Làm thế nào tôi có thể có hạnh phúc và bình an trong một thế giới không ngừng chao đảo?

  1. Sách

Vào thời điểm mà thế giới đang ngày càng trở nên bất an hơn thì niềm an ủi của tôi là khi tới các hiệu sách, có thể nhìn thấy sự nở rộ của dòng sách về lối sống tỉnh thức và tâm lý học tích cực. Người ta nói ngày càng nhiều tới việc làm thế nào để buông bỏ những gánh nặng, tối giản các vật dụng, thoát khỏi những áp lực của đám đông, quay trở lại với nội tâm để có thể sống một cách an tĩnh, và làm thế nào để sống một cách hạnh phúc, bất kể là thế giới đang xoay chuyển ra sao, và người ta cũng đặt ra câu hỏi đâu mới là ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

Xu hướng xuất bản này rất khác so với cách đây 10-15 năm. Thời đó, chiếm vị trí trang trọng trên giá sách là dòng sách làm giàu: Làm thế nào để tay trắng trở thành triệu phú, gây dựng gia tài bạc tỉ, làm thế nào để làm ít thôi mà được hưởng nhiều hơn, làm thế nào để tự tin và làm chủ vận mệnh của mình, làm thế nào để quản lý mọi thứ, từ thời gian đến các mối quan hệ, đến tiền bạc, công việc… Qua sự nở rộ của dòng sách này, có thể thấy một đám đông đang háo hức lao về phía trước, săn tìm cơ hội, tạo dựng cơ đồ, hòng mong thu lại thật nhiều.

Dịch bệnh, chiến tranh, biến đổi khí hậu toàn cầu, khủng hoảng kinh tế… có lẽ đã khiến cho đám đông đang háo hức đó ngẩn ngơ suy tư lại về hành trình của mình: liệu ta có hạnh phúc không khi đã có tất cả mọi thứ trong tay, kiểm soát mọi việc phải chăng là đích đến cuối cùng của cuộc sống, tranh đấu và chiếm hữu có phải là cách duy nhất để tồn tại, và làm thế nào để có thể đối mặt với tất cả những khủng hoảng này một cách điềm tĩnh và sáng suốt? Đó có lẽ là một bước chuyển tâm thức vô cùng lớn, một bước nhảy lượng tử trong tư duy của nhân loại, khi giờ đây, câu hỏi của tất cả chúng ta là: làm thế nào tôi có thể có hạnh phúc và bình an trong một thế giới không ngừng chao đảo?

Có rất nhiều cách trả lời cho câu hỏi này. Các cuốn sách về chủ nghĩa khắc kỉ nói: mặc dù tự nhiên đòi hỏi ở chúng ta một số nỗi buồn và loại bỏ đau khổ khỏi cuộc đời chúng ta là một việc bất khả thi, song ta có thể tối thiểu hóa mức độ đau khổ mà ta phải gánh chịu trong đời. “Hãy để cho nước mắt rơi, nhưng cũng hãy để cho chúng ngừng lại, hãy để cho tiếng thở dài nặng nề nhất phát ra từ lồng ngực anh, nhưng hãy để cho chúng đến hồi kết thúc”. Ta phải tằn tiện nước mắt trong một thế giới có quá nhiều khả năng khiến chúng ta đau buồn. Các triết gia khắc kỉ đã tìm ra những chiến lược để ngăn ngừa và dập tắt đau khổ, dựa trên sự kiềm chế xúc cảm và kiên nghị. Có thể tìm hiểu thêm những chiến lược này trong các cuốn sách:
– Thuyết khắc kỉ (John Sellars)
– Chủ nghĩa khắc kỉ (William B.Irvine)
– Bàn về ham muốn (William B.Irvine)

