Làm thế nào để thiết lập và duy trì được thói quen

  1. Kỹ năng mềm

1aa6024e-2607-11e8-9e84-56c566ee3692

Mình nghĩ cuộc sống của mỗi người là một chuỗi các hành động, thói quen được lặp đi lặp lại. Trong đó có những thói quen tốt và thói quen xấu. Nếu bạn muốn có cuộc sống hạnh phúc, mọi thứ trở nên tuyệt vời hơn thì tất nhiên rồi bạn sẽ phải loại bỏ những thói quen tiêu cực, thiết lập và duy trì thói quen tích cực. Hành trình thay đổi bản thân của mình (nghe có vẻ to tát) nhưng thực ra là quá trình mình rèn luyện để dẫn loại bớt đi những thói quen xấu và duy trì những thói quen tốt. Hiện tại mình đã hình thành và duy trì được các thói quen như: ngủ sớm và dậy sớm, thể dục và vận động hàng ngày, học tiếng Anh, suy nghĩ tích cực, viết lách, ăn uống healthy…Vậy bí quyết của mình là gì?  

Thực ra để tìm hiểu về việc tạo lập thói quen bạn có thể search trên google sẽ cho bạn một list các bài khác nhau viết về vấn đề này. Bạn có thể đọc và tham khảo nó. Nhưng theo mình điều quan trọng nhất là bạn phải lựa chọn được một cách phù hợp nhất, thực hành theo và duy trì hàng ngày. Nhưng để làm được điều này bạn sẽ cần phải: 

Thứ nhất, sự thấu hiểu bản thân – những thói quen của bạn

Điều đầu tiên, quan trọng nhất là bạn phải hiểu bản thân mình (bạn muốn gì, có nhu cầu gì), cuộc sống của bạn đang diễn ra như thế nào (nó có thực sự làm bạn hài lòng không? Bạn có hạnh phúc không?  Bạn đang thực sự sống hay chỉ đơn giản là tồn tại?...Để làm được điều này bạn cần có sự kết nối với chính mình, thấu hiểu bản thân và phải rất trung thực. Chỉ có bạn mới biết là mình đang cần gì và không cần gì, mình có điểm mạnh, điểm yếu gì. Cũng tương tự như vậy, bạn đang có thói quen gì tốt và không tốt. Hãy dành thời gian suy nghĩ và ghi ra một list các danh sách thói quen, các hành động hàng ngày của bạn, xem xét các thói quen, nếu là thói quen tốt bạn đánh dấu (+) để duy trì còn nếu là thói quen xấu bạn cần loại bỏ nó (đánh dấu - ). Đồng thời suy nghĩ xem cần thiết lập thêm thói quen mới nào. 

Thứ hai, tìm kiếm động lực/động cơ để thiết lập và duy trì thói quen

Điều này cũng cực kỳ quan trọng nhé, đôi khi nó sẽ quyết định việc bạn có duy trì được thói quen đó không. Bạn cần trả lời câu hỏi: lý do tôi muốn có thói quen này là gì? Bạn cần tìm được động cơ từ bên trong chứ không phải vì yếu tố bên ngoài (như đọc ở đâu đó thấy hay, vì tôi thấy người khác làm nên tôi theo…). Đây chỉ là điểm xuất phát giúp bạn tạo lập thói quen thôi còn muốn duy trì nó phải đến từ động cơ bên trong bạn. Khi bạn thực hiện điều gì xuất phát từ niềm vui, sự yêu thích bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng để đạt đến điều này bạn cần phải vượt qua giai đoạn đầu tiên đầy thử thách đã nhé (mình gọi là giai đoạn đẩy tảng đá). 

