Kinh tế học thiêng liêng: Thói quen tiêu dùng ngày nay

  1. Phong cách sống

  2. Sách

  3. Xã hội

Bạn muốn đọc một cuốn sách dễ đọc với mức giá mà chắc chắn người dịch không được bao nhiêu nhuận bút, hay sẽ đọc một cuốn sách “khó nhằn” mà trong suốt cuộc đời chúng ta mỗi lần đọc lại thêm một phần sáng tỏ, và đương nhiên dịch giả cũng trải qua không ít thử thách, khó khăn trong quá trình dịch?

Trong post này, chúng mình không có ý định bàn về thị trường sách mà bàn về thói quen tiêu dùng của chúng ta ngày nay. Thường thì tất cả chúng ta, ai cũng muốn kiếm được nhiều tiền và tiêu pha ở mức giá rẻ nhưng đòi hỏi chất lượng cao. Đây là nghịch lý lớn. Để có sản phẩm hay dịch vụ tốt, nhà sản xuất hay nhà cung cấp cần bỏ ra rất nhiều chi phí để hoàn thiện từng khâu quy trình, và đương nhiên cũng đòi hỏi những nhân công lao động ở mỗi khâu có sự chuyên tâm và chuyên môn tốt. Vì vậy, đằng sau dịch vụ hay hàng hóa RẺ (hoặc RẺ giả vờ, bằng các chiêu trò khuyến mại), luôn là những bất hợp lý. Nếu sản phẩm hay dịch vụ có chất lượng tốt mà giá vẫn RẺ, thì chắc chắn nhiều khoản chi phí khác đang bị tính sai, ví dụ: nhân công không được trả mức xứng đáng, chi phí môi trường, chi phí nghiên cứu để cải thiện chất lượng (hoặc họ đã bỏ qua luôn giai đoạn này)...; hoặc có một lý do khác, đó là họ đang dùng tiền để thao túng thị trường và bóp chết các đối thủ cạnh tranh khác.

Đương nhiên, trong xã hội sản xuất hàng loạt ngày nay, câu chuyện ĐẮT – RẺ phức tạp hơn thế. Nhưng dù ĐẮT hay RẺ thì xã hội sản xuất hàng loạt đang ngày càng khiến cuộc sống của chúng ta kém chất lượng hơn dù chúng ta có vẻ như sở hữu được nhiều hơn.

=====

Trích đoạn trong sách KINH TẾ HỌC THIÊNG LIÊNG:

“Sự thực là chúng ta đang sống trong một thế giới rất trù phú, một thế giới mà một lượng lớn thực phẩm, năng lượng và của cải vật chất bị bỏ đi và trở thành lãng phí. Nửa thế giới bị đói trong khi nửa còn lại bỏ đi một lượng thức ăn đủ để nuôi sống nửa kia. Ở Thế Giới Thứ Ba và cả những khu ổ chuột tại Mĩ, nhiều người không có thức ăn, nơi cư trú, và nhiều nhu yếu phẩm khác, cũng không có đủ tiền để mua những thứ đó. Cùng lúc đó, chúng ta đổ một đống tiền và tài nguyên vào các cuộc chiến tranh, rác nhựa, và vô số những sản phẩm khác không phục vụ cho hạnh phúc của con người. Rõ ràng là, sự nghèo đói không phải là kết quả của sự yếu kém trong lĩnh vực sản xuất. Nó cũng không phải vì người ta không sẵn sàng giúp đỡ người khác: nhiều người rất muốn cho người nghèo thức ăn, muốn khôi phục lại thiên nhiên, và muốn làm những việc có ý nghĩa nhưng họ không thể vì làm như thế không giúp họ có tiền.

Hãy xem xét ngành công nghiệp thực phẩm, nơi có sự lãng phí khủng khiếp ở mọi cấp độ. Theo một nghiên cứu của chính phủ (Mỹ), tổn thất từ trang trại đến điểm bán lẻ là khoảng 4%, tổn thất từ điểm bán lẻ tới người tiêu dùng là 12% và tổn thất ở mức người tiêu dùng là 29%. Hơn nữa, vùng đất nông nghiệp rộng lớn được dành để sản xuất nhiên liệu sinh học (biofuel), và nông nghiệp cơ giới hoá loại bỏ các kỹ thuật trồng xen canh và các kĩ thuật trồng trọt khác có thể làm tăng năng suất.

Một kiểu phí phạm khác đến từ những công trình kém chất lượng và sự lỗi thời của nhiều sản phẩm sản xuất hàng loạt. Hiện tại, có rất ít ưu đãi về kinh tế, và đôi khi là chướng ngại, để sản xuất các loại hàng hoá có tuổi thọ dài lâu và dễ sửa chữa, với kết quả vô lý là mua một thiết bị mới lại rẻ hơn sửa chữa một cái cũ.

Trong khu phố nơi tôi sống, mỗi gia đình đều sở hữu một máy cắt cỏ được sử dụng có lẽ là mười giờ mỗi mùa hè. Mỗi nhà bếp có một máy xay sinh tố được sử dụng nhiều nhất là mười lăm phút mỗi tuần. Tại bất kỳ thời điểm nào, khoảng một nửa số xe ô tô đỗ trên đường phố, không làm gì cả. Hầu hết các hộ gia đình đều có dụng cụ bảo vệ hàng rào riêng, dụng cụ điện riêng, thiết bị tập thể dục riêng. Bởi vì chúng hầu như không bao giờ được sử dụng, hầu hết những thứ đó là không cần thiết. Chất lượng cuộc sống của chúng ta vẫn sẽ cao với một nửa số xe hơi, một phần mười số máy cắt cỏ, và hai hoặc ba cái Stairmaster (dụng cụ thể dục leo lang) cho cả khu phố. Thực tế là, chất lượng cuộc sống của chúng ta thậm chí sẽ cao hơn vì ta sẽ có cơ hội để tương tác và chia sẻ với người khác.”

Từ khóa: 

kinh tế học thiêng liêng

,

chủ nghĩa tiêu dùng

,

phong cách sống

,

sách

,

xã hội