Rèn luyện KỸ NĂNG VIẾT như thế nào?

  1. Kỹ năng mềm

Chồng mình đang phải hoàn thành một bài luận với dung lượng 15 trang A4. Suốt mấy ngày qua hắn vò đầu, rứt tai và rất đau khổ, vật vã để thực hiện. Hắn hỏi mình làm sao anh có thể viết được 15 trang? Sao em có thể viết giỏi thế, hàng chục trang, thậm chí lên đến hàng trăm trang…mà chỉ trong khoảng thời gian ngắn (vì thực tế có những bài viết mình chỉ viết trong khoảng 1 giờ đến 2 giờ là có thể hoàn thành). Mình cười và bảo với hắn rằng: vì ngày nào em cũng viết, viết nhiều thì quen, viết nhiều thì em sẽ có ý thức trau dồi ngôn ngữ, rèn luyện kỹ năng quan sát, lắng nghe, tích lũy thông tin, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, đọc và học hỏi nhiều cách viết khác nhau…

z2082251312470_852fbb6af0cc6fbda6a58f352459d299


Vì sao mình viết ? 

Mình thuộc tuýt người hướng nội, sống nội tâm, không thích sự ồn ào, náo nhiệt (introvert). Vì vậy, mình thường không hay chia sẻ suy nghĩ một cách rộng rãi với nhiều người (trừ khi đó là người bạn tri ân, tri kỷ với mình). Tuy nhiên, mình cũng ý thức được việc nếu cứ giữ trong lòng nhiều suy tư, cảm xúc (mà nhất là những cảm xúc tiêu cực) sẽ không tốt cho chính cuộc sống của mình. Mình biết rằng nếu những điều tiêu cực cứ tích tụ ngày một đầy hơn trong mình, mình sẽ như thế nào nếu không được nói ra, viết ra? Với mình, cách tốt nhất để có thể xả stress, nói ra những suy nghĩ của bản thân là trải lòng trên trang giấy như một hình thức độc thoại, phân thân “nói với chính mình”. Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ và cho đến tận bây giờ mình vẫn duy trì việc thường xuyên viết nhật ký, những suy tư về cuộc sống, công việc, về các mối quan hệ, về đối nhân xử thế…như một thói quen hàng ngày. Công việc này tưởng vô bổ nhưng dần dần mình nhận ra nó khá thú vị. Nó không chỉ giúp mình thanh lọc tâm hồn, “xả” ra những suy nghĩ trong đầu, rèn luyện tư duy tích cực mà còn giúp mình hình thành kỹ năng tư duy logic, kỹ năng biểu đạt. Bởi viết là một cách để đẩy ra bên ngoài những gì đang bị “tích tụ bên trong”  giúp bạn giải phóng suy nghĩ của bản thân, nhất là những suy nghĩ tiêu cực đang bủa vây bạn. “Bản chất của việc viết là một quá trình tự bộc lộ, là quá trình chuyển hóa toàn bộ những suy nghĩ, hiểu biết cảm xúc, trải nghiệm, ấn tượng bên trong ra bên ngoài, dưới dạng ngôn ngữ viết” (“Đọc rồi hãy viết” – Nguyễn Ngọc Minh). 

14556_Writing


Vì sao mình rèn luyện kỹ năng viết? 

Nhờ quá trình viết hàng ngày, rèn luyện tư duy khi viết mà mình luôn ý thức tích lũy thông tin qua việc đọc nhiều, quan sát cuộc sống xung quanh, ghi chép lại những gì mắt thấy, tai nghe được, đưa mình vào trạng thái suy nghĩ, tư duy về các vấn đề nhiều hơn, những góc nhìn đa diện… Việc viết đã giúp mình trưởng thành hơn, có những nhận thức sâu sắc với bản thân (nhờ có quá trình kết nối với bản thân nhiều hơn), thay đổi nhận thức và tư duy, giúp thế giới tinh thần trở nên phong phú, mở rộng vốn từ vựng, năng lực diễn đạt, kỹ năng quan sát, gia tăng kinh nghiệm sống…(nhiều giá trị quá ha). Tất cả những điều này lại giúp ích cho mình rất nhiều trong công việc hiện nay. Mình không ngại khi phải viết về một vấn đề nào đó (vì mình đã có thói quen viết và phản xạ viết), mình có thể dễ dàng diễn đạt một vấn đề nào đó trong phạm vi hiểu biết của mình. Việc viết của mình trở nên dễ dàng, tự nhiên hơn, kỹ năng viết của mình ngày càng tốt hơn, nhanh hơn. Giờ đây mình không còn sợ viết, không còn đau đầu suy nghĩ trước mỗi lần đặt bút bởi mình luôn có được nguồn cảm hứng tự nhiên, dạt dào. Và khi có được điều này mình lại có động lực viết hơn mỗi ngày. 