Thứ 3, vượt qua thử thách, những rào cản và lặp đi lặp lại hành động

Giai đoạn này sẽ quyết định đến việc bạn có hình thành được thói quen hay không. Thế nên bạn sẽ cần phải kiên định, bền bỉ, liên tục, không được bỏ cuộc. Mình có đọc được ở đâu đó chìa khoá của sự thành công không phải lầ năng lực, trí thông minh bạn có mà trên hết là sự bền bỉ. Muốn thiết lập một thói quen bạn sẽ phải duy trì được nó trong khoảng ít nhất liên tục 30 ngày. Ví dụ để rèn luyện thói quen và kỹ năng viết mình đã duy trì nó liên tục hàng ngày. Ngày nào mình cũng sẽ viết một cái gì đó (viết nhật ký, viết bài chia sẻ, viết linh tinh…và coi đó như là nhiệm vụ mình sẽ phải hoàn thành trước khi đi ngủ. Sau thời gian rèn luyện, hiện nay việc viết lách đã trở thành thói quen hàng ngày của mình. Mình có thể viết bất cứ khi nào, ở không gian nào.  Và thú vị nhất là mình không còn cảm thấy ngại viết, kỹ năng viết được cải thiện rất nhiều. Điều tuyệt vời nữa là khi có thói quen viết sẽ lại hình thành cho bạn kỹ năng quan sát, kỹ năng lắng nghe, tư duy vấn đề…rất nhiều thói quen tốt sẽ kéo theo. 

Thời gian đầu khi mới thiết lập thói quen bạn sẽ gặp vô số các rào cản đến từ bên trong bản thân mình (con quỷ bên trong) và những rào cản bên ngoài (sự ảnh hưởng của thời gian, không gian, yếu tố khách quan, chủ quan) mà đôi khi kế hoạch sẽ bị phá vỡ. Nhưng lời khuyên chân thành của mình là bạn hãy dũng cảm vượt qua và chiến thắng nó. Bạn hãy hình dung việc thiết lập một thói quen như bạn đang đẩy một hòn đá nặng. Thời kỳ đầu sẽ vô cùng vất vả và khó khăn nhưng khi hòn đá đó đã lăn rồi thì mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều và mọi việc cứ thế mà trôi đi. Ví dụ như khi mình thiết lập thói quen dậy sớm, tập thể dục hàng ngày có biết bao rào cản, tiếng nói ngăn cản mình nhưng dần dần với sự quyết tâm và kiên trì hiện nay mình đã làm được. Giờ đây việc dậy sớm, tập thể dục và nhiều thói quen tốt khác đã trở thành “hơi thở” hàng ngày của mình vậy. Muốn làm được điều này bạn sẽ cần phải: 

-  Lập kế hoạch hàng ngày, chia các khoảng thời gian thực hiện các công việc rất rõ ràng (liên quan đến kỹ năng quản lý thời gian của bạn). Nếu đã định lịch gì rồi, trong khoảng thời gian nhất định (như thể dục, học tiếng Anh…) thì cần “khoá” lịch đó lại (để phòng trường hợp đôi khi bạn sẽ bị rủ rê đi đâu đó, làm việc gì đó). Nếu không thực sự cần thiết bạn hoàn toàn có thể từ chối. 

-  Xây dựng một bảng theo dõi thói quen (habit tracker). Cái này mình học được trong phương phương quản lý thời gian, quản lý bản thân của Bullet journal. Hàng tháng bạn nên lập một danh sách các thói quen cần duy trì (không nên quá nhiều), theo dõi từng ngày xem bạn có thực hiện nó không, cuối tháng kiểm tra và xem tháng đó mình đã duy trì các thói quen như thế nào. Cái này cực hiệu quả trong việc quản lý bản thân nhé. 

