Đánh giá 'Upin và Ipin: Truyền thuyết thần đao': Diệu kỳ, nhưng còn chút hụt hững

  1. Phim ảnh

upin-ipin-truyen-thuyet-than-dao-15560973959067_540x225

Upin & Ipin: Truyền thuyết thần đao hay tên gốc tiếng Malaysia là Upin & Ipin: Keris Siamang Tunggal là phim hoạt hình điện ảnh thứ ba trong franchise series Upin & Ipin của Les Copaque bên cạnh Geng: Cuộc hành trình bắt đầu (năm 2009), Upin & Ipin: Jeng Jeng Jeng! (năm 2016).

Phim đã chiếu ở Việt Nam cách đây 4 tháng và mình đã xem phim này vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 nhưng giờ mới có thời gian để viết bài review về phim này.

Xin nhấn mạnh là review này mình viết với tư cách là một người khán giả nên còn có thể có thiếu sót. Rất mong những ai am hiểu hơn về hoạt hình sẽ cùng vào góp ý và bổ sung.

1/ Đồ họa và hiệu ứng

Đầu tiên, khi nói và nhận xét tới phim hoạt hình, mình thường để yếu tố hiệu ứng và đồ họa lên đầu tiên vì đây là yếu tố đầu tiên khán giả tiếp xúc trước khi cảm nhận tới các yếu tố khác như: cốt truyện, nhân vật và âm nhạc.

Có một điều mình phải nói - dưới góc độ của khán giả - về đồ họa của phim là: tiếc. Đồ họa phim khá thô và có phần bị suy giảm về chất lượng, nếu so sánh với các phim hoạt hình điện ảnh khác mà Les Copaque đã từng làm, trong khi phim được giới thiệu là phim có kinh phí đầu tư lớn nhất trong lịch sử điện ảnh Malaysia (với kinh phí là 4,84 triệu đô-la Mỹ - tương ứng khoảng hơn 100 tỉ đồng).

Sẽ là một điều khập khiễng khi so sánh phim này với các bộ phim hoạt hình 3D CGI từ Hollywood nên mình xin phép sẽ chỉ so sánh với các sản phẩm hoạt hình khác của Malaysia. Khi so sánh, trong đầu mình vẫn chỉ nghĩ tới chữ 'decline'. Nhất là khi nói tới việc Les Copaque đã từng sản xuất phim Upin & Ipin: Jeng Jeng Jeng! (2016) là phim hoạt hình điện ảnh đầu tiên của nước này có sự kết hợp giữa cảnh quay thực và hình ảnh 3D CGI (nói cách khác là live-action animated film) thì đồ họa trong Upin & Ipin: Truyền thuyết thần đao khiến mình thấy có chút hụt hẫng. Chưa kể, so sánh với một sản phẩm khác cũng ra mắt vào 2016 của Animonsta Studios là BoBoiBoy The Movie được đánh giá cao ở hiệu ứng đồ họa chân thực. Phim chỉ khiến mình đánh giá cao ở đồ họa và hiệu ứng trong đoạn mở đầu phim và đoạn quay bối cảnh xung quanh.

2. Bối cảnh

Song, bù lại, bối cảnh được Les Copaque Studios đầu tư rất tốt khi bối cảnh trong thế giới của vùng đất diệu kỳ Ideraloka được xây dựng rất tài tình. Các bối cảnh ở khu vực ngoại ô Ideraloka vừa mang được nét ảo diệu của "vùng đất diệu kỳ" nhưng cũng có các yếu tố rất gần gũi với làng quê Malaysia và nhiều nước Đông Nam Á khác.

Trong khi đó, bối cảnh ở khu vực thành thị và hoàng cung của Ideraloka có sự kết hợp hài hòa giữa nét kiến trúc hồi giáo, văn hóa Malaysia và chút hơi hướng phương Tây nhưng không bị lai căng.

Cảm nhận chung về bối cảnh của phim là: sự choáng ngợp.

3. Cốt truyện

Cốt truyện của phim có sự liên kết giữa ba tích truyện dân gian của Malaysia bao gồm: Mat Jenin, Bawan Merah - Bawan Putih và Raja Bersiong. Cả ba tích chuyện dân gian Malaysia đã được kết hợp để tạo ra cốt truyện về hành trình Upin, Ipin và những người bạn của mình đi giải cứu vùng đất diệu kỳ Ideraloka.

Việc kết hợp và diễn giải 3 cốt truyện được vận dụng khéo léo và sáng tạo; không mang nặng tính 'truyền bá' kiểu dập khuôn, cứng nhắc khiến khán giả xem cảm thấy không hề nhàm chán; mà còn nhận được thông điệp và giá trị mà những người thực hiện gửi gắm trong phim: về lòng vị tha, sự trắc ẩn; và vai trò của giá trị văn hóa trong cội nguồn dân tộc (mình đã viết một bài trong Noron.vn, link ở phía dưới, mong các bạn đón đọc!)

Kết truyện của phim thật ra có thể nói khá dễ đoán nhưng kết thúc không quá vội vàng nên xem vẫn còn hứng thú.

Lời thoại trong phim (qua bản dịch tiếng Việt) rất tự nhiên và thể hiện được tính cách nhân vật một cách rõ ràng. Giờ bản thân mình vẫn ấn tượng việc bên dịch Việt Nam đã cho câu cửa miệng: "Thật không thể tin nổi!" vào nhân vật Upin & Ipin trong phim.

Tuy nhiên, đáng tiếc là phim có kha khá plot hole.