Theo mình trong bối cảnh hiện nay kỹ năng cơ bản, cần thiết (bên cạnh nhiều kỹ năng khác) các bạn cần rèn luyện cho mình là kỹ năng biểu đạt (bao gồm nói và viết). Nó sẽ giúp bạn rất nhiều trong cuộc sống, công việc và đây cũng là hai kỹ năng mà bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng sẽ cần. Biết đọc, viết và trình bày ý tưởng, vấn đề sẽ luôn là một lợi thế cho bạn, giúp bạn dễ dàng có được vị trí công việc tốt. Tuy nhiên, viết là một kỹ năng không dễ, đòi hỏi một quá trình rèn luyện lâu dài. Vì trong thực tế mình thấy có nhiều bạn rất thông minh, có ý tưởng tốt, có khả năng trình bày vấn đề nhưng khi đặt bút viết thì lại cảm thấy vô cùng khó khăn.

Vậy cần hình thành và rèn luyện kỹ năng viết như thế nào? 

Điều quan trọng đầu tiên là bạn cần có quá trình “in put” (đầu vào) đã rồi mới “out put” (đầu ra) được (đọc – nghĩ – viết)

Cũng như việc nói (thuyết trình) bạn muốn viết hay, viết tốt thì bạn phải có cái gì để viết. Do đó, vấn đề không nằm ở việc viết mà vấn đề nằm ở chỗ các bạn có gì để viết hay không. Bởi viết thực chất không đơn thuần là vấn đề kỹ thuật (nó sẽ chỉ đến sau), mà điều quan trọng đầu tiên bạn phải có là kiến thức, là sự hiểu biết bạn có được nhờ sự tích lũy kiến thức, vốn sống, kinh nghiệm. Do vậy điều then chốt để có thể viết được, viết hay, viết tốt là bạn cần phải có kiến thức (cái để viết). Để có được điều này bạn cần phải gia tăng việc đọc, nghe, xem, trải nghiệm, quan sát…để mỗi bài viết của bạn là sự chia sẻ những hiểu biết thực sự của bản thân (kiến thức), là cái bên trong đến từ sự trải nghiệm, thực hành, từ ngôn ngữ, cách diễn đạt trên nền tảng của sự hiểu biết…chứ không phải việc xào xáo ý kiến, quan điểm của một ai đó và biến thành bài viết của mình. Việc viết như vậy sẽ khiến bài viết của bạn mang tính “xáo”, không hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Ngày nay người đọc rất thông minh, họ có đủ khả năng để nhận ra bạn đang viết bằng tư duy, sự trải nghiệm, kiến thức bên trong của bạn hay là sự sao chép của người khác rồi biến thành của mình. Muốn vậy, bạn cần luôn tích cực trau dồi và nâng cao giá trị bản thân, luôn cập nhật thông tin mới liên quan đến lĩnh vực quan tâm, gia tăng sự hiểu biết…để có được một lượng thông tin “đủ đầy” và đến một lúc nào đó, bạn có nhu cầu viết, có nhiều suy nghĩ muốn được viết ra, lúc đó viết là nhu cầu tự thân, từ bên trong của bạn. 

z2082142927934_50e5379589185d5d5b31bfd352060340

Cần ý thức phương tiện ngôn ngữ - ngôn ngữ viết

Cùng với kỹ năng nói, viết là quá trình biểu đạt của tư duy, là cách chia sẻ, truyền đạt thông tin cho người khác biết được suy nghĩ của bản thân. Viết và nói đều được sử dụng trong giao tiếp với phương tiện chính là ngôn ngữ. Ngôn ngữ chính là hệ thống ký hiệu tồn tại dưới dạng âm thanh hoặc chữ viết chứa đựng một ý nghĩa nào đó được con người quy ước và sử dụng trong giao tiếp. Trong cùng hệ thống kỹ năng biểu đạt, nếu nói giúp cho thông điệp được bổ sung, làm rõ ý nghĩa bởi sự tham gia của các yếu tố ngữ điệu (tốc độ, cao độ, trường độ của âm thanh) và ngôn ngữ cơ thể thì viết giúp cho quá trình chuyển thông tin từ dạng âm thanh sang chữ viết, được lưu giữ trong khoảng không gian và thời gian lâu dài. Trong kỹ năng nói con người thường ứng khẩu trực tiếp, ngay tức thì thì khi viết chúng ta có nhiều thời gian để suy nghĩ, lựa chọn ngôn từ, cách diễn đạt phù hợp. Tuy nhiên, muốn kỹ năng này đạt hiệu quả chúng ta cần có thời gian rèn luyện, hình thành phản xạ tự nhiên khi viết, dễ dàng để biểu đạt suy nghĩ của mình trên trang giấy khiến người đọc thấu và hiểu (dù không có sự hỗ trợ của phương tiện phi ngôn ngữ).

