Nước sạch không hề vô tận, tương lai khô khốc thì rất gần

  1. Tin Tức

Ở rất nhiều nơi, đào sâu cỡ nào cũng không còn nước nữa. Khi nào tới lượt chúng ta?

By Y Chan


Một đứa trẻ tại khu ổ chuột ở thành phố Dhaka, Bangladesh hứng lấy nước để uống. Ảnh: GMB Akash / www.gmb-akash.com.

W. H. Auden từng nói, “Cả đống người sống mà không có tình yêu. Nhưng chả ai sống được mà không có nước.”

Day Zero

Lần gần đây nhất bạn đo đếm mỗi ngày mình dùng hết bao nhiêu nước là khi nào? Xác suất cao là chưa lần nào.

Không ít người trả hóa đơn tiền nước mỗi tháng mà không nhớ nổi số mét khối nước đã sử dụng. Số tiền thì chắc nhớ. Nghĩa là trong suy nghĩ của rất nhiều người, tiền quan trọng hơn nước.

Một suy nghĩ kỳ cục, và cực kỳ nguy hại.

Tháng 1/2018, tin tức từ Cape Town lan nhanh khắp toàn cầu. Chính quyền thủ đô của Nam Phi

 tuyên bố
 chỉ còn 90 ngày nữa, toàn thành phố sẽ không còn nước sạch để dùng.

“Day Zero” là từ mà họ gọi cho cái ngày phán xét đó: ngày mà tất cả các vòi nước trên toàn thành phố đều không còn giọt nào để chảy ra.

Nhiều thành phố lớn trên thế giới giật mình. 

Người ta không lạ gì chuyện những thị trấn hoang mạc, các vùng nông thôn xa xôi hay người dân sống tại các khu vực hẻo lánh bị thiếu nước. Nhưng đây là một trong những đô thị lớn nổi tiếng, từng nhiều năm liên tiếp được độc giả một tờ báo uy tín của Anh

 bình chọn
 là thành phố lý tưởng nhất thế giới.

Day Zero của Cape Town không phải đến từ một thảm họa đột biến nào. Suốt ba năm trước đó khu vực này đã trải qua hạn hán nghiêm trọng, lượng mưa nhỏ giọt, các hồ trữ nước cạn kiệt. Chính quyền không còn cách nào khác ngoài việc thông báo cho người dân biết sự thật.

Kể từ lúc đó, hàng triệu người phải thay đổi. Và thay đổi ngay lập tức, vì họ không còn thời gian phung phí.

Cư dân thành phố Cape Town xếp hàng lấy nước uống vào tháng 2/2018. Ảnh: Bram Janssen/ AP.

Mỗi người chỉ còn được hạn mức sử dụng 50 lít nước sinh hoạt mỗi ngày. Để so sánh, mức nước sinh hoạt

 bình quân
 của Việt Nam tại khu vực đô thị là 150 lít/ người/ ngày. Những nhà “khá giả có điều kiện” tiêu thụ gấp đôi, thậm chí gấp ba con số đó.

Người dân Cape Town được khuyến cáo chỉ nên tắm hai lần mỗi tuần, và không nên dùng nước sạch để dội toilet. Nước dùng cho các hoạt động không cấp thiết như tại các khu vực hồ bơi công cộng, làm cỏ tưới cây… đều bị cắt.

Các thông báo về mực nước dự trữ của thành phố được cập nhật mỗi ngày trên toàn bộ các phương tiện thông tin đại chúng. Thành phố còn làm luôn cả bản đồ theo dõi lượng tiêu thụ nước của từng hộ gia đình, công khai cho tất cả cùng theo dõi để biết nhà mình dùng bao nhiêu nước so với hàng xóm và các khu vực xung quanh.

