Rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước đám đông (Public Speaking) như thế nào?

  1. Kỹ năng mềm

Tại sao việc học kỹ năng thuyết trình trước đám đông (Public Speaking) là cần thiết?

Thuyết trình trước đám đông là một trong những kỹ năng quan trọng nhất trong môi trường công sở hiện nay. Từ những việc như họp tổng kết cuối tháng, thuyết trình cho khách hàng (client pitch), họp báo (press conference) đến những điều đơn giản hơn như trình bày ý tưởng của mình cho một nhóm bạn hoặc đồng nghiệp...Tất cả chúng ta vào một thời điểm nào đó đều phải trở thành một người thuyết trình.

Như vậy, việc trau dồi và rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước đám đông trở nên cần thiết và hữu ích hơn bao giờ hết. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp lại những phương pháp giúp bạn đọc nâng cao kỹ năng thuyết trình trước đám đông, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!

https://cdn.noron.vn/2018/10/29/62a8faff90adfaba97f2ead3b88c0d5f_1024.jpg

Nguồn: ofixboy.com

Những phương pháp nâng cao kỹ năng thuyết trình trước đám đông (Public Speaking)

1/Chuẩn bị thật kỹ lưỡng

Một trong những việc quan trọng nhất mà bạn cần phải thực hiện là bảo đảm rằng bạn đã luyện tập thật nhuần nhuyễn bài thuyết trình của mình trước buổi họp, hoặc trước khi trình bày ý tưởng của mình cho người khác. Việc luyện tập sẽ giúp bạn nhận ra được những kẻ hở logic tiềm ẩn trong bài thuyết trình của mình và khắc phục nó.

Ngoài ra, khi thuộc lòng và nắm chắc được cấu trúc của bài thuyết trình, bạn sẽ có khả năng thuyết trình một cách tự tin hơn. Sự tự tin trong phong thái của bạn sẽ tạo cho người nghe cảm giác dễ tin tưởng, và vì vậy bài thuyết trình sẽ thành công hơn.

2/Xác lập cho mình một trạng thái tâm lý đúng đắn

Hầu hết những nỗi sợ hãi đến từ việc thuyết trình trước đám đông bắt nguồn từ cảm giác lo sợ bị bình phẩm, đánh giá, bị "ăn thịt" bởi các thính giả. Theo một cách nào đó, khi thuyết trình trước đám đông, não bộ của chúng ta đã đánh lừa chính chúng ta và cho là ta đang ở trong trạng thái nguy hiểm. Thế nên người thuyết trình non tay thường có những biểu hiện như toát mồ hôi, tay chân cứng đờ, run giọng, v.v...

Bởi vậy, việc cố gắng nhận ra được rằng chúng ta thực sự chỉ đang thuyết trình - tức quá trình truyền tải một thông điệp bất kỳ đến người nghe - sẽ giúp chúng ta thoát khỏi những cảm giác sợ hãi đó, và có thể thuyết trình hiệu quả hơn.

https://cdn.noron.vn/2018/10/29/a7fe9e1f4d598a98e21aa2ab23352d2f_1024.jpg

Nguồn: alignable.com

3/Chuẩn bị ứng phó những tình huống bất ngờ

Đây là những tình huống mà cho dù bạn đã luyện tập bài thuyết trình rất nhiều lần, nhưng vẫn không thể nào đảm bảo được việc giải quyết chúng một cách hoàn toàn hiệu quả. Những tình huống này có thể là những câu hỏi hóc búa và bất ngờ đến từ phía thính giả, cũng có thể là laptop hoặc dữ liệu bài thuyết trình của bạn gặp trục trặc bất ngờ.

Đối với những tình huống như vậy, tốt nhất là bạn nên tự tạo ra các kế hoạch B, C, D...cho mình, để trong trường hợp khẩn cấp, bạn có thể biết ngay được hướng giải quyết và không để phí thời gian thuyết trình.

