[Review Sách] Trí khôn phi học đường

  1. Giáo dục

  2. Sách

  3. Tâm lý học

Tác phẩm này là một công trình tôi mất khá lâu mới đọc xong. Sách có nội dung lý thuyết tương đối sâu nhưng cũng kèm theo kiến thức thực tế khá rộng. Để theo mạch tư duy của tác giả, tôi có cảm giác mình như một người chạy bộ đang gắng sức đuổi theo một người ngồi trên xe đạp.

Mặc dù vậy, sau khi đọc xong tôi cũng thu lại được một vài giá trị- với tôi là rất quý báu.

https://cdn.noron.vn/2022/01/08/avvxseiikgwxptvth2vc31-gdrmqv0fokasyqv3sh37ewk5dhdv4fgva9j0f8ncbusrg5elrpdnefynvdpgttb50zcrghz1xveatzatmwhuoulhgprncn7wyf168sc621mw0tgontlw036zeajh00sbnsxmvo0nuplsp6crvl4yewx8zfhet9agxnzranaw300-h400-1641622244-1641622244.jpg

Trẻ em học theo cách chúng muốn

Ở hầu hết mọi người học đều có một trí khôn “phi học đường” của đứa trẻ lên 5 đang vùng vẫy để thoát ra ngoài và tự bộc lộ.

Trẻ em có khát khao học hỏi về mọi thứ: thông qua vui chơi, đặt câu hỏi, trực tiếp trải nghiệm v.v… trẻ sẵn sàng học thứ chúng muốn- quan trọng là chúng nhận thấy có ích cho chúng.

Trẻ em trước độ tuổi đến trường không đi lòng vòng qua các khái niệm hay lý thuyết mà chúng chỉ học những điều có thực. Nói cách khác, trong khi người lớn nghĩ rằng trẻ em mơ mộng, thì hiểu biết của trẻ thực tế hơn gấp nhiều lần so với chúng ta. Quan sát cách các em chơi đùa, kết bạn, bộc lộ cảm xúc chúng ta hoàn toàn có thể nhận ra điều này.

Bước vào độ tuổi đến trường, trẻ em không được học theo cách chúng muốn, thay vào đó người lớn dạy chúng theo cách mà họ được giao nhiệm vụ. Dạy học với người dạy là một nhiệm vụ, vậy nên để thực hiện nhiệm vụ họ cần các công cụ và để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, họ cần các tiêu chí. Khối công việc cồng kềnh ấy được sử dụng để đảm bảo việc nuôi dạy trẻ trở thành những học sinh giỏi trong khi phớt lờ những năng lực bẩm sinh và thiên hướng cá nhân của trẻ.

Trong môi trường học tập không được phép tồn tại dấu ấn cá nhân, trẻ với tư cách của người học bắt đầu cảm thấy hoang mang về hệ thống thông tin, ký hiệu mà người người lớn cố gắng dạy chúng nhớ, hiểu, vận dụng, phân tích (và làm ơn đừng có sáng tạo). Thế giới nội tâm của trẻ bắt đầu xảy ra sự phân tách giữa những niềm tin cá nhân và loạt quy tắc mà cá nhân phải tuân thủ.

Đoạn kết của quá trình này thường thấy là ngày tốt nghiệp, trẻ được giải phóng khỏi những điều chúng học theo lối đầy mâu thuẫn. Chúng quên đi mọi kiến thức đã được đào tạo để khôi phục lại nhận thức ban đầu, chúng tự do nhưng mất phương hướng, chúng có kiến thức, nhưng lại hành động theo bản năng và chúng nói theo những gì được học song lại làm theo những điều chúng tin.

Vậy là trẻ vẫn học theo cách chúng muốn sau khi chơi hết một vòng đu quay khổng lồ mang tên trường lớp.

https://cdn.noron.vn/2022/01/08/avvxsehmtc0letpvm3jprwsguqztqkdkq6kfwgluep3ngsoibyus1gwdcx09j9tiapnvkcnfzxqkawxrkohzq6zk9cjjhb56i1gyvf8xdtvi3hdaijgkgodsbqcl6m4aghxqqvp-umcu8yoitwcdus-vloygqxq8bltqxqgbmxqde-6ulwkjn6pjvyndcgw400-h266-1641622244-1641622244.jpg

Giáo dục vì nhận thức đích thực

Cho dù các hệ thống giáo dục chỉ có nói mà không thành thật về những mục tiêu như mục tiêu nhắm tới “nhận thức đích thực” hay “nhận thức sâu” thì trong thực tế các hệ thống ấy đều chứng tỏ thù địch với việc theo đuổi những mục tiêu này. Có khi những mục tiêu này bị coi là lý tưởng chủ nghĩa, hão huyền hoặc phi thực tế; hầu hết các quan chức ngành giáo dục đều có quan điểm nhà trường phải tạo ra những công dân bộc lộ những kiến thức văn hóa cơ bản và có thể tiếp tục theo đuổi một nghề nghiệp.

