ hội để đánh giá xem với kinh nghiệm, kỹ năng của mình hiện tại thị trường lao động đánh giá thế nào. Đặc biệt là về chuyên môn, thông thường bạn sẽ được tham gia phỏng vấn với người có chuyên môn tốt nên đây chính là cơ hội để nhận biết bản thân mình thực sự giỏi hay chưa giỏi mảng nào, từ đó mình có thể cập nhật, phát triển bản thân nhiều hơn.

- Tìm hiểu thêm về thị trường lao động: Đi phỏng vấn là cơ hội tốt nhất để bạn có thể tìm hiểu về thang lương, môi trường làm việc, văn hóa của các công ty, và đây cũng là cơ hội để bạn xây dựng, phát triển mối quan hệ với các anh chị tham gia phỏng vấn, tuyển dụng mình. Có thể thời điểm này mình chưa phù hợp để tham gia vào công ty nhưng ngày mai, ngày kia, tháng sau, năm sau,..hoàn toàn có thể mình cần tìm một cơ hội công việc mới nên việc tìm hiểu trước thông tin nhiều công ty, xây dựng được mối quan hệ với nhiều anh, chị là hết sức cần thiết. Hơn nữa khi có nhiều thông tin mình có thể giới thiệu cơ hội công việc tốt cho bạn bè phù hợp, lúc đó xét về mặt tổng thể thì rất có lợi cho cả làng.

Có thể các bạn sẽ nghĩ là đi phỏng vấn rất mất thời gian, tui bận lắm không tham gia được đâu. Khoảng này thì bạn yên tâm nhé vì một lần phỏng vấn của mình không mất nhiều hơn 3 giờ đâu (Tính cả thời gian di chuyển), và một tuần, một tháng nếu chịu khó sắp xếp thì 3 giờ chắc không quá khó khăn phải không nè. Hơn nữa các anh, chị tham gia tuyển dụng hiện tại cũng khá tâm lý, nếu bạn khéo léo thương lượng thì mình hoàn toàn có thể tham gia phỏng vấn vào đầu giờ sáng, cuối giờ chiều, thậm chí là giờ nghỉ trưa hoặc café vào ngày nghỉ cuối tuần.

Cũng sẽ có bạn sợ đi phỏng vấn thì sếp biết thì có mà chết vì tui sẽ không được tăng lương, tui bị cắt thưởng,…bạn yên tâm nếu sếp mình thực quan tâm nhân viên thì không có chuyện đó đâu, sếp chuyên nghiệp sẽ luôn tôn trọng, khuyến khích mọi cơ hội tốt của nhân viên và nếu nhỡ mình xui gặp sếp hay gây khó dễ khi biết mình đi phỏng vấn thì mình cũng nên chia tay sớm sếp đó là vừa.

Thông thường để tuyển 1 người công ty cũng mất cả tháng hoặc lâu hơn, vậy nên bạn hoàn toàn có thể thương lượng với nhà tuyển dụng là mình đi phỏng vấn thời điểm này nhưng sẽ nhận việc đầu năm sau, sau khi hoàn tất KPI năm nay và lãnh thưởng xong (Ít nhất là tháng 13). Các công ty cũng sẽ hiểu và thông cảm cho bạn vấn đề này hoặc nếu công ty cần quá gấp bạn có thể thương lượng để công ty mới trả cho bạn khoảng thưởng mà đáng ra bạn sẽ được nhận ở công ty hiện tại. Hãy mạnh dạn chia sẻ điều mình muốn với nhà tuyển dụng và hãy nhớ bạn phải làm hết trách nhiệm với công việc hiện tại trước khi chuyển qua công ty mới.

Kinh nghiệm của mình sau một thời gian phỏng vấn rất nhiều UV cho thấy thông thường hàng năm mỗi công ty sẽ tăng lương khoảng chưa tới 10% (Tổng thể) và trung bình mỗi lần nhảy việc thì bạn được tăng lương ít nhất 20%, có khi 50% hoặc gấp đôi. Vì vậy nếu mỗi năm bạn được tăng lương không tới 15% thì bạn càng gắn bó lâu với một công ty bạn càng thiệt thòi.

