GS Nguyễn Lân Dũng: Không làm chủ được mình thì không thể lãnh đạo người khác

  1. Phong cách sống

  2. Sách

GDVN- Kết hợp giữa nỗ lực thường xuyên và tự do cảm xúc chính là sự làm chủ để vượt qua được trì trệ trong suy nghĩ.

LTS: Tiếp tục gửi đến độc giả bài viết số 149 trong loạt bài Đọc giùm bạn trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ những điều thú vị trong cuốn sách “Rèn luyện tâm linh trí tuệ để nâng cao sức sáng tạo” của Victor Pékélis.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

https://cdn.noron.vn/2021/08/18/ac2178f8-0dbd-48fb-a2ac-b099d39436c5-7765-1629257141.jpg

– Tất cả những gì tốt đẹp đều là thành quả của sự cố gắng lớn lao và sự tập trung cao độ. Không có sự làm việc siêng năng cần mẫn thì chớ nói đến chuyện trở thành thiên tài thật sự.

– Không có mối quan hệ trực tiếp hay đồng dạng nào giữa trí nhớ và tài năng cũng như tài năng và trí nhớ.

– Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, giáo sư Transtenbec – nhà toán học người Zurich đã đưa ra một quy tắc duy nhất mang tính khoa học về kỹ năng tính nhanh, gọi là Quy tắc tính nhanh. Sự ra đời của nó thật đơn giản và bình thường. Sau chiến tranh, Transtenbec đã thành lập và lãnh đạo Viện Toán học Zurich. Hệ thống của ông cho phép thực hiện giải toán theo cách đơn giản nhất trong một phạm vi rất lớn, như các phép cộng, trừ, nhân, chia, lũy thừa, khai căn…

– Tóm lại, tính toán nhanh không còn là điều bí ẩn nữa và chúng ta đã được biết đến một hệ thống tính toán rất khoa học.

– Đã từ lâu, ta đều biết năng khiếu và tài năng của con người bộc lộ khi còn rất trẻ. Chính vì vậy, có không ít tài năng trẻ tuổi. Sau khi nghiên cứu về trẻ em, không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức quốc tế về giáo dục và đào tạo lứa tuổi sắp đến trường cho là đối với trẻ, những năm đầu rất quan trọng, bởi vì ngay từ bé, trẻ em đã có khả năng rất kỳ diệu.

– Nhiều nhà tâm lý học cho rằng, ở độ tuổi thiếu niên các em thường có một niềm say mê tột cùng đối với môn học này nhưng lại lạnh nhạt hoặc thờ ơ với một số môn học khác.

– Nhiều người làm việc hăng hái suốt cả cuộc đời và vẫn giữ được nhịp độ làm việc đó không chỉ đến độ đứng tuổi, tuổi của sự chín chắn từ 41 đến 71 mà còn ở độ tuổi cao hơn nữa.

– Câu Hãy tự biết mình thiết nghĩ mỗi chúng ta đều phải tâm niệm và coi nó như cẩm nang trong cuộc sống. Thật vậy, tất cả đều bắt đầu từ những hiểu biết về chính mình, điều đó sẽ quyết định tất cả: đường đời và mục đích của sự tồn tại.

– Các nhà bác học đưa ra phương thức sau đây: Để có tính sáng tạo thì công việc phải phù hợp với thiên hướng của người làm công việc đó.

– Ngày nay không ai còn nghi ngờ nữa, mỗi người trong chúng ta đều có những khả năng dồi dào cho sáng tạo (trừ những người bất bình thường). Và đó chính là những khả năng mà chúng ta được thừa hưởng từ bố mẹ mình.

– Năng khiếu bẩm sinh của mỗi người là những gì quý báu nhất, tinh túy nhất được di truyền từ đời này sang đời khác. Trong những điều kiện thuận lợi, nếu một người biết phát huy khả năng – hay nói khác đi – biết tận dụng thế mạnh của mình, thì đó chính là sự kết hợp tốt nhất giữa con người và công việc. Con người ấy cuối cùng sẽ tìm ra cho mình một điểm tựa, đó chính là thiên hướng của người ấy.

– Hạnh phúc biết bao khi là người có ích cho xã hội và được cống hiến cho sự nghiệp chung.

– Hành nghề phù hợp với khả năng của mỗi người là một trong những điều kiện cần thiết để tạo nên hạnh phúc cá nhân.

– Không có gì có thể thay thế được sự vui thú trong công việc và sự thỏa mãn khi có được một vị trí xứng đáng trong xã hội.

– Chỉ khi được làm việc trong một môi trường lao động giữa một tập thể cần cù và trong nỗ lực sáng tạo thì người ta mới có thể bộc lộ đầy đủ khả năng cũng như tài năng của mình. Chính điều đó sẽ tạo nên nhân cách của mỗi cá nhân.

– Người ta thường nói: Không có người không có tài năng mà chỉ có người không được đứng đúng chỗ của mình.

