Người Việt không được xem U23 tại ASIAD: Trách nhiệm thuộc về ai?

  1. Thể thao

Về phần tiêu đề, chính xác và đầy đủ thì phải là: "Người Việt không được xem U23 trên sóng truyền hình: Trách nhiệm thuộc về ai?"

Tóm tắt tình hình một chút, Đài Truyền Hình Việt Nam (VTV) đã không thành công trong việc đàm phám với đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng ASIAD 2018 là KJSM của Hàn Quốc. Việc "không đàm phán được" đến chủ yếu từ 2 nguyên nhân:

  • (1) Mức giá quá cao.
  • (2) Vấn đề điều khoản.

(1) Mức giá quá cao? Cao là cao bao nhiêu? Cao so với cái gì?

  • Chưa có thông tin chính xác, nhưng theo nhiều nguồn tin thì KJSM hét giá đâu đó khoảng 4-5 triệu USD.
  • Trong khi bản quyền ASIAD các kỳ trước thì Việt Nam (và một số nước Đông Nam Á khác) đều được "tặng" miễn phí.
  • 4-5 triệu USD, nghĩa là cao hơn hơn gấp đôi so với giá bán cho đài Cable TV của Hongkong (theo thông tin được tiết lộ là khoảng 2 triệu USD).
  • Ngoài ra, giá "cao" là còn so với khả năng thu hồi vốn. Vì là kênh truyền hình quảng bá, nên VTV phải dựa vào một chỉ số quan trọng để đánh giá khả năng này là eCPM - giá cho 1000 lần hiển thị hiệu dụng, mà eCPM của Việt Nam thì luôn nằm trong top thấp nhất Thế giới.

(2) Vấn đề điều khoản? VTV muốn mua không độc quyền, để có thể chia sẻ bản quyền với các đài báo khác cùng khai thác và quảng bá (như cách xưa nay vẫn thường làm), còn KJSM thì ép phải mua độc quyền.

Và trong bối cảnh U23 Việt Nam đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của khán giả bởi kỳ tích tại Vòng chung kết U23 châu Á tại Thường Châu hồi đầu năm, kết hợp với (1) & (2) thì diễn biến này chúng ta có thể hiểu nôm na là Việt Nam (mà đại diện là VTV) đang bị ép giá.

Nhiều người thì mặc nhiên cho rằng, trách nhiệm hiển nhiên thuộc về VTV - Đài truyền hình Việt Nam. Nhưng khoan, thử "đổi ghế" một chút xem câu chuyện như thế nào? Nếu VTV bằng mọi giá vì phục vụ "nhân dân" mà bất chấp mua bản quyền phát sóng ASIAD thì tiếp theo họ phải đối mặt với những bài toán nào? (các phân tích dưới đến từ cá nhân mình - một người hâm mộ bóng đá đơn thuần, hoàn toàn không có kiến thức chuyên môn về vấn đề này)

  • KJSM thì không chấp nhận bán riêng bản quyền môn bóng đá Nam, mà bán trọn gói toàn bộ giải đấu gồm 40 môn thi đấu (trong đó Việt Nam có VĐV tham dự ở 33 môn). Như vậy việc lựa chọn môn nào để phát sóng, và tổ chức các trương trình đồng hành thì lại là một bài toán hoàn toàn khác. Nếu phát sóng tất cả, VTV phải đối mặt với việc thất thu quảng cáo từ các chương trình khác vì bị ASIAD "chèn sóng". Nếu chỉ lựa chọn các môn "hút khách" để bán quảng cáo thì lại tạo ra sự thiếu công bằng (tức là về bản chất, nếu VTV chỉ mua riêng bản quyền Bóng đá Nam thì đã tạo ra sự thiếu công bằng rồi, mà thật ra là ngoài bóng đá nam ra thì còn môn nào được xét vào dạng "hút khách" nữa?).
  • Nếu kém may mắn mà U23 không vào sâu thì khán giả Việt Nam có còn quan tâm đến Asiad nữa hay không?
  • Nếu sau ASIAD, kết luận lỗ vốn, thì ai là người chịu trách nhiệm nếu "có dấu hiệu buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng"?
  • Chưa kể nếu "bất chấp" lần này, EURO 2020 tới chúng ta sẽ tiếp tục bị ép giá (mà nhiều khả năng là KJSM sẽ lại đơn vị sở hữu bản quyền giải này)

Đến đây, có lẽ nhiều người cũng hiểu được "mức độ trách nhiệm" của VTV rồi đúng không? Vậy cuối cùng trách nhiệm thuộc về ai?

Mọi người nghĩ sao với kết luận trách nhiệm thuộc về tất cả chúng ta? Tại sao lại thuộc "chúng ta"? Đồng ý trách nhiệm một phần là do VTV không thương thuyết được, vậy còn "chúng ta" - là bạn, là tôi?

