Những tranh luận xung quanh vấn đề thị trường văn học Trung Quốc?
kiến thức chung
Đối diện với hiện tượng thị trường hóa văn học, có hai xu hướng khác nhau từ các nhà phê bình:
1. Xu hướng bày tỏ thái độ quan ngại đối với hiện trạng thị trường văn học, đầu tiên là Trương Di Vũ, Vương Ninh, Đới Cẩm Hoa, Trung Sơn… tiếp đó là Vương Hiểu Minh, Trần Tư, Hàn Thiếu Công, Tiêu Ưng, Lý Nhuệ… Họ phê phán sự thương mại hóa sáng tác, sự còi cọc của đời sống tinh thần trong bối cảnh thị trường, chủ nghĩa tôn sùng đồng tiền, từ đó đặt ra vấn đề về trách nhiệm và chất lượng của người trí thức. Các tác giả trên cho rằng, trước bối cảnh thị trường hóa, sự chạy theo thị trường của nhà văn khiến cho văn học Trung Quốc thực sự đang đứng trước nguy cơ suy yếu về mặt chất lượng: “Ngày nay, nguy cơ của văn học vô cùng rõ rệt, những tạp chí văn học đồng loạt chuyển hướng, chất lượng của sáng tác đi xuống, ít có các độc giả có trình độ thưởng lãm cao” (“Đống đổ nát trên một vùng hoang tàn – nguy cơ của văn học và tinh thần nhân văn”[12]). Cho đến năm 2009, Wolfgang Kubin, nhà Hán học người Đức, đã làm giới văn học Trung Quốc xôn xao với những nhận định, phê phán của mình đối với văn học Trung Quốc đương đại. Ông cho rằng, tác phẩm Totem Sói: “là chủ nghĩa phát xít, cuốn sách này đã khiến Trung Quốc mất mặt”[13], và sáng tác của những nhà văn nữ như Vệ Tuệ, Hồng Ảnh, Miên Miên “không phải là văn học mà là những thứ rác rưởi”[14]. Tiêu Ưng[15], đối lập với xu hướng thứ hai (đại biểu là Trần Hiểu Minh), cho rằng văn học Trung Quốc “đang rơi xuống vực sâu không nên có”[16], tính thương mại hóa trong văn học làm suy giảm chất lượng tác phẩm cũng như đạo đức nghề nghiệp của các nhà văn, rất hiếm nhà văn có ý thức đến trách nhiệm xã hội của mình, đồng thời văn học cũng phải đối diện với nguy cơ bị các loại hình giải trí khác áp đảo.
2. Xu hướng thứ hai là ca ngợi nền văn học Trung Quốc đương đại, hoặc cổ súy cho tính đại chúng hóa trong văn học. Vương Mông và Vương Sóc – được coi là người tiên phong trong việc thương mại hóa sáng tác. Tác phẩm của họ thể hiện tính thị dân hóa, thương mại hóa, sự phủ định hoặc coi thường đối với các lý tưởng tinh thần, sự chế nhạo đối với tầng lớp trí thức, ca ngợi chủ nghĩa hư vô… vì thế nhận được không ít những ý kiến phê phán từ giới phê bình Trung Quốc như Thiều Yên Tường, Lưu Tâm Vũ, Bạch Diệp, Tiền Cánh…
Năm 2009, đối lập với quan điểm của Wolfgang Kubin, Trần Hiểu Minh[17] cho rằng, “văn học Trung Quốc đạt đến đỉnh cao chưa từng có”[18], theo ông, những sáng tác của Mạc Ngôn, Diêm Liên Khoa, Lưu Chấn Vân, Giả Bình Ao là minh chứng rõ nhất cho “tầm cao của văn học” thời đại này. Tuy nhiên, lập luận của Trần Hiểu Minh không đủ sức thuyết phục và tạo niềm tin trong giới học thuật về sự phát triển của văn học Trung Quốc đương đại.
Dù đứng ở góc độ nào, giới phê bình văn học Trung Quốc đều thống nhất rằng cục diện đa nguyên, “trăm nhà đua tiếng” của văn học Trung Quốc hiện nay vẫn có yếu tố tích cực nhất định, văn học mạng và sáng tác của các nhà văn tự do là một phần hữu cơ thuộc nền văn học Trung Quốc, và những tranh luận là hữu ích, cần thiết cho sự phát triển của một nền văn học.
