Rèn luyện KỸ NĂNG TỰ HỌC ở đại học như thế nào?

  1. Kỹ năng mềm

tu-hoc-1

Có thể nói, trong những kỹ năng cần có của thế kỷ 21, tự học là một trong những kỹ năng quan trọng, nền tảng để bạn hội nhập tương lai. Vì vậy, nếu bạn thực sự muốn trở thành một người độc lập, tự tin, tự chủ và không ngừng phát triển bản thân thì sự học sẽ luôn là một chìa khóa quan trọng. Nhưng làm thế nào để có thể có niềm đam mê, hứng thú cho việc học? Sự khác biệt giữa học ở bậc phổ thông và đại học là gì? Làm thế nào để lựa chọn được cách học phù hợp, biết cách cách sắp xếp thời gian học tập và ôn thi hiệu quả, giành học bổng cũng như cách rèn luyện tư duy/kỹ năng khai thác, tiếp nhận và xử thông tin một cách hiệu quả trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay để bạn không trở thành kẻ “chết đuối trong biển thông tin nhưng lại chết đói về tri thức”? Bài viết này mình sẽ chia sẻ bí quyết của mình trong việc rèn luyện kỹ năng tự học ở bậc đại học mà mình đã áp dụng nhé. 

Tại sao bạn cần rèn luyện kỹ năng tự học ở bậc đại học?

Điều đầu tiên, để có thể học tốt, bạn cần hiểu rõ về môi trường học tập. Khi chuyển giao từ bậc học phổ thông lên bậc học đại học, bạn sẽ thấy có nhiều sự khác biệt nhưng ở đây mình chỉ tập trung nói về sự khác biệt dẫn đến lý do tại sao ở bậc đại học chúng ta cần rèn luyện và thúc đẩy việc tự học.

  • Thứ nhất, về kiến thức cần học và những bài tập phải hoàn thành: Ở bậc học phổ thông, bạn được học tất cả các kiến thức cơ bản về mọi vấn đề tự nhiên và xã hội, những quan điểm, kỹ năng sống,... Bạn cần ghi nhớ, làm bài tập và trả bài theo định kỳ bởi kết quả các bài thi là cơ sở để học sinh lên lớp, chuyển cấp. Khi lên đại học, bạn được lựa chọn ngành học theo sở thích, thế mạnh và nhu cầu của bản thân (hoặc theo xu thế thị trường). Kiến thức học ở đại học mang tính nghề rõ ràng (chuyên ngành), bao gồm: kiến thức nền tảng (đại cương) cho đến kiến thức cơ sở ngành, kiến thức ngành và kiến thức chuyên ngành. Ngoài các môn lý thuyết, sinh viên được học các môn học ứng dụng và được thực hành trong từng môn học hoặc kỳ thi kiến tập, thực tập. Kết quả học tập của sinh viên là năng lực nghề nghiệp (biết làm việc)
  • Thứ hai, những thay đổi về phương pháp dạy – học: Nếu khi bạn học ở phổ thông, các thầy cô có phần gần gũi, sát sao với việc học của học sinh. Mỗi lớp học đều có một giáo viên chủ nhiệm, có nhiệm vụ nắm bắt tình hình học tập của cả lớp trong suốt cấp học, và có nhiều thời gian tiếp xúc với học sinh, hiểu rõ tính cách, sức học, cũng như hoàn cảnh của từng học sinh. Khi bạn lên đại học, giảng viên sẽ là người gợi mở, định hướng, khơi gợi sự tò mò, sáng tạo cho người học với phương pháp dạy đa dạng. Hơn thế nữa, nhiều môn học được chia làm các chuyên đề, học phần khác nhau do một hay nhiều giảng viên khác nhau hướng dẫn, giảng dạy. Do đó,  sinh viên sẽ cần có sự chủ động, có phương pháp và kỹ năng, phải tự học nhiều hơn, không có giáo viên kèm cặp từng bước một. Sinh viên sẽ cần phải xây dựng động lực học cho bản thân một cách rõ ràng, đúng đắn. 
  • Thứ ba, sự thay đổi trong môi trường học tập, mối quan hệ bạn bè: Nếu ở phổ thông, các bạn đều đồng trang lứa, về cơ bản cùng tỉnh thành, thì lên đại học, môi trường học tập đa dạng hơn với nhiều bạn sinh viên đến từ các vùng miền khác nhau, đôi khi ở lứa tuổi khác nhau, nhiều trường sẽ có cả các bạn sinh viên quốc tế…Vì vậy, đòi hỏi bạn cần có sự thích nghi, tôn trọng sự khác biệt, tạo cho mình một tâm thế vững vàng, sự chủ động, tự tin.