Ai theo dõi tin tức thường xuyên và nhạy bén một chút đều dễ nhận ra là giá bản quyền thể thao thì chẳng bao giờ giảm cả, nó tăng liên tục từ khi Việt Nam lần đầu tiên biết đến khái niệm "mua bản quyền" phát sóng thể thao Quốc tế - chính xác là tại EURO 1996 (trước đó thì vẫn phát sóng các trận bán kết, chung kết những giải đấu lớn, nhưng là được chia sẻ lại từ các đài nước ngoài). Và người Việt thì đã quen với việc xem thể thao miễn phí hàng chục năm nay, và luôn tự hào rằng mình mang trong mình một tình yêu thể thao (bóng đá) mãnh liệt. Nhưng mà các nhà đầu tư thì không thấy sự "mãnh liệt" ấy có thể tạo ra giá trị - thật ra đây là đánh giá mang tính chủ quan của mình, nhưng nhìn tình hình kết quả đầu tư vào bản quyền thể thao trên Thế giới (xem tại bài viết này) thì mình tin nhận định của mình là có cơ sở.

Một ví dụ để dễ hình dung hơn, bạn là người có tình yêu mãnh liệt với U23 Việt Nam, vậy bạn có đang sở hữu một chiếc áo đấu Việt Nam chính hãng của Grand Sport không? (chiếc áo thì có giá khoảng 5-600 nghìn VNĐ, nghĩa là chỉ bằng khoảng 1/3 đến 1/2 giá nếu là của Adidas hay Nike). Mình thì hiện tại là không. Nghe ví dụ thì có vẻ không liên quan, nhưng thật ra đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chỉ số eCPM mình nhắc đến ở trên.

Nhiều bạn thì cho rằng tình yêu U23 là trên hết, có thể bất chấp mọi thứ vì U23, kể cả bản quyền? Vậy hãy thật lòng đi, trước tháng 11/2017 bạn có kể tên được 5 cầu thủ U23 không? Mình cũng chỉ kể được khoảng 3-4 cầu thủ thôi. Nếu bạn kể được và có tinh thần tôn trọng bản quyền thì có khi nào bạn tự "thỏa hiệp" với bản thân một lần bất chấp bản quyền để được xem U23 thi đấu không? Mình có, sau một hồi đấu tranh tư tưởng mình cũng phải mò lên mạng xem "lậu" hiệp 2 trận Việt Nam và Pakistan. Nghe lại tiếp tục có vẻ không liên quan, nhưng sự thật là chính tâm lý, hành vi này của người Việt là yếu tố gián tiếp làm hạ thấp vị thế của Việt Nam trên bàn đàm phán bản quyền, và trực tiếp làm mất niềm tin của các nhà đầu tư. Gọn lại là thời buổi kinh tế thị trường rồi, "tình yêu mãnh liệt" cũng phải tính toán cho ra được giá trị (là một con số), đôi khi "mãnh liệt" nhất thời còn mang lại hậu quả, điển hình là KJSM đã tận dụng sự "mãnh liệt" của chúng ta để ép giá chính chúng ta.

Vậy nếu muốn xem bóng đá đường đường chính chính thì "chúng ta" phải làm thế nào? Bạn nào hứng thú thì cùng thảo luận với mình bên dưới. Còn không thì phần này mình xin phép trình bày ở bài viết sau, vì bài này khá dài rồi :D

Từ khóa: 

bản quyền bóng đá

,

vtv

,

bản quyền asiad

,

asiad 2018

,

u23 việt nam

,

thể thao

Mình có đọc được một thông tin, bạn có thể kiếm chứng. Rằng Uỷ ban Olympic châu Á (OCA) chào bán gói bản quyền với giá 500k USD với các quốc gia thành viên, tuy nhiên ko đc VTV hưởng ứng. Sau đó KJSM WORLD CORP mới nhảy vào mua, và diễn ra câu chuyện ép giá như trên.

Nếu VTV nhận mua từ đầu, có phải đẹp cả đôi đường ko. Vậy trong trường hợp này, trách nhiệm của VTV đến đâu :3

Nguồn:

http://cauthu.com.vn/chinh-thuc-mot-don-vi-truyen-hinh-viet-nam-da-co-ban-quyen-asiad-2018.html

Trả lời

Mình có đọc được một thông tin, bạn có thể kiếm chứng. Rằng Uỷ ban Olympic châu Á (OCA) chào bán gói bản quyền với giá 500k USD với các quốc gia thành viên, tuy nhiên ko đc VTV hưởng ứng. Sau đó KJSM WORLD CORP mới nhảy vào mua, và diễn ra câu chuyện ép giá như trên.

Nếu VTV nhận mua từ đầu, có phải đẹp cả đôi đường ko. Vậy trong trường hợp này, trách nhiệm của VTV đến đâu :3

Nguồn:

http://cauthu.com.vn/chinh-thuc-mot-don-vi-truyen-hinh-viet-nam-da-co-ban-quyen-asiad-2018.html

Bản quyền bóng đá là câu chuyện kinh khủng lắm, chỉ có người trong cuộc mới hiểu nỗi đau của nó.