Tựu trung lại, chúng tôi cho rằng, thị trường văn học Trung Quốc trong vòng 10 năm, nhất là giai đoạn 5 năm trở lại đây (2010-2015), có những đặc điểm như sau:
Cơ chế thị trường đã khai sinh hình thái văn học mới: văn học đại chúng, văn học thời đại tiêu dùng; tác động và làm thay đổi những yếu tố như chủ thể sáng tạo, chủ thể tiếp nhận và tiêu thụ văn hóa. Văn học được “cởi trói” khỏi những khuôn khổ giáo điều trước đây, dần dần được chính trị nới lỏng, đồng thời xóa bỏ những vùng cấm, mở rộng biên độ sáng tác, chuyển dịch từ chức năng giáo hóa sang chức năng giải trí. Ranh giới giữa văn học tinh anh và văn học đại chúng trở nên mờ nhạt. Những “grand narative” (đại luận thuyết) với tư cách là “chân lý khách quan” dần dần được thay thế bởi những “petit narative” (tiểu tự sự) của giới bình dân và các nhóm thiểu số.
Từ góc độ xã hội học văn hóa có thể thấy, truyền thông và mạng Internet đã khai sinh một cách sáng tác và tiếp cận tác phẩm mới. Tác giả có thể thông qua Internet để đưa tác phẩm đến thẳng với bạn đọc mà không cần phải qua bất kỳ một trung gian nào (như giới thiệu, xuất bản, phê bình…). Sáng tác, thực chất là một quá trình cá nhân hoá (individualization). Thông qua mạng xã hội, tác giả có điều kiện kết nối với những cá nhân khác tạo nên những “cộng đồng văn bản”, mỗi cá nhân có thể ghi dấu bản sắc trong những diễn ngôn tự tạo, những nhóm thiểu số hay “kẻ bên lề” cũng được trao quyền tiếng nói.
Về phía nhà văn: hệ giá trị, mục đích sáng tác, phương thức sáng tác có sự điều chỉnh để thích nghi với xu hướng thương mại hóa, phát huy sự tự do nhận thức và dân chủ trong sáng tác; các phương diện của tác phẩm như đề tài, chủ đề, cảm hứng, tính chất thể loại và cách thức biểu đạt, hình thức lưu hành… cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với nhu cầu thị trường. Về phía người đọc cũng có sự thay đổi lớn trong thị hiếu thẩm mỹ và nhu cầu văn hóa. Nhà văn nhanh chóng hòa nhập với thị trường, kết nối với truyền thông, quảng bá, quan tâm đến việc PR thu hút khách hàng và lợi nhuận kinh tế.
Xu hướng thị trường hóa đã tạo nên chuỗi “kích thích – phản ứng” (stimulus – response) trên văn đàn, dẫn đến những tranh luận với quy mô lớn nhỏ, những cuộc đối thoại phê bình, sự lựa chọn tiêu chuẩn giá trị của nhà văn. Khi làn sóng thị trường hóa dâng cao, tính chủ thể độc lập của nhà văn được tăng cường, cung cấp cho nhà văn một không gian viết rộng rãi hơn, phát sinh ra các dạng phân hóa, đa cực, đa nguyên trong sáng tác, khiến văn học đương đại Trung Quốc trở nên sống động.
Xuất hiện không gian sáng tác văn học mạng, mở rộng biên độ không gian văn học cho nhà văn và độc giả. Dù có những ý kiến tranh luận về giá trị thực sự của các tác phẩm văn học mạng, nhưng hầu hết, các nhà phê bình đều coi văn học mạng đã trở thành một nhánh hữu cơ hòa nhập vào dòng chảy của văn học Trung Quốc đương đại. Chính phủ Trung Quốc ủng hộ sự phát triển của văn học mạng, quảng bá văn học mạng Trung Quốc ra thế giới, thu hút sự chú ý của các độc giả nước ngoài, nhằm mang lại lợi nhuận cho nền kinh tế Trung Quốc.
Trong sự vận động của nền kinh tế thị trường, văn học đã chuyển hóa sang một cơ chế mới, chức năng mới tương ứng với quy luật “cung – cầu” của thời đại tiêu dùng. Sự thay đổi của văn học là tất yếu; tâm lý xã hội thay đổi cũng là tất yếu. Vấn đề đặt ra ở đây là, sự thay đổi này đồng thời mang lại rất nhiều yếu tố tiêu cực đáng lo ngại. Liệu khi văn học được coi là sản phẩm hàng hóa, thì chất lượng của tác phẩm cũng như ý thức nghề nghiệp của nhà văn có được đảm bảo?
