Hàn Quốc thập niên 1960- những năm tháng nhọc nhằn xuất khẩu lao động

  1. Lịch sử

Hàn Quốc thập niên 1960: Một thời nhọc nhằn xuất khẩu lao động sang Tây Đức

Những năm 1960 là thời kỳ khó khăn của Hàn Quốc. Khi đó, gia đình nào chỉ cần đủ “cơm ăn ngày ba bữa” đã được coi là nhà giàu rồi.

“Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới về Tổng sản phẩm quốc dân (GDP) bình quân đầu người của 120 quốc gia khi đó thì Hàn Quốc thấp thứ nhì với 72 USD/người. Đứng cuối bảng xếp hạng là Ấn Độ với khoảng 52 USD/người. Trong bảng xếp hạng này, thậm chí Bắc Triều Tiên còn có thứ hạng cao hơn Hàn Quốc với mức thu nhập bình quân đầu người là 86 USD/người.”

Vào mùa hè năm 1960,đoàn đại biểu của Seoul sang Tây Đức để đề nghị Chính phủ Đức viện trợ giúp phát triển kinh tế.

Đại sứ quán Hàn Quốc đã nỗ lực sắp xếp một cuộc gặp giữa Bộ trưởng kinh tế của Hàn Quốc với Bộ trưởng Tài chính của Đức khi đó là ông Ludwig Erhard, nỗ lực này đã bị từ chối.

Tuy nhiên nhờ kiên trì kêu gọi mà cuối cùng, đoàn đại biểu cũng đã gặp được Thứ trưởng Tài chính Tây Đức, thay vì Bộ trưởng, đồng thời nhận được lời hứa từ thứ trưởng là sẽ cho vay khoảng 30 triệu USD. Tuy nhiên một vấn đề khác lại nảy sinh là không có một ngân hàng nào trên thế giới khi đó dám đứng ra bảo lãnh cho một trong những nước nghèo nhất thế giới như Hàn Quốc. Đoàn Hàn Quốc phải trở về tay không. Song, ông Baek Young-hoon - phiên dịch đoàn đại biểu HQ, đã ở lại và tiếp tục trải qua 20 ngày tiếp theo trong nước mắt, cố gắng nghĩ ra cách để vay được tiền viện trợ. Sau đó, một người bạn của ông là nhân viên trong Bộ Lao động Đức khi đó đã nảy ra một ý tưởng độc đáo.

“Bạn của tôi hỏi tôi rằng ở Hàn Quốc có nhiều người thất nghiệp không và tôi trả lời: "Tất nhiên là có rồi". Anh ấy hỏi tiếp liệu có thể gửi khoảng 5.000 công nhân sang làm việc ở các hầm mỏ Đức hay không. Tôi nói: "Chắc không có vấn đề gì". Anh ấy lại hỏi liệu có thể gửi khoảng 2.000 y tá sang không?”

Từ ý tưởng đó, những người thợ mỏ, y tá Hàn Quốc đã được cử sang Đức, quốc gia từng là kẻ thù của cả thế giới khi xưa, để lao động với quyết tâm thoát khỏi đói nghèo. 



Mùa hè năm 1963, Chính phủ Hàn Quốc thông báo về việc tuyển dụng thợ mỏ đi xuất khẩu lao động sang Đức trong ba năm với lương mỗi tháng là 159 USD. Sự kiện này đã gây xôn xao dư luận trong nước. Các báo cũng đồng loạt đăng tải bài viết “Đức kêu gọi lao động Hàn Quốc” và đã thu hút nhiều người trẻ tham gia.

“Thông báo tuyển dụng 5.000 thợ mỏ và 2.000 y tá tràn ngập trên các trang báo khi đó. Số người tham gia dự tuyển lên tới 47.000 người, nghĩa là 1 chọi 10 đó. Điều kiện đăng ký là phải tốt nghiệp phổ thông. Ấy thế mà những người đến dự tuyển hầu như là đã tốt nghiệp đại học. Còn y tá tuyển 2.000 người nhưng số lượng người đăng ký thì phải lên tới 27.000 người.”

Lúc bấy giờ, Đức đã đạt được sự tăng tưởng kinh tế thần kỳ nhưng họ lại thiếu nguồn lao động. Đặc biệt, những ngành nghề đòi hỏi lao động vất vả nguy hiểm như khai khoáng thì thiếu nhân lực trầm trọng. Do vậy, Chính phủ Đức buộc phải bù đắp chỗ trống đó bằng nguồn lao động nước ngoài. Lúc đầu, sau Thế chiến II, chỗ trống này được những người đến từ Đông Âu hay những người tị nạn Đông Đức lấp đầy. Nhưng sau khi bức tường Berlin được dựng lên thì số người vượt biên giảm xuống. Một vấn đề khác nữa là đến năm 1963, những lao động Nhật Bản được cử đến Đức từ năm 1950 cũng đến lúc hết hạn hợp đồng nên phải trở về nước. Đây là một điều kiện thuận lợi cho người Hàn Quốc sang đó làm việc.