Chẳng hạn, 2/3 câu chuyện mâu thuẫn được đề cập trong phim - với vai trò là nút thắt để hóa giải và hiện hình cây thần đao - bị giới thiệu một cách khá sơ sài và không giải thích được một cách rõ ràng vì sao những mâu thuẫn đó lại phát sinh.

Một plot hole nữa khiến mình khá thắc mắc, từ lúc xem phim xong đến bây giờ, là: Vì sao Upin & Ipin lại là 2 linh hồn dẫn lối chứ không phải là bất cứ một ai khác? Mình không rõ có phải là do ẩn ý của phía sản xuất là: hãy cảm nhận toàn bộ câu chuyện và tự lý giải câu hỏi trên chăng?

Tuy vậy, điều mình đánh giá cao trong cốt truyện là việc nó đã gửi thông điệp thời sự về vấn đề bảo tồn di sản và giá trị văn hóa dân tộc cũng như cách truyền bá văn hóa Malaysia rất tài tình khiến mình có hứng thú tìm hiểu các tích truyện dân gian nước bạn.

4. Nhạc phim

Tiếp theo là nhạc phim. Phải nói rằng, trải nghiệm nhạc phim của Upin & Ipin: Truyền thuyết thần đao rất là... PHÊ!

Từ nhạc nền cho các khung cảnh trong phim cho tới hai bài hát chính: Keris SaktiBuai Laju-laju nghe rất đã tai.

Bài hát Keris Sakti với ngôn từ thể hiện ước mơ ngàn đời của dân chúng về đánh bại kẻ gian; sự hòa bình, thịnh vượng. Thông điệp của bài hát được truyền tải với tiết tấu nhanh cùng với đó là sự kết hợp hài hòa và vô cùng tuyệt vời giữa nhạc cụ gambus (một phần trong nền âm nhạc dân gian Malaysia) và nhạc cụ dân gian thính phòng khiến khán giả mê say.

Trong khi đó, bài Buai Laju-laju là một bài hát mình đánh giá cao ở tầng nghĩa. Với giai điệu du dương và giọng hát nhẹ nhàng, bài hát như một lời tự sự của người lớn đối mặt với nhiều trắc trở ở đường đời và muốn có những khoảnh khắc "trẻ con": vô lo, vô nghĩ.

Hơi tiếc là phần phụ đề cho lời bài hát Buai Laju-laju không được phía rạp Galaxy dịch đầy đủ, còn bài hát của nhân vật tướng quân khi giải thích về vị hoàng tử cũng bị bỏ qua khiến trải nghiệm người xem khá bị ảnh hưởng. Mình khi xem trong rạp lúc đó cảm thấy khá ngỡ ngàng vì... khó hiểu.

5. Lồng tiếng

Phần lồng tiếng khá sát với giọng gốc (nhất là giọng của nhân vật Upin - Ipin và Raja Bersiong). Cá nhân mình thật sự yêu thích giọng của nhân vật Raja Bersiong bản Việt vì đã thể hiện được đúng nội lực và bản chất của nhân vật. Song, điểm trừ nặng là ở các đoạn khóc, các diễn viên lồng tiếng đóng đoạn này chưa thật sự đạt khiến mình cảm giác như các diễn viên khá gồng mình và ngượng ngạo khi đóng đoạn này.

6. Một số nhận xét khác

Một điểm trừ nữa của phim mà mình thấy hơi tiếc là các nhân vật đồng hành của Upin & Ipin khá ít đất diễn. Họ không có vai trò gì nhiều ngoài... tạo tiếng cười và... bị bắt. Có thể do hạn chế ở việc phim chỉ kéo dài trong 100 phút chăng?

Một chi tiết nhỏ trong phim mà mình thấy khá thú vị và đánh giá rất cao là ở đoạn tấn công vào hoàng cung Ideraloka khi Raja Bersiong còn chiếm đóng. Đoạn trên có một vũ khí đặc biệt là đại bác (và đạn) được làm bằng... thân cây chuối. Nó vẫn tạo được không khí hành động nhưng không bị 'sờ gáy' nhiều vì sẽ bị xét là phim hoạt hình family-friendly.

Phim ngoài ra có một đoạn after credit nhỏ liên kết nhẹ giữa cốt truyện trong phim và 1 series khác của Les Copaque là Puteri (nhưng không nhiều khán giả Việt Nam biết tới series này do chưa được phổ biến ở thị trường nước ngoài).

Tổng quan

Phim khiến mình khá choáng ngợp vì bối cảnh trong phim rất hùng vĩ và đậm chất diệu kỳ của vùng đất mộng mơ Ideraloka.

Cốt truyện truyền tải được thông điệp về lòng trắc ẩn, sự vị tha và thông điệp về vai trò của di sản dân tộc.

Nhạc phim hay, mang tính đầu tư; nhưng tiếc là Les Copaque chỉ đăng tải hai bài hát chính của phim, không có các key soundtrack khác.

Tổng quan mình đánh giá:

  • Đồ họa: 2,5-3/5
  • Cốt truyện: 3/5
  • Nhạc phim: 5/5

Theo quan điểm cá nhân, phim phù hợp với các gia đình có trẻ nhỏ và những người lớn muốn trải nghiệm cảm giác 'Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ'.

Việc franchise Upin & Ipin trước kia không được khán giả Việt đánh giá cao nhưng Upin & Ipin: Truyền thuyết thần đao được nằm trong top 10 những phim có doanh thu cao trong khoảng thời gian công chiếu cũng và được nhiều reviewer đánh giá khá là một điều rất thành công với Les Copaque Studio.

Từ khóa: 

hoạt hình

,

hoạt hình malaysia

,

upin và ipin

,

phim ảnh