Sài Gòn 1975 và Kabul 2021, đôi sự tương đồng

  1. Lịch sử

  2. Tin Tức

  3. Noron

Ngày 15/8/2021, khi người Mỹ ồ ạt di tản khỏi thủ đô Kabul, kết thúc 20 năm "chiến tranh xâm lược" của Hoa Kỳ khỏi Afghanistan.

Bất chợt thấy rùng mình, sao mà nó giống người Mỹ ồ ạt di tản khỏi đô thành Sài Gòn ngày 30/4/1975 đến thế, vì đó cũng là thời điểm kết thúc 20 năm "chiến tranh xâm lược" của Hoa Kỳ khỏi Việt Nam.

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc so sánh sự thất trận của người Mỹ thôi thì không sao, còn đi xa hơn chút nữa sẽ thành đại họa; nội chiến Afghanistan (2001 - nay) nó khác hoàn toàn với chiến tranh Việt Nam (1954 - 1975), và Taliban cũng có bản chất cực kì khác với Quân giải phóng Việt Nam.

Bạn có thể coi đây là một serie "bắt trend" của tôi, nhưng mà trend của người học cao hiểu rộng thì nó sẽ rất khác; vì nó ở một đẳng cấp khác, mà những con người lười tìm hiểu kiến thức xã hội sẽ không bao giờ hiểu được.

Phần 1: Nội chiến Afghanistan bắt nguồn từ đâu?

Nhìn trên bản đồ thế giới (nói chung) & châu Á (nói riêng), thì đất nước Afghanistan cũng chẳng có gì hấp dẫn cả. Nó là một quốc gia không giáp biển, có chung đường biên giới với Iran, Pakistan, Trung Quốc, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan; trong đó, 3 quốc gia (Tajikistan, Uzbekistan, Turkmenistan) từng là 3 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ - một "siêu cường" thế giới nhưng đã sụp đổ vào những ngày cuối cùng của tháng 12 năm 1991.

Giới thiệu sơ lược về Afghanistan thế là đủ rồi nhỉ, còn nguồn gốc của xung đột tại Afghanistan bắt nguồn từ những năm cuối thập niên 70 của thế kỉ XX; khi mà Liên Xô trực tiếp can thiệp vào đất nước này, và tất nhiên là Hoa Kỳ không thể ngồi yên.

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1978, khi Mohammed Daoud Khan (người lên nắm quyền tại Afghanistan sau cuộc đảo chính năm 1973) bị lật đổ bởi Cách mạng Saur, và chính phủ bị kiểm soát bởi Đảng Dân chủ nhân dân Afghanistan (PDPA). Trong quá trình cai trị của mình, PDPA đã thi hành nhiều chính sách tiến bộ (xóa bỏ hôn nhân sắp đặt, thúc đẩy nông dân biết chữ & cải cách quyền sở hữu đất đai...); nhưng nó lại làm suy yếu trật tự bộ lạc truyền thống & gây ra sự phản đối tại các vùng nông thôn.

PDPA cũng đã tiến hành đàn áp những cuộc nổi dậy này, cộng thêm những mâu thuẫn ngầm trong nội bộ (điển hình là ngày 11/9/1979, Hafizullah Amin lật đổ Nur Muhammad Taraki); Liên Xô nhận thấy PDPA quá yếu kém & đã can thiệp quân sự 3 tháng sau đó, hạ bệ Amin và đưa Babrak Kamal (một lãnh đạo khác của PDPA) lên nắm quyền lực.

Sự can thiệp trực tiếp của Liên Xô đã khiến Hoa Kỳ, Pakistan, Saudi Arabia, Trung Quốc "không thể ngồi yên"; nhất là Hoa Kỳ, thông qua Cơ quan tình báo liên ngành Pakistan đã hỗ trợ nước ngoài cho các mujahideen, nhằm chống lại âm mưu "bành trước chủ nghĩa Cộng sản" của Liên Xô. Nhưng khác với tính chất "thế tục" của PDPA, thì tính chất "tôn giáo" lại là đặc trưng của mujahideen.

