[Review Sách] Tuần làm việc 4 giờ

  1. Sách

Trong cuốn sách “Tuần làm việc 4 giờ”, tác giả Timothy Ferriss sẽ chia sẻ với chúng ta cách anh thiết kế lối sống độc đáo của bản thân. Đó là hành trình với những trải nghiệm sống động mà không thiếu phần “lao động là vinh quang”.

https://cdn.noron.vn/2023/04/18/79642249416476982-1681824166.jpg

Tôi rất thích thú lối sống và cá tính của Timothy Ferriss, cũng như cảm thấy khá ấn tượng với những điều anh đạt được ở thời điểm viết cuốn sách. Tuy nhiên, mong bạn đọc lưu ý tinh thần của tập sách này là hướng đến cuộc sống chất lượng, khai phóng tiềm năng của bản thân. Điều có có nghĩa là bạn dành thời gian cho những mục tiêu có ý nghĩa, góp phần phát triển bản thân theo hướng tích cực hơn thay vì có nhiều thời gian hơn chỉ để lãng phí nó.

Nếu tuần chỉ cần làm việc 4 giờ, bạn sẽ làm gì với khoảng thời gian còn lại? Tôi cho rằng đó là một câu hỏi mà chúng ta nên nghiêm túc suy ngẫm trước khi đọc cuốn sách này. Khi bản thân chưa có mục tiêu sống rõ ràng, có nhiều thời gian hơn đôi khi lại không phải là tin tốt.

Những quy tắc nên ghi nhớ khi đọc cuốn sách này

Là sự kết hợp giữa tự sự của tác giả về hành trình của bản thân và cẩm nang hướng dẫn bạn đọc từng bước tham gia hành trình ấy, cuốn sách được chia làm 06 phần như sau:

Đầu tiên và Quan trọng nhất

Bước 1: D – Definition (Định nghĩa)

Bước 2: E – Elimination (Sự giản tiện)

Bước 3: A – Automation (Tự động hóa)

Bước 4: L – Liberation (Giải phóng)

Phần cuối

Sẽ có nhiều thông tin thú vị cần cần đọc cũng như các thông điệp hữu ích cần ghi nhớ. Nhưng để sàng lọc lại những điểm căn cốt nhất, thì tôi đề xuất bạn chú ý tới những quy tắc sau đây (hiểu được các quy tắc này thì bạn coi như đã nắm bắt được phần giá trị cốt lõi của cuốn sách):

  1. Nghỉ hưu là giải pháp an toàn trong trường hợp tồi tệ nhất
  2. Sự hứng thú và năng lượng đều có tính tuần hoàn
  3. Làm việc ít hơn không có nghĩa là lười biếng
  4. Kế hoạch thời gian không bao giờ chính xác
  5. Yêu cầu tha thứ chứ không phải sự cho phép
  6. Tập trung vào điểm mạnh, đừng ra sức sửa chữa điểm yếu
  7. Cái gì quá nhiều sẽ trở thành cái đối ngược với nó
  8. Tiền không phải là giải pháp
  9. Thu nhập tương đối quan trọng hơn thu nhập tuyệt đối
  10. Lo âu căng thẳng là xấu nhưng căng thẳng tích cực là rất tốt

Có lẽ, bạn sẽ nhận ra những quy tắc này không hoàn toàn mới nhưng vẫn khá lạ lùng với hiểu biết thông thường, thậm chí còn hơi bí ẩn kiểu triết học Kinh Dịch như “vật cùng tất biến” (Cái gì quá nhiều sẽ trở thành cái đối ngược với nó) hay mang tính duy tâm (Tiền không phải là giải pháp) hoặc thậm chí đi ngược lại hoàn toàn nếp nghĩ thông thường của xã hội (Nghỉ hưu là giải pháp an toàn trong trường hợp tồi tệ nhất).

