Rắn độc, rắn có độc mạnh, rắn có độc nhẹ và rắn không độc ở Việt Nam (P5) - Một số loài rắn độc nguy hiểm và rắn vô hại có ngoại hình giống nhau.

  1. Giáo dục

  2. Nông nghiệp

  3. Khoa học

Sơ lược:
Việt Nam ta có hơn 230 loài rắn cả thảy, trong đó, chỉ có hơn 1/6 là những loài rắn có nọc độc đủ gây nguy hiểm đến con người. Tuy nhiên, có một điều thú vị là cứ mỗi một loài rắn độc có thể gây nguy hiểm ấy sẽ có ít nhất một loài rắn không độc/độc nhẹ, không gây nguy hiểm ngụy trang thành, điều đó sẽ gây khó khăn rất nhiều trong việc nhận dạng rắn độc đối với những người không chuyên.

Một số loài rắn độc nguy hiểm và những loài rắn không nguy hiểm (bao gồm cả không độc và độc nhẹ) ngụy trang thành chúng: (Mình sẽ ghi theo format "tên rắn độc nguy hiểm" - "tên rắn không nguy hiểm")
- Rắn hổ mang (Naja spp.) - Rắn hổ xiên (Pseudoxenodon spp.).
- Rắn cạp nong, cạp nia (Bungarus spp.) - Rắn sói (hay còn gọi là rắn khuyết, Lycodon spp.), rắn dẻ (Dryocalamus spp.), rắn trun (Cylindrophis jodiae).
- Rắn san hô (Sinomicrurus spp.) - Rắn khiếm (Oligodon spp.).
- Rắn lá khô (Calliophis spp.) - Rắn khiếm (Oligodon spp.).
- Rắn lục xanh (Trimeresurus spp.) - Rắn rào xanh (Boiga cyanea), rắn roi xanh (Ahaetulla sp.), rắn đuôi đỏ và rắn sọc mắt xanh (Gonyosoma spp.), rắn vòi voi (Rhynchophis boulengeri) và nhiều loài khác.
- Rắn chàm quạp (Calloselasma rhodostoma) - Rắn hổ đất nâu (Psammodynastes pulverulentus), rắn khiếm (Oligodon spp.), rắn rào (Boiga spp.).
- Rắn lục cườm (Protobothrops mucrosquamatus) - Rắn rào đốm (Boiga multomaculata).
- Rắn lục núi (Ovophis spp.) - Rắn rào (Boiga spp.).
- Rắn lục Jerdon (Protobothrops jerdonii) - Rắn lệch đầu kinh tuyến (Dinodon meridionale).
và nhiều loài khác. Đây là lý do việc nhận dạng rắn không hề dễ và không hề chỉ dựa vào hình dạng đồng tử mắt hay hoa văn, màu sắc, thậm chí, những cách này có thể sai, vì vậy, phần này sẽ hướng dẫn cách nhận dạng một số loài rắn độc nguy hiểm và những loài rắn vô hại giả dạng mà chúng ta thường dễ bắt gặp.

 

Chi tiết:

LÀM SAO ĐỂ PHÂN BIỆT RẮN LỤC VÀ RẮN CÓ MÀU LỤC???
Nói sơ qua, đa phân rắn lục nước ta có hố nhiệt, trừ 2 loài rắn lục đầu bạc (Azemiops sp., 2 loài này có đầu tam giác màu trắng, thân đen cùng các khoang cam trải dài khắp cơ thể nên nhìn là biết). Hãy nhìn vào hình, những chỗ mình chỉ mũi tên màu đỏ là hố nhiệt, màu xanh là lỗ mũi. Áp dụng những gì mình đã miêu tả, có thể nhận thấy loài bên trái là rắn lục thực thụ, rắn lục miền Nam (T. vogeli), còn bên phải là rắn mắt mèo xanh (Boiga cyanea) hay còn gọi là rắn rào xanh hoặc rắn lục tre (tên này không đúng vì dễ nhầm với lục đuôi đỏ), thuộc họ Rắn nước (Coubridae), có độc nhưng cực kỳ nhẹ, chỉ hơi ngứa. Và như đã nói ở ảnh của các loài lục sống ở dưới đất, vảy đầu của các loài rắn lục ở Việt Nam có dạng hạt chứ không phải dạng tấm như những loài rắn thuộc giống Boiga, trừ một số loài, ví dụ như lục đầu bạc (Azemiops feae), lục đầu trắng (A. kharini) và rắn chàm quạp (Calloselasma rhodostoma).
https://cdn.noron.vn/2022/06/12/2161851009465027394161977241980838672140322n-1655048772.jpg

