Thành tựu nhà Tây Sơn với một số dẫn chứng

  1. Lịch sử

Triều Tây Sơn là một triều đại mang nhiều tranh cãi hiện nay, đây là một thời kỳ có mốc thời gian diễn ra khá gần nhưng sử liệu lại cực kỳ thiếu thốn, những gì chúng ta có thể biết về triều đại này đa số chỉ có thể lục tìm từ vài nguồn tài liệu hiếm hoi còn sót lại và cũng rất rời rạc, điểm danh qua thì có:

  • Phần viết về Ngụy Tây liệt truyện trong Đại nam thực lục – chính sử nhà Nguyễn
  • Tài liệu của các giáo sĩ nước ngoài
  • Sử nhà Thanh, Xiêm sử
  • Hoàng Lê Nhất thống chí
  • Một số văn thư còn sót lại của Tây Sơn lưu lạc ở nhà Thanh, hoặc nước ngoài

Những chuyên khảo nghiên cứu về giai đoạn này chủ yếu đều từ khai thác những sử liệu ở trên, một vài quyển viết về thời này có thể đọc đó là:

Chuyên khảo của Nguyễn Duy Chính như: Việt Thanh chiến dịch, Giả vương nhập cận, và một số chuyên khảo khác, Lịch sử nội chiến của Tạ Chí Đại trường, các chuyên đề tổng hợp trên Thư viện Hán Nôm …

Từ những tài liệu trên thì mình xin rút ra một vài thành tựu cơ bản của triều Tây Sơn như sau:

1. Mở ra tiền đề quan trọng để thống nhất đất nước:

Trước thời Tây Sơn là thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh khi Chúa tiên Nguyễn Hoàng thoát ly chính quyền Lê – Trịnh tiến vào Đàng Trong. Đây là thời kỳ Nam tiến mạnh mẽ trong lịch sử Việt Nam nhưng đồng thời cũng mở ra thời gian chia cắt dài đến hơn 200 năm giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài, tạo ra sự cách biệt rất lớn không chỉ về mặt địa lý ngăn cách bởi sông Gianh, một dãy Hoàng Sơn chia hai Nam Bắc, mà cả khác biệt về thành phần dân tộc, văn hóa và thể chế chính trị. Hai trăm năm là thời gian rất dài, tạo ra sự ngăn cách khó thể xóa nhòa trong một sớm một chiều, và cùng với sự phân tranh bất phân thắng bại của Trịnh – Nguyễn củng cố thêm điều này khiến hai bên gần như hai quốc gia riêng biệt dù trên danh nghĩa cả hai vẫn là thần tử của vua Lê. Tây Sơn là thế lực đầu tiên chấm dứt sự cai trị của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, và khi Nguyễn Huệ dẫn quân Bắc tiến diệt Trịnh phò Lê cũng là lần đầu tiên trong hơn 200 năm, lằn ranh phân chia giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong mới được xóa bỏ. Đây là tiền đề hết sức quan trọng để thống nhất đất nước sau đó.

2. Giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ:

Điều này thể hiện qua 3 lần:

  • Đánh bại quân Xiêm ở trận Rạch Gầm – Xoài Mút
  • Đánh đuổi quân Thanh ở trận Kỷ Dậu
  • Không nhường bước trước yêu sách của nhà Thanh yêu cầu đòi cắt đất trong lần nghị hòa sau trận Kỷ Dậu