Nhưng mà Afghanistan đích thực là "mồ chôn của các đế quốc", trước khi Hoa Kỳ sa lầy gần 20 năm thì Liên Xô cũng bị sa lầy 10 năm ở đất nước "chó ăn đá, gà ăn sỏi" này. Và đến năm 1989, khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan, chế độ PDPA (đứng đầu là Mohammad Najibullah) chỉ tồn tại đến năm 1992, khi Liên Xô giải thể & LB Nga (với tư cách là quốc gia kế thừa của Liên Xô) từ chối viện trợ cho PDPA.

Và cũng trong năm 1992, Burhanuddin Rabbani (chỉ huy mujahideen) chính thức trở thành tổng thống của Nhà nước Hồi giáo Afghanistan, nhưng ông ta phải chiến đấu với các lãnh chúa khác để giành quyền kiểm soát Kabul - thủ đô Afghanistan.

Và đến lúc này, khi PDPA (được Liên Xô hậu thuẫn) đã bị đánh bật khỏi chính trường Afghanistan; "sân khấu" lúc này thuộc về các lãnh chúa địa phương, đất nước Afghanistan bị "chia năm xẻ bảy" bởi thế lực của các lãnh chúa này.

Phần 2: Taliban là gì?

Ở trên thì chúng ta đã biết, mujahideen là lực lượng được Hoa Kỳ & Pakistan hỗ trợ để chiến đấu chống lại PDPA (do Liên Xô hậu thuẫn). Và chúng ta cũng biết rằng, sau khi PDPA bị "hất cẳng" thì Afghanistan là "sân khấu" để các lãnh chúa địa phương tranh giành địa bàn của mình.

Vậy thì Taliban ở đâu? Đây là một tập hợp những talib (sinh viên tôn giáo), đứng đầu là Mohammed Omar (một thành viên mujahideen, từng giảng dạy tại một madrassa ở Pakistan); ông ta đã trở về Kandahar, thành lập ra Taliban. Và đến tháng 11/1994, toàn bộ tỉnh Kandahar đã nằm trong vùng kiểm soát của Taliban.

Được sự hỗ trợ quân sự của Pakistan & hỗ trợ tài chính của Saudi Arabia, lực lượng Taliban đã nhanh chóng chiếm được thủ đô Kabul & thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan.

Luật Sharia được Taliban áp dụng trong cuộc sống, và được giải thích theo chủ nghĩa chính thống Hồi giáo; trong đó có rất nhiều những quy định hà khắc, như việc cấm phụ nữ làm việc bên ngoài gia đình, đi học hoặc rời khỏi nhà (trừ khi có họ hàng nam giới đi cùng). Ở phần 3 của serie này, tớ sẽ giải thích cụ thể hơn về Luật Sharia (nói riêng) & Luật Hồi giáo (nói chung).

Taliban đã kiểm soát đến 90% lãnh thổ Afghanistan, trong giai đoạn 1996 - 2001; 10% lãnh thổ còn lại nằm trong tay Liên minh phương Bắc. Liên minh này được tạo ra từ sự kết hợp của Ahmad Shah Massoud (lãnh đạo người Tajik) & Abdul Rashid Dostum (lãnh tụ người Uzbek), ngoài ra còn có các phe phái Hazara & lực lượng Pashtun (lãnh đạo bởi Abdul Haq & Haji Abdul Qadir).

Ơ thế thì Hoa Kỳ từ đâu chui ra để ồ ạt đổ quân vào Afghanistan? Và đây, nguồn cơn để Hoa Kỳ "nhân danh tự do, dân chủ & bảo vệ nhân quyền" để can thiệp quân sự vào Afghanistan, là 1 con người tên là Osama Bin Laden.