Các cuốn sách về lối sống tối giản phân tích rằng: buông bỏ là cách tốt nhất để bạn có thể trở nên hạnh phúc. Ham muốn sở hữu và sự bành trướng của thế giới đồ vật chính là thứ cản trở chúng ta nhìn rõ những giá trị đích thực của cuộc sống và nhận biết đâu là thứ thật sự có ý nghĩa. Vì vậy, sắp xếp lại không gian, loại bỏ đồ đạc để chỉ giữ lại những thứ thực sự làm bạn cảm thấy hạnh phúc, tối giản các mối quan hệ để chỉ vun đắp cho những mối quan hệ thực sự bền vững, tối giản công việc để chỉ tập trung vào những công việc quan trọng, cần thiết, có thể tạo ra những giá trị cao nhất chính là cách để ta có thể sống một cuộc đời hạnh phúc. Có thể tìm hiểu thêm về lối sống tối giản qua các cuốn sách:
– Lối sống tối giản của người Nhật (Sasaki Fumio)
– Nghệ thuật theo đuổi sự tối giản (Greg McKeown)
– Nghệ thuật bài trí của người Nhật (Marie Kondo)
– Nhẹ bẫng (Francine Jay)
– Dọn nhà dọn cửa, gột rửa trái tim (Shoukei Matsumoto)

https://cdn.noron.vn/2022/07/29/29449997222493679218900648688055044055116442n-1659063593.jpg

Các cuốn sách Phật giáo cho rằng, để giảm thiểu đau khổ và đạt tới hạnh phúc, không phải một thứ hạnh phúc nhất thời mà là một sự bình yên tĩnh tại vĩnh cửu, cần hiểu thấu bản chất vô thường của đời sống, rằng mọi thứ luôn thay đổi, sinh trụ dị diệt, thành trụ hoại không. Giống như các thiền sinh Tây Tạng đi vào rừng để quan sát sự mục ruỗng của các xác chết và sự tan rã của ngũ uẩn, bạn cần hiểu rằng cái chết luôn chờ đợi bạn ở cuối con đường, và thân xác của bạn, cùng với tất cả những gì bạn có, là không vĩnh viễn. Và vì thế, chỉ có khoảnh khắc này là quan trọng, bạn phải hiện diện ở đây và bây giờ. Và vì thế, sống tỉnh thức và chánh niệm, buông xả chính là chìa khóa của hạnh phúc. Có thể tìm thấy những tư tưởng này trong các cuốn sách:
– Tử thư Tây Tạng (Guru Rinpoche)
– Sống hạnh phúc (Đạt Lai Lạt Ma)
– Trí tuệ của sự tha thứ (Đạt Lai Lạt Ma và Victor Chan)
– Cuộc cách mạng từ bi (Đạt Lai Lạt Ma)
– Con đường tối thượng (Đạt Lai Lạt Ma)
– Muốn an được an (Thích Nhất Hạnh)
– Hiểu về trái tim (Minh Niệm)
– Hơi thở nuôi dưỡng, hơi thở trị liệu (Thích Nhất Hạnh)
– Tĩnh lặng (Thích Nhất Hạnh)
– Thiết lập tịnh độ (Thích Nhất Hạnh)

Các cuốn sách tâm lý học tích cực đã cắt nghĩa cảm giác hạnh phúc từ cái nhìn khoa học. Họ nghiên cứu cơ chế não bộ của những người sống hạnh phúc, điều tra về những hành vi, thói quen và căn nguyên của hạnh phúc và làm phơi lộ những cơ chế bí mật của hạnh phúc: hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc chặt chẽ vào cảm giác về ý nghĩa, chúng ta hạnh phúc khi ý thức của chúng ta được sắp đặt một cách trật tự mà đỉnh cao của nó là dòng chảy, thời điểm mà ta cảm thấy thăng hoa, khi ta đạt tới một trạng thái tập trung cao độ, mất đi ý thức về cái tôi, mất đi cảm giác về thời gian, khi trải nghiệm của chúng ta mang mục đích tự thân. Trên cơ sở những khám phá về cơ chế cảm xúc, các cuốn sách tâm lý học tích cực cũng cho ta biết những chiến lược can thiệp để có thể thúc đẩy những cảm xúc tích cực, ngăn ngừa và trị liệu những cảm xúc tiêu cực như can thiệp lòng biết ơn, can thiệp để nâng cao lòng bao dung, can thiệp để nuôi dưỡng và nâng cao việc tận hưởng những trải nghiệm tích cực, can thiệp tập trung vào điểm mạnh, can thiệp tập trung vào tính kiên nhẫn để cải thiện sự an lạc… Có thể tìm đọc về tâm lý học tích cực trong các cuốn sách:
– Tâm lý học tích cực (Acacia C.Parks và Stephen M.Schueller)
– Dòng chảy (Mihaly Csikszentmihalyi)

