Không có quyền hưởng thành quả lao động của mình

  1. Phong cách sống

"Ai dựa vào lý trí để tu dưỡng và kiềm chế trí tuệ với quyết tâm sắt đá, ai từ bỏ các đối tượng lạc thú giác quan và thoát khỏi cả ái lẫn tăng, ai sống nơi thanh u, ăn ít, điều ngự thân, khẩu, ý, ai luôn trong trạng thái xuất thần và tịch diệt ái chấp, ngụy ngã, ngụy lực, tính kiêu mạn hão, dục vọng, sân hận và mọi thứ của cải vật chất, ai không coi mình là chủ sở hữu của bất cứ thứ gì và lúc nào cũng an lạc, chắc chắn người đó đã đạt sự tự giác ngộ.

Người nào đạt cấp độ siêu tuyệt bằng cách đó, người ấy lập tức thấu hiểu Braman Vô Thượng và trở nên vô cùng vui sướng. Anh ta chẳng nuối tiếc, cũng chẳng mong muốn điều gì. Anh ta đối xử với mọi chúng sinh như nhau. Ở cấp độ này, anh ta đạt được sự phục vụ tận tụy trong sạch cho Ta."

Trích câu 53-54 - Chương 18 - Bhagavad Gita

"Khi con người đạt sự toàn thiện gọi là trạng thái xuất thần hay samadhi, trí tuệ của anh ta hoàn toàn từ bỏ hoạt động vật chất nhờ thực hành yoga. Sự toàn thiện này làm con người có khả năng nhìn thấy bản ngã thực sự của mình bằng trí tuệ trong sạch và thụ hưởng hoan lạc trong chính mình. Ở trạng thái hân hoan đó, con người cảm thấy hạnh phúc tinh thần vô biên nhờ các giác quan siêu tuyệt của mình. Khi đã vững vàng ở cấp độ này, anh ta chẳng bao giờ xa rời chân lý và khi đã đạt được nó, anh ta cho rằng chẳng có gì cao hơn thế. Trong trạng thái ấy, con người chẳng bao giờ mất bình tĩnh kể cả khi phải đương đầu với những khó khăn ghê gớm nhất. Đó mới là sự giải phóng thực sự với những khổ đau do tiếp xúc với thế giới vật chất sinh ra"

Câu 20-23, chương 6 - Bhagavad Gita

"Ai thấy rõ sự không hoạt động trong hoạt động và hoạt động trong sự không hoạt động, người đó là người sáng suốt nhất nhân loại và giữ vị trí siêu tuyệt mặc dù tiến hành đủ loai hoạt động.

Người nào hành động mà chẳng toan tính việc hưởng thụ thành quả lao động, người đó là bậc trí huệ. Các bậc hiền giả nói rằng anh ta đã tiêu diệt toàn bộ nghiệp quả của mình bằng ngọn lửa tri thức toàn thiện.

Sau khi từ bỏ mọi tham luyến với thành quả lao động của mình, lúc nàocũng mãn nguyện và không phụ thuộc vào một ai, anh ta không còn tiến hành hoạt động vì thành quả nữa mặc dù vẫn luôn làm đủ mọi công việc.

Người am hiểu và hoàn toàn làm chủ được trí tuệ và lý trí đó không cho mình là chủ sở hữu cái thuộc về anh ta và chỉ lao động để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu nhất mà thôi. Khi hành động như thế, anh ta thoát khỏi các báo ứng của tội lỗi.

Ai toại nguyện với cái tự đến, ai không ganh ghét cũng chẳng lưu tâm đến nhị nguyên tính, ai kiên định trước thành và bại, thì dù có làm gì đi chăng nữa, người đó cũng chẳng bao giờ bị hệ lụy vào nghiệp quả của nó"

Trích Câu 18 - 22, Chương 4 - Bhagavad Gita

"Những lời hoa mỹ khuyên con người tiến hành đủ mọi hoạt động vì thành quả để tới được thiên đường, được sinh ra trong gia đình quý phái giàu sang, để có quyền lực và nhiều thứ khác trong các tập Kinh Vệ Đà vô cùng hấp dẫn những kẻ ngèo làn tri thức. Đầy lòng khao khát thoả mãn giác quan và cuộc sống xa hoa, những kẻ đó nói rằng chẳng có gì hơn thế.