Thị trường văn học Trung Quốc những năm vừa qua tuy rất sôi động, nhưng vẫn bị xem là thiếu vắng những đỉnh cao. Kể cả những nhà văn tên tuổi như Mạc Ngôn, Lưu Chấn Vân, Diêm Liên Khoa hay Giả Bình Ao, cũng vẫn bị hoài nghi về chất lượng sản phẩm và độ bền thời gian.
Nhiều nhà phê bình Trung Quốc chỉ ra rằng, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, văn học rất dễ rơi vào “bẫy thị trường” mà không có hướng đi. Trong thời đại tiêu dùng, hệ giá trị thẩm mỹ, đạo đức truyền thống bị phá vỡ, văn học từ địa vị cao cả bị đẩy sang vai trò của một kẻ bên lề, xu hướng đại chúng hóa trong văn học kéo theo xu hướng dung tục hóa. Văn học nằm trong vòng xoáy của thị trường, đồng thời cũng bị thị trường lợi dụng. Tác phẩm của nhà văn thiếu tính lý tưởng, tinh thần yếu ớt, trống rỗng; Nhiều nhà văn sẵn sàng chiều theo thị hiếu dễ dãi của bạn đọc, “gặm nhấm cái vốn hữu hạn của nội tâm để sáng tác” (Tiêu Ưng)[19], hoặc lấy việc khai thác thân thể, tình dục làm chiêu bài. Nhà văn dễ dàng vì lợi ích kinh tế mà chấp nhận thay đổi tiêu chuẩn giá trị của tác phẩm.
Những vấn đề đặt ra với thị trường văn học Trung Quốc cũng là những vấn đề cần suy ngẫm và tìm phương hướng đối với thị trường văn học Việt Nam hiện nay. Trong thời đại tiêu dùng, do phải cạnh tranh với những loại hình giải trí khác, văn học thị trường ở Việt Nam cũng đã tận dụng những hình thức tiếp thị như quảng cáo, minh họa trang bìa hấp dẫn, khai thác các chủ đề tính dục, tình cảm…nhằm thu hút độc giả. Nhiều nhà văn và nhà xuất bản xem việc bán được sách hay không, có lợi nhuận hay thua lỗ, phù hợp hay không phù hợp với thị hiếu khách hàng mới là trọng tâm. Khi đó, giá trị tư tưởng, nghệ thuật bị suy giảm đi là điều đương nhiên. Trên thực tế, sách văn học kinh điển của thế giới trên thị trường Việt Nam tiêu thụ ít hơn, chậm hơn nhiều so với loại cuốn sách ngôn tình chạy theo thị hiếu, mang tính thương mại. Người đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ tìm đến văn học chủ yếu với mục đích giải trí, họ ngại tiếp cận những tác phẩm nghệ thuật có chiều sâu, phải bỏ công suy ngẫm, tìm tòi. Đáng lo ngại rằng, các tác phẩm văn học mang tính thời vụ dễ dãi khi lấn át văn học tinh anh, văn học đặc tuyển trên thị trường, lâu dần sẽ khiến các giá trị tinh hoa bị gạt sang lề, bị quên lãng, thờ ơ. Nếu không có sự điều chỉnh, sẽ dần dần hình thành một nền văn học què quặt, trống rỗng, một thế hệ độc giả có quan niệm thẩm mỹ và đạo đức hời hợt.
Nói riêng về văn học mạng, văn học mạng ở Việt Nam vẫn chưa phát triển đến độ có thể trở thành một dòng riêng trong nền văn học Việt Nam đương đại. So với văn học mạng Trung Quốc, văn học mạng ở Việt Nam vẫn còn thua kém về mặt chất lượng và số lượng. Do đó, nó vẫn chưa thực sự được các cấp quản lý văn hóa và giới nghiên cứu phê bình chú ý. Tuy nhiên, trong một tương lai không xa, với sự phát triển của truyền thông và mạng xã hội, văn học mạng Việt Nam sẽ có một không gian thuận lợi để phát triển. Vấn đề nằm ở chỗ, các nhà văn có ý thức được việc phải bồi dưỡng vốn văn hóa, tri thức để cho ra đời những tác phẩm có chiều sâu và có sức sống dài hơi hay không? Làm thế nào để nền văn học vẫn tiếp tục “luật chơi” mà không bị rơi vào “bẫy thị trường” để trở nên loay hoay, bế tắc?
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Tấn Trúc Khánh