*Một số chú ý khi viết: 

-  Khi viết bạn nên ý thức trong việc lựa chọn ngôn từ diễn đạt sao cho đúng (đúng về nghĩa muốn biểu đạt), cho hay (phù hợp sắc thái ý nghĩa), tạo được ấn tượng, gây sự thu hút (từ hay, ý đẹp, tạo cảm giác “mạnh”, lôi cuốn, hấp dẫn, đôi khi cần sử dụng ngôn từ  theo “trend”, mang tính hài hước…). Ngoài ra, khi viết bạn cũng nên lựa chọn các kiểu câu phù hợp: câu đơn, câu ghép, câu phức…; cách diễn đạt theo phương thức quy nạp hay diễn dịch…Kinh nghiệm của mình là bạn cần đọc nhiều, ghi chép/note lại cách dùng từ ngữ độc đáo, mới lạ, cách diễn đạt thú vị, những quan điểm hay (bạn nên có một cuốn sổ tay nhỏ ghi chép lại) giúp bạn có hệ thống ngôn từ phong phú, đa dạng, có sự chủ động khi muốn diễn đạt (nói và viết) về một vấn đề nào đó. 

-  Rèn luyện tư duy logic khi viết: có thể viết theo mạch cảm xúc của bạn (điều này sẽ giúp cách viết của bạn được tự nhiên, trôi chảy, mạch lạc), nên có ý trước ý sau, luận điểm, luận cứ, luận chứng rõ ràng, giữa các ý cần có sự liên hệ nhất định, ý sau phục vụ cho ý chủ đề. Không nên viết lung tung, viết không có chủ đích sẽ dễ bị rơi vào lỗi dài dòng, lan man, mập mờ, không rõ ý, “dây cà ra dây muống”. Cách tốt nhất để không mắc lỗi này là bạn nên lập dàn ý trước khi viết. Đây là thói quen của mình trước khi viết về bất cứ một vấn đề gì (lập dàn ý, xác định chủ đề, luận điểm, luận cứ, luận chứng rõ ràng trong từng nội dung cụ thể). Điều này không những bài viết của bạn có sự logic, mạnh lạc, rõ ràng mà còn giúp bạn không quên ý khi triển khai viết. 

Hình thành thói quen viết hàng ngày (viết, viết và viết)

Hãy hình thành thói quen viết hàng ngày, đều đặn. Lúc đầu bạn có thể gặp khó khăn khi viết nhưng bạn đừng nản chí mà hãy đặt thành nhiệm vụ trong kế hoạch hàng ngày của bản thân. Hãy viết những gì đơn giản trước như viết nhật ký, viết morning pages, viết review cuối ngày, viết khi muốn viết hoặc muốn ghi lại điều gì đó ngay tại thời điểm muốn viết …(bạn có thể public hoặc giữ riêng cho mình). Về sau khi thói quen viết đã được hình thành, bạn có thể lựa chọn những chủ đề viết khác nhau, những chủ đề mà bạn quan tâm, như: viết về những điều biết ơn, viết về cuộc sống, về các mối quan hệ, viết về những ý tưởng “vụt” lên trong đầu, viết để thảo luận, tranh luận, viết học thuật…Lời khuyên của mình là trong thời gian rèn luyện kỹ năng viết bạn hãy lựa chọn cho mình chủ đề yêu thích, có hiểu biết nhiều về nó, bạn sẽ có cảm hứng hơn và có nhiều điều để chia sẻ. Quá trình luyện viết chắc chắn sẽ giúp năng lực viết của bạn tiến bộ vượt bậc. Và khi bạn có năng lực làm chủ ngôn ngữ, năng lực tự do biểu đạt những cảm xúc, suy nghĩ thật bên trong của bạn sẽ giúp bạn hiểu được chính mình, hiểu được người khác và làm cho người khác hiểu mình. Như vậy là bạn đã thành công rồi đó. 

Chúc bạn luôn “happy and fun” với việc viết mỗi ngày và cảm ơn vì đã đọc chia sẻ của mình! 

Từ khóa: 

viết

,

kỹ năng mềm

Bài viết hay quá. Cảm ơn chị đã chia sẻ! Mỗi lần đặt bút viết em hay bị ngần ngại vì không biết nên bắt đầu từ đâu.

Trả lời

Bài viết hay quá. Cảm ơn chị đã chia sẻ! Mỗi lần đặt bút viết em hay bị ngần ngại vì không biết nên bắt đầu từ đâu.