Bạn đọc lưu ý là có những quan niệm nên suy xét thấu đáo khi dung nạp (làm việc ít hơn không có nghĩa là lười biếng) và cân nhắc các khía cạnh đạo đức khi áp dụng (Yêu cầu tha thứ chứ không phải sự cho phép). Tôi tin rằng một cuốn sách thường chứa đựng tư tưởng của tác giả: thứ có thể đúng hoặc chưa đúng- nhưng không bao giờ là chân lý luôn luôn đúng ở mọi hoàn cảnh.

Thực ra bản chất của vấn đề cũng không quá phức tạp, gói gọn trong câu: “chỉ khi bạn làm điều bạn chưa từng làm thì bạn mới có được thứ bạn chưa từng có”. Hầu hết những người xung quanh sẽ không thích thú gì khi thấy bạn thoải mái sống mà vẫn tự chu cấp được cho nhu cầu của bản thân một cách dễ dàng. Thậm chí, bạn sẽ bị cho rằng đang lãng phí tuổi trẻ, thiếu ý chí phấn đấu, vô trách nhiệm và lười nhác.

Đừng vội giận dữ, vì ai trong đời cũng tin rằng bản thân biết rõ người khác nên làm gì. Điều này là bình thường, nên số người thành công mới ít như vậy và số người thực sự thành công đi cho lời khuyên về thành công lại càng ít ỏi hơn nữa.

Sự khó chịu này có lẽ giống như việc bạn lững thững đạp xe trong khi xung quanh xe hơi đang gầm rú và xe máy đang tăng tốc lạng lách. Tôi nghĩ có điều gì đó kì quặc, hơi ám ảnh mang tính cưỡng chế trong quan niệm “không áp lực không có kim cương”. Hệ lụy là “đôi khi ta gặp nhau để dạy nhau cách sống trong khổ đau”- sống trong khổ đau hoặc nói về cuộc sống với sự khổ đau, đó là cách hầu hết mọi người tin là đúng đắn về cuộc sống.

Nhưng cuộc sống không hoàn toàn là khổ đau hay hạnh phúc, khi ta chưa thực sự sống. Bạn có thể sống với bao nhiêu giờ làm việc hoàn toàn phụ thuộc ở bạn, vấn đề ở đây là chất lượng, không phải số lượng.

Trước khi sang phần tiếp theo, tôi trích dẫn lại ba câu hỏi của tác giả để dành tặng bạn đọc:

Trở thành con người “thực tế” hay người “có trách nhiệm” đã ngăn cản bạn sống cuộc sống bạn yêu thích như thế nào?

Những việc bạn “nên” làm đã đem lại cho bạn sự thất vọng hay sự hối hận như thế nào khi không được làm một việc gì đó mà bạn từng mong muốn?

Nhìn lại những việc bạn đang làm và tự hỏi bản thân mình “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi làm ngược lại so với mọi người xung quanh? Tôi sẽ phải hy sinh những gì nếu tôi tiếp tục con đường này trong 5, 10 hay 20 năm nữa?” (trang 51, 52)

https://cdn.noron.vn/2023/04/18/79642249416476983-1681824183.jpg

Bí quyết sau cùng: Hành động

Timothy Ferriss trở thành một doanh nhân, nhà đầu tư, tác giả, vận động viên, diễn viên, giảng viên v.v. vì anh ấy đã thực sự hành động. Anh không chọn dùng những giờ còn lại sau 04 giờ làm việc để chìm đắm trong Internet hay các thú vui vô bổ.

Sau khi xác định được điều bản thân muốn (Bước 1: Định nghĩa), anh bắt tay vào xây dựng phương hướng cho cuộc đời mình. Hiểu rõ bản thân rồi, anh đến với những lựa chọn càng ngày càng dễ dàng, sáng suốt hơn (Bước 2: Sự giản tiện). Công việc bắt đầu vào khuôn khổ với những công cụ quản lý, phương pháp làm việc và hệ thống tự động hóa dần được tối ưu (Bước 3 Tự động hóa). Cuối cùng Timothy Ferriss đạt được mục đích (Bước 4: Giải phóng).

