Quan niệm "học đại" ở đại học

  1. Tâm lý học

Chưa bước vô giảng đường đại học thì ai cũng nghĩ môi trường đại học khá là thoáng vì chỉ cần học trên lớp, không có chuyện học thêm, học phụ đạo, học bồi dưỡng,... Nói chung là các khóa học ngoài giờ. Thời gian học vô cùng nhàn nhã không nhất thiết phải 5-6 ngày trên lớp, có ngày học 2 buổi nhưng có ngày lại nghỉ. Thời gian học mỗi ngày cao nhất là 10 tiết nhưng cũng có khi chỉ 2-3 tiết/ ngày. Thời gian rảnh rỗi bao la vì nhiều sinh viên đi làm thêm, làm bán thời gian kiếm thêm đồng ra đồng vào. Áp lực điểm số không cao như ở môi trường phổ thông, học sao cũng được chỉ cần qua môn thậm chí học lại quá dễ dàng không ràng buộc phải lên lớp và đạt danh hiệu xuất sắc, tiên tiến như dưới các cấp học phổ thông. Liệu những tư tưởng trên về đại học có đúng không?

Cái quan điểm đại học là học đại tôi nghe từ khi còn ngồi trên ghế phổ thông và lúc đó thì cá nhân tôi không cho là đúng vì cái chữ "học đại" đối với tôi nó mang sắc thái tiêu cực là xem thường việc học, muốn học sao cũng được, kiến thức vặt vãnh cũng xong. Năm lớp 11, tôi bắt đầu lân la tìm tòi chương trình và phương thức học ở cấp đại học là như thế nào thì kết quả là mớ bòng bong khi mà giai đoạn tôi học là học theo tín chỉ (chương tình đại học ngày nay vẫn là chương trình học tín chỉ). So với chương học theo học phần thì chương trình tín chỉ nhẹ thở hơn nhiều. Giải thích về cách học tín chỉ là các sinh viên sẽ đăng ký các môn (mỗi môn học trung bình từ 2-3 tín chỉ; tương đương từ 30 -45 tiết). Số tín chỉ mỗi sinh viên đăng ký học không bị ràng buộc số lượng chỉ cần hơn số tín chỉ tối thiểu (dao động trên 10 tín chỉ/học kì). Bốn năm chương trình đại học chuẩn thì chia ra làm 8 học kỳ trong đó có khoảng 2 năm là học các môn đại cương và các môn cơ sở ngành, 2 năm cuối là tập trung vào chuyên ngành. Như vậy, sinh viên có thể năm nhất chưa quen thì học kỳ 1 học 20 tín chỉ và học kỳ 2 tăng tốc lên 30 tín chỉ là điều bình thường. Đăng ký học phần theo tín chỉ còn giúp người học chủ động được thời gian, sắp xếp thời gian học của mình phù hợp nhất có thể.

Nhưng lợi bất cập hại thì không bao giờ có. Việc học teo tín chỉ giúp sinh viên chủ động về thời gian nhưng cũng có điểm hại chí mạng là sinh viên sẽ ỷ lại chủ quan ôi kì này đăng ký môn A nhưng không có thời gian học hoặc bị rớt thì học kì sau đăng kí lại, không cần quá lo lắng. Hậu quả dẫn đến là rất nhiều sinh viên bị nợ môn từ năm này sang năm khác mãi chẳng trả được. Thậm chí, học ở năm cuối các môn chuyên ngành chiếm điểm rất cao nhưng nợ môn ở cấp đại cương mà trùng môn rồi môn này đắp môn kia, thậm chí là mướn người học dùm ở các môn đại cương.

Nhưng đó chỉ là 1 góc của cái gọi là "học đại". Điểm số trên đại học là khái niệm không biết nói sao cho đúng, bởi nói điểm số quan trọng nhất thì không phải bởi điểm số chỉ 1 phần và phần còn lại là kiến thức trong đầu. Đôi khi phải chấp nhận điểm kém (thậm chí rớt môn) nếu muốn bảo vệ ý kiến, quan điểm của bản thân. Ví dụ là bản thân tôi đã gặp trường hợp tương tự như thế này và tôi nghĩ những ai mong muốn đi học là trang bị kiến thức cho bản thân đều 1-2 lần gặp phải.