Tại sao mình lại nói giữ toàn vẹn lãnh thổ, thì cần đi sâu vào phân tích một chút tình hình nước ta lúc đó và so sánh với một số lần khác. Trong lần Nguyễn Ánh muốn dốc quân tận diệt Tây Sơn sau khi Nguyễn Huệ chết, Nguyễn Ánh đã nhờ Ai Lao giúp sức, và sau đó đã thành công tiêu diệt Tây Sơn, thì trong lần thành công đó, Nguyễn Ánh đã cắt trả Trấn Ninh cho Lào, điều đó được ghi nhận trong Đại Nam thực lục như sau: “Tính ra trong vòng hơn 300 năm Trấn Ninh vẫn theo chức cống, đất rộng dân đông, đứng đầu các Man, Trình Quang là đô ấp. Cuối đời Vĩnh Hựu tôn thất nhà Lê là Duy Mật chiếm cứ hơn 30 năm, đến năm Cảnh Hưng thứ 31 mới dẹp được, rồi cho thị tộc Cầm nối đời làm xà chánh xà phó …. Bản triều đầu đời Gia Long, Thiệu Ấn nước Vạn Tượng có công đánh giặc (Tây Sơn), do đó đem đất này cho Vạn Tượng”Và yêu sách của nhà Thanh trong lần nghị hòa với Tây Sơn: “Ngày 14 tháng Hai năm Kỷ Dậu, vua Càn Long gửi thư cho Phúc Khang An bắt nước ta đem các khu vực có mỏ ở biên giới dâng cho nhà Thanh để tạ tội thì mới chấp thuận cho đầu hàng. Ngày 30 tháng Hai, quân cơ đại thần nhà Thanh lại tra trong Đại Thanh Nhất Thống Chí để truy tìm thêm những khu vực trước đây vua Ung Chính trả lại cho nước ta [mà họ nói là “ban cho”], bao gồm 40 dặm lấy sông Đổ Chú [賭咒] làm ranh giới. Văn thư này nhà Thanh gửi cho Phúc Khang An theo lối hoả tốc [600 dặm một ngày] có ý dùng như một áp lực trước khi họ chính thức nhận tờ biểu “thâu thành” của nước ta” - Tây Sơn từ chối thực hiện yêu cầu này.Điều đó cho chúng ta thấy được rằng, chỉ một lần giúp đỡ Lê Chiêu Thống không thành nhưng nhà Thanh vẫn đòi 40 dặm đất địa phận sông Đổ Chú, một lần Lào, một nước yếu ớt ai cũng bắt nạt được ở Đông Nam Á giúp đỡ thành công mà mất Trấn Ninh, thì hãy thử tưởng tượng hậu quả khi thiên triều Xiêm La thành công giúp đỡ Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn?

3. Có xu hướng phát triển thương mại và mở cửa giao thương tư nhân với nước ngoài:

Điều này thể hiện qua việc, trong lần nghị hòa với nhà Thanh, Nguyễn Huệ cũng thành công nối lại được thương mại cửa khẩu biên giới phía Bắc:- Trước đây khi có chiến tranh với Miến Điện, vì thua trận nên vua Càn Long đã ra lệnh phong quan, nghiêm cấm mọi việc buôn bán qua lại vùng tây nam, trong đó có cả những cửa khẩu sang nước ta. Theo tài liệu nhà Thanh, dọc theo biên giới Việt Hoa có bách ải, tam quan là những nơi có thể qua lại. Tuy nhiên, việc buôn bán chỉ tập trung ở ba cửa lớn có đóng trọng binh là Trấn Nam, Bình Nhi và Thủy Khẩu. Ba cửa quan này một bên là phủ Thái Bình (Quảng Tây, Trung Hoa) một bên là hai trấn Cao Bằng (Thủy Khẩu, Bình Nhi) và Lạng Sơn (Trấn Nam) thuộc nước ta.

Khi mở cửa quan để buôn bán trở lại, mỗi bên thiết lập một nơi tập trung hàng hóa để kiểm soát và phân phối, bên phía nhà Thanh gọi là xưởng còn bên nước ta gọi là chợ [thị]. Ở Cao Bằng, chợ họp tại Mục Mã còn ở Lạng Sơn thì tập trung tại Kỳ Lừa thuộc Ðồng Ðăng. Vì khu vực Nam Quan có nhiều con buôn từ xa đổ đến nên tại Kỳ Lừa chia thành hai khu, một khu gọi là Thái Hòa cho dân từ Quảng Ðông đến, một khu gọi là Phong Thịnh cho người Quảng Tây đến. Mỗi khu vực lại có nhân viên quản lý và bảo vệ. Trấn Nam Quan không mở ra cho dân chúng qua lại mà chỉ khi nào có sứ thần thì binh lính canh gác mới mở để cho qua, đôi khi còn làm khó thử tài văn chương nữa. Tuy nhiên ở gần đó có một ải gọi là Do Thôn là nơi khách thương qua lại và hàng hóa theo đường này.

Tuy không có số liệu cụ thể, việc mở cửa lại các cửa quan đã ảnh hưởng lớn đến việc giao thương ở miền Bắc, vực dậy một khu vực bị chiến tranh và nạn cát cứ tàn phá trong một thời gian dài. Chỉ ba năm sau, Thành Lâm [khi đó là đồng tri Ninh Minh] đã tâu lên vua Càn Long:

“Từ năm 56 được thánh ân chuẩn cho nước An Nam thông thị đến nay, lúc đầu các loại hàng hóa xuất khẩu chỉ có các loại dầu, đồ sứ, giấy bản, nồi gang… đều là những món nặng nề, thô kệch.

