Quy định của bộ luật Hồng Đức (dưới triều Lê sơ) về công tác phòng, chống tham nhũng.

  1. Lịch sử

Không chỉ trong thời kỳ hiện nay, mà ngay từ thời xa xưa, tham nhũng đã được coi là một quốc nạn, những tên tham quan được gọi là sâu dân mọt nước, tệ nạn tham nhũng là nguyên nhân làm suy thoái Nhà nước, là nguồn cơn của phong trào khởi nghĩa nông dân. Thời kỳ Bắc thuộc đã từng chứng kiến Thái thú quận Giao Chỉ là Tô Định tham tàn bạo ngược đã châm ngòi cho khởi nghĩa Hai Bà Trưng bùng nổ (năm 40)

[1]
, Thái thú Giao Châu là Tiêu Tư tàn ác vô đạo đã châm ngòi cho khởi nghĩa Lý Bí bùng nổ (năm 544)
[2]
.

          

Trong suốt tiến trình lịch sử Việt Nam, kể từ khi Ngô vương Quyền mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ cho nước ta thì tham nhũng là một quốc nạn mà bất kỳ vương triều nào cũng muốn tận diệt bằng mọi giá. Dưới thời vua Trần Duệ Tông, Hành khiển Hóa Châu là Đỗ Tử Bình tham của đút 10 mâm vàng của vua Chiêm là Chế Bồng Nga, nên đã phao tin đồn rằng quân Chiêm tiến binh đánh Hóa Châu. Vua Duệ Tông tức giận, bất chấp lời can ngăn của quần thần mà tiến binh đánh Chiêm Thành, bị Chế Bồng Nga lừa vào bẫy và tử trận, trở thành vị vua duy nhất trong Lịch sử Việt Nam tử trận ở nước ngoài. Đỗ Tử Bình gián tiếp hại chết vua Duệ Tông, bị đày làm lính nhưng chỉ sau vài năm lại được trọng dụng. Cái chết của vua Duệ Tông khiến nhà Trần càng thêm yếu ớt, bị quân Chiêm đánh bại liên tục. Ác mộng về quân Chiêm của triều đình nhà Trần chỉ chấm dứt vào tháng giêng năm 1390, khi Chế Bồng Nga bị nội phản Ba Lậu Kê (vốn là một tiểu thần của Chế Bồng Nga) hại chết, bản thân Bồng Nga bị tử trận ở Hải Triều. Thượng hoàng Nghệ Tông được tin thắng trận, vui mừng như Hán Cao Tổ thấy đầu Hạng Vũ. Bản thân Trần Khát Chân – tướng chi huy trận Hải Triều được thưởng rất hậu, cho làm quan đến Dực vệ quân, lại thăng Uy minh tướng quân, quản quân Thánh Dực ở Tân Bình và Thuận Hóa, đeo vân phù vàng

[3]
.

          

Hay như dưới triều Nguyễn, chúng ta đều biết đến việc Phó tổng trấn Gia Định thành là Huỳnh Công Lý bị xử tử vì tội tham nhũng

[4]
. Cụ thể, theo Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển IX: “Tân Tỵ, năm Minh Mệnh thứ 2 [1821]. Mùa hạ, tháng 5… Hoàng Công Lý trước bị tội tham nhũng, tang vật đến trên 2 vạn quan tiền. Sai quan thành Gia Định đòi hỏi. Khi thành án, giao đình thần bàn xét, đáng tội chết, bèn đem giết, tịch thu gia sản đem trả lại cho bình dân.

           Dụ rằng: “Gia Định là nơi đất rộng dân nhiều. Hoàng khảo ta mưu tính, thành lập quân lữ, khôi phục dư đồ, cái nền móng xây dựng cơ nghiệp thực là ở đấy. Từ trước đến nay vẫn thận trọng lựa chọn những trọng thần công lao danh vọng sai trấn phủ cho muôn dân yên ổn. Không may có Hoàng Công Lý, lấy tư cách đê hèn, chứa chất thói tham bạo, vặn trái pháp luật, ăn lót kể đến muôn vàn, bắt người làm việc [riêng] mỗi lần đến hàng mấy nghìn, mọt nước hại dân đến thế là cùng. Nghĩ các ngươi vô tội mà gặp nỗi độc hại này, dù của cải đền được nhưng nỗi khổ lâu ngày khó mà hồi được. Nay tội nhân như thế, pháp luật phải thi hành, để cho nhân dân uất ức một phương đều rõ cái ý trừ bạo an dân của triều đình”.