Như vậy có thể thấy, ở bậc đại học việc tự học là yếu tố then chốt giúp cho sinh viên xây dựng nền tảng kiến thức cũng như kỹ năng cần có để có thể vững vàng khi ra trường. Hơn nữa trong nhiều năm trở lại đây, với mô hình đào tạo theo tín chỉ được áp dụng ở hầu hết các trường đại học trong cả nước với phương châm “lấy người học làm trung tâm”, đòi hỏi người học cần có sự chủ động trong việc lựa chọn môn học, giáo viên học, cách học, khai thác và tìm kiếm thông tin… Những phẩm chất và kỹ năng mà mỗi sinh viên cần có là sự năng động, tính tích cực, có khả năng tự học, tự nghiên cứu để tự hoàn thiện và phát triển bản thân.

Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa như hiện nay đòi hỏi mỗi người, đặc biệt là các bạn trẻ cần có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn mới. Mỗi người phải có khả năng thích ứng, khả năng thu nhận và vận dụng linh hoạt, sáng tạo tri thức của nhân loại vào điều kiện hoàn cảnh thực tế, tạo ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của xã hội. Mỗi người cần có những thay đổi trong nhận thức và tư duy, sự mở rộng kiến thức trên mọi phương diện, trau dồi những kỹ năng mới như kỹ năng/tư duy sáng tạo, kỹ năng thích nghi, giải quyết vấn đề, giao tiếp, hợp tác,... và tự học là phương pháp giúp chúng ta cập nhật thông tin, kiến thức mới giúp hoàn thiện và phát triển bản thân.

Vậy rèn luyện Kỹ năng tự học như thế nào?

Thứ nhất, bạn cần xác định mục đích/động cơ học đúng đắn

Điều đầu tiên, bạn cần xác định việc học là cho mình, vì mình. Mục đích của việc học là “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình” (UNESCO). Tri thức loài người mênh mông như biển cả, “bể học vô bờ”, do đó chúng ta phải không ngừng thúc đẩy bản thân, nỗ lực học tập mỗi ngày để tìm hiểu, khám phánguồn tri thức đó. Việc học sẽ giúp mỗi người ngày một trưởng thành, khôn lớn hơn, có thể nhìn nhận và thấu hiểu những gì đang diễn ra trong cuộc sống. Chúng ta có thể dễ dàng giải quyết mọi vấn đề xảy ra cuộc sống, tự do bước đi theo những lối đi riêng của bản thân mình. Việc học giúp mỗi người có cơ hội nghề nghiệp tốt và một cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ sau này 

Thứ hai, bạn cần có tâm thế học tích cực

Để có thể tiếp thu và lĩnh hội kiến thức một cách đầy đủ, chính xác, chúng ta phải thật sự tự tin vào thế mạnh của bản thân cũng như sẵn sàng chủ động, khám phá. Mỗi người sinh ra không ai có thể hoàn hảo, thế nhưng chúng ta sẽ trở nên hoàn hảo hơn những gì bản thân hiện có nếu biết cách phát huy những điểm mạnh, cũng như khắc phục những điểm yếu một cách hiệu quả nhất. Hãy luôn tự tin vào chính bản thân mình, dám hỏi, dám lên tiếng và dám thử thách bản thân ở nhiều lĩnh vực khác nhau. 