Trong quá trình ấy, sự tự do của Timothy Ferriss tỷ lệ thuận với tinh thần học hỏi của anh. Đó là sự nhận biết và làm chủ sức mạnh của việc quản lý thời gian, nguyên lý 80/20, hạn chế thông tin thừa thãi, nắm bắt nghệ thuật từ chối. Tất cả đều được anh áp dụng vào thực tế một cách triệt để.

Câu nói “Càng hiểu biết, con người càng tự do” của Voltaire là hoàn toàn chính xác. Nếu suy ngược lại, thì mức độ tự do của một con người cho thấy năng lực hiểu biết của họ (sự tự do mang tính khai phóng này khác với sự trống rỗng, vô định hướng).

“Xin hãy chỉ cho tôi phải đi đường nào?”

Con Chú mèo trả lời: “Điều đó phụ thuộc vào việc cô muốn đi đâu.”

Alice nói: “Tôi không quan tâm nơi tôi sẽ đến…”

“Thế thì cô đi đường nào cũng vậy cả thôi.”- con Chú mèo nói.

Lewis Carroll, Alice ở xứ sở thần tiên – (trang 65)

Không ai đảm bảo rằng có nhiều thời gian hơn là bạn sẽ có cuộc sống chất lượng hơn. Mọi điều phụ thuộc vào việc bạn làm gì (hành động) trong khoảng thời gian ấy.

Thay cho lời kết

Sự tự do, hạnh phúc và phát triển chỉ có thể đạt được khi bạn chấp nhận hy sinh một số thứ bình thường nhưng lại được đánh giá quá cao. Robert Henri (trang 304).

Những thú vui đời thường có sức cám dỗ rất lớn. Tin xấu là sức cám dỗ của các thú vui này tỷ lệ thuận với sức phá hoại của chúng lên cuộc đời chúng ta, còn chúng ta thì ít khi chú ý đến chúng. Hãy hình dung với một cây gỗ thì một chú mối thì chưa là gì, nhưng một đạo quân mối thì lại là chuyện khác- đáng sợ hơn là nhìn từ ngoài vào sẽ không dễ dàng để thấy đàn mối ấy đang âm thầm đục khoét bên trong.

Nếu bạn đọc cuốn “Mặt trái của công nghệ” (tác giả Peter Townsend), bạn sẽ nhận ra công nghệ và quảng cáo đang khiến chúng ta tự chống lại bản thân như thế nào khi chìm đắm vào chúng.

Điều này có liên quan với ước mơ “Tuần làm việc 04 giờ” ở điểm chúng ta không thể khai phóng bản thân khi đang là tín đồ của sự tiêu dùng (với người bạn đồng hành là chiếc thẻ tín dụng). Nhu cầu của chúng ta sẽ càng ngày càng lớn, trong khi năng lực và sức tập trung thì càng ngày càng suy giảm. Khi làm việc thiếu hiệu quả, thì giờ làm sẽ tăng lên (hoặc mất luôn việc) thay vì được giảm xuống.

Để biết Timothy Ferriss đã làm gì để vượt qua chướng ngại này, bạn có thể trực tiếp tìm đọc cuốn sách. Với một freelancer như tôi, cuốn sách khá bổ ích.

Từ khóa: 

review sách

,

tuần làm việc 4 giờ

,

timothy ferriss

,

noron

,

nguyễn phú hoàng nam

,

sách

Mình thích quotes này nhất: "Sự tự do, hạnh phúc và phát triển chỉ có thể đạt được khi bạn chấp nhận hy sinh một số thứ bình thường nhưng lại được đánh giá quá cao."

Trả lời

Mình thích quotes này nhất: "Sự tự do, hạnh phúc và phát triển chỉ có thể đạt được khi bạn chấp nhận hy sinh một số thứ bình thường nhưng lại được đánh giá quá cao."