Ảnh:
1/Kojin Tsuchiya, inaturalist.org
2/Alex Heimerdinger, inaturalist.org
CÁCH PHÂN BIỆT MỘT SỐ LOÀI RẮN CÓ NGOẠI HÌNH GIỐNG NHÓM CẠP NIA:
2 loài bên trái là rắn cạp nia (Bungarus sp.) có độc mạnh, còn bên phải là rắn sói (Lycodon subcinctus) vô hại, làm sao để phân biệt? Đơn giản lắm, dựa vào hình thái bên ngoài, hãy đứng xa rọi đèn tới trên lưng tụi nó, sống lưng của cạp nia sẽ gồ lên, lưng cạp nia có 1 dải những chiếc vảy hình lục giác rất lớn kéo từ cổ đến đuôi, trong khi rắn sói có các vảy bằng nhau. Chưa kể đến kích cỡ của cạp nia lớn hơn rắn sói. Nhưng tốt nhất, thấy khoang trắng khoang đen mà không rõ thì tránh xa ra!
https://cdn.noron.vn/2022/06/12/1908750309465027927495253205257534571004940n-1655048783.jpg

Ảnh:
1/tristanv, inaturalist.org
2/inaturalist.org
3/ong-siau-kun, inaturalist.org
 
Bên trái là loài cạp nong (Bungarus fasciatus) độc mạnh, bên phải là 2 loài rắn thuộc họ Rắn nước (Colubridae) là khuyết Lào (Lycodon laoensis, trên, vô hại) và rắn mắt mèo rừng ngập mặn/rắn rào cây (Boiga dendrophila, dưới, độc gây chóng mặt, nhức đầu nhưng không mạnh lắm). Đối với rắn khuyết Lào thì các phân biệt y hệt như cạp nia và rắn sói, còn đối với rào cây thì khoang của cạp nong dày hơn, còn khoang của rào cây mỏng hơn, đầu rào cây hình tam giác.
https://cdn.noron.vn/2022/06/12/2141884659465028627495182351997657865335804n-1655048874.jpg

Ảnh:
1/ong-siau-kun, inaturalist.org
2/Thomas Calame, inaturalist.org
3/John Sullivan, inaturalist.org
 
"RẮN LỤC CƯỜM" VÀ SỰ NHẦM LẪN:
Một nhầm lẫn hay gặp nữa là về cái tên. Do cách đặc tên của người Việt mà con rắn cườm (Chrysopelea ornata, dưới cùng bên phải, họ Rắn nước, vô hại) bị nhầm với rắn lục cườm (P. mucrosquamatus, bên trái, có độc mạnh, họ Rắn lục), thật ra hai loài này có giống nhau đâu, do các trang mạng và cách đặc tên không thể nào rối rắm hơn của người Việt mà xảy ra nhiều chuyện làm người ta lo lắng.

Nhầm lẫn về màu sắc cũng thường hay gặp, dù có hoa văn giống nhau nhưng loài rắn mắt mèo đốm (Boiga multomaculata) vô hại, độc cực kỳ nhẹ bị nhầm với loài lục cườm, hãy nhìn vào hình và mình sẽ chỉ các bạn điểm khác biệt, mũi tên đỏ là hố nhiệt, mũi tên xanh là mũi, đấy, đơn giản thế thôi. Vậy nên, không cần biết màu gì, đứng từ xa rọi đèn tới mà thấy có hố nhiệt thì né ra!
https://cdn.noron.vn/2022/06/12/2177993499465029094161805884903559979398769n-1655048874.jpg
Ảnh:
1/Felix Fleck, inaturalist.org
2/Kevin Chang (張凱), inaturalist.org
3/easy_go, inaturalist.org
 
TẠM KẾT:
Khi gặp rắn, nên lấy gậy hoặc chổi di chuyển đi nơi khác, hay đơn giản hơn là chờ nó bò đi. 
Không nên cố gắng bắt, đập chết bất cứ một con rắn nào, không tương tác khi không cần thiết.

https://cdn.noron.vn/2022/06/12/1798292479465030827494965898007421940861589n-1655048890.jpg

Ảnh: Loài rắn sọc mắt xanh (Gonyosoma coeruleum), tác giả MinhHienDo, inaturalist.org
 
Hy vọng 5 phần đầu này có thể hướng dẫn các bạn cách phân biệt một số loài rắn độc hay gặp ở Việt Nam, ở những phần sau, chúng ta sẽ học cách phân biệt các loài rắn dựa vào hình dáng cơ thể cơ bản và nhận dạng một số loài dựa vào những loại hoa văn đặc thù. Chào thân ái!
Từ khóa: 

ran

,

ran_can

,

ran_doc

,

giáo dục

,

nông nghiệp

,

khoa học