– Đôi khi chỉ vì tâm lý không thoải mái mà có thể làm mất đi các chuẩn mực đạo đức của con người.

– Một số người thiên hướng tiềm ẩn được bộc lộ ngay từ thuở nhỏ, trong trường hợp đó gia đình và xã hội phải bắt đầu nuôi dưỡng thiên tài ấy.

– Con người cần phải nắm bắt được các triệu chứng của các khả năng và năng khiếu của mình sớm nhất nếu có thể để ý thức được thiên hướng của mình.

– Ngày nay, theo các nhà nghiên cứu gen, nếu bố hoặc mẹ có trí tuệ kém phát triển thì khả năng đứa con chịu ảnh hưởng bởi bố hoặc mẹ là từ 30-35%.

– Chúng ta phải xác định những tầm cao, có nghĩa là phát hiện ra các thiên hướng của mình.

– Nếu người ta cho rằng mỗi một loại công việc đều có một đặc điểm riêng và có những đòi hỏi đặc biệt về phía người làm thì người ta có thể chấp nhận mỗi cá tính của con người đều thể hiện những đòi hỏi riêng đối với công việc của mình.

– Không có người kém cỏi, chỉ có người không tìm được vị trí của mình trong cuộc sống.

– Mục đích của hướng nghiệp là nhằm phát hiện ra những khả năng của con người vì lợi ích của xã hội và làm giảm đến tối thiểu số lượng những người kém may mắn.

– Phản xạ hướng về đích là mong muốn mang tính bản năng của con người, mong muốn làm cho thuộc về mình những hiểu biết mới, những thông tin mới.

– Cuộc sống với mọi biểu hiện, mọi tiến triển của nó với tất cả sự giáo dục và đào tạo chính là sản phẩm của phản xạ hướng về đích, là kết quả những cố gắng của con người theo đuổi một mục đích đã chọn.

– Biết những gì mình muốn, quyết tâm tiến tới một cái đích đã vạch sẵn chính là quy tắc quý như vàng của mỗi người. Nhờ nó con người có thể chiến thắng mọi khó khăn và tất cả vị đắng của cuộc sống.

– Tất cả các điều kiện của cuộc sống con người đều hướng tới làm bừng nở các tiềm năng của họ, đồng thời hiến cho họ một nguồn vui quý báu về tinh thần.

– Tính cách là cách cư xử thường ngày của một người. Nó phản ánh thái độ của người ấy đối với thực tế khách quan. Hơn nữa, đó là cách vững chắc để tạo nên cá tính của con người.

– Tính cách gắn chặt với phẩm chất của ý chí con người. Bởi vì, ý chí là khả năng trí tuệ giúp con người điều chỉnh ý thức về các hoạt động của mình.

– Một người có ý chí thì muốn để mà làm, còn người không có ý chí thì muốn để mà muốn.

– Kinh nghiệm sống của Nicôlai Ostrôpski (tác giả Thép đã tôi thế đấy): Biến bại thành thắng, từ đó rút ra được bài học và kinh nghiệm. Phân tích các hành động, lập thành hệ thống để tránh gặp lại những thất bại và rủi ro.

– Những xúc động tích cực đóng một vai trò quan trọng cho sự nỗ lực của ý chí. Đó là niềm vui sáng tạo, sự coi trọng bản thân, cảm giác hài lòng… Đó là tất cả những gì tạo nên làn gió thuận lợi này.

– Kết hợp giữa nỗ lực thường xuyên và tự do cảm xúc chính là sự làm chủ để vượt qua được trì trệ trong suy nghĩ. Đó là mầm mống của mọi sự sáng tạo.

– Trí nhớ của chúng ta chẳng phải gì khác là chính bản thân chúng ta, là nhân cách, thái độ của chúng ta đối với những người khác, là những khả năng và ý thức của chúng ta. Chúng ta luôn phụ thuộc vào trí nhớ.

– Hàng loạt thông tin không cần thiết dễ làm phương hại trí nhớ của chúng ta, nếu chúng ta không có khả năng quý báu là quên đi những gì không cần thiết.

– Khả năng quên những điều không cần thiết và thứ yếu, khả năng nắm được những điều tối cần thiết là một trong những dấu hiệu của tài năng.

– Toàn bộ thông tin không được lưu giữ sẽ thoát khỏi bộ nhớ khi nó không được củng cố bằng việc nhắc đi nhắc lại từng đợt.

– Năng suất lao động sáng tạo tỷ lệ thuận với khối lượng thông tin được con người nhận và tiêu thụ. Đọc sách là con đường chủ yếu để thu nhận kiến thức.

– Việc đọc nhanh là để đối phó với cơn lũ thông tin. Phải luôn ý thức được sự cần thiết này, đừng lúc nào quên là lao động trí óc đòi hỏi một kỹ thuật lớn về tinh thần.