Các cuốn sách về cận tâm lý học lý giải toàn bộ đời sống của con người dựa trên sự dao động của những trường năng lượng. Mỗi cảm xúc mà chúng ta có là một loại năng lượng, có thể gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh, và chúng ta không chỉ giao tiếp với người khác bằng cơ thể vật lý, mà thực sự đang tương tác với mọi sinh thể trong vũ trụ bằng trường năng lượng của mình. Bằng cách điều chỉnh nội tâm, thanh lọc suy nghĩ, ta có thể kiến tạo nên một cơ thể dồi dào năng lượng và ngược lại, bằng cách hấp thụ các năng lượng bên ngoài để làm sạch cơ thể vật lý, ta có thể thanh lọc nội tâm. Khi nội tâm và thân thể được thanh lọc, trường năng lượng của chúng ta rung động ở một tần số cao, nó sẽ hấp dẫn những trường năng lượng tương tự trong vũ trụ. Hạnh phúc vì thế cũng là một loại năng lượng, phát ra từ tâm, có thể điều chỉnh, có thể hấp thu, có thể kiến tạo.
– Bàn tay ánh sáng (Barbara Brennan)
– Hiện hình ánh sáng (Barbara Brennan)
– Chữa lành ánh sáng bản thể (Barbara Brennan)
– Power and force (David Hawkins)
– Bản ngã, thấu hiểu và tan biến (David Hawkins)
– Luật hấp dẫn (Prentice Mulford)
– Người nam châm (Jack Canfield)

Như một phần bù cho nhân loại đang âu lo, những phát hiện về hạnh phúc này mang lại một niềm hi vọng cho những ai đang cảm thấy đau khổ, ngập chìm trong những rối ren bất khả giải của cuộc sống. Và có lẽ, những phát hiện về hạnh phúc này cũng chính là bài học đắt giá nhất mà nhân loại có được trên hành trình sống của mình. Chúng ta đã học được cách tồn tại được trong môi trường nguyên thủy, với rất nhiều hiểm nguy rình rập, khi không có bất cứ khí giới gì trong tay bằng cách phát minh ra lửa. Chúng ta đã học được cách chinh phục tự nhiên bằng cách phát minh ra các phương tiện hiện đại. Chúng ta đã học được cách giao tiếp xuyên thời gian, xuyên không gian bằng cách làm ra sách vở, điện thoại, internet… Nhưng đã đến lúc chúng ta cần học cách quay trở lại với ngôi nhà đích thực của mình, làm bạn với chính bản thân mình, đối diện với nỗi bất an nằm sâu bên trong mình. Trước một thế giới đang không ngừng thay đổi với đầy rẫy những rủi ro thách thức mà ta không bao giờ có thể biết trước, thì chỗ dựa duy nhất mà chúng ta có chỉ có thể là bản thân mình. Chỉ có vậy mà thôi.

Chúc bạn một buổi sáng hạnh phúc.
Ps: Một góc nhỏ trong bộ sưu tập hạnh phúc của mình

* Nguồn: Facebook cá nhân của TS Nguyễn Thị Ngọc Minh – Nhà sáng lập Dự án phát triển văn hóa đọc Sách ơi mở ra.

Từ khóa: 

đọc sách

,

bình an

,

hạnh phúc

,

thư viện tự lập

,

sách ơi mở ra

,

sách

Cảm ơn bài viết bổ ích của tác giả nhaa, đã giúp mình biết thêm nhiều cuốn sách mới đáng để đọc.

Chị gái 

Nguyễn Thị Thu Hương
ơi, cuốn Dọn nhà dọn cửa, gột rửa trái tim (Shoukei Matsumoto) chúng ta đang cần nè chị😅

Trả lời

Cảm ơn bài viết bổ ích của tác giả nhaa, đã giúp mình biết thêm nhiều cuốn sách mới đáng để đọc.

Chị gái 

Nguyễn Thị Thu Hương
ơi, cuốn Dọn nhà dọn cửa, gột rửa trái tim (Shoukei Matsumoto) chúng ta đang cần nè chị😅