Vì sao phút Giao thừa thiêng liêng đối với mọi nền văn hóa?

  1. Văn hóa

Dù là người phương Đông hay phương Tây, đêm Giao thừa luôn được coi là thời khắc quan trọng nhất trong cả dịp lễ Tết đón chào năm mới. Tại sao phút Giao thừa luôn là giây phút thiêng liêng đến vậy?

Giao thừa là thời điểm tiễn biệt năm cũ đã qua với tất cả những vui - buồn, thành - bại. Tất cả mọi ngổn ngang, bề bộn lúc này đều được gác lại để chào đón một năm mới đến với nhiều hy vọng về một vận hội mới.

Tại sao người dân trên khắp thế giới này luôn đề cao thời khắc Giao thừa, dù là người phương Đông hay phương Tây, dù là đón Tết âm lịch hay dương lịch? Tại sao người ta luôn đặt nhiều cảm xúc vào giây phút này, với niềm tin thường thấy rằng sau giây phút Giao thừa, mọi việc cần diễn ra thật vui tươi, thuận hòa, những mong cả năm tới sẽ gặp nhiều may mắn, tốt lành?

Thời điểm Giao thừa vừa là thời khắc hân hoan, thiêng liêng, vừa là thời khắc “căng thẳng, áp lực” - phải làm sao để mọi sự chuẩn bị đều kịp hoàn tất trước khi chuông điểm, làm sao để mọi việc đều trôi qua một cách tốt đẹp, vẹn toàn…

Mỗi năm, người dân trên khắp thế giới, ở những thời điểm khác nhau - có thể theo lịch âm hoặc lịch dương, đều sẽ có một ngày cuối năm nao nao chờ đón Giao thừa. Trước một năm cũ sắp qua và một năm mới sắp đến, người ta trông đợi thời khắc chuyển giao với lòng thành kính.

Trong tâm thức mỗi người, thời khắc Giao thừa dường như ẩn chứa một sức mạnh tinh thần mà khi trải qua thời khắc đó, người ta đều tin rằng có điều gì vừa đổi thay, mới mẻ hơn. Khi trời đất, vạn vật bước vào một “tiết” mới, dường như con người cũng đang đứng trước vận hội mới.

Năm nào cũng có Giao thừa và năm nào con người cũng nao nao trước thời khắc chuyển giao đặc biệt ấy. Dù biết sau kỳ nghỉ năm mới, chúng ta sẽ lại tiếp tục vòng quay hối hả của cuộc sống, với biết bao lo toan thường nhật, nhưng khoảnh khắc Giao thừa vẫn không bao giờ hết đặc biệt trong tâm thức con người.

Đối với mỗi chúng ta, năm mới tượng trưng cho vận hội mới, hy vọng mới. Một năm đã qua dù thành công rực rỡ hay còn điều dở dang, nuối tiếc, đều sẽ khiến con người trầm xuống trước sự chảy trôi của thời gian.

Đứng trước những điều còn chưa như ý trong năm cũ, người ta có thể tự an ủi mình rằng còn một năm mới phía trước để tiếp tục dấn bước, nỗ lực. Nếu năm cũ diễn ra tốt đẹp, người ta lại càng có cơ sở để lạc quan hy vọng rằng năm nay sẽ “bằng năm, bằng mười” năm ngoái.

Trước một năm mới ở phía trước, giống như lời bài hát “Happy New Year” - “ai có thể nói trước được chúng ta sẽ tìm thấy điều gì trong năm mới, điều gì đang chờ đợi chúng ta ở phía trước…”, vậy tại sao không lạc quan, tin tưởng vào những điều tốt đẹp hơn sẽ đến?!

Ai cũng hiểu rằng một năm sẽ luôn có cả niềm vui và nỗi buồn, luôn có cả thành công và thất bại, nhưng trong những ngày đầu năm, chúng ta muốn đem đến cho nhau niềm tin đinh ninh vào những điều tốt đẹp.

Sự lạc quan, hưng phấn này có thể chỉ kéo dài trong những ngày Tết nhưng thế cũng là đủ để giữa cuộc sống bộn bề này, có những ngày chúng ta được tạm gác lại những lo toan thường nhật và sống vui tươi hẳn lên. Đó là điều cần thiết để mỗi người có thêm “dũng khí” bước vào năm mới với nhiều điều chờ đợi phía trước.

Vào đêm Giao thừa, hầu như nước nào cũng có tục lệ bắn pháo hoa, người dân đổ ra đường. Trong những giờ khắc đầu tiên của năm mới, người ta nhìn ngắm những bông pháo hoa rực rỡ. Mọi thứ diễn ra quen thuộc, từ năm này sang năm khác, nhưng vào giây phút ấy, mọi thứ quen thuộc vẫn trở nên mới mẻ, thiêng liêng lạ thường.

Đứng trước thời khắc quan trọng của đất trời, con người cũng dễ động lòng, những kỷ niệm buồn vui có thể ùa về. Khi nhỏ, Tết rộn ràng, náo nức; lớn dần, Tết lắng lại và có những điều thấm thía hơn, những niềm cảm xúc khó nói thành lời.

Càng trưởng thành, giây phút Giao thừa có thể càng trầm lắng hơn, bởi sau những thăng trầm của một năm đã qua, người ta cảm thấy một sự thanh thản, nhẹ nhàng, “thế là lại thêm một tuổi”, đã trải qua thêm một năm với những được - mất, buồn - vui, thành - bại.

Năm này qua năm khác, Tết vẫn vậy, vẫn những món ăn truyền thống ấy, những việc phải làm ấy, nhưng Tết vẫn luôn ý nghĩa. Tết là dấu mốc của thời gian, chứng kiến sự trưởng thành, nhìn lại một năm đã qua thật bình thản, dành cho bản thân và gia đình những ngày nghỉ ngơi, sum vầy, tự tiếp thêm năng lượng trước một năm mới với bao điều cần thực hiện.

Trên khắp thế giới này, giây phút Giao thừa vẫn luôn là thời khắc thiêng liêng, bởi đó là lúc để gác lại những bộn bề năm cũ, đón nhận những hạt mầm hy vọng mà năm mới vừa gieo xuống.

Nguồn : Bích Ngọc (Báo Dân Trí)

Từ khóa: 

tết

,

giao thừa

,

văn hóa

,

văn hóa phương đông

,

văn hóa phương tây

,

văn hóa