Tôi học ở năm thứ 3 thì có 1 môn chuyên ngành, lớp tôi chia nhóm làm thuyết trình và tiểu luận trình bày trước lớp. Tôi được phân nhóm và đề tài liên quan đến "sai lầm trong cải cách ruộng đất và đấu tố miền bắc năm 1953-1954". Nhóm tôi nhận đề tài mà cực kỳ hoang mang vì "làm thực chất vấn đề" sẽ bị "đụng chạm" còn cái kiểu làm nước đôi cho có bài thì nhóm kiên quyết không đồng ý và cuối cùng nhóm quyết định làm hết khả năng. Và đúng như dự đoán do có tham khảo tài liệu nhiều phía nên tôi được "lên máy chém" đầu tiên vì "sử dụng tài liệu xuyên tạc", "không có quan điểm chính trị vững vàng". Nhóm tôi có 6 người và tuy làm nhóm nhưng mỗi người 1 số điểm khác nhau. Tôi nhớ tôi và 1 bạn trong nhóm lãnh con 6, còn lại 7 và 1 bạn 8. Cái vấn đề không phải cạnh tranh điểm hơn thua trong nhóm mà ở đây tôi muốn nói đến cái cách thể hiện các thành viên trong nhóm. Tôi và các bạn trong nhóm điểm khác trung bình vì chúng tôi sau khi trình bày và bị phản bác, chúng tôi lại đứng lên 1 lần nữa bảo vệ quan điểm cả nhóm. Một thành viên duy nhất đứng lên xoa dịu giáo viên và cả lớp nên ghi nhận điểm 8.

Thế đó, một trường hợp khác chúng tôi học một môn liên ngành giữa 2 ngành là lịch sử Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là môn vai trò lãnh tụ. Nhóm tư tưởng làm đề tài về anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ nhưng làm không rõ vấn đề và giảng viên lại bỏ qua mà không chịu làm rõ hết cái vấn đề nhóm chưa hoàn thiện thậm chí là bỏ qua hết các ý kiến của các nhóm khác. Cắt ngang phần phản biện của các nhóm khác. Không chấp nhận vấn đề nhóm không làm rõ "vấn đề đặt ra" mà bỏ qua một cách vô lý. Cả lớp tôi ngày hôm đó đã đồng loạt phản đối và yêu cầu giảng viên cũng như nhóm làm đề tài nếu không làm rõ vấn đề thì chúng tôi không chuyển đề tài. Và kết quả là 11h hết tiết học nhưng do vấn đề dây dưa mà cái nhóm làm đề tài không chịu làm rõ, giảng viên lằng nhằng mà gần 1h chiều lớp mới được tan.

Đó là 1 góc khi bạn bước vào con đường đại học, nó giống như môi trường sống ngoài đời thu nhỏ, ở đó có đấu tranh, có bảo vệ, có đoàn kết và có cả chia rẻ.

Cách học và cách điểm danh ở đại học hoàn toàn khác ở lớp phổ thông là bạn phải đến lớp hằng ngày. Ở đại học có thể đến lớp lúc nào tùy bạn miễn không dính đến vấn đề điểm danh. Điểm danh ở đại học là điểm danh theo danh sách, cũng có khi điểm danh bằng cách làm bài giữa kỳ không báo trước trên lớp. Nghĩa là ai có mặt đi học thì có bài kiểm tra thế thôi. Thời gian điểm danh thì vô cùng đa dạng có thể đầu giờ, giữa giờ trước hoặc sau giải lao hoặc gần cuối giờ. Điểm ở đại học lấy bằng hai cột là giữa kỳ (30% và cuối kỳ 70%). Không nhất thiết phải làm bài thi trên lớp mới có điểm mà có thể thuyết trình đề tài, làm tiểu luận,...

"Học đại" trên lớp nghĩa là bạn làm kiểu gì miễn có làm bài kiểm tra là sẽ có điểm tùy theo đúng hay lạc đề thôi. Không phải gò bó học thêm hay học theo 1 motip nhất định, không có kiểu đọc chép thậm chí 2 đứa ngồi kế nhau trong lớp mà sau môn đó có đứa chép đầy cuốn tập có đứa không có 1 chữ nhưng nó nằm trong đầu. Học đại học hiểu đúng là nghiên cứu tài liệu, đưa ra quan điểm, giải quyết vấn đề thậm chí là đưa vấn đề đó vào thực hành để nghiệm chứng chứ không phải đọc - chép. Do đó, ai "học đại" mà không chịu đọc các sách tham khảo, tài liệu thì đồng nghĩa với việc "thi đại" luôn. Điều đó tùy thuộc ý định và quyết tâm của người học.

Từ khóa: 

lề xưa thói cũ

,

tâm lý học