Các phương pháp, kinh nghiệm tiết kiệm nước được người dân lan truyền chia sẻ cho nhau. Những nhà hàng quán bar treo đầy poster khuyến cáo khách hàng tiêu dùng nước tiết kiệm. Nước trở thành chủ đề nóng hổi trên khắp hang cùng ngõ hẻm.

Những nỗ lực đồng bộ trong việc tiết kiệm kiểm soát nước giúp thành phố có thể “ăn gian” thêm thời gian, đẩy lùi Day Zero thêm vài tháng.

Đến tháng 6/2018, lần đầu tiên sau gần bốn năm, mưa đổ xuống khu vực. Mực nước các hồ dự trữ tăng lên, Cape Town tạm thời thoát khỏi nguy khốn.

Nhưng người dân và chính quyền nơi đây vẫn không quên bài học để lơ là phung phí bất kỳ giọt nước nào. Đối với họ, nước đích thực là sự sống.

Cape Town không phải là câu chuyện cá biệt.

Khắp nơi
 trên thế giới, từ Tây Ban Nha đến Brazil, từ Ấn Độ đến Úc, từ Trung Quốc đến Mỹ, tất cả đều phải
 chuẩn bị
 tâm thế cho “Ngày mất nước”, nhất là khi cả lượng nước ngầm cũng dần bị khai thác 
cạn kiệt
.

Biến đổi khí hậu đã và đang khiến cho ngày đó đến gần hơn bao giờ hết.

Bao nhiêu nước sạch mới đủ?

Trung bình mỗi người dân khu vực đô thị cần vài trăm lít nước mỗi ngày để sinh hoạt. Đó là trên giấy tờ. Con số thực gấp hàng chục lần.

Một trong những biện pháp quan trọng giúp Cape Town tránh thảm họa là việc

 điều tiết
 lại nước dùng cho nông nghiệp. Nước cho nông nghiệp và công nghiệp là một trong những nguồn tiêu thụ nhiều nước sạch nhất của nhân loại. Trung bình các hoạt động nông nghiệp
 tiêu tốn
 70% lượng nước sạch trên toàn cầu. Có
 thống kê
 lên đến 80-90%.

Lấy ví dụ hai loại sản phẩm nông nghiệp phổ biến ở Cape Town là nho và cam.

Cape Town là trung tâm sản xuất rượu nho của Nam Phi. Mỗi năm hàng trăm triệu lít rượu được xuất khẩu ra khắp thế giới.

Người ta tính toán rằng với mỗi chai rượu 750 ml, lượng nước được dùng để trồng và thu hoạch nho phải gấp 1.000 lần, tới 750 lít. Nghĩa là với hàng trăm triệu lít rượu nho xuất khẩu, người ta đã tiêu tốn hàng trăm tỷ lít nước mỗi năm. Tương tự, với mỗi trái cam mất khoảng 80 lít nước sạch để tưới tiêu, lượng cam xuất khẩu mỗi năm cũng tiêu tốn hơn 100 tỷ lít nước sạch.

Đó cũng là lý do mà giáo sư Harry Futselaar, tại một hội thảo về sử dụng nước bền vững tại thành phố Hồ Chí Minh, đã

 công bố
 con số rằng trên thực tế, mỗi người dân thành phố đang sử dụng đến 3.000 lít nước mỗi ngày.

Con số trên là tổng hợp lượng nước tiêu tốn cho tất cả những sản phẩm dịch vụ mà mỗi người sử dụng, không chỉ tính lượng nước sinh hoạt trực tiếp.

Nhiều người sẽ phản đối chữ “tiêu tốn”.

Nước dùng cho nông nghiệp rốt cục cũng quay vòng, hoặc bốc hơi thành mưa rớt xuống lại, hoặc thấm xuống đất chảy ra sông ngòi hay trở về thành nước ngầm, làm gì mà tốn với mất?

Trên lý thuyết đúng là vậy. Trên thực tế, con người luôn có cách làm phức tạp vấn đề.

