[Review Sách] “Thiên Tài Và Sự Giáo Dục Từ Sớm ”: Dạy Con Từ Thuở Còn Thơ

  1. Sách

  2. Giáo dục

https://cdn.noron.vn/2020/12/10/522224239311731-1607572385_1024.jpg

Trẻ em sinh ra đều được chào đón bằng tình thương và sự kì vọng- kì vọng vào tài năng bẩm sinh hay trí tuệ được di truyền. Định kiến ấy đã trở thành nếp nghĩ cho đến lúc minh chứng sống động về sự xuất hiện của các trường hợp vốn có tư chất bình thường song được cha mẹ giáo dục tốt đã trở thành thiên tài. Thông điệp từ bí quyết giáo dục đặc biệt này sẽ được chia sẻ trong cuốn Thiên Tài Và Sự Giáo Dục Từ Sớm (Biên dịch: Hồ Phương) của tác giả Kimura Kyuichi.

Suy ngẫm trước khi đọc sách

Trước khi quan tâm đến câu hỏi “Liệu giáo dục từ sớm có khiến con em trở thành thiên tài không?” thì nên tự đặt câu hỏi “Bạn có dành đủ thời gian cho con em mình không?

Sẽ hoàn toàn vô nghĩa nếu đầu tư gửi gắm con em đến các khóa học từ nhỏ để trở thành thiên tài. Tinh thần cuốn sách không nằm ở chỗ đó, rất mong bạn đọc phân biệt kỹ cũng như những ví dụ sắp được đem ra phân tích sau đây cũng chỉ để chứng minh lại một chân lý hết sức rõ ràng: Cha mẹ cần dành thời gian giáo dục con cái trước khi con em họ có thể tự làm việc ấy cho bản thân thông qua việc đến học tập tại trung tâm giáo dục hay các trường lớp. Nếu cha mẹ thất bại trong việc giáo dục con cái thì rất khó trường lớp nào có thể thành công.

Giáo dục từ sớm là đào tạo thiên tài

John Sterward Mill- nhà triết học, nhà kinh tế chính trị học, lý luận học người Anh. Từ 3 tuổi ông đã được cho học bảng chữ cái Hy Lạp. Bảy tuổi Mill đã đọc được Plato bằng tiếng Hy Lạp, học tiếng La – Tinh năm 8 tuổi và đọc được Logic của Aristotle năm 11 tuổi. Nhà thơ Đức Goethe cũng được giáo dục từ rất sớm. Ông có thể đọc và viết thông thạo tiếng Đức, Pháp, Ý, La – tinh và tiếng Hy Lạp khi mới 8 tuổi.

Giáo dục từ sớm là cần thiết nhưng muốn có hiệu quả thì cần thực hiện theo phương pháp. Trẻ em là đối tượng có rất nhiều khả năng song cũng vô cùng nhạy cảm vậy nên giáo dục từ “buổi bình minh của nhận thức” đòi hỏi sự thận trọng, tinh tế, kiên nhẫn và sáng suốt. Trong giai đoạn từ 0 – 6 tuổi, trẻ em bình thường được coi như người khách lạ trong thế giới và có khả năng học hỏi vô cùng ấn tượng (học ngôn ngữ nhanh chóng, biết ghi nhớ hình ảnh màu sắc, âm thanh, tự tìm ra cách lý giải cho thế giới của riêng mình và có sinh lực sống dồi dào).

Nếu được cha mẹ dành thời gian cung cấp đủ kiến thức ở cách lĩnh vực khác nhau hay chú ý bồi dưỡng năng khiếu, sở thích thì trẻ có cơ hội tiến bộ rất nhanh và trở nên tài giỏi. Quá trình này nên được thực hiện bởi chính cha mẹ bởi giáo dục sớm cần sự yêu thương. Đặc điểm của giáo dục sớm chính là sự kết hợp giữa giáo dục và tình thương trong thời điểm vàng của sự phát triển.

https://cdn.noron.vn/2020/12/10/522224239311786-1607573865_1024.jpg

Nhìn chung, trẻ em sinh ra có sẵn nền tảng ở mức độ trung bình mà nhờ vào giáo dục đúng sẽ trở nên tốt, những em bẩm sinh tốt sẽ trở nên xuất sắc. Ngược lại nếu có nền tảng xuất sắc mà không được giáo dục đúng thì chỉ dừng lại được ở mức khá, tồi tệ hơn nếu không được giáo dục thì sự trung bình ban đầu sẽ nhanh chóng trở nên yếu kém.