Chắc bạn cũng biết, vụ khủng bố ngày 11/09/2001 chấn động thế giới chứ? Thủ phạm của nó là mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, đứng đầu là Osama Bin Laden đấy; và Taliban đã che giấu Bin Laden trong lãnh thổ Afghanistan.

Dù là có thật hay là sản phẩm của một quá trình "ngụy tạo", thì muốn gây chiến tranh cũng cần phải có lý do; và Hoa Kỳ đã có một nguyên cớ không thể hoàn hảo hơn, để nhân danh "chống khủng bố" mà xâm lược Afghanistan rồi đấy. Và trong một thời gian cực kì ngắn, Taliban đã bị đánh đổ; một chính phủ Afghanistan thân phương Tây đã được thiết lập, tất nhiên Hoa Kỳ đứng sau hậu thuẫn cho nó.

Nhưng thật sự, việc Hoa Kỳ can thiệp quân sự vào Afghanistan đã có mầm mống từ trước đó; khi Mỹ muốn xây đường ống dẫn dầu mỏ & khí đốt mang tên TAPI, nhằm vận chuyển dầu khí từ Trung Á ra Ấn Độ Dương. Đầu vào của nó là những mỏ dầu khí ở Turkmenistan, Uzbekistan, Kazakhstan; sở dĩ nó có tên là TAPI vì nó đi qua 4 nước (Turkmenistan - Afghanistan - Pakistan - India).

Mỹ đã gửi tối hậu thư cho Taliban yêu cầu để cho Mỹ lắp đường ống TAPI đi qua lãnh thổ Afghanistan, tất nhiên thì Mỹ cũng "không để Taliban chịu thiệt"; và Taliban không đồng ý, nên Mỹ đã phát động chiến tranh để lật đổ Taliban, coi Taliban là "nguồn gốc gây bất ổn ở Trung Á". Lại thêm nguyên cớ "chống khủng bố", "nhân danh tự do, dân chủ" & "bảo vệ nhân quyền"; quá hoàn hảo để Mỹ xâm lược Afghanistan, lập ra một chính phủ "dân chủ, tự do" ở Afghanistan, và đương nhiên là chấp nhận cho đường ống TAPI của Mỹ đi qua lãnh thổ Afghanistan, phục vụ cho dự án "Trung Đông lớn" của Hoa Kỳ.

Taliban bị đánh đổ nhưng nó chưa chết đâu, lợi dụng địa thế hiểm trở núi non của Afghanistan để chống lại Hoa Kỳ & chính phủ Afghanistan; suốt 20 năm ròng, đất nước này chứng kiến sự tranh chấp kịch liệt giữa Taliban & chính phủ Afghanistan.

Và khi NATO cũng như Hoa Kỳ rút toàn bộ nhân sự khỏi "mồ chôn đế quốc" này, thì thời của Taliban đã đến; thời đến thì cản không nổi, Taliban nhanh chóng tiến về Kabul, chính phủ Afghanistan nhanh chóng sụp đổ.

Còn đất nước Afghanistan sẽ ra sao, người dân Afghanistan sẽ như thế nào? Hãy để thời gian trả lời nhé.

Ps; Trong ảnh (bên trái) là trực thăng Hoa Kỳ di tản nhân viên ngoại giao Mỹ khỏi Sài Gòn (4/1975), còn (bên phải) là trực thăng Hoa Kỳ di tản nhân viên ngoại giao Mỹ khỏi Kabul (8/2021).

Người viết: fb Phạm Nguyễn Minh Kim

ps; Cơ mà có một điều mà chắc chắn Kabul không thể so sánh với Sài Gòn năm 18975 đó là nữ sinh cũng ở sài gòn cũng như phụ nữ ở Nam VN xưa k rơi vào hoảng sợ và lo âu đến toàn thể dân cư như ở Kabul lúc này ....

link

https://cdn.noron.vn/2021/08/17/3921311314297620-1629169468.jpg
Từ khóa: 

lịch sử

,

tin tức

,

noron