Nhà Nguyễn và Tứ bất lập

  1. Lịch sử

Các vua triều Nguyễn ngoại trừ Gia Long và Bảo Đại đều tuân theo lệ Tứ bất vốn lập từ thời Minh Mệnh nhằm bảo vệ hoàng quyền; cách nói này hẳn mọi người đã quen và hiện cũng xuất hiện rất nhiều ý kiến trái chiều. Thực hư Tứ bất ra sao, hãy cùng phân giải chi tiết:

Bất lập Hoàng hậu: trong Khâm Định Đại Nam Hội điển Sự lệ vốn là tài liệu ghi chép các điển chế, lễ nghi của triều Nguyễn đã đề cập rất rõ quy chế áo mũ dành cho Hoàng Hậu; vậy thì chẳng thể nói không có. Có tới ba vị Hoàng Hậu chính danh được ghi nhận là Thừa Thiên Cao Hoàng hậu Tống Phúc thị, Lệ Thiên Anh Hoàng hậu Vũ thị-được vua Hiệp Hoà tôn theo di chiếu vua Tự Đức và Nam Phương Hoàng hậu Nguyễn Hữu thị; ngoài ra còn có Hoàng Quý Phi Phạm Đăng thị tức Đức Từ Dụ chuẩn bị được lập nhưng không kịp. Vua Minh Mệnh trước vốn cũng đã có ý lập bà Hiền Phi Ngô thị làm Chính cung song bị Nhân Tuyên Hoàng Thái hậu ngăn cản nên đành thôi, ngôi Hậu từ đó bị bỏ trống suốt triều Minh Mệnh. Cũng cần nói thêm là nhà Nguyễn có tới 5/13 vua yểu mệnh hoặc bị truất ngôi nên không thể đặt ngôi vị Hoàng hậu.

Bất phong Thái tử: Điển lễ sắc phong, áo mũ của Thái tử vốn đã được soạn trong Sự lệ; ngoài Anh Duệ Thái tử và Thái tử Bảo Long thì việc một số vua yểu mệnh dẫn tới không thể sách lập Thái tử giống như Hoàng hậu mình đã đề cập ở trên.

Bất khả Trạng nguyên: Ngay từ đời vua Minh Mệnh, triều đình vốn đã có chiếu quy định rõ thể lệ phân điểm chấm đỗ các ngôi Tam giáp; song các bài dự kỳ Đình thí lúc đó đều không thể đạt được phân điểm mười-ứng với Trạng nguyên nên ngôi cao nhất trên bảng là Bảng nhãn.

Bất lập Tể tướng: Chức Tướng quốc, Tể tướng từ thời Lê qua các cải cách quan chế vốn chỉ còn là vinh hàm dùng để truy phong, tặng cho các công thần, sang thời Nguyễn triều đình Huế cũng thực hiện như vậy; cơ quan trực tiếp cố vấn, giúp đỡ vua nay thay bằng Nội các và Viện Cơ Mật.

Trên tất cả, không có một tài liệu chính sử nào của Sử Quán triều Nguyễn đề cập việc có lệ Tứ bất lập; mọi thứ đều là do chúng ta dựa vào các hiện tượng để kết luận.


Từ khóa: 

tubatlap

,

nhanguyen

,

lịch sử