Một phần lớn lượng nước sử dụng cho nông nghiệp bị ô nhiễm bởi đủ loại thuốc trừ sâu và phân hóa học. Các loại hóa chất độc hại làm ô nhiễm nguồn nước, gây hại trực tiếp cho con người đã đành. Ngay cả những thứ được xem là “dinh dưỡng” cũng khiến các nguồn nước và hệ sinh thái có vấn đề.

Eutrophication
” (phình dưỡng) đang trở thành vấn đề lớn nhất đối với chất lượng nước sạch trên thế giới.

Những thứ được xem là chất dinh dưỡng cho cây, ni-tơ và phốt-pho, được con người bơm vô tội vạ vào đất để đẩy nhanh quá trình phát triển. Lượng chất dinh dưỡng dư thừa này

 chảy ra
 các hệ thống sông ngòi, tạo ra hiện tượng bùng nổ tảo (“algal bloom” hay còn gọi là “tảo nở hoa”).

Các loài tảo và cây sinh sôi phát triển mạnh nhờ vào sự phình dưỡng này, đến khi chết đi phân hủy tiêu thụ hết oxy trong nước, làm mất cân bằng lượng oxy, khiến các sinh vật khác “ngạt thở”. Ngay cả

 độc chất
 chúng tiết ra cũng có hại cho các sinh vật khác, và cả con người khi ăn vào các sinh vật đó.

Rất nhiều hoạt động của con người hiện đại góp phần làm ô nhiễm, tiêu tốn nước sạch. Ảnh: NRDC

Ngoài nông nghiệp, tất cả các hoạt động khác của con người hiện đại, từ sản xuất xây dựng đến khai thác tài nguyên thiên nhiên, đều tiêu tốn một lượng lớn nước sạch.

Không chỉ có vậy, các hoạt động sản xuất công nghiệp, với sự xuất hiện của đủ loại hóa chất nhân tạo, còn là một nguồn chính gây ô nhiễm nước sạch.

Không chỉ có hoạt động nông nghiệp hay công nghiệp, gần như

 mọi hoạt động
 của con người hiện đại đều góp phần tiêu và tốn nước sạch trên trái đất, từ nước thải sinh hoạt đổ thẳng ra sông ngòi không qua xử lý, hay hàng tỷ chiếc xe cá nhân, xe chở hàng, tàu vận tải, máy bay… thải ra dầu thấm rỉ ra nước, đến các loại chất thải hạt nhân từ những nhà máy phát điện…

Ai cũng biết chúng ta đang dùng cùng những giọt nước mà các loài khủng long đã

 nhấm nháp
 hàng trăm triệu năm trước.

Nhưng xét đến khả năng tự hủy hoại nguồn nước của chính mình và các sinh vật khác, khủng long, to và khủng đến thế, cũng chỉ là muỗi so với con người.

Ground Zero

Các nông dân tại bang Kansas, một vùng trung tây của nước Mỹ, không bao giờ ngờ có một ngày các giếng nước của họ lần lượt

 cạn khô
.

Như nhiều gia đình trong khu vực, những chiếc giếng đầu tiên của nhà Jay Garetson đã được khoan từ giữa thế kỷ trước. Vào thời đó, cha ông của họ không bao giờ nghĩ đến chuyện nước có thể cạn.

“Xài hoài không hết” (inexhaustible) là cách mà họ nghĩ về nước ngầm (groundwater).

Và thế là nhà nhà đua nhau đào giếng. Chỉ cần đào sâu vài mét là đã có nước bơm lên. Trong nhiều thập niên qua, bất chấp những dấu hiệu cảnh báo về thiếu hụt nguồn nước, tất cả vẫn đua nhau đào.

Giếng sâu vài mét không còn nước? Đào sâu thêm chục mét. Lại có nước. Một thời gian sau, giếng chục mét cũng hết nước. Đào tiếp thêm vài chục mét nữa. Lại có nước. Giờ đây, sau vài thế hệ thi nhau đào, ngay cả những chiếc giếng sâu hàng trăm mét cũng cạn khô.

