HỌC Ở NƠI KHÔNG CÓ NGƯỜI DẠY

  1. Tâm lý học

Tốt nghiệp phổ thông, tôi đặt ra cho mình những mục tiêu mới khi bước chân vào đại học. Không gì nhiều, học và trải nghiệm. Sau một thời gian khá dài được nhào nặn trong guồng quay của những bài kiểm tra, những lần trả bài bật lên vanh vách nhưng vô hồn và nhiều lần lật vở như một cái máy. Bất giác, tôi chán ghét một số thứ và cảm thấy không tương thích. Tìm sâu vào suy nghĩ của bản thân, tôi thấy mình cần nhiều hơn như thế, đó là cảm giác muốn chạy nhảy, phiêu lưu qua những vùng đất mới, ghé thăm ai đó ở một nơi bình yên của ruộng đồng trong chốc lát rồi thong thả đi tiếp hay những lần thơ thẩn ở một chốn không tên… Và những điều như thế thôi thúc trong tôi những suy nghĩ về việc “gap year” của giới trẻ hôm nay.

“Gap year” là một khái niệm nói về việc giới trẻ nghỉ một năm trước khi vào đại học để trải nghiệm. Trào lưu này xuất hiện dày đặc ở châu Âu nhưng ở Việt Nam vẫn chưa được phổ biến. Chúng ta thường nói rằng tuổi trẻ chỉ có một vì vậy phải tận hưởng và học hỏi thật nhiều nhưng chưa phải bạn trẻ nào cũng quý trọng khoảng thời gian đó. Tôi luôn nghĩ không bao giờ là quá muộn để thực hiện ước mơ của mình cho dù bạn ở độ tuổi nào đi nữa và không gì có thể ngăn nổi được bước chân của bạn nếu nó không chịu đứng yên. Vì thế hãy đi và trải nghiệm.

_MG_9978

Tôi (mang ba lô nâu) và một người bạn của mình ở đồng lúa Long An

Dành ra một năm để trải nghiệm cuộc sống, đi du lịch đến những nới bạn chưa từng đến, gặp những người bạn chưa từng gặp, nghiên cứu một bộ môn bạn yêu thích, thử nghiệm một công việc thú vị và làm những điều khác biệt chắc hẳn sẽ cho bạn học hỏi rất nhiều thứ. Khi mà bạn chưa sẵn sàng trên giảng đường đại học thì khoảng thời gian “gap year” sẽ giúp bạn định hình một số cột mốc trong cuộc đời bạn. Bạn có thể đánh thức một giấc mơ mà bản thân vô tình quên lãng, có thể tìm lại chính mình sau những lấm lem đời thường, có thể hiểu nhiều điều quan trọng trong đời trước khi có quá nhiều định kiến và bạn được lớn lên theo cách mà bạn muốn. Không chỉ có những cái được, điều đáng giá là ở những cái mất, bước ra cuộc đời bạn sẽ có nhiều cái thiếu sót và sai lầm ngớ ngẩn mà đôi khi bản thân không hiểu nổi. Không sao, hãy cho mình cơ hội được sai vì chúng ta sau này sẽ không còn cơ hội để được sai nữa, có như thế bạn mới điều chỉnh được bản thân làm đúng ở những lần tiếp theo. 

Trường đại học dạy bạn cách quản lý thời gian, tiết kiệm sức lực, sử dụng trí tuệ của bản thân nhưng nó không dạy bạn cách quản trị cuộc đời, đó là điều bạn phải tự mình trải nghiệm và tự học. Gap year không hẳn cho bạn thời gian để thiết kế quãng đời sinh viên, nó cho bạn thời gian vừa đủ để có cách nhìn nhận về những mục tiêu của bản thân. Không quan trọng bạn đi được bao xa, điều cốt lõi là bạn đi được bao lâu, khi giấc mơ chưa thành, bạn vẫn đang hoang mang với những lựa chọn hãy để con tim lên tiếng. Bỏ ra một quãng nghỉ ngắn hạn cho chính mình là bạn đang tạo nên một tương lai dài hạn. Tôi mãi ấn tượng khi đọc một bài viết có câu “John đi tìm Hùng”, bài viết nói về một nhân vật có tên là Trần Hùng John (sinh năm 1989) là người Mỹ gốc Việt. Vào thời điểm 20 tuổi chàng trai này đã từ bỏ công việc dẫn chương trình truyền hình khá nổi tiếng để đi bộ 80 ngày ở Việt nam với mong muốn tìm ra “phần Hùng” trong “con người John". Và sau hành trình đó anh đã khám phá ra những điều hơn cả bản thân mong mỏi, chính bởi điều đó đã giúp anh sống vui vẻ và tận hưởng tối đa những khoảnh khắc trong đời sau này.

Tôi biết có rất nhiều sinh viên vẫn đang cố gắng vượt qua những định kiến của cha mẹ mình, vẫn đang thao thức thực hiện ước mơ hoài bão, và tôi biết vẫn còn nhiều bạn trẻ tha thiết được đi, được học hỏi, được sống xứng đáng là chính mình. Có những điều trong cuộc sống vẫn đang ẩn nấp đâu đó đợi bạn gõ cửa, bước qua lằn ranh của định kiến bạn sẽ tìm thấy chúng. 365 ngày không ở giảng đường đại học - khoảng dừng ngắn hạn nhưng đáng giá của tuổi trẻ, bạn sẽ không bao giờ có thể sống lại năm 18 tuổi một lần nữa, cũng chẳng có lần thứ hai được vô tư hết mình như thế, hà cớ gì chối bỏ một lần làm kẻ độc hành tự do trên thênh thang đường đời. Và tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? Tôi cho rằng câu hỏi này nên được trả lời bằng những trải nghiệm.

_MG_0256

Tôi (đầu tiên từ phải qua) và các bạn của mình trong một chuyến đi ở Đồng Tháp


Từ khóa: 

lề xưa thói cũ

,

tâm lý học

Đúng rồi bạn, có lẽ sợ cảm giác bị bỏ lại phía sau mà nhiều người trẻ bây giờ đều vội mà quên lắng nghe chính mình, quên mình cần gì, muốn gì. Họ cứ mãi mê chạy theo "người khác", thậm trí đang sống cuộc sống của người ta, vậy nên chẳng có gì lạ nếu nghe một bạn trẻ nào đó vì stress, trầm cảm mà... Cuộc đời còn dài, tuổi trẻ cần những cuộc kiếm tìm như thế <3

Trả lời

Đúng rồi bạn, có lẽ sợ cảm giác bị bỏ lại phía sau mà nhiều người trẻ bây giờ đều vội mà quên lắng nghe chính mình, quên mình cần gì, muốn gì. Họ cứ mãi mê chạy theo "người khác", thậm trí đang sống cuộc sống của người ta, vậy nên chẳng có gì lạ nếu nghe một bạn trẻ nào đó vì stress, trầm cảm mà... Cuộc đời còn dài, tuổi trẻ cần những cuộc kiếm tìm như thế <3

"...bước qua lằn ranh của định kiến bạn sẽ tìm thấy chúng", sâu sắc lắm! :)