Hơn thế nữa, các bạn phải biết cách chủ động trong mọi tình huống, tuyệt đối không được phụ thuộc vào người khác. Biết đọc sách một cách có hệ thống, biết phân chia dung lượng kiến thức hợp lý để tiến hành học tập hiệu quả, biết liên hệ, vận dụng lý thuyết để giải quyết các bài tập trong quá trình học ở trên lớp và trong thực tiễn. Hãy luôn tìm câu trả lời cho những câu hỏi, thắc mắc của bản thân và tìm ra những phương pháp tiếp cận, lĩnh hội kiến thức hiệu quả. 

Thứ ba, bạn phải biết cách tổ chức việc học tập sao cho có hiệu quả, phù hợp với bản thân

Mỗi người đều sẽ có phương pháp học tập khác nhau tùy thuộc vào tính cách, sở thích, môi trường, điều kiện học tập hiện có. Vì vậy điều quan trọng nhất là bạn cần tìm ra phương pháp học tập sao cho hiệu quả nhất, phù hợp với bản thân( không nên bắt chước hay chạy theo người khác). Để có thể tổ chức việc học tốt, bạn nên bắt đầu từ những việc nhỏ nhất: Lựa chọn không gian học tập, Lựa chọn thời gian học tập, Lựa chọn phong cách học tập,...Tùy vào tính cách, sở thích của mỗi người mà sẽ tìm cho mình được những không gian học tập hiệu quả, như: học tập trên thư viện, tại quán cafe hay ở nhà… Mỗi không gian đều có những đặc điểm cũng như sự thú vị, hấp dẫn khác nhau. Chúng ta cũng không nên cố định không gian học tập trong một thời gian dài mà nên thay đổi để có thể tìm kiếm cho bản thân những nguồn cảm hứng, sáng tạo mới. 

Bên cạnh đó, thời gian học tập hiệu quả của mỗi người cũng rất khác nhau. Vì vậy, bạn cần xác định thời gian phù hợp với mình để duy trì sự tập trung và hiệu suất làm việc. Ví dụ với mình thời gian học tốt nhất là vào buổi sáng với nguồn năng lượng dồi dào, sự hứng khởi tinh thần nhưng có thể những người thời gian thích hợp lại là tối muộn…

Ngoài ra, mỗi bạn có thể lựa chọn phong cách học tập khác nhau, như: học qua trải nghiệm, học qua việc đọc, lắng nghe, học qua quan sát, ghi chép,...đều là những phương pháp học tập tốt. Tuy nhiên chúng ta phải biết áp dụng vào từng môn học và từng chuyên ngành khác nhau. 

Có thể nói, việc tổ chức việc học tốt hay không cũng phụ thuộc vào sự chuẩn bị của mỗi sinh viên trước mỗi buổi học trên lớp. Việc chuẩn bị đó bao gồm cả kiến thức và kỹ năng. Các bạn nên tìm hiểu và đọc trước tài liệu để có thể nắm rõ những nội dung chính của bài học, sau đó hệ thống lại cấu trúc bài học một cách khoa học nhất. Có thể sử  dụng sơ đồ tư duy hoặc ghi chép lại những luận điểm, luận cứ, luận chứng trong bài để có thể dễ dàng theo dõi một cách chi tiết, rõ ràng. 

Bên cạnh việc chuẩn bị trước và nắm rõ những kiến thức cơ bản đó, bạn có thể tìm những tài liệu có liên quan để mở rộng vấn đề. Như vậy, bạn sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức cũng như phương pháp mới mẻ, độc đáo hơn. Có một số vấn đề mà ở trong những giáo trình hay tài liệu có sẵn chưa thể giải quyết, vì vậy đó là cơ hội để chúng ta khám phá và diễn giải theo cách của mình. 

Ngoài ra, mỗi sinh viên cũng nên đa dạng hóa trong cách học và môi trường học. Không đơn giản chỉ là học ở những tài liệu hay những lời giảng của thầy cô, các bạn có thể học hỏi từ bạn bè hoặc những người xung quanh bởi “vạn vật đều là thầy”. 

