Thu nhập có phải là yếu tố duy nhất?

  1. Hướng nghiệp

Người đi làm thì quan tâm nhất tới điều gì? Công ty có cơ sơ vật chất đẹp, đồng nghiệp thân thiện, môi trường làm việc tự do, thoải mái? Nói qua nói lại, suy cho cùng điều mà họ để ý nhất vẫn chính là thực tế tôi nhận được bao nhiêu. Vậy thu nhập có phải là yếu tố duy nhất cần cân nhắc khi lựa chọn một công việc?

what-is-classified-as-income-when-qualifying-for-a-mortgage

Các khoản thu nhập khi đi làm

Ngoài lương cứng là thứ mà ai cũng biết thì các khoản phụ cấp cũng là điều mọi người cần lưu tâm. Hiện nay đa số các doanh nghiệp đang áp dụng một số phụ cấp cơ bản như:

-       Phụ cấp ăn trưa: dao động từ 30 – 40 nghìn đồng/ngày công

-       Phụ cấp đi lại: tuỳ theo từng chức danh sẽ có thẻ taxi hoặc phí đi lại

-       Phụ cấp điện thoại: thường là đối tượng sales được hưởng phụ cấp này

-       Phụ cấp theo dịp Lễ, Tết: Tết dương lịch, 8/3, 1/6, Rằm Trung thu, 20/10

Những khoản phụ cấp trên cũng gia tăng thêm một chút vào trong tổng thu nhập thực nhận.

Về thưởng, tuỳ theo từng đơn vị và quy định của từng công ty sẽ có các phần thưởng liên quan tới kết quả kinh doanh, thưởng sự vụ (kí hợp đồng mới hoặc có doanh thu mới), hoa hồng… Với đội làm hỗ trợ thường phần thưởng sẽ chi trả vào cuối năm để tổng kết lại cả năm làm việc, còn đội kinh doanh sẽ nhận thưởng theo tháng, quý.

Về các chính sách đãi ngộ quy đổi ra tiền sẽ bao gồm: thẻ bảo hiểm sức khoẻ, chính sách khám sức khoẻ định kỳ hay chính sách nghỉ phép (với số ngày nghỉ nhiều hơn 12 ngày) giúp cho người lao động có nhiều cơ hội nghỉ ngơi hơn cũng là điểm thu hút của doanh nghiệp

Bên cạnh đó các dịp như Team building hay Sinh nhật công ty hoặc Tiệc cuối năm cũng là điều được các cán bộ nhân viên mong đợi.

Vì vậy thu thập sẽ không chỉ tính tới lương mà còn tính tới tổng quan các chính sách dành mà người lao động nhận được.

Đừng vội nói đến thu nhập

Biết thu nhập là thứ rất đáng quan tâm nhưng thực tế chỉ chăm chăm quan tâm tới thu nhập thì rất dễ bỏ qua những yếu tố quan trọng khác nữa.

photo-1-1576662924387140450795

Thu nhập quan trọng nhưng chưa phải là tất cả khi bạn đi làm

Công ty như thế nào?

Đầu tiên hãy xem mức độ tin cậy của tổ chức mình sắp gia nhập. Lịch sử hình thành công ty ra sao, công ty kinh doanh qua các giai đoạn thế nào? Số lượng nhân viên là bao nhiêu? Thành tựu của công ty là gì? Xu hướng phát triển của công ty có còn phù hợp trong giai đoạn hiện tại và tương lai?

Tốt hơn nữa là mức độ hài lòng của nhân viên về công ty thế nào, tỷ lệ nhân viên gắn bó có cao không, công ty có coi trọng người lao động không?

Hằng năm các công ty đều ra báo cáo tài chính, nếu muốn tìm hiểu sâu hơn có thể đọc các báo cáo này để đánh giá nguồn tiền ra vào, lãi lỗ từ các khoản và có nhận định về tình hình kinh doanh của công ty.

Định hướng cho bộ phận bạn nhắm tới?

Định hướng cho tương lai của bộ phận rất quan trọng, nếu biết trước bộ phận đó không phải là trọng yếu, chỉ là tạm thời thành lập cho vận hành hoặc bộ phận có nhiều lịch sử chia tách, bộ phận liên tục có sự ra vào nhân sự mới cũ thì cũng nên suy nghĩ kĩ trước khi đầu quân về.

Nhiều người nói, mặc kệ chứ, chỉ cần công việc mình làm tròn trách nhiệm, việc mình mình làm không quan tâm tới người khác thì cũng không hẳn, một tập thể rệu rạo khó mà có thể tạo cảm hứng chứ chưa nói đến thành tựu khi đi làm.

