‘Online portfolio’ và chuyện kinh nghiệm làm việc của người mới ra trường

  1. Kỹ năng mềm

Vòng lặp muôn thuở “sinh viên mới ra trường lấy đâu ra kinh nghiệm – công việc yêu cầu 2 năm kinh nghiệm – có đi làm thì mới có kinh nghiệm chứ”. Câu này không ít người, trong đó có mình ngày trước cũng nói (nhưng là nói đùa, bởi mình cũng không quan tâm lắm), nhưng ít ai chịu nghĩ thêm xíu xíu.

‘Kinh nghiệm’ là gì? Tại sao cần có ‘kinh nghiệm’? ‘Kinh nghiệm’ nào đang được nhắc đến? ‘Kinh nghiệm’ được sử dụng lúc nào? Không có ‘kinh nghiệm’ thì dẫn tới chuyện gì? Những câu hỏi này cần dành cho cả phía sinh viên lẫn nhà tuyển dụng. Bởi lắm nhà tuyển dụng viết thế chứ chẳng hiểu tại sao phải có nội dung đó, nó có quan trọng hay không.

‘Kinh nghiệm’ mà ta nói tới thường được ngụ ý là thời gian làm việc và sự am hiểu, những kỹ năng tương ứng trong 1 lĩnh vực có liên quan đến vị trí cần tuyển. Nếu như thời sinh viên không đi làm, chỉ đi học thì lấy đâu ra những kinh nghiệm ấy? Thực ra, nói vậy thì cũng không thỏa đáng cho lắm. Trong suốt thời gian đi học, kể cả những sinh viên không tham gia hoạt động nào và không đi làm thêm, cũng có không ít ‘kinh nghiệm có liên quan’, chỉ là chưa nhận ra nó là gì và ‘gom’ biểu hiện của những kinh nghiệm ấy vô 1 chỗ. ‘Online portfolio’ có thể là 1 cách để ‘gom vô 1 chỗ’.

Với cá nhân mình, ‘online portfolio’ là một nơi lưu trữ trực tuyến những gì chúng ta đã làm được trong suốt thời gian học Đại học. Nó có thể bao gồm:

  • Những bài tiểu luận bạn và nhóm bạn đã làm
  • Những bài thuyết trình bạn và nhóm bạn đã làm
  • Những bài ‘reflective writing’ (tạm dịch: viết tự ngẫm về mình), một dạng nhật ký
  • Các Report và Review về những gì bạn đã đọc được như sách, báo, giáo trình, tài liệu khác
  • Những nội dung khác

Mình xuất phát từ khối kinh tế, nên những đề xuất trên dựa trên khối kinh tế. Thay vì quá chú ý vào từng câu chữ, có thể hiểu đại khái ý tưởng về ‘online portfolio’ và ứng dụng vào khối khác. Các bạn bên kiến trúc, mỹ thuật công nghiệp, hội họa, khoa học xã hội – nhân văn giỏi vụ này và cũng thường có hơn mấy bạn khối kinh tế, đã học ít, tốn tiền ít mà còn lười chảy thây (đang tự nói mình).

Quay lại với ‘online portfolio’, với từng bài như thế, có thể nêu ra mình đã làm gì, những điều mình học được, những kỹ năng học được khi làm bài. Tất cả đều phải viết một cách trung thực nhất. Những nội dung đó nên có tham chiếu (reference) đến các trang khác của bạn trong nhóm, và bảo chứng từ giảng viên. Thông thường với mỗi môn học bao giờ cũng sẽ có mục đích học môn đó và các kiến thức sẽ có khi kết thúc môn, bạn có thể tự rating xem mình đạt tới mức độ nào. Ngoài ra, sẽ luôn có những kỹ năng được rèn luyện trong quá trình làm môn đó, chúng ta cũng hoàn toàn viết, rating cho nó được.

Chẳng hạn, bạn học môn ‘Kinh tế vĩ mô’. Trong môn này, giáo viên yêu cầu bạn đọc sách ‘Hiểu kinh tế học qua một bài học’ (Henry Hazlitt), và 2 tập của ‘ (siêu) Kinh tế học hài hước’ (Steven D.Levitt & Stephen J.Dubner), và trong môn học, bạn được yêu cầu viết tiểu luận. Khi kết thúc môn học, ‘online portfolio’ của bạn sẽ có:

  • 3 book reports cho 3 cuốn sách
  • 3 book review cho 3 cuốn sách
  • 1 bài viết kiểu ‘Kinh tế vĩ mô dưới góc nhìn của bạn’, như 1 cách để xem mức độ hiểu môn học, xem bạn đã đạt được các mục đích môn học hay chưa
  • 1 bài tiểu luận. Bài này có thể tóm tắt lại, còn bài đầy đủ thì đưa qua 1 nguồn lưu trữ khác như Slideshare, Dropbox, Box.net, Google Drive, …
  • 1 bản đánh giá năng lực từ giảng viên

Như thế, qua thời gian, bạn cho thấy được bạn đã biết được kiến thức chuyên môn gì, mức độ hiểu đến đâu, có được những kinh nghiệm, kỹ năng gì và có luôn sự bảo chứng từ người đã làm cùng bạn và đánh giá bạn lúc học. Nhìn chung là khách quan, rõ ràng và chi tiết.

Bạn nào quan tâm thì có thể tự tìm thêm qua Google nhé, phía trên cũng chỉ là những ý nghĩ sơ khai của mình. Cái cơ bản đã có, còn lại phụ thuộc vào bạn mà thôi.

Minh Nhật

Từ khóa: 

porfolio

,

kinh nghiệm phỏng vấn

,

kỹ năng mềm

,

tìm việc

,

phỏng vấn

,

kỹ năng mềm

Hay quá ạ! :D Em nghĩ rất nhiều bạn cần quan tâm để xây dựng portfolio cho mình, trước giờ thường các bạn (cả em nữa) trong khối ngành kinh tế thường bỏ qua mà chỉ đơn thuần liệt kê các công việc mình làm trong CV chứ không hề show cho nhà tuyển dụng biết mình đã học được những gì từ những thứ mình làm.

Trả lời

Hay quá ạ! :D Em nghĩ rất nhiều bạn cần quan tâm để xây dựng portfolio cho mình, trước giờ thường các bạn (cả em nữa) trong khối ngành kinh tế thường bỏ qua mà chỉ đơn thuần liệt kê các công việc mình làm trong CV chứ không hề show cho nhà tuyển dụng biết mình đã học được những gì từ những thứ mình làm.