-  Trong quá trình thiết lập thói quen đôi khi bạn sẽ gặp phải nhiều những cám dỗ, lời mời gọi, sự chê bai, gièm pha, khác người khác…nhưng lời khuyên của mình là “Dù ai nói ngả, nói nghiêng; Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”. Điều quan trọng là bạn thấy cần, phù hợp với bản thân, với công việc và cuộc sống của bạn. Ví dụ mình rèn luyện thói quen đúng giờ, quản lý thời gian bằng cách dù làm việc gì, đi đâu, các cuộc hẹn mình đều đến đúng giờ hẹn dù xung quanh mình có rất nhiều người giờ giấc cao su (một thói quen xấu của người Việt mà theo mình có thể do yếu tố văn hoá nữa), tính chất cuộc gặp không quá quan trọng…

-  Tìm kiếm những người bạn/hội nhóm để cùng duy trì thói quen. “Nếu muốn đi nhanh thì đi một mình, nếu muốn đi xa thì đi với nhiều người”. Để vượt qua thử thách bạn cần người “ủn mông”, “đá đít”, giữ kỷ luật, nhưng đó chỉ là giai đoạn đầu mà điều quan trọng nhất như mình nói vẫn phải xuất phát từ bản thân bạn, từ động cơ bên trong của bạn nhé. 

time-to-plan-640-1508393345

Trong trường hợp thói quen bị phá vỡ (sau một thời gian bạn đã thiết lập được) bạn cũng đừng nản chí bỏ cuộc. Bạn hãy kiên trì tạo lập lại. Mọi thứ lại đâu vào đấy thôi.  

Thứ tư, luôn luôn tự động viên, khích lệ bản thân khi làm được

Hãy luôn luôn động viên, khích lệ bản thân mình khi mình làm được điều gì đó. Bạn hãy nghĩ đến thành quả đạt được (mình sẽ…), oánh dấu mốc thời gian bắt đầu và khi đã làm được bạn sẽ thấy rất vui và đó là động lực để bạn tiếp tục duy trì và thiết lập thói quen mới.

Ghi nhận những gì mình làm được bằng cách ghi chép lại trong sổ - sổ tay chiến thắng). Hoặc công khai cho mọi người biết thói quen mình đang làm (VD: việc “khoe” thành tích thể dục của mình cũng là cách để mình lấy động lực và duy trì thói quen này). 

·  Một số lưu ý: 

-  Không có gì là vĩnh viễn nên đôi khi thói quen đã hình thành được rồi vẫn có thể mất đi, bạn cần kiên trì thực hiện và sẵn sàng làm lại từ đầu nhé. 

-  Không có gì là hoàn hảo, tuyệt đối nên thói quen có thể ở thời điểm này là phù hợp nhưng ở thời điểm khác ko phù hợp

-  Hình thành thói quen tuỳ thuộc vào tính chất công việc của bạn, đồng hồ sinh hoạc của bạn nên không nên chạy theo người khác. Điều cốt yếu là phải thấu hiểu bản thân bạn là quan trọng nhất. 

-  Cần phải biết loại bỏ những gì ảnh hưởng đến việc duy trì thói quen, những yếu tố kích hoạt cho thói quen mới muốn hình thành.

Mình thấy nhiều người muốn thiết lập thói quen nhưng sẽ hay nói “không làm được”, “làm sao mà làm được”, “tớ chịu thôi”…Đó là lối tư duy kêu ca, phàn nàn, muốn mà không làm. Cho nên bạn chưa làm được vì bạn chưa làm và vì bạn chưa thấy được giá trị thực sự của nó. Nếu bạn thực sự muốn làm và nghiêm túc với nó mình nghĩ không có gì là không làm được cả. VD mình rất lười vận động nhưng hiện nay mình đã có thể vận động, thể dục hàng ngày; mình thích ngủ, thèm ngủ, ngủ là niềm vui  nhưng hiện nay mình đã có thể dậy sớm (5h sáng)…Thế nên chìa khoá quan trọng nhất là bạn phải làm, và cần nhất là kỷ luật và ý chí bản thân. 

Điều cuối cùng mình muốn nói là mình làm được. Các bạn cũng sẽ làm được. Tin mình đi khi cuộc sống của bạn là một tập hợp những thói quen tốt cuộc sống của bạn sẽ thay đổi và mọi thứ sẽ trở nên tuyệt vời hơn rất nhiều. Chúc bạn thành công! 

Từ khóa: 

thói quen

,

kỹ năng mềm