Giếng nhà Jay Garetson dùng cho việc tưới tiêu đã bắt đầu xuất hiện bong bóng nước. Ảnh: Steve Elfers/ USA Today.

Chiếc giếng nhà Jay Garetson đang dùng cho ruộng ngô của mình sâu gần 200 mét, và cũng bắt đầu có dấu hiệu yếu dần. Các bong bóng nước xuất hiện, nghĩa là ống bơm đã hút tới mức bắt đầu cạn, có thêm không khí.

Nguyên lý thật ra đơn giản như cắm ống hút vào trong ly trà sữa. Hút đến gần cạn, ta sẽ nghe thấy tiếng không khí blục blục bị hút lên. Sẽ chẳng sao nếu đó chỉ là ly trà sữa. Thèm uống tiếp, ta lại gọi thêm ly khác.

Nhưng đào một cái giếng mới là một chuyện hoàn toàn khác. Nó có thể tiêu tốn hàng chục ngàn đô la cho mỗi hộ nông dân ở Mỹ. Càng sâu càng tốn tiền. Và không thể cứ đào sâu mãi, vì, ít nhất giờ đây tất cả đều đã nhận ra, nước ngầm hóa ra có hạn.

Khảo sát hàng chục ngàn giếng đào trên khắp nước Mỹ, người ta phát hiện ra rằng trong hai chục năm qua, cứ ba cái giếng thì có hai là tụt mực nước. Trung bình mực nước hụt xuống hơn ba mét, có nơi hơn 30 mét.

Một người nông dân rắn rỏi như Jay Garetson cũng nghẹn lời khi nghĩ đến tương lai, chỉ mười hai mươi năm nữa, nông trại tồn tại suốt hàng trăm năm qua của gia đình sẽ biến mất, và “những đứa trẻ nhà Garetson sẽ không còn được chứng kiến cảnh ruộng đồng của cha ông nữa”.

Giếng đào càng sâu thì càng tốn tiền. Và không thể cứ đào sâu mãi, vì, ít nhất giờ đây tất cả đều đã nhận ra, nước ngầm hóa ra có hạn.

Đây không phải là chuyện chỉ diễn ra ở đất Mỹ.

Các nông dân Ấn Độ đã

 tuyệt vọng
 tìm đến cái chết, treo cổ bên miệng những chiếc giếng khô cạn kiệt – khô và cạn như niềm tin của họ đối với tương lai.

Những vườn cây

 chết khô
 xuất hiện ngày càng nhiều ở Morocco, nơi các nông dân phải lần lượt bịt những miệng giếng sâu hàng trăm mét vì không còn giọt nước nào.

Trong khi đó ở Peru, trong nhiều thập niên qua những ruộng măng tây được trồng ồ ạt vì giá trị xuất khẩu (đem lại nhiều tiền), trong khi đây là loài cây

 tiêu tốn
 rất nhiều nước. Các ông chủ lắm tiền từ nơi khác đến thu nạp ruộng đất, lập các nông trại lớn, mua lại giếng đào của những nông dân xung quanh.

Họ bỏ tiền ra đầu tư kỹ thuật, đào sâu thêm giếng, gắn thêm những chiếc ống to, lắp thêm máy phát điện, và cho chạy 24/7. Nước ngầm bị hút lên phục vụ cho những dự án đầy tính kinh tế, đẩy những gia đình trong khu vực vào cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt.

Những mầm mống xung đột bạo lực đầu tiên đã bắt đầu bùng nổ, khi các nông dân phẫn nộ tìm đến phản đối việc khai thác giếng ngầm vô tội vạ của những trang trại lớn. Các đường ống bị đốt phá. Bảo vệ của doanh nghiệp thượng cẳng tay hạ cẳng chân với người dân địa phương.