Gần đây, dân chúng nước ấy vui vẻ làm ăn nên những đồ cần dùng gia tăng gấp bội khi trước, nô tài qua lại Trấn Nam Quan mục kích trên đường đến ải Do Thôn hàng hóa xuất khẩu cuồn cuộn không dứt.

Tra hỏi họ đem những hàng hóa gì thì biết là có vải tơ, trà thơm và những món hàng không nặng lắm. Còn Bình Nhi, Thủy Khẩu hai cửa thuộc đồng tri Long Châu kinh lý, cách Trấn Nam Quan khá xa, hỏi ra thì đồng tri Vương Khẳng Ðường cũng nói rằng gần đây hàng hóa xuất khẩu so với khi mới mở chợ, mỗi ngày một nhiều…”Đồng thời cũng theo biên khảo của Nguyễn Duy Chính: Theo các tài liệu khám phá được ở châu Qui Hợp, tỉnh Nghệ An năm 1974 trong từ đường quận công Tran Phuc Hoan thì ngay từ tháng 9 năm 1787 (tháng 8 năm Đinh Mùi, Thái Đức thứ 10) tức là ngay những ngày đầu khi đất Nghệ An mới thuộc quyền kiểm soát của Nguyễn Huệ, quan trấn nhậm huyện Hương Sơn đã ra lệnh cho châu Quy Hợp phải nới lỏng giao thương và bãi bỏ thuế đánh vào nhà buôn hay lúa gạo thường qua lại vùng này.

Trước đây, triều Lê Trịnh, các thông lộ qua Ai Lao đều bị kiểm soát chặt chẽ nên việc thương mại với các lân bang hầu như không có gì cả, ngoài việc thu thuế một số sản vật trao đổi giữa các dân tộc thiểu số. Cũng theo tài liệu này, Nguyễn Huệ đã thực hiện được một cải cách quan trọng mà trước nay chưa từng có, đó là biến khu vực này thành một vùng tự do giao thương để phát triển trao đổi song phương giữa nước ta có ưu thế trực tiếp với biển cả còn Ai Lao là đầu mối của mạng lưới buôn bán với khắp các khu vực nội địa lên đến tận Bắc Ấn Độ và Nam Trung Hoa. Kiểm soát được hệ thống buôn bán này, ông đã mở ra một đầu cầu mới thay thế cho con đường trước đây thương nhân vẫn sử dụng dọc theo khu vực Trường Sơn và đường thuỷ lộ xuống Cao Miên để từ đó thông ra biển.

Ngoài ra, gần đây cũng phát hiện thêm 2 tờ chiếu của Cảnh Thịnh được lưu giữ tại bảo tàng Anh Quốc (trong ảnh) nói về sự cởi mở trong mối quan hệ ngoại giao của Tây Sơn đối với các nước phương Tây lúc bấy giờ.

https://www.facebook.com/groups/HistoryEnthusiastsVN/permalink/292241081589842/Từ
những sử liệu trên thì có thể thấy được, Nguyễn Huệ nói riêng và triều Tây Sơn nói chung, khá chú trọng thương nghiệp, và có xu hướng mở rộng thương mại tư nhân và giao dịch với nước ngoài, không chỉ là các nước Phương Tây mà kể cả các đối tác trong khu vực. Đây là những thành tựu theo mình nghĩ là quan trọng, và đáng ghi nhận của triều Tây Sơn sau khi tham khảo các sử liệu đương thời, đương nhiên có thể sẽ thiếu và sai sót, rất mong nhận được sự tranh luận và bổ sung của các bạn

Từ khóa: 

tranh biện sử việt

,

thành tựu thời tây sơn

,

lịch sử

Chỉ một lần giúp đỡ Lê Chiêu Thống không thành nhưng nhà Thanh vẫn đòi 40 dặm đất địa phận sông Đổ Chú, một lần Lào, một nước yếu ớt ai cũng bắt nạt được ở Đông Nam Á giúp đỡ thành công mà mất Trấn Ninh, thì hãy thử tưởng tượng hậu quả khi thiên triều Xiêm La thành công giúp đỡ Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn?

Trả lời

Chỉ một lần giúp đỡ Lê Chiêu Thống không thành nhưng nhà Thanh vẫn đòi 40 dặm đất địa phận sông Đổ Chú, một lần Lào, một nước yếu ớt ai cũng bắt nạt được ở Đông Nam Á giúp đỡ thành công mà mất Trấn Ninh, thì hãy thử tưởng tượng hậu quả khi thiên triều Xiêm La thành công giúp đỡ Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn?

Nguyễn Ánh cắt Trấn Ninh cho Lào?