– Tất cả mọi người đều có thể trở thành những người biết nhiều ngôn ngữ, nếu họ tiếp cận với việc học tập tiếng nước ngoài một cách nghiêm túc. Vạn sự khởi đầu nan, chỉ bước đầu tiên là đáng kể vì từ ngôn ngữ thứ ba trở đi thì mọi cái đều trơn tru trôi đi như trên bánh xe lăn. Hãy luôn nhớ câu ngạn ngữ Pháp: Cần cù rèn sắt, ta sẽ trở thành thợ rèn.

– Tissot, thầy thuốc giỏi người Pháp, thế kỷ 18 đã viết rằng: Hiệu quả của bất kỳ một vận động nào cũng có thể thay thế tất cả các loại thuốc. Trong khi đó, mọi thứ thuốc trên thế giới không thay thế cho vận động được.

– Thiếu sự rèn luyện cơ thể, hệ thống tim mạch đưa máu nuôi dưỡng não bộ sẽ yếu dần đi, dẫn đến việc lượng ôxy giảm và chính sự giảm ôxy này sẽ làm hệ thống mạch não cũng yếu đi.

– Tin vào sức mạnh của chính mình, chỉ điều này mới cho phép con người đạt tới đích hằng mong muốn.

– Một phần ba cuộc đời chúng ta dành cho giấc ngủ. Mất ngủ là do tình trạng căng thẳng cảm xúc và vì làm việc quá sức kéo dài.

– Người không có cảm xúc chẳng khác gì một rôbốt vô hồn, lạnh lùng với tất cả và thờ ơ với mọi người. Cảm xúc được coi như những bộ điều hòa các phản ứng trong cơ thể con người với những đòi hỏi khác nhau.

– Một người khi quyết định dứt khoát một vấn đề nào đó bằng sự thôi thúc của tình cảm thì làm việc luôn có hiệu quả hơn một người duy lý với nhiều đắn đo suy nghĩ.

– Có một tinh thần lạc quan trong mọi công việc trở thành một yếu tố cần thiết hàng ngày bởi lẽ nó ẩn chứa vô vàn tiềm năng của con người.

– Các thiên tài nổi bật nhờ vào một ý chí kiên định và một ham muốn sắt đá tìm cho mình một vị trí trong cuộc sống.

– Để có một cuộc sống cân bằng cần phải tu thân, phải tự học, đồng thời tự hoàn chỉnh mình. Mỗi người phải biết chú tâm về mặt nào và loại từ những mặt nào trong tính cách của mình. Phải kiên quyết giữ vững quan điểm tâm lý để đạt được những kết quả tốt nhất, đồng thời thích ứng được với các tình huống cụ thể.

– Nụ cười nâng đỡ và nâng cao tinh thần lên. Người ta nói rằng, nụ cười đã mang đến cho tâm hồn liều thuốc bổ thơm tho, và chỉ ba phút cười thoải mái có thể thay cho 15 phút rèn luyện cơ bắp.

– Sự vững vàng về lý tưởng, tài năng, kiến thức, kinh nghiệm, tính trung thực, sự tận tụy là động cơ chính của con đường sự nghiệp.

– Vận may luôn mỉm cười với những kẻ táo bạo. Đó là phương thức của một tham vọng lành mạnh.

– Lao động tập thể làm nảy nở trong con người một khát khao sáng tạo cháy bỏng mà lao động cá thể không sao có được.

– Xã hội càng phát triển thì lao động tập thể càng thay thế lao động cá thể. Tập thể cũng tiến triển như bao lĩnh vực hoạt động khác của con người.

– Những bàn tay và những khối óc chụm lại, những sức mạnh được tập trung sẽ làm nên một sức mạnh vô biên.

– Người không làm chủ được chính mình thì không thể có khả năng lãnh đạo người khác.

– Thật tốt nếu một người lãnh đạo là tấm gương sáng cho các nhân viên của mình về khả năng khoa học cũng như phong cách ứng xử giao tiếp.

– Mỗi người lãnh đạo phải có trình độ cao hơn nhân viên của mình. Tập thể cần có một anh hùng gây được uy tín và tranh thủ được lòng tin của mọi người.

– Duy nhất chỉ có tập thể mới cho phép cá nhân làm chủ được những phương tiện giúp cho tất cả những năng khiếu của cá nhân đơm hoa kết trái.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Nguồn: https://giaoduc.net.vn/van-hoa/gs-nguyen-lan-dung-khong-lam-chu-duoc-minh-thi-khong-the-lanh-dao-nguoi-khac-post220067.gd

Link bài:

Từ khóa: 

làm chủ bản thân

,

đọc và suy ngẫm

,

tâm linh và trí tuệ

,

gs nguyễn lân dũng

,

thư viện tự lập

,

phong cách sống

,

sách

Một cuốn sách đáng đọc, nhưng nếu chưa kịp đọc thì theo dõi mục này cũng rất hay :)

Trả lời

Một cuốn sách đáng đọc, nhưng nếu chưa kịp đọc thì theo dõi mục này cũng rất hay :)

Cảm ơn bạn đã chia sẻ ạ mình rất thích series này của Thư Viện🤍 🤍