Công việc ở các hầm mỏ rất vất vả. Phần lớn các thanh niên Hàn Quốc lao động bên Đức khi đó đều đã tốt nghiệp đại học, nhưng vì miếng cơm manh áo, họ đành phải gác cây bút lại, cầm cuốc thuổng trên tay và chấp nhận làm việc trong những công trường tối om nằm sâu 1.000 mét dưới lòng đất. Ông Ha Dae-kyung, Chủ tịch Hiệp hội Thợ mỏ - Y tá - Điều dưỡng xuất khẩu lao động sang Đức nói: “Mỗi ngày làm việc tám tiếng, trừ lúc ra khỏi mỏ thì trung bình chúng tôi lao động khoảng sáu tiếng rưỡi/ngày trong các mỏ than. Công trường làm việc của chúng tôi nằm ở độ sâu 1.000m dưới lòng đất. Có những lối đi dẫn xuống dưới để đào than, và cứ đi xuống 100m thì nhiệt độ lại tăng 1 độ C. Giả sử nhiệt độ trên mặt đất là 20 độ C thì dưới chỗ làm sẽ là 30 độ C. Khi các máy móc làm việc thì bụi than thoát ra bay mù mịt làm mờ tầm nhìn, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe vì chúng tôi thường hít phải chỗ bụi than đó.”

Làm việc trong một môi trường chật hẹp, nhiệt độ cao, nên những người thợ mỏ ai nấy đều nhễ nhại mồ hôi. Không chỉ vậy, họ còn phải suốt ngày tập trung cao độ để tránh xảy ra các vụ tai nạn hầm mỏ nguy hiểm tới tính mạng. Ông Ha Dae-kyung:“Tại các hầm mỏ, dù có đảm bảo an toàn đến đâu thì cũng không ai dám chắc được trần hầm sẽ không bị sập hay không xảy ra sự cố nào khác. Trên thực tế, đã có rất nhiều tai nạn đã xảy ra. Khi tôi còn làm việc ở đó, đã có lần có nguyên một khối than lớn rơi xuống và có người thậm chí còn bị thiệt mạng nữa. Có tai nạn lao động do không hiểu cách sử dụng máy móc. Ngoài ra, chúng tôi không thể biết rằng khi nào thì khí gas sẽ bị rò rỉ, nên thường xuyên ở trong tâm trạng lo lắng.”

Cứ mỗi buổi sáng, trước khi xuống hầm, các thợ mỏ đều cổ vũ tinh thần nhau bằng một câu tiếng Đức “Glück Auf”, có nghĩa là “Chúc may mắn”. Câu này như một câu cam kết “Chúng ta nhất định phải sống để gặp lại nhau”. Công việc ở hầm mỏ được liệt vào hàng nguy hiểm và cực nhọc. Tuy nhiên, các thợ mỏ đã cố chịu đựng với hy vọng giúp gia đình của mình thoát khỏi đói nghèo nếu làm việc trong ba năm. Có thể nói, họ đã phải đánh đổi tính mạng của bản thân để có tiền gửi về cho gia đình ở quê nhà.

“Thù lao của chúng tôi nhận được gấp gần 10 lần so với làm việc tại Hàn Quốc. Mức lương khởi điểm thường vào khoảng 500-600 mark Đức, có người còn được nhận thêm tiền làm ngoài giờ thì lương có thể lên tới khoảng 800-900 mark Đức. Nếu quy đổi bằng tiền won là khoảng 300.000 won. Trong khi người làm công bình thường tại Hàn Quốc chỉ nhận được khoảng 50.000 won. Tuy được trả lương cao nhưng chúng tôi chỉ tiêu một ít thôi, còn lại để dành gửi hết về cho gia đình.”

Hoàn cảnh của các y tá cũng không khác mấy. Bà Lim Ok-jin đã từng làm y tá tại bệnh viện Y dược thuộc Đại học tự do Berlin (Đức) từ năm 1970 kể lại rằng, bà và những đồng nghiệp đã phải trải qua những tháng ngày dài dằng dặc, cô đơn ở bệnh viện và trên người bám đầy mùi thuốc khử trùng thay vì mỹ phẩm, thứ mà ở tuổi đó ai cũng muốn sử dụng. Nhưng những cô gái trẻ này vẫn chấp nhận tất cả gian khổ, vất vả ấy bởi như vậy mới có tiền gửi về quê hương, lo bữa ăn cho gia đình mình.

