Nhạc sỹ Trần Hoàn, cuộc đời, tình yêu và những đóng góp cho âm nhạc Việt

  1. Âm nhạc

Bạn có biết, hôm nay, ngày 23 tháng 11, chính là ngày mất của cố nhạc sỹ Trần Hoàn? Ông tên thật là Nguyễn Tăng Hích, quê ở Quảng Trị. Bố của ông là một viên chức nhỏ thời Pháp thuộc, mẹ của ông là ca sỹ chuyên hát dân ca miền Trung - đặc biệt bà hát ví dặm rất hay. Chính việc được nghe những câu hát của mẹ mình từ khi còn rất nhỏ đã nhen nhóm trong ông một tình yêu mãnh liệt dành cho âm nhạc.

Sự nghiệp âm nhạc

Sự nghiệp sáng tác nhạc của ông gắn liền với cuộc cách mạng lớn của dân tộc ta - Cách Mạng Tháng Tám, với những sáng tác đầu tiên bắt đầu vào năm 1945. Được biết, ông theo học tại Quốc học Huế từ năm 1935, và đã tự học và tập luyện sáng tác nhạc từ những năm 16-17 tuổi. Thế nhưng, chính bài hát "Sơn nữ ca" được sáng tác vào năm ông 20 tuổi khi đang ở chiến khu Quảng Bình, mới là ca khúc làm nên tên tuổi của ông.

trần hoàn

Cố nhạc sỹ Trần Hoàn.

Các tác phẩm nổi bật

Nếu bạn giống mình, thì ở nhà chắc cũng đã từng nghe bố mẹ bạn hát những câu chữ rất quen thuộc như "Một đêm trong rừng vắng, ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh thấp thoáng, bóng cô sơn nữ miệng cười xinh xinh...". Đó là lời bài hát "Sơn nữ ca" nổi tiếng. Nhạc sỹ Trần Hoàn còn nổi tiếng là người tuy chưa bao giờ làm việc cùng hoặc ở gần với Bác Hồ, nhưng đã sáng tác những ca khúc rất hay về Bác, như: "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò vĩ dặm", "Lời Bác dặn trước lúc đi xa", "Kể chuyện cây xanh bốn mùa", Thăm Bến Nhà Rồng"...

Ngoài ra, người ta còn biết đến nhạc sỹ Trần Hoàn qua những ca khúc khác như "Lời cô gái Lệ Ninh", "Đường rừng", "Tình ca trên sông Son", "Về Phong Nha", "Nhớ bến đò xưa", "Hoan hô làng Sào Nam", "Nhớ Nhật Lệ...".

Phong cách sáng tác của ông độc đáo ở những câu từ rất dân dã, đơn giản, rất "văn nói". Nhưng chính vì thế mà nó để lại một ấn tượng sâu sắc và gẫn gũi với người nghe, vì họ cảm nhận được rằng vị nhạc sỹ nọ đang trực tiếp trò chuyện với họ, những câu chuyện hết sức đời thường, qua từng lời ca tiếng nhạc của các tác phẩm.

trần hoàn và vợ

Nhạc sỹ Trần Hoàn và vợ.

Mối tình đẹp như trong phim và sự tích cái tên "Trần Hoàn"

Nhạc sỹ Trần Hoàn đã có một mối tình rất đẹp với người vợ của mình. Người ta kể rằng trong một chuyến hoạt động tuyên truyền văn nghệ tại khu vực Bắc Trung Bộ, khi đó ông và các đồng chí thanh niên khác đang ngồi nghỉ trưa, đánh cờ, cười nói rôm rả với nhau. Tất cả bỗng im bặt, khi một cô gái xinh đẹp bước vào. Cô gái đó chính là huyện uỷ viên hoa khôi huyện Thanh Chương.

Xao xuyến trước vẻ đẹp của cô huyện uỷ viên, nhưng mãi rất lâu sau, Trần Hoàn mới dám ngỏ lời tỏ tình. Cách tỏ tình của ông cũng rất đặc biệt, nếu không muốn nói là...liều lĩnh. Ông viết dòng chữ "Hồng, em có nhận lời làm vợ anh không?" trên mặt sau của một tờ báo của Sở Thông Tin. Tất nhiên cô đã từ chối, nhưng thực chất đã cảm mến vị nhạc sỹ đẹp trai, đa tài này từ lâu. Đám cưới của họ diễn ra không lâu sau đó, nhưng chỉ mới ở chung như vợ chồng được vài tuần, ông đã phải ra Bắc phục vụ cách mạng.

Trong suốt thời gian đó, ông không ngừng viết thư gửi cho vợ, và sau 5 năm, cuối cùng 2 người cũng được đoàn tụ, chung sống hạnh phúc bên nhau.

Lại nói về cái tên Trần Hoàn, ông đã chọn cho mình cái tên này sau khi lấy cảm hứng từ bài hát-kiệt tác "Thiên Thai" của nhạc sỹ Văn Cao - người mà ông rất thần tượng. Trong bài hát này, từ "trần hoàn" đã xuất hiện trong câu "Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn quên trần hoàn" - ý ca ngợi nghệ thuật cần phải thoát tục, vượt lên trên những thứ thuộc "cõi trần" (để đến với "cõi thiên thai"), phải quên đi việc trở về cõi trần ("trần hoàn"). Sự tích cái tên của ông chính là như vậy.

trần hoàn và vợ 2

Một hình ảnh khác của vợ chồng nhạc sỹ Trần Hoàn.

Những đóng góp cho Cách Mạng

Ngoài việc sáng tác nhạc, Trần Hoàn còn là người có nhiều công lao đóng góp cho đất nước. Sau khi tham gia kháng chiến, ông được bổ nhiệm đảm trách nhiều cương vị lãnh đạo các tổ chức văn hoá của Đảng. Trong giai đoạn khó khăn này, ông đã góp phần không nhỏ trong việc vừa vận động, tuyên truyền nhân dân giác ngộ cách mạng, vừa gầy dựng, thúc đẩy phát triển các phong trào văn hoá, nghệ thuật.

Năm 1948, nhạc sỹ Trần Hoàn được kết nạp vào Đảng. Từ năm 1948 đến 1956, ông được bổ nhiệm phụ trách công tác văn hoá nghệ thuật Liên khu IV, Liên khu III và khu Tả Ngạn. Năm 1956, ông về Hải Phòng và trở thành Giám đốc đầu tiên của Sở VHTT của Hải Phòng trong 10 năm. Năm 1964, ông trở lại chiến trường Bình Trị Thiên và trở thành trưởng Ty Thông tin Bình Trị Thiên vào năm 1975.

Ông trở về Hà Nội vào năm 1983 và từ tháng 7-1996, ông giữ các chức Phó trưởng ban Văn hoá Tư tưởng Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Uỷ viên Hội đồng lý luận phê bình văn học-nghệ thuật Trung ương. Ông mất vào ngày 23 tháng 11 năm 2003, tại Hà Nội.

Từ khóa: 

trần hoàn

,

nhạc sỹ trần hoàn

,

âm nhạc

,

tinh hoa việt nam

,

ngày này năm xưa

,

âm nhạc