Vậy vì sao trẻ cần giáo dục? vì chính sự phát triển của trẻ hay vì một trách nhiệm nào đó trẻ cần phải hoàn thành, mặc dù có thể những trách nhiệm ấy đi ngược lại so với năng lực và xu hướng phát triển của trẻ?

Nhắc đến trường học, chúng ta thường nhớ đến các khẩu hiệu. Dù có nội dung ra sao, các khẩu hiệu thường mang tính chất quyết liệt, sôi nổi. Nhưng giữa khẩu hiệu và thực tế trong giáo dục dường như là những đường thẳng song song.

Trẻ khó có thể đạt được nhận thức đích thực về hóa học, toán học, hay vật lý với điểm mười; cũng như không thể nhận thức sâu sắc vẻ đẹp tâm hồn của người khác (hay của chính mình) chỉ bằng việc thuộc lòng mười bài thơ cộng thêm mười bài phân tích văn mẫu.

Giáo dục vì nhận thức đích thực không hề dễ dàng. Vậy nên khi không thể làm điều tốt, tất cả thường chọn làm điều họ được đảm bảo rằng sẽ đúng. Đó là dạy học, giao cho trẻ bài tập về nhà, nhắc trẻ học thuộc rồi kiểm tra lại theo hình thức thi cử. Với điểm số sau kì thi, trẻ có được thành quả cho quá trình học tập của mình, giáo viên hoàn thành nhiệm vụ, còn các bậc phụ huynh có giấy khen để an tâm đầu tư tiếp cho con hoặc hãnh diện khoe khoang với bạn bè, người thân.

Mọi trẻ em khác nhau được đưa vào một lớp học chung với nhau để rồi tương lai chỉ có thể là: lên lớp hoặc không, có giấy khen hoặc không- đa số các em sẽ lên lớp và có giấy khen.

Nhưng nhận thức của trẻ thế nào sau những tờ giấy khen và việc lên lớp vẫn là một câu đố bí hiểm còn để ngỏ mà người thực lòng muốn chưa thể giải, còn người có thể giải lại chưa thực lòng muốn.

https://cdn.noron.vn/2022/01/08/avvxsegcrfs4gcmycxcw25kyktungf0ukracefugya0bkutxxlfcrpdf9ojblozzzvterblg5kwvcbzcdjs7ncqmbzdib7lvwjaquaxvysboaov-fukor0eiwkmnfzhcwtjyn9zsltdbemm3pqwbqw6tooqmcm7y5l9uhfkcbdwgecpmlerv7youdoecaw400-h225-1641622244-1641622244.jpg

Như tôi đã bày tỏ, cả giáo viên lẫn học sinh đều không sẵn lòng mạo hiểm chọn dạy và học vì sự “nhận thức đích thực”; thay vì thế, họ tạm bằng lòng với những thỏa hiệp an toàn, họ chọn “đáp án đúng” (correct – answer). Trong hoàn cảnh thỏa hiệp ấy, cả giáo viên lẫn học sinh đều coi là thành công nếu người học có khả năng đưa ra những đáp án được quy định là đúng. Dĩ nhiên, về lâu dài, một thỏa hiệp như vậy không phải là thỏa hiệp đúng nghĩa, bởi vì những cách hiểu đích thực không thể xuất hiện chừng nào người ta chấp nhận những sự thể hiện nghi thức hóa, học vẹt hay quy ước hóa.

Lối dạy truyền nghề - học việc

Định chế truyền nghề - học việc vẫn tồn tại cho đến ngày nay trên khắp thế giới.

Mặc dù lối dạy truyền nghề đã có từ lâu và cũng có vài vấn đề kèm theo (sự bóc lột, lạm dụng mối quan hệ) tôi vẫn đánh giá đây là hình thức giáo dục tương đối thực chất. Bởi không phải ngẫu nhiên mà các sinh viên, các thực tập sinh cần người dẫn dắt.

Người hướng dẫn sẽ trao cho người học việc các vấn đề thực tế và kinh nghiệm, bộ kỹ năng để giải quyết các vấn đề có thực ấy. Do đó, người ta tìm đến thầy cô ở trường lớp để giải quyết các vấn đề về điểm số, nhưng để giải quyết các vấn đề về sinh kế, người ta cần tìm đến những bậc thầy có trải nghiệm thực tế.

Hình thức dạy và học này tỏ ra rất đắc dụng bởi nó tạo nên sản phẩm là những cá nhân có kĩ năng và nhận thức cụ thể về những việc họ làm- dù không phải ai trong số đó cũng biết cách diễn đạt lại một cách lưu loát những gì mình hiểu.

Lối dạy truyền nghề - học việc đã và đáng đóng góp số lượng đáng kể những con người lao động có tay nghề và đủ khả năng giải quyết các vấn đề trong đời sống. Mặc dù vậy, tôi tin rằng nếu được bổ sung thêm tinh thần giáo dục khai phóng thì họ mới có thể trở thành những con người vừa có ích, vừa hoàn thiện thay vì chỉ đơn thuần là những tay nghề lão luyện.