           Lý làm Tả thống chế quân Thị trung, ngày ngày bắt quân sĩ xây dựng nhà riêng ở trên bờ sông Hương, đến nay việc phát, hạ lệnh trị giá bán nhà ấy lấy tiền cho cấm binh. Rồi nhân đó dụ rằng từ nay biền binh trong ngoài nếu gặp kẻ tham tàn cậy quyền thế áp bức mà không kêu được, thì cho phép đón xa giá mà tâu. Lại dụ rõ cho các đại thần võ ban nên lấy việc Lý làm răn

[5]
.


Dưới thời Lê sơ, mặc dù đây là một triều đại được coi là thịnh trị của nền quân chủ chuyên chế Việt Nam, với những thành tựu trên mọi phương diện. Nhưng không vì thế mà thời kỳ này không xảy ra hiện tượng tham nhũng. Thậm chí, ngay cả những khai quốc công thần như Thái phó Lê Văn Linh, Thái sư Nguyễn Xí, Thái bảo Lê Khắc Phục… cũng từng phải chịu tội liên quan đến tham nhũng

[6]
.


Triều đại Hậu Lê ra đời sau thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn. Trong hàng ngũ những tướng lĩnh xuất sắc của khởi nghĩa Lam Sơn, không thể không nhắc đến tên của Nguyễn Xí, chính ông cũng là người tiến hành chính biến Thiên Hưng để đưa Lê Tư Thành lên ngôi vua. Công trạng của ông đối với nhà Lê sơ là không thể phủ nhận, nhưng không phải vì thế mà ông (và cả Nguyễn Sư Hồi – con trai ông) thoát khỏi việc bị trách phạt khi bản thân ông dính vào vụ án liên quan đến tham nhũng

[7]
. Có khác chăng là vua Lê nhớ đến những công huân của ông với vương triều mà giảm nhẹ hình phạt cho ông, nhưng hình phạt dành cho ông vẫn rất nghiêm khắc. Vì suy cho cùng, mặc dù bộ luật Hồng Đức ra đời nhằm bảo vệ quyền lợi của giai cấp quý tộc phong kiến; nhưng nếu như việc thi hành pháp luật không nghiêm chỉnh thì làm sao có thể giáo hóa dân chúng? Chưa kể, vua Lê Thánh Tông rất sùng chuộng Nho giáo, ông luôn quan niệm quan lại phải là tấm gương sáng cho dân chúng noi theo. Cho nên, mặc dù Nhà nước Đại Việt thời Lê sơ không phải là Nhà nước pháp quyền nhưng ở đây cũng đã bắt đầu manh nha những dấu hiệu của tư tưởng thượng tôn pháp luật – Một trong những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN mà chúng ta đang cố gắng xây dựng và hoàn thiện.


Trong bộ luật Hồng Đức có 722 điều, 13 chương thì có tới 10/13 chương có những điều luật liên quan tới vấn đề xử tham nhũng, hối lộ. Các điều luật liên quan đến vấn đề này gồm có 102/722 điều. Tùy từng chương khác nhau mà tỷ lệ số điều luật liên quan tới vấn đề xử tham nhũng trên tổng số điều luật sẽ khác nhau.