“Tôi đã gửi toàn bộ tiền lương của mình về quê nhà. Tôi cố gắng tiêu chắt bóp nhất có thể để gửi được về nhà nhiều tiền nhất. Do xa nhà nên tôi luôn cảm thấy buồn. Gia đình tôi, ba mẹ, các em ai cũng đều rất đáng thương. Chúng tôi phải làm gì để có thể kiếm được cái ăn cho gia đình mình đây? Cứ nghĩ đến chuyện đó là khoé mắt tôi lại cay cay, và càng quyết tâm tiết kiệm để gửi về nhà. Nhiều người trong chúng tôi thậm chí còn chưa từng ra hàng cắt tóc. “Phải tiết kiệm tiền và gửi về” - Đó là điều duy nhất trong đầu tôi lúc đó.”

Số tiền mà các thợ mỏ, y tá lao động bên Đức gửi về không chỉ giúp cho chính gia đình họ mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế nước nhà tăng trưởng. Ông Kwon Hyuk-cheol, Giám đốc Viện doanh nghiệp tự do, cho biết:“Số tiền mà các lao động ở Đức gửi về quê nhà trong thời kỳ đầu là hàng triệu đô-la Mỹ, đến sau đó thì đã lên tới hàng chục triệu đô-la Mỹ. Chỉ trong ba năm đầu, số tiền này đã tương đương với 1,7-1,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc. Do đây là ngoại tệ nên có thể nói tiền gửi về của lao động Hàn Quốc có giá trị gấp đôi so với doanh thu xuất khẩu. Như vậy ta có thể thấy khoản tiền xuất khẩu lao động này lớn như thế nào. Thêm vào đó, đến những năm 1960, lượng ngoại hối dự trữ của Hàn Quốc là vào khoảng 23 triệu USD, trong khi số tiền do lao động gửi về nước, lấy ví dụ năm 1965, là vào gần 2,7 triệu, 2,8 triệu USD. Như vậy, khoản tiền ấy chiếm gần 10% lượng dự trữ ngoại hối quốc gia.”

Mặt khác, thái độ làm việc chân thật và cống hiến hết mình của các y tá, thợ mỏ Hàn Quốc đã được người dân Đức biết đến và đánh giá cao. Chính điều này đã đóng vai trò tích cực trong mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ông Baek Young-hoon, Giám đốc Viện nghiên cứu phát triển công nghiệp Hàn Quốc, nói: “Các thợ mỏ đã làm việc rất chăm chỉ ở Đức. Các y tá thì sẵn sàng làm tất cả các công việc, kể cả những việc khó khăn nhất. Bởi vậy mà họ đã nhận được nhiều thiện cảm của người Đức, thậm chí còn được các tờ báo Đức ca ngợi. Cảm tình của người Đức với những lao động Hàn Quốc đã tác động đến cả Chính phủ, và cuối cùng, ngày 5/12/1964, Tổng thống Đức khi đó là ông Karl Heinrich Lübke đã quyết định mời Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee đến thăm nước Đức.”

“Khi đó, Tổng thống Park tới thăm Đức là để hỏi vay tiền viện trợ. Vì là người đứng đầu của một nước nghèo nên ông chỉ có một xe máy hộ tống. Ông tới chỗ chúng tôi vào lúc đêm muộn. Tôi cùng các đồng nghiệp và các nữ y tá đã đứng chờ tổng thống ở đó. Cuộc gặp khi đó rất nhiều cảm xúc không nói nên lời, chúng tôi chỉ nhìn nhau mà nước mắt tuôn trào.”

Những giọt nước mắt của vợ chồng nguyên thủ và những thanh niên trẻ Hàn Quốc cứ thế mà tuôn rơi trên nước Đức xa xôi. Những giọt nước mắt ấy đã không trở nên vô dụng. Một đất nước gửi những người con trai, con gái của mình đi, một đất nước thì tiếp nhận những con người ấy, cho họ cơ hội để nuôi sống gia đình mình. Nhờ vậy, mà tình thân Hàn-Đức càng được thắt chặt hơn trên nhiều lĩnh vực, cả kinh tế, văn hoá và xã hội.

Những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi đã hy sinh tuổi trẻ của mình, bỏ lại gia đình để đến một quốc gia xa xôi, lao động vất vả gian khổ trong các hầm mỏ, bệnh viện chỉ với một ước vọng duy nhất là nuôi sống gia đình và góp phần đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo. Sự cống hiến cao quý của họ đã làm nên một đất nước Hàn Quốc phồn vinh và thịnh vượng như ngày nay. Và bản thân cuộc đời họ cũng đã trở thành là một trang sử không bao giờ quên trong lịch sử dân tộc Cao Ly.

Theo NHững bước đi thần kỳ của Hàn Quốc...
#Ruka
Từ khóa: 

lịch sử