Thêm vào đó, đã đi làm ai cũng muốn bộ phận mình tốt thì mình cũng thuận lợi hơn khi tương tác với đơn vị khác, nên thực sự cần quan sát thêm cả tình trạng chung của bộ phận nữa.

Osome-verifies-the-company

Nên tìm hiểu về công ty một cách kĩ lưỡng

Sếp quản lý trực tiếp là ai?

So với việc chọn công ty hay chọn bộ phận thì chọn sếp trực tiếp rất quan trọng. Công ty có thể hơi khó khăn đôi chút, bộ phận có thể có những biến động nhưng sếp trực tiếp có tầm nhìn, có tư duy, có sự kiên định và tinh thần hỗ trợ nhân viên thì vẫn là một cơ sở tốt cho chúng ta phát triển.

Theo thống kê thì 87% lao động Việt Nam khẳng định "Tôi bỏ việc không phải vì tiền!" và đây là 3 lý do chính được đưa ra: (1) Có cơ hội tốt hơn ở nơi khác; (2) Kỹ năng và khả năng của họ không được sử dụng đúng chỗ; (3) Không phù hợp với phong cách lãnh đạo của cấp trên (nguồn Jobstreet Vietnam).

Phong cách lãnh đạo không phù hợp, có những khoảng chênh về suy nghĩ và đường lối là thứ dễ khiến cho người lao động chán nản và rời bỏ tổ chức, do đó hãy cân nhắc và tìm hiểu thật kĩ yếu tố này.

76042

Sếp và đồng nghiệp cũng là một yếu tố quan trọng

Đồng nghiệp và môi trường làm việc

Trong suốt quá trình đi làm của cá nhân tôi, có lẽ một năm làm tại Vinpearl là một năm thực sự thoải mái nhất về đồng nghiệp, công việc dù siêu vất vả, tiến độ gấp và đòi hỏi cao nhưng đồng nghiệp rất hỗ trợ nhau.

Đồng nghiệp có trình độ cao nên không để tâm vào những chuyện nhỏ nhặt như lương bao nhiêu, nhà ở đâu, có xe chưa, có nhà chưa, gia đình bố mẹ thế nào, nhờ vậy mà môi trường rất văn minh, chỉ quan tâm về công việc mà không đi sâu vào soi mói đời tư. Nhờ vậy cũng thấy mọi người tử tế, dễ thương hơn.

Khi đi quá sâu vào đời sống cá nhân thường làm ta định kiến từ đó có đánh giá chưa đúng mực làm lẫn vào cảm xúc để xử lý công việc.

Đồng nghiệp tôn trọng và môi trường lành mạnh là yếu tố nuôi dưỡng khiến cho chúng ta gắn bó hơn.

Thủ thuật đàm phán lương

Khi đàm phán lương cần làm rõ mức thực nhận của chúng ta. Rất nhiều người bị nhầm lẫn giữa lương gross và lương net, do đó nghe lương gross thì có vẻ cao nhưng sau khi khấu trừ các khoản thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm thì nhận về lại không được bao nhiêu.

Do đó rất cần sự xác nhận tôi sẽ thực nhận là từng này cho một tháng làm việc. Một tips nhỏ nữa đó là nên thoả thuận lương bằng hoặc cao hơn mong muốn, vì thường đàm phán là quá trình nhà tuyển dụng tìm cách để dìm hàng, hạ thấp lương vì vậy nếu mức ta đưa ra không khả quan thì rất dễ bị ép lương.

Your-money-Five-ways-to-deal-with-income-disruptions-due

Đàm phán lương phù hợp trước khi bắt đầu

Lời kết

Nếu chỉ quan tâm tới lương có lẽ chưa đủ, hãy mở rộng sự quan tâm để đi tới một quyết định đúng đắn từ đó tạo ra cho mình một cơ hội phát triển toàn diện, cả về công việc lẫn mối quan hệ, để mỗi ngày đi làm là một ngày được cống hiến, đem lại ý nghĩa hơn cho cuộc sống này.

Trần Huyền.

Từ khóa: 

hướng nghiệp

Đúng là xã hội bây giờ kiếm tiền khó thật, nhưng tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm còn khó hơn.

Trả lời

Đúng là xã hội bây giờ kiếm tiền khó thật, nhưng tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm còn khó hơn.

Cảm ơn những chia sẻ bổ ích của chị!

Mình cũng quan trọng đồng tiền, nhưng đi kèm với đó phải là những bài học, trải nghiệm thì có thể sẽ tốt hơn!

Mĩnh nghĩ thu nhập cũng là một tiêu chí đáng để cân nhắc trước khi tìm việc mà, đặc biệt nếu như bạn đang sống ở nơi có chi phí đắt đỏ.