Giáo dục sớm đòi hỏi tính toàn diện không chỉ thiên về trí tuệ mà còn về thể chất, tình cảm. Nhân tài là sự kết hợp hài hòa giữa trái tim và trí tuệ, giáo dục hướng con người đến sự hoàn thiện, không phải sự thiên lệch. Sự xuất hiện của các thiên tài, nhân tài chỉ có giá trị khi bản thân họ cảm thấy hạnh phúc và giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chuyện của Witte

Nhà luật học người Đức Karl Witte sinh vào tháng 7 năm 1800 tại làng Lochau gần vùng Hale. Đầu tiên,ngay cả mẹ Witte cũng nói rằng đứa trẻ thế này thì dù có dạy dỗ thế nào cũng vô ích, sẽ chẳng làm nên trò trống gì. Nhưng cha của Witte đã không từ bỏ và rồi không lâu sau, đứa trẻ đần độn đó đã khiến tất cả mọi người xung quanh phải ngạc nhiên.

Ông đã nhìn ra tầm quan trọng của ngôn ngữ (công cụ để tiếp thu các kiến thức khác) và kết hợp giáo dục ngôn ngữ với hình ảnh. Ông trực tiếp học cùng con mình để giúp Witte nhận biết sự vật cũng như tên gọi của chúng. Witte cũng thường xuyên được nghe cha kể chuyện, những câu chuyện được lặp lại nhiều lần để củng cố trí nhớ của Witte và tăng vốn từ vựng (số lượng từ vựng là thứ được ưu tiên dạy trước ngữ pháp). Cha Witte đã cố gắng phát âm thật chậm, thật chính xác tiếng Đức (trong giáo dục ngôn ngữ, giáo dục tiếng mẹ đẻ cho thuần thục là ưu tiên hàng đầu trước khi học các ngôn ngữ khác) và mỗi khi Witte phát âm đúng, ông lại khen ngợi con.

Ông cũng khuyến khích Witte đọc sách và lựa chọn những cuốn sách tranh phù hợp với lứa tuổi. Lần lượt Witte được dạy thông thạo tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng La- tinh, tiếng Anh và tiếng Hy Lạp. Cha Witte không chỉ chú trọng đến dạy ngôn ngữ mà còn mở rộng kiến thức sang thực vật học, động vật học, vật lý, hóa học, toán học.

Ngay từ lúc 3 tuổi, Witte đã được cha dẫn đi dạo mỗi ngày ít nhất hai tiếng. Trong thời gian đó cha Witte nói với con rất nhiều điều. Ông tuyệt đối không bắt ép mà luôn tạo hứng thú cho con.

Yếu tố quan trọng trong phương pháp giáo dục là cha Witte luôn khích lệ con đặt câu hỏi (trái ngược với một số bậc cha mẹ khác khi con được 2,3 tuổi và bắt đầu biết đặt câu hỏi thì luôn than phiền là con ồn ào, nhiều chuyện rồi thường trả lời đại khái cho xong, ít khi tận tình giải thích). Ông không tiếc công sức để ngăn không cho con nghĩ thế nào thì nghĩ, hiểu thế nào thì hiểu. Chỉ khi được trang bị nhận thức đúng đắn thì trẻ mới có cơ hội để phát triển tự do, sự áp đặt tuyệt đối hay buông lỏng để trẻ tự nhiên lớn lên đều nguy hiểm giống nhau.

https://cdn.noron.vn/2020/12/10/48521743694152-1607573898_1024.jpg

Xin nhắc lại, trẻ có quyền tự do phát triển khi đã được trang bị nhận thức đúng đắn (nhận thức đúng đắn về đạo đức rất quan trọng). Cha Witte coi trọng việc mở rộng hiểu biết thay vì nhồi nhét kiến thức và ông luôn tận dụng cơ hội để làm việc đó. Ông cho con đi rất nhiều nơi kể từ khi Witte lên 2 tuổi: Đi mua sắm, thăm bạn bè, xem ca nhạc, viện bảo tàng, phòng tranh, công trường, bệnh viện, nhà dưỡng lão v.v… Sau khi từ các nơi đó trở về, ông để con thuật lại tỉ mỉ hoặc kể lại cho mẹ nghe. Có thể thấy, ông đã không tiếc tiền bạc và công sức để trau dồi tri thức cho con với tâm huyết nuôi dạy con thực sự. Ông cũng nỗ lực phát triển năm giác quan của con thông qua các trò chơi theo đúng như tư tưởng của nhà giáo dục Montessori.