Lòng quyết tâm phục vụ tận tuỵ cho Đấng Tối Cao chẳng bao giờ nảy sinh trong tâm trí những kẻ quá ham mê lạc thú giác quan và của cải vật chất, những kẻ bị tất cả các thứ đó làm cho rối trí."

"Ngươi có thể làm tròn bổn phận quy định của ngươi, nhưng không có quyền hưởng thành quả lao động của mình. Đừng bao giờ cho rằng thành quả của những việc ngươi làm là công lao của ngươi và đừng bao giờ có ý định không thực hiện bổn phận của mình"

(Trích câu 43-44,47 - Chương 2 - Bhagavad Gita)

Mahabharata là một phần sử thi thuộc Kinh Vệ Đà cổ xưa của người Ấn Độ, nối tiếp giờ là Hindu giáo, kể về cuộc chiến tranh hoàng tộc sóng gió. Trong đó, Chí Tôn Ca – Bhagavad Gita là phần trích đoạn nhưng lại là quan trọng bậc nhất, đặc sắc bậc nhất, triết học bậc nhất, tri thức bậc nhất, thánh thần bậc nhất; là cuộc nói chuyện về đạo pháp, trách nhiệm xã hội, linh hồn và vũ trụ, về cách diệt vô minh, và về Thượng Đế trên xe ngựa ra chiến trường giữa Hoàng tử Arjuna và Thần Krishna.

Thần Krishna được công nhận là hóa thân thứ 8 của thần Vishnu, nối tiếp Thần Rama và là tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca lịch sử (Lord Buddha). Tuy nhiên, Thần Krishna nổi bật và phổ biến đến mức, tín đồ tin Ngài không chỉ là một hóa thân, mà chính là Vishnu, chính là Thượng Đế tối cao vĩnh hằng. Tất cả âu cũng là do những tri thức được đề cập trong Bhagavad Gita vượt xa khỏi những giới hạn ngay cả đối với những bậc thần linh.

Thường thì Phật giáo hay tự gọi là đạo giải thoát, đạo của nhân quả. Nói như vậy đúng nhưng chưa thể hiện được sự khác biệt của Phật giáo vì tất cả các tôn giáo Ấn Độ đều có mục đích tối thượng là giải thoát khỏi thế giới vô minh ảo ảnh, đều tin vào nhân quả (theo những cách khác nhau mà bản thân Phật giáo cũng chia rẽ), đều tin vào Nghiệp, đều có chung một vũ trụ quan về một thế giới phẳng của đỉnh núi Tu Di (sumeru, meru… )…

Điểm quan trọng nhất của Gita là chỉ ra những con đường giải thoát, và một trong đó chính là hoàn thành trách nhiệm xã hội mà bản thân được giao phó.

Trong Phật giáo việc nhập thế hay xuất thế luôn là đề tài không có tính đồng thuận. Việc nhập thế vì lòng từ bi của Đại Thừa đã tách Phật giáo ra làm hai, việc nhập thế hoàn toàn của Thiền Tông lại tiếp tục gây ra tranh luận suốt bấy nhiêu thời kì mà Phật Hoàng Trần Nhân Tông là một ví dụ đặc biệt nhất. “Phiền não tức Niết Bàn” là quan điểm nhập thế hoàn toàn chung của Thiền Tông nhưng sẽ không có ai như Trần Nhân Tông nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc mà dù đắc đạo rồi vẫn đem quân đi đánh giặc. Chưa bàn thế nào là đúng, thế nào là sai, nhưng việc này gây tranh cãi là hoàn toàn có cơ sở vì việc tăng lữ tham gia chính trị ngay từ đầu đã không được Đức Phật ủng hộ.

Đó là một vấn đề của Phật giáo, luôn bị giằng xé giữa thế gian và ngoài thế gian, giữa tâm nguyện chuyên tu giải thoát và trách nhiệm với xã hội, dân tộc. Đó là vấn đề khi vua A Xà Thế Ajatashatru của nước Magadha đem chuyện binh sĩ vì không muốn ra trận giết người – giết giặc mà xuất gia đi tu đến hỏi Đức Phật và Như Lai đã hứa tạm thời không giảng đạo cho binh sĩ.

Từ khóa: 

chí tôn ca

,

phong cách sống