Tuy vậy, việc gì cũng có hai mặt, trước khi bạn chuyển việc nên cân nhắc kỹ các yếu tố sau:

1. Chuyển việc sẽ phù hợp hơn khi bạn gắn bó với công ty được 2 năm trở lên bởi vì thông thường khi bắt đầu công việc mới bạn phải mất ít nhất 6 tháng để làm quen công việc, thêm ít nhất 6 tháng để bạn có thể tự làm thuần thục công việc của mình và bạn cần 1 năm để cống hiến, đóng góp cho công ty. Vậy nên sau 2 năm nếu đã cố gắng hết sức nhưng bạn thấy công việc hiện tại không có gì thay đổi, mình không còn học hỏi được gì từ công việc hiện tại hoặc không còn mục tiêu gì để mình phấn đấu thì đó là thời điểm phù hợp để bạn xem xét một cơ hội công việc khác.

2. Ngoài thu nhập, hai yếu tố theo mình là quan trong nhất khi thay đổi công việc là sếp (Cấp trên trực tiếp) và tính chất công việc: Nếu bạn phải làm công việc mình không thật sự yêu thích và phải làm việc với cấp trên mà bạn cảm thấy không thoải mái (Mọi người hay nói là “không hạp”) thì nên tìm kiếm cho mình cơ hội mới vì chắc chắn bạn sẽ không thể nào phát triển được nếu một trong hai yếu tố này có vấn đề. Tính chất công việc và cấp trên trực tiếp cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu bạn cần tìm hiểu thật kỹ khi bắt đầu một công việc mới. (Dĩ nhiên còn nhiều yếu tố khác cần em xét kỹ nhưng mình thấy có nhiều người nói đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông nên không nhắc lại).

Tóm lại, xét về mỗi khía cạnh thì nhảy việc đều có mặt tốt và chưa tốt, để không làm giảm đi giá trị sức lao động của bản thân thì mình nên mở rộng cơ hội cho bản thân, thường xuyên cập nhật thông tin thị trường lao động và tích cực xây dựng, mở rộng mối quan hệ với các anh, chị làm Nhân sự và cả làm chuyên môn ở nhiều công ty để khi cần mình sẽ có nhiều thông tin hỗ trợ cho việc ra quyết định nhảy việc đúng đắn.

_Nguồn: FB/ Trần Vũ Thanh_

Từ khóa: 

nhảy việc

,

phỏng vấn

,

kỹ năng mềm

,

kỹ năng mềm

Bài viết quá 🤩 tuyệt vời. Mình xin cảm 🤧 ơn.
Trả lời
Bài viết quá 🤩 tuyệt vời. Mình xin cảm 🤧 ơn.

Với kinh nghiệm 2 năm làm nhân sự của mình thì đợt cuối năm là dịp các cty đi vào tổng kết, xem xét việc hoàn thành KPI của mỗi nhân viên, và xem xét chế dộ tiền thưởng, lương tháng thứ 13,14 cho nhân viên tùy theo chính sách và tình hình phát triển của mỗi công ty.

Nếu bạn có ý đinh hoặc chắc chắn nhảy việc lúc này, thì xin chúc mừng cty bạn chuẩn bị bỏ, vì họ cho dù phải bồi thường tiền bảo hiểm cho bạn theo luật định ( cái này k chắc nha, các công ty có tỷ cách lách luật để giảm bớt hoặc k trả) thì số đó vẫn nhỏ hơn so với những gì có thể sẽ thưởng cho thành tích làm việc của bạn nếu bạn là 1 nhân viên giỏi. Còn nếu bạn là nv phọt phẹt thì càng tốt , đỡ tốn tiền cho 1 phế nhân. Tất nhiên nếu bạn là 1 nhân viên ưu tú thì chắc chắn cty sẽ có biện pháp để kêu gọi bạn ở lại các kiểu, bạn vẫn đi, sang cty mới tầm này, dù bạn rất nổi tiếng nhưng ko j thuyết phục hơn là chỉ số kpi của bạn đã cống hiến sau 1 năm làm việc nên tôi tin là thưởng tết năm đó của bạn là con số tương trưng ở mức thấp nhất trong danh sách thưởng.

Tất nhiên những điều trên chỉ áp dụng vs những người bình thường k cơ cánh mạnh, còn khi bạn về làm cho cty bố bạn, tập đoàn mẹ bạn thì vô tư nhé, nhảy lúc nào cũng ok, kể cả lúc giao thừa hay giai đoạn dịch covid-19 đang leo thang....

Chúc bạn có 1 lựa chọn sáng suốt .