4/Đừng thuyết trình quá dài dòng

Nhiều nghiên cứu cho biết, đa số thính giả chỉ có khả năng duy trì việc tập trung lắng nghe người thuyết trình trong vòng 10 phút đầu. Sau 10 phút, khả năng tập trung của họ bắt đầu giảm sút. Sau 40 phút đến 1 tiếng, các bài thuyết trình gần như sẽ trở nên kém hiệu quả, vì người thuyết trình sẽ không có khả năng giữ sự tập trung của thính giả.

Các nghiên cứu cũng cho biết, những bài thuyết trình thành công nhất trong lịch sử luôn có thời lượng dưới 20 phút. Đây cũng là lý do tại sao TED Talk (chương trình chia sẻ tri thức thông qua các bài thuyết trình - nhiều khi đến từ những người rất nổi tiếng) đã phải rút ngắn thời lượng chuẩn (từng là khoảng 18 phút) cho những bài thuyết trình của họ.

https://cdn.noron.vn/2018/10/29/d68276fbc22ba4d511d90d8c59cc8829_1024.jpg

Nguồn: State of Digital

5/Hiểu thính giả của bạn

Đây là một trong những điều cơ bản nhất, nhưng cũng vô cùng quan trọng mà người thuyết trình cần phải nắm được: chúng ta luôn thuyết trình vì lợi ích thông tin của người nghe trước hết, chứ không phải vì lợi ích của chính chúng ta.

Một khi suy nghĩ theo hướng này, chúng ta sẽ có thể tìm ra được những cách thức để làm cho bài thuyết trình của chúng ta trở nên thật ngắn gọn, súc tích và thú vị đối với người nghe. Việc này thường đòi hỏi bạn phải nghiên cứu và nắm bắt được những mối quan tâm của thính giả, trước khi tiếp cận họ và thực hiện bài thuyết trình.

6/Hiểu được ngôn ngữ cơ thể

Việc nghiên cứu và nắm bắt được ngôn ngữ cơ thể có thể giúp chúng ta biết được thái độ của thính giả đối với bài thuyết trình. Thường thì nếu thính giả thực hiện những động tác hoặc tư thế như khoanh tay, tay chống cằm, không duy trì giao tiếp bằng mắt (eye contact) thì điều đó có nghĩa là họ không quan tâm đến chủ đề bài thuyết trình của bạn lắm, hoặc cách bạn thuyết trình chưa đủ thu hút.

https://cdn.noron.vn/2018/10/29/e19bfd4bb424a1932469168366ac9cec.gif

Nguồn: tenor.com

Khi nắm được điều đó, bạn có thể cố gắng thay đổi tông giọng, hoặc đưa vào bài thuyết trình một vài câu nói hài hước, để tạo hứng thú cho người nghe và đưa họ trở lại về với nội dung thuyết trình của bạn.

Lời kết

Rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước đám đông thực sự là một trong những kỹ năng quan trọng nhất hiện nay, bởi lẽ nó có thể được áp dụng trong nhiều tình huống và mục đích khác nhau.

Các bạn đã và đang áp dụng phương pháp thuyết trình hiệu quả nào kể trên rồi? Hãy cùng chia sẻ trong phần bình luận bên dưới nhé!

Nguồn:

Dao Nguyen (2016) Kỹ năng thuyết trình: Làm sao để tự tin nói trước đám đông?

MindTools (2018) Better Public Speaking - Becoming a confident, compelling speaker.

Nihill, D. (2015) How long should your talk be? Shorter than you think.

North, M. (2018) 10 tips for improving your public speaking skills.

Từ khóa: 

kỹ năng thuyết trình

,

thuyết trình đám đông

,

học thuyết trình

,

public speaking

,

kỹ năng mềm

Để thuyết trình tốt thì người thuyết trình phải hiểu rõ mục đích thuyết trình và tất tần tật những thứ mình định nói. Mọi người chỉ mất tự tin khi nói về những thứ mình không chắc chắn thôi.

Trả lời

Để thuyết trình tốt thì người thuyết trình phải hiểu rõ mục đích thuyết trình và tất tần tật những thứ mình định nói. Mọi người chỉ mất tự tin khi nói về những thứ mình không chắc chắn thôi.