Gần đây, khái niệm “Tự học” xuất hiện khá nhiều và được ca ngợi, nhưng tôi vẫn giữ riêng cho mình chút hoài nghi về việc ca ngợi nó. Bởi theo tinh thần của Trí khôn phi học đường, thì tự học là lẽ đương nhiên mà bẩm sinh con người nào cũng có. Nếu việc “Tự học” được ca ngợi, thì chưa chắc nó được thực sự vận dụng. Hơn nữa, trong bối cảnh các phương tiện nghe – nhìn thống lĩnh như hiện nay, một cá nhân rất khó có thể (được) tự học, bởi vì các tài liệu, sách vở, hội thảo chia sẻ kiến thức có quá nhiều nên người học sẽ dễ rơi vào trạng thái cưỡi ngựa rong ruổi hết từ cánh đồng hoa này sang cánh đồng hoa khác.

https://cdn.noron.vn/2022/01/08/avvxsehwn5yzgwrxdmmzp6a4amgcjosqzqm0m6pvbdscofpernf3sbau7bg0mfsz7yqb00wv2ztcumshhf-t-osembvwmc4ifv33wlmvhmkchx2hpqt2xbeweqemidylbe92mxqbnyxpsgdv-dzramyip0ihybcbugs8spr6khklutlkuhzko9yopex2ahqpgw400-h265-1641622246-1641622246.jpg

Thay cho lời kết

Để kết lại cuốn sách, tôi có quan sát thông tin trên bìa sách một lần nữa, rồi tự đặt ra cho mình một số câu hỏi:

Trí khôn phi học đường?

“Trí khôn khác gì so với trí thông minh? Cách hiểu của người dịch và văn hóa Á Đông giữa khôn và thông minh khác nhau như thế nào?”

“Phi học đường: Chưa mang tính hệ thống, chính quy tập trung, chưa được dạy”

“Tư duy của trẻ trước tuổi đi học”

Trước tuổi đi học khác gì so với sau khi đi học? Liệu trước tuổi đi học thì trẻ đã có tư duy chưa? Đặc điểm của tư duy ấy là gì? Nó từ đâu mà ra (Được lập trình hay bẩm sinh: Nếu lập trình thì ai, điều gì? Nếu bẩm sinh thì nguồn gốc của sự bẩm sinh ấy từ đâu? )

Vai trò của yếu tố văn hóa, môi trường tác động thế nào đến tư duy giản đơn? (Khi xem phim Bụi đời chợ lớn: tại sao những đứa trẻ lại tôn sùng quy luật mạnh được yếu thua?. Khi xem phim Hope: Vì sao cô bé không thể kịp thời có phản ứng tự vệ trước người lạ như vậy?)

Thực tế trẻ trước khi đến trường và sau khi đến trường khác nhau như thế nào? Vì sao trẻ càng học ít càng hồn nhiên, chủ động và tự tin? Điều gì đã xảy ra trong nhận thức của trẻ?

“Và nhà trường theo đó nên dạy như thế nào?”

“Theo đó” mà tác giả nói đến là tư duy của trẻ trước tuổi đi học? Làm thế nào nhà trường có thể nhận thức đúng về tư duy của trẻ? Ai sẽ làm việc ấy và họ làm việc ấy như thế nào?

Thực tế: Việc ấy có khó không và trong thực tế họ đã từng làm chưa? Kết quả ra sao? (Các yếu tố có thể dẫn đến sai số trong quá trình đánh giá đầu vào?)

Nếu có thể thực hiện được việc này, thì kết quả hoạt động giáo dục trẻ sẽ có biến chuyển như thế nào?

Có phải chỉ có mỗi nhà trường làm được việc này không? Vì sao có, vì sao không?

Cuối cùng, tôi hình dung ra khung cảnh mình được trò chuyện với tác giả để đặt ra ba câu hỏi tôi hứng thú nhất:

Vì sao ông quan tâm đến chủ đề này?

“Vì hoạt động nghiên cứu lý thuyết sản sinh ra và thực tiễn cần lý giải cho kết quả giáo dục khiêm tốn của trường học”

Thông điệp ông muốn gửi đến các bậc phụ huynh và nhà trường là gì?

“Hiểu rằng đặc điểm cốt lõi trong giáo dục là trẻ học theo cách chúng muốn, thay vì người lớn dạy theo cách chúng ta muốn”

Ông có thể làm cho thông điệp ấy ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng hơn không?

“Có thể, nhưng tôi là một nhà nghiên cứu khoa học, tôi cần các minh chứng, số liệu, lý thuyết. Sau khi bạn đọc nó, bạn có thể làm cho thông điệp ấy ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng hơn tôi”.

Trí khôn phi học đường của Howard Gardner không phải là một cuốn sách dễ đọc, nhưng với tôi đó là một cuốn sách nên đọc nếu bạn quan tâm đến trẻ em- đối tượng quan trọng và là lẽ sống của giáo dục.

Từ khóa: 

trí khôn phi học đường

,

howard gardner

,

nxb tri thức

,

review sách

,

nguyễn phú hoàng nam

,

giáo dục

,

sách

,

tâm lý học