SERIES: CHUYẾN PHIÊU LƯU CỦA CHÀNG TRAI THIỆN LÀNH - Phần 1- Phá vỡ và bất định

  1. Giáo dục

  2. Triết học

  3. Tư duy

Mọi câu chuyện phiêu lưu đều bắt đầu với một vài lời mô tả ngắn gọn về nhân vật chính, rồi theo sau đó là một sự kiện (tương đối) xui xẻo nào đó đã đưa đẩy anh/cô ta đến với quyết định rời xa mái ấm của mình. Ừ thì, tôi cũng sẽ bắt đầu câu chuyện của mình như vậy, dù rằng thời gian có thể hoặc là cường điệu hoá, hoặc là giảm nhẹ các tình tiết đi rất nhiều. Một mặt khác, có lẽ đấy cũng là một trong những lý do khiến các sản phẩm ngụ ngôn luôn sinh động và chiều chuộng tâm trí người nghe/kể.

À, câu chuyện của tôi cũng sẽ đặc biệt hơn một chút so với các tác phẩm truyền thống. Ấy là “nhân vật chính” này sẽ chẳng gặp được “cô tiên” hay “rồng thần” hay “một con chó sói trung thành” gì trên chuyến hành trình của mình cả. “Kẻ thù không đội trời chung” cũng chẳng phải là thứ sinh vật có hình thù rõ ràng, mà lại rất rõ ràng là đằng khác. Chỉ là… sẽ chẳng có thanh gươm nào có thể đâm xuyên tim con quái vật hay tên phù thuỷ đâu. Ừ thì, như thế này mới vui chứ.

Rồi, chúng ta cùng bắt đầu câu chuyện chính nhé!

Ngày xửa ngày xưa, đủ xưa để các bạn biết rằng khi tôi nêu tiêu đề của bài viết là “Nhìn lại chặng đường gap-year”, sự nhìn lại này đã phải lần mò trong ký ức trải dài nhiều năm liền.

Tôi lúc đó hãy còn là một con người ngây ngô và thiện lành, dù rằng bây giờ tôi cũng chẳng có lý do gì để bảo mình chẳng còn như thế nữa.

Sự thiện lành quá đỗi tinh khiết và vị nhân, mà đây chính là một trong những lý do khiến tôi khó lòng mà nhìn cuộc đời khác đi một chút tại thời điểm đấy.

“Ấy chết! Nếu mà cái con người đó chẳng thay đổi gì thì bây giờ mình chắc đang dành mỗi ngày tụng kinh gõ mõ ở đâu đó. “Đâu đó” ở đây thậm chí chẳng phải là một ngôi chùa.” – Tôi từng thật lòng nghĩ về điều này 2-3 năm trở lại đây.

Và đây là sự kiện (tương đối) xui xẻo mà các nhân vật chính của chúng ta thường gặp phải, đấy là một vài sự kiện không may khi xảy đến với một con người thiện lành như tôi đã hoá thân thành một chuỗi các đau đớn tột cùng.

Sự kiện không may đó, và đồng thời cũng là thứ sinh vật phản diện rõ mồn một kia chính là Giáo dục. Một hệ thống giáo dục đã gần như bóp nghẹt sự thiện lành và tình yêu tha thiết cho tri thức của tôi tím cả mặt.

Ở cái độ tuổi đấy, trong khi đa phần học sinh chật vật với thái độ học tập, tôi lại chật vật với việc bản thân mình THỰC SỰ MUỐN HỌC. Vậy cái THỰC SỰ đó khác biệt đến mức nào với một hệ thống giáo dục mang tính nhồi nhét kiến thức?

Đối với tôi, TRI THỨC là một trong ba giá trị cốt lõi mà tôi có chết cũng phải trung thành với chúng, và đây chính là giá trị tối cơ bản định nghĩa cái kiếp người ngắn ngủi này.

Nếu so sánh với kiểu mẫu nhân vật chính yêu chuộng hoà bình và sẵn sàng hy sinh thân mình vì hoà bình thế giới (thậm chí cả vũ trụ), tôi cũng chẳng có lấy chút dè dặt nào mà dám đưa ra nhận định tương tự.

Tri thức, cuối cùng, cũng là sản phẩm đầu ra tự nhiên như bao sản phẩm sinh học khác của một cơ thể sống. Hay đúng hơn là, để đạt được tri thức, cả cơ thể sinh lý lẫn tâm lý của chúng ta đều trải qua một quy trình thu nạp, xử lý, tái cấu trúc, tổng hợp, phân bổ, v.v. các nguyên liệu đầu vào.

Ừ thì nếu tôi bảo rằng đấy mới là SỰ HỌC THỰC SỰ và các bạn chê trách cho sự võ đoán đấy, tôi cũng chẳng dám bao biện gì hơn bởi lẽ đám nhân vật chính là một lũ người rất giỏi lý tưởng hoá cuộc đời bọn họ.

Và, các bạn thấy đấy, hệ thống giáo dục đương đại đã cưỡng chế tôi tách khỏi chu trình tự nhiên của mình trong việc tìm kiếm tri thức. Thật ra nó cưỡng chế nhiều người đấy chứ, đấy là lý do vì sao tôi bảo thứ sinh vật phản diện này rõ mồn một như vậy. Chỉ là, tội ác của nó quá tinh vi đến mức thuyết phục mọi nạn nhân nghĩ rằng chính họ là kẻ phản diện.

Thế đấy, các bạn đã nhìn ra mô-típ của một câu chuyện phiêu lưu điển hình chưa? Một nhân vật chính yêu chuộng hoà bình, một quỷ vương lăm le gieo rắc hỗn loạn, và một (vài) sự kiện (tương đối) xui xẻo đã tạo ra vô vàn khổ đau cho nhân vật chính.

Thế là, chuyến hành trình chính thức bắt đầu từ đây. (Còn tiếp)

__________

Painting: "The Eye" by Salvador Dalí, 1945.

Từ khóa: 

giáo dục

,

triết học

,

tư duy

,

văn học

,

giáo dục

,

triết học

,

tư duy

Đón đọc chuyến phiêu lưu của Ông Rùa :)

Trả lời

Đón đọc chuyến phiêu lưu của Ông Rùa :)