          

Tính về tỷ lệ thì nhiều nhất là ở chương Điền sản (32 điêu) và phần Điền sản mới tăng thêm (14 điều). Trong tổng số 46 điều thì có tới 15 điều (chiếm gần 1/3) liên quan đến vấn đề tham nhũng. Điều đó thể hiện, Nhà nước thời Lê sơ rất quan tâm đến vấn đề xử lý tội tham nhũng trên lĩnh vực đất đai, vì đất đai là tư liệu sản xuất chính yếu để sản xuất nông nghiệp, mà nông nghiệp là ngành kinh tế chủ chốt của nước ta dưới thời Lê sơ. Còn nếu tính về số điều trong một chương xử tham nhũng, hối lộ nhiều nhất thì là chương Vi chế với 35 điều trên tổng số 144 điều. Số điều trong một chương xử tham nhũng, hối lộ ít nhất thì là chương Danh lệ với 2 điều trên tổng số 49 điều. Chương Trá ngụy chỉ có 3 điều trên tổng số 38 điều, chương Đạo tặc có 4 điều trên tổng số 54 điều. Riêng các chương Thông gian, Đấu tụng, Bộ vong không có điều luật nào đề cập đến xử tham nhũng, hối lộ.

          

Trong 102 điều xử tham nhũng, hối lộ thì chỉ có 4 điều xử lý tội đưa hối lộ hoặc là trung gian đưa hối lộ; 4 điều này đều hiện diện trong chương Vi chế (điều 41, điều 43, điều 44 và điều 76), còn lại 98 điều là xét xử tội tham nhũng. Thống kê đó cho thấy, triều Lê sơ quan tâm việc chống tham nhũng hơn là việc phòng tham nhũng, và nó cũng khẳng định đối tượng tham nhũng có tính chất chủ động hơn đối tượng hối lộ, đút lót.

          

Mức độ xử lý tội đưa hối lộ hoặc làm trung gian đưa hối lộ, thấp nhất là xử tội biếm và cao nhất là xử tội đồ. Điều 41 chương Vi chế quy định “Những kẻ đến cầu cạnh với quan chủ ty việc trái pháp luật và kẻ vì người khác mà đến cầu cạnh thay, đều xử tội biếm hay phạt

[8]
; điều 43 chương Vi chế quy định “Những kẻ ỷ thế nhà quyền quý để cầu cạnh xin quan tước, thì xử tội biếm hay đồ; kẻ dưới quyền quan ty cũng bắt tội như thế
[9]
.

          

Trong khi đó, mức độ xử lý tội tham nhũng có biên độ rộng hơn hẳn, thấp nhất là xử tội biếm tư và cao nhất là xử tội tử. Điều 67 chương Vi chế quy định “Các quan tướng súy tại các phiên trấn đến những châu huyện ở trấn mình, sách nhiễu tiền tài của nhân dân thì bị biếm ba bậc, phải bồi thường gấp đôi số tiền trả lại cho dân

[10]
; điều 52 chương Đạo tặc quy định “Bắt được trộm cướp, mà không biên những của cải, đồ vật bị trộm cướp của khổ chủ, để cho xã quan kiểm điểm, lại tự lấy đi, thì xử tội biếm ba tư, bồi thường gấp đôi tang vật sung công
[11]
.

          

Tiến lên mức xử phạt cao hơn là biếm chức, bãi chức, tước hết mọi chức vị của người phạm tội ăn hối lộ. Điều 42 chương Vi chế quy định “Quan ty làm trái pháp luật mà ăn hối lộ từ 1 quan đến 9 quan thì xử tội biếm hay bãi chức

[12]
. Trên mức độ biếm chức, bãi chức là xử tội đồ, lột hết quan chức, chuyển xuống vị trí làm lính hoặc xử tội lưu, lưu đày đi châu gần, châu xa xôi hẻo lánh. Điều 4, chương Điền sản quy định “Giấu số ruộng đất đầm ao của công (không nộp thuế), từ một mẫu trở lên thì xử tội biếm, từ 10 mẫu trở lên từ xử tội đồ, từ 50 mẫu trở lên thì xử tội lưu, tội chỉ đến lưu đi châu xa là cùng và phải bồi thường gấp ba tiền thuế nộp vào kho
[13]
.