Cuối cùng, bạn cần liên tục soi chiếu bản thân trong quá trình học

Sau mỗi bài học, các bạn cần có sự nhìn nhận cũng như tổng kết lại những kiến thức mà mình đã được tiếp nhận. Như vậy chúng ta mới có thể hệ thống lại việc học một cách chi tiết, cũng như giúp ghi nhớ kiến thức lâu và sâu hơn để có thể vận dụng vào cuộc sống một cách dễ dàng. 

Bạn cần đánh giá về việc học của bản thân một cách trung thực thông qua những kết quả, sản phẩm mà mình đã hoàn thành hoặc có thể đặt ra những câu hỏi như: “Bản thân đã có tiến bộ chưa?” Hay “Đã tiến bộ những gì?”, “Những hạn chế nào còn tồn tại”,…để có thể đánh giá đúng năng lực của bản thân (mình thường có thói quen ghi nhật ký học tập để nhìn lại quá trình học và những thay đổi của bản thân trong việc học). Bạn hãy biết cách ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của bản thân dù chỉ là nhỏ nhất, nhưng cũng không nên tự mãn hay quá đề cao bản thân chỉ với những thành công mới chớm nở.

Một cách khác để kiểm tra, đo lường việc học của bản thân là lắng nghe đánh giá của người khác về bản thân bạn. Đó có thể là đánh giá từ các thầy cô, bạn bè, người xung quanh…Bạn nên lắng nghe và tiếp thu với thái độ tích cực để có thể nhận ra và tìm cách khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, cũng như phát huy điểm mạnh của bản thân. 

*Một số chú ý trong sự nhìn nhận đúng về việc học

-  Thứ nhất, học tập là một quá trình, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, nỗ lực của mỗi người. Vì vậy mỗi khi gặp khó khăn hay thử thách, các bạn tuyệt đối đừng nản chí hay bỏ cuộc, mà hãy tự động viên, thúc giục bản thân để ngày càng cố gắng và hoàn thiện hơn nữa. 

-  Thứ hai, các bạn không chỉ học những kiến thức cơ bản, học kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” mà phải  học rộng, học sâu và nắm bắt bản chất, cốt lõi của vấn đề một cách chi tiết, cụ thể nhất. Khi có được một nền tảng vững chắc như thế, các bạn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong việc giải quyết hay xử lý mọi tình huống xảy ra trong cuộc sống. 

-  Thứ ba,  cần nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều. Để làm được điều này, bạn cần trau dồi và phát triển một số kỹ năng như: kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng tư duy phản biện,...

-  Thứ tư, học đi đôi với hành, vì vậy bên cạnh việc tích lũy một kho kiến thức đồ sộ, hãy tập trung  đề cao việc thực học, học để làm được, học để ứng dụng vào thực tiễn, có như vậy những kiến thức nền tảng đó mới trở lên có ý nghĩa.

-  Cuối cùng, các bạn không chỉ học từ những thành công mà phải học cả trong những thất bại. Tuyệt đối không được sợ sai hay sợ mắc lỗi, phải tự tin, quyết đoán và sẵn sàng thử thách bản thân trong nhiều hoàn cảnh, tình huống khác nhau để tôi luyện và phát triển.

Trên đây là một số chia sẻ của mình về cách rèn luyện kỹ năng tự học ở bậc đại học. Hy vọng sẽ có đem đến cho các bạn những động cơ và phương pháp học tập bổ ích! 

Từ khóa: 

kỹ năng mềm

Đúng là tính tự học cực kỳ quan trọng trong thời đại bây giờ, đặc biệt là ở môi trường đại học thì còn cần thiết hơn rất nhiều

Trả lời

Đúng là tính tự học cực kỳ quan trọng trong thời đại bây giờ, đặc biệt là ở môi trường đại học thì còn cần thiết hơn rất nhiều

Ai trải qua rồi mới hiểu được đúng là đại học và cấp 3 khác xa nhau rất nhiều

Cảm ơn chị vì bài chia sẻ rất hay ạ 🌸