Tản mạn về sự ngộ chữ (và thói tự phụ)

  1. Giáo dục

  2. Tâm sự cuộc sống

  3. Triết học

/TẢN MẠN VỀ SỰ NGỘ CHỮ/

Thời gian vừa rồi tôi được chia sẻ cho một câu "Đọc hơn người ta một trang sách là đã có thể dạy được người". Thoạt nghe có vẻ là một cách tương đối hữu ích để kích thích tinh thần đọc sách, truyền cảm hứng cho sự học và lan toả sự học. Tuy nhiên, ngẫm đi ngẫm lại, mới nhận ra đây chẳng phải là một lời biện hộ xinh đẹp cho "bệnh ngộ chữ" và "thói tự phụ" sao??

Chính xác mà nói tinh thần và hình thái của sự "dạy" nó đa dạng vô cùng. Chỉ được người ta cách rán trứng cũng là "dạy", giúp người ta hiểu được giá trị nhân sinh cũng là "dạy", bày cách cộng trừ nhân chia cũng là "dạy". Vậy thì, tôi xin thắc mắc giữa "dạy" và "truyền đạt thông tin" thực sự khác nhau như thế nào?

Ừ thì nó quá hiển nhiên phải không nào? Khi mà đối tượng được truyền đạt cũng như cách thức truyền đạt giữa 2 hình thái kia hoàn toàn khác nhau. Một bên là "thông tin", một bên là "tri thức". Mà đã là "tri thức" thì buộc phải đạt đến một cấp độ của sự thật (levels of factivity) nhất định, trong khi thông tin hoàn toàn linh hoạt giữa sự đúng và sự sai. Hơn nữa, một khi ai đó đã tự tin cho rằng thông tin mình đưa ra thuộc về địa hạt của tri thức, họ còn gán lên đó giá trị của niềm tin.

Ví dụ như khi bạn nói "Mặt trời mọc ở đằng Đông" - trạng thái tâm lý của bạn không chỉ cho rằng "Đây là tri thức - sự thật", mà còn là "Tôi TIN RẰNG đây là tri thức - sự thật".

Điều này chẳng có gì đáng chê trách, bởi lẽ đa phần con người chúng ta sống được nhờ vào Niềm tin, không phải Sự thật. Một cơ chế sinh tồn quá hiệu quả.

Cái mà tôi cho rằng thực sự nguy hiểm là khi ai đó cho rằng mình có thẩm quyển để "dạy - truyền đạt tri thức" với một niềm tin nhất định khi chỉ đọc được vài ba trang sách hay thậm chỉ là cả cuốn sách, thậm chí khi sự ngâm cứu sau khi đọc còn rất hạn chế. Vấn đề không nằm ở bản chất của sự truyền đạt, mà nằm ở trạng thái tâm lý của người truyền đạt. Hay bằng một cách nói khác, đó là biểu hiện của sự "ngộ chữ".

Mọi thông tin từ mọi nguồn đều được thu nạp một cách bừa bãi với tinh thần sùng bái quá mức các thông tin đó. Cho rằng điều mà mình vừa đọc/nghe được là chân lý, là tinh hoa của đất trời. Và chính vì thế việc truyền đạt lại những thông tin đó cũng trở nên bừa bãi, mang tính áp đặt, và là miếng mỡ béo ngậy của thói tự phụ.

Cá nhân tôi rất dị ứng với thực hành đó, nó khiến tôi đui mù trước những thiếu sót trong phẩm chất, kiến thức, và kỹ năng của mình. Dù không thể tránh khói việc chúng ta đôi khi sẽ rơi vào cạm bẫy của sự ngộ chữ kèm thêm thói tự phụ. điều quan trọng nhất là giữ cho mình tỉnh táo và dũng cảm để đối mặt với điều đấy. Đối với tôi, sự học và sự dạy là thách thức to lớn nhất của cuộc đời, mà chính vì thế, không ít người quyết định thực hành nó một cách hời hợt và bữa bãi để thoát khỏi sự thống khổ này.

Painting: Density by Lisa Baker

Từ khóa: 

giáo dục

,

triết học

,

cuộc sống

,

giáo dục

,

tâm sự cuộc sống

,

triết học