Ở Việt Nam (& có thể các nước kém phát triẻn), câu chuyện bản quyền còn đau khổ hơn vì các nước như VN việc xem lậu, vi phạm bản quyền ko kiểm soát được --> đó cũng là 1 lý do khiến giá bản quyền khi bán cho các nước như mình nó có thể tăng lên.

Tạm ko bàn đến Asidad , mình kể câu chuyện Euro 2016 để các bạn hiểu nỗi khổ của nhà đài.Năm đó anh bạn mình giám đốc 1 trung tâm ở VTV phụ trách khai thác quảng cáo cho Euro 2016:

  • Giá bản quyền mua về : cỡ hơn 40M usd (độc quyền khai thác VN cho cả TV & digital )
  • Về VN VTV có thể chia thành các gói bán & khai thác doanh thu từ: bán lại gói vệ tinh cho các đài địa phương khác; bán bản quyền digital (độc quyền & ko độc quyền) cho các kênh online; gói tin tức (video trận đấu bán cho các báo chí ) & khai thác quảng cáo (bán cho nhãn hàng)
  • Các gói chia sẻ bán cho các đài địa phương ntn mình ko rõ lắm; nhưng trên digital VTV rất khổ . Ví dụ họ chào bên mình hồi đó gói ko độc quyền (chỉ độ vài tỷ thôi); nhưng mình lúc đó phụ trách 1 kênh online sẽ ngay lập tức đặt câu hỏi: họ kiểm soát vi phạm bản quyền trên digital ntn? Mình bỏ tiền tỷ mua; nhưng có những thằng ko mua phát lại VTV3 livestreaming ko mất đồng nào --> đầu tư ko hiệu quả nên bọn mình ko đầu tư mua nữa. Gói tin tức cũng lèo tèo chỉ vài bên mua, còn lại các trang cũng vi phạm đầy hết cả ra. Tương tự, trên digital mình nghĩ hồi đó chỉ có FPTPlay bỏ tiền mua gói ko độc quyền. (vì độc quyền với ko độc quyền chả có ý nghĩa j khi ko kiểm soát được vấn đề vi phạm bản quyền)
  • VTV có cái app VTVGo để xem online; nhưng deal của Euro nó ko cho phép VTV phát triển người dùng & khai thác quảng cáo trên cái VTVGo đó. Deal là VTV phải clone ra 1 cái app khác (Euro VTV hay gì đó), app này lên top store rất nhanh; 1 ngày cả mấy triệu user). Nhưng bạn biết gì ko? Chỉ được phép khai thác quảng cáo trong dịp Euro đó . Ngay sau kết thúc Euro, VTV phải kill app đó trên store

Năm đó VTV lỗ, rất lỗ vì Euro. Đến WC 2018 bạn cũng thấy rồi đó, cũng trầy trật, có đơn vị tài trợ thì mới có bản quyền, vì ai dám làm ăn mà biết chắc mình lỗ lớn thế. Rồi mua WC, vi phạm bản quyền khắp nơi, đội anh bạn mình cả mua WC chỉ đi canh me report vụ vi phạm bản quyền (nhưng theo mình là như muối bỏ bể). Vì nếu ko làm, thì có thể bên kia nó vin vào nó phạt hợp đồng chết bỏ...

Nói chung, mọi người hãy bắt đầu nghĩ về chuyện xem bóng đá, nó cũng giống xem phim & các môn giải trí khác. Nó ko free, và học cách chi trả cho nội dung; học cách tôn trọng bản quyền. Có thế thì các DN họ mới có thể móc hầu bao đem bản quyền về cho bạn được.

1. Dù nói thế nào đi nữa thì VTV vẫn rất vô trách nhiệm. VN là nước duy nhất ở Châu Á ko có bản quyền (tại sao????). Đẩy anh em vào con đường "lậu" (vì ko có đường chính)
2. Ok không mua bằng mọi giá, nhưng giá là bao nhiêu thì ko thấy nói tới, nó có thật sự nhiều hay không và VTV chấp nhận ở mức nào (VOV mua được với giá 1,3triệu, như vậy tin đồn giá ban đầu 4-5 triệu khả năng cao là sai bét)
3. Vài triệu USD to thật nhưng để phục vụ cả quốc gia thì vẫn cân nhắc được. Nên nhớ rất nhiều dự án chỉ cần lý do "chưa tính toán hết " mà bị đội lên hàng trăm triệu USD

"Phục vụ nhu cầu chính đáng của dân thì tính toán như buôn thúng bán mẹt (xin lỗi bà con buôn thúng bán mẹt về sự so sánh thất lễ này, vì tầm nhìn của bà con còn xa hơn)"