Về việc ăn uống của Witte, ông chủ trương không ép con ăn uống quá độ. Mặc dù bậc làm cha làm mẹ nào cũng mong con chóng lớn nhưng tạo cho con cái thói quen ăn uống không biết chán thì toàn bộ tinh lực sẽ bị hướng xuống dạ dày thay vì não bộ, dần dần sẽ khiến tinh thần mụ mẫm và sinh bệnh. Nếu tình trạng này kéo dài đến độ tuổi trường thành thì không thể kiểm soát được nữa. Witte còn được cha rèn luyện cho thói quen tập trung khi làm việc, ông sẽ nghiêm khắc phê bình nếu Witte mất tập trung và không để cho ai làm phiền khi Witte đang tiếp thu kiến thức mới (Mỗi ngày ông chỉ dành ra 15 phút để dạy Witte ngoại ngữ nhưng nhờ khả năng tập trung mà cậu tiến bộ rất nhanh). Ông cũng chú trọng tạo cho con mình thói quen làm gì cũng nhanh nhẹn, hoạt bát

So với những đứa trẻ khác thì thời gian Witte ngồi vào bàn học ít hơn rất nhiều. Cậu có một đời sống lành mạnh, vận động thường xuyên, vui chơi hợp lý.

Nếu so với giáo dục tri thức thì giáo dục đạo đức cho Witte còn được cha quan tâm hơn cả. Ông vốn là một mục sư nên ngay từ nhỏ, Witte đã được tiếp thu lối sống hướng thiện, nhân ái theo cách tự nguyện. Cha Witte không áp đặt hay đe dọa con mà giúp con rèn luyện tính kỷ luật tự giác để sau này lớn lên, Witte sẽ không có cảm giác bị ép buộc khi tuân theo kỷ luật.

Nguyên tắc cơ bản của ông là cái gì đã nói không thì nhất định không được làm, tránh thái độ bất nhất khi yêu cầu trẻ, lúc thì cho phép lúc thì không cho (Chúng ta thường thấy suy nghĩ của một số bậc cha mẹ là cứ để con làm rồi lớn lên chút nữa sẽ cấm, như vậy càng làm khổ con). Điều gì là tốt, Điều gì là xấu những người làm cha mẹ phải nhất quán từ đầu và không được thay đổi. Giữa người lớn cũng cần đồng thuận, tránh cha nói một đằng, mẹ nói một nẻo (Cha mẹ Witte thống nhất trong phương pháp dạy con của cha Witte).

Dù rất hiếm khi phải trách mắng Witte, song mỗi lần buộc phải làm vậy cha Witte đều giải thích rất cặn kẽ tại sao được làm việc này và tại sao không được làm việc kia. Ông cho rằng nếu làm hỏng năng lực tự phán xét của trẻ thì sau này trẻ sẽ không thể có cái nhìn khách quan, công bằng trong mọi vấn đề. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân trẻ mà còn cản trở đến sự tiến bộ toàn xã hội. Dĩ nhiên, cha Witte đã phải dành ra rất nhiều thời gian để giải thích cho con.

Giống nhà điêu khắc muốn tạo nên hoa văn đẹp thì không được vội vã. Bao giờ cũng thế, ông luôn giải thích cặn kẽ cho đến khi con hiểu rõ. Khi Witte làm được điều gì tốt, ông đều khen ngợi có chừng mực để tránh cho con thói kiêu căng, vì còn nhỏ đã tự phụ thì lớn lên khó thành đạt.

