Thời gian là hữu hạn, học cách nói "Không" với những thứ không làm bạn hài lòng

  1. Phong cách sống

Có bao giờ bạn chợt nhận ra rằng tất cả mọi người xung quanh đã mặc định sự đồng ý của bạn là một điều hiển nhiên? Một ngày chỉ có 24 tiếng, nếu chúng ta luôn “say yes” với tất cả mọi lời đề nghị vậy thời gian nào chúng ta dành cho bản thân mình?

Vì sao chúng ta ngai từ chối? Do người khác hay do chính ta? Theo mình, mọi sự đều bắt nguồn từ chính bản thân một người. Mặc dù có rất nhiều yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến tâm lý nhưng quyền quyết định vẫn ở người đó và không ai có thể chịu trách nhiệm cho việc này, ngoại trừ bản thân họ. (Tất nhiên là trong trường hợp người đó vẫn đang tỉnh táo)

Learn-to-just-say-no-Fawn-Ferger_FB

Nguồn: Be Leaderly

Bản thân mình sau khi trải qua một số bài học đắt giá vì không biết nói KHÔNG, mình đã rút ra được một vài kinh nghiệm để “nhận dạng” những người từng giống mình, nhóm người cần phải học cách từ chối để cuộc sống thoải mái hơn.

Những người tính tình dễ chịu, ăn gì cũng được, đi đâu cũng được, tóm lại đây là tuýp dễ dãi, “sao cũng được”.Những người thuộc nhóm này thường có xu hướng chiều theo ý muốn đối phương và đồng tình theo ý kiến số đông vì thấy chuyện đó.. à ừm thật ra cũng không ảnh hưởng gì to tát đến mình.

Nhóm hay sợ mất lòng người khác. Chúng ta dường như luôn muốn xây dựng hình ảnh tốt đẹp trong mắt mọi người. Và những người này cũng vậy, họ nghĩ rằng khi từ chối một lời đề nghị của bạn, bạn sẽ nghĩ không hay về họ, mà đúng là chẳng ai muốn bị gọi là kẻ ích kỉ, xấu tính, nhỏ nhen hay hẹp hòi cả.

say-no

Nguồn: Old Town Hypnotherapy

Nhóm lo sợ rạn nứt các mối quan hệ, ý mình là những người “kèo dưới” người khác. Những ngày đầu đi làm của sinh viên mới ra trường luôn trong tư thế cởi mở, sẵn sàng học hỏi, không ngại khó khăn thử thách. Ai nhờ gì cũng làm, từ công việc chuyên môn đến pha cốc cà phê, ly trà,… bạn đều làm hết sức như thể đó là nhiệm vụ của bạn. Nhưng sau đó một thời gian liệu bạn có bắt đầu cảm thấy “sai sai”và tự hỏi tại sao mình phải lo lắng cho công việc và nhiệm vụ của người khác trong khi họ lại thảnh thơi rãnh rỗi?

Nhóm thuộc hội chứng FOMO – Fear of Missing Out - Nỗi sợ bị bỏ lỡ. Những người mắc FOMO tin rằng mình sẽ hạnh phúc và vui vẻ hơn nếu mình “cập nhật” được với tất cả mọi thứ hot trend, tin tức, sự kiện,.. đang diễn ra hằng ngày. Chính vì nỗi sợ bị “thụt lùi” này, một số người luôn sẵn sàng hoặc thậm chí làm mọi cách để tận hưởng thứ mà người khác cũng đang làm. Nói cách khác, họ “say yes” với tất cả các thứ đang hot mà không có sự chọn lọc, không biết nơi nào thì hợp với sở thích của mình, cái điện thoại nào thì phù hợp với tài chính hiện tại, chỉ cần biết nó “hot” là được.

BLOG-POST-PICTURE-35

Nguồn: tradingcomposure.com

Cuối cùng, nhóm chiều chuộng bản thân quá mức, hay còn gọi là chưa biết cách kiểm soát ham muốn bản thân. Ví dụ như một số người biết rằng uống nước ngọt mỗi ngày thay cho nước lọc thông thường là cực kì độc hại nhưng vẫn uống vì đã quen thưởng thức các loại đồ uống có hương vị dễ chịu và đợi một-ngày-nào-đó-không-phải-hôm-nay để thay đổi thói quen này.

Việc chúng ta không biết từ chối cũng là một hình thức tự hành hạ bản thân, cả về thể xác lẫn tinh thần. Khi chúng ta phải miễn cưỡng làm điều gì đó, chúng ta không thể làm nó hết sức hết lòng. Có khi vừa làm vừa cảm thấy bực bội vì không hiểu tại sao mình phải làm những thứ này trong khi mình đã lên lịch đi mát-xa thư giản mấy ngày trước đó. Tại sao chúng ta phải trích quỹ thời gian quý báu của mình để làm những thứ mà chúng ta không hề muốn mà lại còn gây khó chịu ức chế?

Đừng sợ bị gọi là ích kỉ khi bạn dành thời gian cho riêng mình. “Những người yêu thương và hiểu bạn sẽ thông cảm cho bạn”, thậm chí đôi khi bạn cũng chẳng cần phải giải thích để từ chối đâu, đơn giản chỉ là ngay tại thời điểm đó bạn không thể/ không muốn làm điều đó mà thôi.

Hơn nữa, khi chúng ta biết cách nói không thì những lúc chúng ta đồng ý sẽ trở nên cực kì có giá trị đối với người khác. Họ sẽ rất vui khi được bạn giúp đỡ hay có bạn tham gia vào một bữa tiệc nào đó mà không còn cho đó là một sự hiển nhiên hay mặc định nữa. Đầu tiên là tự tôn trọng mình, sau đó người khác sẽ biết cách trân trọng bạn.

3249568_orig

Nguồn: samesame-butdifferent.weebly

Khi nào thì nên nói không:

-         Khi bạn không thích, không muốn hoặc lưỡng lự với đề nghị của người khác.

-         Bạn cảm thấy bị “bắt nạt”, bị ép buộc khi phải làm việc đó.

-         Khi điều đó ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tinh thần và đời sống của bạn

Từ chối như thế nào là khéo léo?

Có rất nhiều cách khi bạn không muốn nhận lời, điều này phụ thuộc vào tình huống mà bạn đang gặp phải. Bạn có thể hẹn vào dịp khác hoặc gợi ý giúp đỡ theo một hình thức khác. Cá nhân mình thì sẽ lấy lý do “trực tiếp” luôn là mình có việc cá nhân và không thể thực hiện điều đó được.

Nên tránh viện cớ bằng những lý do dài dòng. Điều này chỉ khiến người ta nghi ngờ và nếu đó là một người khéo nói, họ sẽ biết cách thuyết phục bạn và cuối cùng bạn sẽ không thể từ chối được đâu.

Kết luận

Hãy nhớ rằng chúng ta chỉ đồng ý khi chúng ta thật sự muốn và không có bất cứ một lý do gì khiến ta phải suy nghĩ đắn đo nữa. Thời gian là hữu hạn, thay vì lập thật nhiều “to-do list” hãy thử lập “to-don’t do list” để tiết kiệm thời gian quý báu của bản thân cho những điều xứng đáng hơn!

Từ khóa: 

nói không

,

từ chối

,

yêu bản thân

,

nỗi sợ

,

phong cách sống