          

Song song với hình phạt biếm chức, bãi chức hoặc xử tội lưu, tội đồ thì kẻ tham nhũng còn bị buộc phải trả lại của cải hoặc tiền bạc đã lấy và bị phạt tiền, bồi thường tiền đã nhũng nhiễu của dân hay của Nhà nước. Cũng có trường hợp gia thêm hình phạt là phạt trượng hoặc đánh roi để kẻ phạm tội lấy đó làm thẹn mà không dám phạm nữa. Điều 89 chương Vi chế quy định “Những người công sai đến các lộ, các huyện mà bắt ép dân phu khuân vác, đưa đón và lấy lương thực, vật liệu quá nhiều thì bị tội xuy, đánh 50 roi, biếm một tư, phải bồi thường gấp đôi tang vật trả cho dân

[14]
; điều 10 chương Điền sản quy định “Người thu lúa thuế ruộng, mà giấu giếm giảm bớt không đúng sự thực, thì xử phạt 60 trượng, biếm hai tư, bồi thường gấp đôi số thóc vào kho
[15]
.

          

Tội tham nhũng được xếp vào trọng tội, thậm chí không được dự vào danh sách những tội được ân xá của Nhà nước hằng năm, nên với những vụ tham nhũng lớn thì kẻ phạm tội sẽ bị kết án chém. Điều 74 chương Tạp luật quy định “Các quan đại thần, quan hành khiển cùng các quan coi ngục tụng, nếu kẻ tội nhân xét tình đáng thương, nên được vua đặc ân tha cho mà lại tự nhận là ơn của mình, để đòi hối lộ, thì xử tội đồ, tội lưu hay tội chết

[16]
.

          

Đối với một tội danh nào đó, tùy vào mức độ vi phạm, tính chất vụ việc khác nhau sẽ có những quy định xử lý khác nhau. Điều 47 chương Đoán ngục quy định “Ngục giám, ngục lại đi bắt phạm nhân mà lấy tiền của người ta, việc nhẹ thì biếm ba tư, việc nặng thì đồ làm khao đinh; nếu đòi lấy tiền nhiều quá đến nỗi người ta phải khánh kiệt tài sản, thì đồ làm chủng điền binh; để đến nỗi cả xã ấy bị phá sản, thì xử tội lưu hay tội chết và bắt bồi thường gấp đôi số những nhiễu

[17]
.

          

Những quy định của bộ luật Hồng Đức trên phương diện phòng chống tham nhũng là vô cùng nghiêm khắc, đa số những kẻ phạm tội đều bị xử lý đúng luật, thể hiện tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật. Những quy định này cũng thể hiện nguyên tắc giết một, cảnh cáo trăm, răn đe vạn người của pháp luật phong kiến, đồng thời cũng thể hiện quyết tâm của nhà Lê sơ trong việc ngăn chặn triệt để tệ nạn tham nhũng, và pháp luật trở thành một trong những công cụ hiệu quả để ngăn ngừa, răn đe quan lại.

[1]
Quốc sử viện triều Hậu Lê – Viện Sử học (dịch), Đại Việt sử ký toàn thư (trọn bộ), NXB Thời đại, 2013, tr.70.

[2]
Quốc sử viện triều Hậu Lê – Viện Sử học (dịch), Đại Việt sử ký toàn thư (trọn bộ), NXB Thời đại, 2013, tr.93.

[3]
Quốc sử viện triều Hậu Lê - Viện Sử học (dịch), Đại Việt sử ký toàn thư (trọn bộ), NXB Thời đại, 2013, tr. 418.

[4]
Quốc sử quán triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Đại Nam liệt truyện (tập 2), NXB Thuận Hóa, 2006, tr.206.

[5]
Quốc sử quán triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Đại Nam thực lục (tập 2), NXB Giáo dục Việt Nam, 2007, tr. 134 – 135.

[6]
ThS. Trần Đình Ba, Nhà Lê sơ (1428 – 1527) với công cuộc chống nạn “sâu dân, mọt nước”, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2016, tr. 258 – 260.

[7]
Quốc sử viện triều Hậu Lê – Viện Sử học (dịch), Đại Việt sử ký toàn thư (trọn bộ), NXB Thời đại, 2013, tr. 621.

[8]
Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 43.

[9]
Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 43.

[10]
Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 47.

[11]
Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 96.

[12]
Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 43.

[13]
Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 75.

[14]
Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 51.

[15]
Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 76.

[16]
Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 123.

[17]
Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 137 - 138.

Từ khóa: 

pháp luật

,

phòng chống tham nhũng

,

lê sơ

,

bộ luật hồng đức

,

lịch sử