Mạc Thái Tông-người kế tục xứng đáng của vương triều Mạc

  1. Lịch sử

  Có thể nói Mạc Đăng Doanh đã kế tục vẻ vang sự nghiệp, nền móng mà Mạc Đăng Dung đã gây dựng. Mở lại khoa cử, khôi phục phần nào Đại Việt sau khoảng thời gian biến loạn cuối đời Lê sơ; đó là những gì ông làm được trong 10 năm trị vì ngắn ngủi. Các khoa thi được mở ra định kỳ 3 năm một lần; trường Quốc Tử Giám được sửa sang, mở rộng quy mô; chứng tỏ sự quan tâm của Thái Tông đến việc khôi phục giáo dục khoa bảng. Nhiều tên tuổi lớn, những bậc danh thần đã xuất hiện dưới các khoa thi Đình thời Đại Chính như: Nguyễn Thiến, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải... Nhằm đảm bảo trật tự ở các nơi, chấm dứt tình trạng hỗn loạn trước đây; nhà Mạc ra lệnh cấm dân các xứ không được mang gươm giáo, dao nhọn và binh khí đi ngoài đường, ai trái lệnh sẽ bị trị tội. Từ đó những người buôn bán chỉ đi tay không, không phải mang khí giới tự vệ. Các chính sách phục hồi, khuyến khích nông nghiệp đã đem lại kết quả đáng mừng: liền mấy năm Đại Việt được mùa lớn, bốn trấn xung quanh dân chúng được yên ổn ấm no. Sử thần Hậu Lê dù coi nhà Mạc là tiếm nghịch phản thần, nhưng trong Đại Việt sử ký toàn thư vẫn phải ghi nhận:


“Mạc có lệnh cấm các xứ trong ngoài, người ta không được cầm giáo mác và binh khí hoành hành ở đường sá, ai trái thì cho phép Ty bắt. Từ đấy, người buôn bán và người đi đường đều đi tay không, ban đêm không có trộm cướp. Trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ mỗi tháng điểm soát một lần, hoặc có sinh đẻ cũng không thể biết là vật của nhà mình.


Trong khoảng vài năm đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên...”


  Toàn thư, đặc biệt là những phần có ghi chép về triều Mạc do nhiều đời sử thần nhà Hậu Lê-những người thắng cuộc biên soạn và hiệu đính nhiều lần; nhưng xem ra không hẳn hoàn toàn phiến diện mà cũng có phần công tâm khi đánh giá những thành tựu, cố gắng của họ Mạc. Khoan nói đến việc sử quan có ý định gì khi khen nhà Mạc không, ngay cả kẻ thù không đội trời chung còn dành những dòng khen ngợi như vậy thì có lẽ chúng ta cũng nên có những thay đổi, hay ít nhất tạo ra một hướng mới trong việc đánh giá, nhìn nhận vương triều Mạc cũng như các vị vua Mạc.



Tài liệu tham khảo:

-Đại Việt sử ký toàn thư Thực lục quyển XV, Tục biên quyển XVI-Quốc sử quán triều Hậu Lê-bản in Nội các quan bản-tập III-Hoàng Văn Lâu, Ngô Thế Long dịch và chú thích-Nhà xuất bản Khoa Hc Xã Hội, 2004.

-Khâm định Việt sử thông giám cương mục Chính biên quyển XXVII đến XXVIII-Quốc sử quán triều Nguyễn-tập II-Viện Sử học dịch-Nhà xuất bản Giáo Dục, 2007.

-Việt Nam sử lược-Trần Trọng Kim-Nhà xuất bản Kim Đồng, 2017.
-Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX-Lê Thành Khôi-Nhà xuất bản Thế Giới, 2016.

-Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX-Đào Duy Anh-Nhà xuất bản Văn Hóa Dân Tộc, 2018.

-Lịch sử Việt Nam tập II-Phan Huy Lê, Nguyễn Thừa Hỷ, Nguyễn Quang Ngọc, Nguyễn Hải Kế, Vũ Văn Quân-Nhà xuất bản Đại học Quốc Gia Hà Nội, 2016.
-Các triều đại Việt Nam-Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng-Nhà xuất bản Thanh Niên, 2018.
-Kỷ yếu Hội thảo Vương triều Mạc với sự nghiệp canh tân đất nước-Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia Sự Thật, 2015.



Từ khóa: 

lịch sử