Witte cũng được học cách làm ra và sử dụng đồng tiền từ rất sớm. Cha của Witte quan niệm “Học tập mang lại sự giàu có còn làm điều thiện sẽ được Chúa Trời ban thưởng” nên sau mỗi ngày học tập chăm chỉ, Witte sẽ được thưởng một xu. Ông muốn dùng số tiền này để giáo dục Witte về ý nghĩa học tập mang lại sự giàu có và nỗ lực vất vả khi kiếm tiền. Không dừng lại ở đó, ông hướng dẫn Witte dùng số tiền ít ỏi của mình để mua quà tặng bạn bè hoặc các gia đình nghèo trong dịp Giáng sinh- cơ hội để Witte nhận ra nhiều điều có ý nghĩa, đặc biệt là niềm vui khi làm việc thiện.

https://cdn.noron.vn/2020/12/10/522224239311790-1607573926_1024.jpg

Cuối cùng, mọi nỗ lực, đức hi sinh cho việc giáo dục con của cha Witte đã được đền đáp.

Năm lên 8,9 tuổi, cậu bé Witte đã thông thạo sáu thứ tiếng: Đức, Pháp, Ý, La – tinh, Anh và Hy Lạp; không những thế lại còn hiểu biết cả về động vật học, thực vật học, vật lý, hóa học và đặc biệt là toán học. Kết quả là năm 9 tuổi, Witte đã thi đậu vào đại học Leipzig. Tháng 4 năm 1814, chưa đầy 14 tuổi, Witte đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ về đề tài toán học, sau đó nhận bằng tiến sĩ triết học, nhận bằng tiến sĩ luật năm 16 tuổi và được bổ nhiệm làm giảng viên luật ở Đại học Berlin.

Từ nhỏ đến lớn, Witte luôn là một người khỏe mạnh, cả tinh thần và thể lực. Cậu không phải người suốt ngày ngồi ở bản học, ngược lại vận động và vui chơi ở ngoài khá nhiều. Từ xa xưa đã có câu nói “Học giả thì chỉ biết chúi mũi vào học”, nhưng Witte không phải là con mọt sách mà luôn mang lại sự vui vẻ, thoải mái cho những người xung quanh.

Lời kết

Trong cuốn sách còn nhiều ví dụ khác được nêu ra để chứng minh cho tầm quan trọng của sự giáo dục từ sớm, tuy nhiên bạn đọc có thể dành sự quan tâm của mình cho những vấn đề cốt lõi như sau:

Không nên ỷ lại vào giáo dục của nhà trường, mặc dù ngày nay có rất nhiều phương tiện kỹ thuật tốt, các phương pháp giáo dục tốt tại các cơ sở đào tạo song bậc làm cha mẹ nên dành thời gian giáo dục con cái ngay từ khi còn nhỏ.

Không nên tin tuyệt đối vào quan điểm tài năng là do trời phú, mọi thứ đều có thể thông qua học tập và rèn luyện với những kì vọng hợp lý, hợp tình.

Giáo dục trẻ cần khéo léo, đúng cách mà không nên có sự cứng nhắc, rập khuôn nếu tìm ra được phương pháp giáo dục phù hợp cho con em mình thì các bậc phụ huynh có thể giúp đỡ các em nuôi dưỡng tài năng cũng như ước mơ cao đẹp trong tương lai.

Sách Thiên tài và sự giáo dục từ sớm là món quà dành cho những bậc cha mẹ và những nhà giáo dục quan tâm đến sự phát triển hài hòa trong hiện tại và hạnh phúc trong tương lai của trẻ em.

Review chi tiết bởi Nguyễn Phú Hoàng Nam

Từ khóa: 

review sách

,

giáo dục sớm

,

giáo dục trẻ em

,

nguyễn phú hoàng nam

,

sách

,

giáo dục

Ơ mình đọc quyển này rồi nè, nhớ đó mà mình và chồng ngộ ra được nhiều thứ trong cách dạy con.

Trả lời

Ơ mình đọc quyển này rồi nè, nhớ đó mà mình và chồng ngộ ra được nhiều thứ trong cách dạy con.

Cảm ơn bài viết của bạn. Mong bạn sẽ review nhiều hơn nữa về thể loại sách giáo dục.

Giáo dục con trẻ từ sớm và đúng cách là điều cần thiết.