Nếu vẫn tiếp tục cơn điên đào giếng, sẽ không lâu nữa người ta sẽ bắt đầu giết nhau vì nước.

Việt Nam không phải ngoại lệ. Đã có rất nhiều cảnh báo trong nhiều năm qua về tình trạng khai thác nước ngầm vô tội vạ phục vụ cho mục đích

 nông nghiệp
 lẫn
 sinh hoạt
. Nước dần cạn kiệt, và đất thì càng ngày càng sụt lún.

Báo cáo
 vào cuối tháng 11/2020 của FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc) cho biết thế giới đang có ba tỷ người bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nước. Trong số này, khoảng 1,5 tỷ người sống trong điều kiện thiếu nước trầm trọng, do hậu quả kết hợp từ biến đổi khí hậu, nhu cầu tăng cao và quản lý nguồn nước yếu kém.

Con người đang tự đào mồ chôn chính mình, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, trong cơn điên phá nước.

Điều đáng tiếc duy nhất là trong khi cơn điên đó của những thế hệ này gây ra, chính những thế hệ tương lai lại phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Từ zero đến hero, hay ngược lại?

Chúng ta có thể làm gì để dừng cơn điên phá nước này?

Ta có thể bắt đầu quan tâm đến lượng nước mỗi ngày mình dùng, từ những tiểu tiết rất nhỏ nhặt (để ý lượng nước tắm, vặn vòi nước vừa đủ, tiết kiệm nước khi rửa chén…).

Ta cũng phải lên tiếng yêu cầu giải pháp trước vấn đề tiêu tốn và ô nhiễm nguồn nước trong các hoạt động công nông nghiệp.

Trẻ em đi bộ lấy nước sạch tại Lào. Ảnh: Asian Development Bank, CC BY-NC-ND 2.0

Thay đổi cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi các loại cây trồng, ưu tiên những loại cây ít tiêu tốn nước. Thay đổi quy chuẩn hoạt động nông nghiệp, cấm việc sử dụng các loại thuốc và phân hóa học tràn lan, chuyển dần sang hướng tự nhiên. Thay đổi cả cơ cấu nền kinh tế, ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, trồng lại rừng, tập trung cho các lĩnh vực khoa học công nghệ xanh và sạch, hạn chế cấp tiền cho những ngành phá hoại môi trường… Đó đều là những vấn đề thuộc về trách nhiệm của mỗi người chứ không phải chuyện nhà nước hay thuộc thẩm quyền của riêng chuyên gia nào.

Trong mắt những đứa trẻ con, người lớn chúng ta luôn là “hero” (anh hùng). Vì chúng ta to lớn, vĩ đại, làm được những thứ mà chúng không thể nghĩ tới.

Nhưng nếu không chấp nhận sự thật, rằng chúng ta có trách nhiệm, có khả năng và phải thay đổi hiện trạng, những người lớn rốt cục sẽ chỉ là con số không (zero). Thậm chí tệ hơn, khi lâu nay những người lớn này đã ăn gian phá hoại luôn phần của các thế hệ tương lai.

Nếu không làm gì để thay đổi, người lớn sẽ không có cả tư cách để làm số không tròn trĩnh.

Chúng ta sẽ chỉ là những con số âm méo mó của lịch sử.

Từ khóa: 

tin tức

Rất nhiều nước đang bị đóng băng, từ cả triệu năm nay, nước không đi đâu vẫn ở đó luân chuyển, do cách con người xây dựng khai thác thôi.

Trả lời

Rất nhiều nước đang bị đóng băng, từ cả triệu năm nay, nước không đi đâu vẫn ở đó luân chuyển, do cách con người xây dựng khai thác thôi.

Được sống ở một nơi có đầy đủ điện, nước là cả một sự may mắn. Nhưng hình như đầy đủ quá khiến người ta nghĩ đến dư thừa rồi lãng phí nhỉ?

Con người lãng phí tài nguyên quá nhiều.