Thực hư ĐẠO PHẬT HIỆN ĐẠI - Không phải là mê tín mà là khoa học vĩ đại?

  1. Tâm linh

  2. Tôn giáo

Mình kể các bạn nghe về hành trình, mình nghiên cứu về Đạo Phật, quá trình từ lúc mơ hồ, cho đến lúc cảm thấy mọi thứ thật đơn giản, chứ không hề cao siêu, thánh thần gì cả.

Chia sẻ với các bạn, mình trước giờ chỉ nghiên cứu về kinh doanh thôi. Thời học sinh, sinh viên, mình không khoái cái gì liên quan đến chùa chiền, cúng bái, nên mình đã tách biệt khái niệm Đạo Phật ra khỏi đầu, vì coi nó là mê tín.

Nguyên nhân là từ bé không được hiểu căn nguyên, mà chỉ nhìn bằng mắt rồi tự phán xét. Sau này thì mình nghiên cứu kinh doanh lâu ngày, cũng cảm thấy trống vắng, nên có duyên đi học về Đạo Phật xem thực hư thế nào, và hóa ra Đạo Phật không giống như mình nghĩ trước kia. Kể từ đấy, mình bước vào việc nghiên cứu Đạo Phật, một cách có định hướng rõ ràng hơn.

Đầu tiên, khi bước vào thì mình cảm thấy nó quá rộng, thực sự với bản tính nghiên cứu kinh doanh, thì cái gì cũng phải có tổng quan toàn cảnh, logic. Nên khi bước vào một thế giới kiến thức mới, mình cảm thấy hơi choáng ngợp, với các định nghĩa như, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên, Thiền Định… Quá nhiều thứ mới, mà chẳng thể nào hiểu bản chất nó là cái gì. Mình cứ phải lầm lũi đọc, và nghiên cứu, rồi suy ngẫm để tìm câu trả lời cho từng thứ.

Cái khó nhất ban đầu, là mình chẳng biết cái mục tiêu của Đạo Phật là để làm gì? Rồi từng thứ một trong đó có tác dụng như nào, thành ra ban đầu thực sự rất rối. Ngôn từ được sử dụng trong giới tu học thì rất cao siêu, nghe như phim cổ trang. Và đặc biệt, nhiều ngôn từ chủ yếu là kiểu nghĩa hán việt, nên nghe cứ như các đạo tiên nói chuyện vậy.

Nhưng cũng may, ông trời phú cho mình cái đầu tò mò, ham học hỏi, mà chắc cũng thông minh. Nên có vẻ như nghiên cứu một hồi, mình cũng hình dung được tổng quan cơ bản. Mà lúc hình dung được rồi, mình thấy thực sự bản chất nó rất đơn giản. Vậy nên bây giờ, mình sẽ tóm tắt lại cho các bạn theo cách giải thích của mình, để các bạn có thể tham khảo nếu cần.

https://cdn.noron.vn/2022/03/30/497275987358564-1648621880.jpg

Khía cạnh thứ nhất. Đạo Phật là gì? Trả lời: “Đó là con đường để thoát khổ”.

Đơn giản là như thế thôi. Ban đầu thì nghĩ, thoát khổ thì chết đi thì hết khổ. Rồi mình đọc các tài liệu, nào là niết bàn, nào là cực lạc, vãng sanh. Cho nên lúc này, trong đầu chỉ nghĩ được đến thế thôi. Cơ bản là đọc đến đâu, thì mình lại nhìn vào thế giới vật chất, để tưởng tượng. Thành ra sai lầm hết.

Vậy trước tiên, ai chưa thấy mình khổ thì khỏi cần tìm hiểu.

Bệnh nặng bác sĩ không cứu được, gia đình không hòa thuận, cuộc sống bí bách, rất giàu có mà lại luôn phiền não. Hoặc những người luôn bị hối thúc câu hỏi: không hiểu mình sinh ra để làm gì, cuộc sống ngày có ý nghĩa là gì, vân vân. Lúc nào thực sự thấy khổ, thấy cuộc sống chông chênh, trống vắng. Thì khi đó, Đạo Phật là một lời giải hữu hiệu.

Thường thì các cái khổ nho nhỏ, từ bé chúng ta thích nghi rồi, nên chúng ta cũng chẳng thấy khổ lắm. Ví dụ như, đi học 12 năm phổ thông, chán lòi ra, chẳng biết học để làm gì. Nhưng thích nghi rồi, thì sau này đi làm thuê 8 tiếng ngoan ngoãn, cuối tháng nhận lương, vẫn vui như thường. Khổ cũng chịu được. Mà nhiều người tạo ra triết lý, càng Khổ càng tốt, rèn luyện bản thân, có khổ mới trân trọng cái sướng. Kiểu kiểu an ủi cuộc đời như thế cũng hay.

Như vậy: Đạo Phật là phương tiện để giúp bản thân thoát khổ. Mà hết khổ thì đó là sướng. Không khổ, không sướng, bình thản trước vạn vật thì là Cực Lạc, là Cõi Bồng Lai. Chứ chẳng có cái hành tinh nào tên là Cực Lạc đâu, để mà chúng ta bay đến đó.

Mình ngày xưa toàn tưởng tượng là như thế. Cứ nghĩ là đến Cực Lạc, giống như cưỡi mây, rồi té về một địa danh có tên như vậy.

Vậy thì chúng ta bước vào khía cạnh thứ hai. Các địa danh trong Đạo Phật là ở đâu?

Cõi Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh, Cõi Người, Cõi A tu la, Cõi Trời, Cõi Phật là ở đâu? Tam giới gồm có: dục giới, sắc giới, vô sắc giới, là ở đâu?

Cái này là cái khiến mình bị lú mề lâu nhất luôn, vì không thể nào tưởng tượng được ra. Thực sự hồi đầu nghiên cứu mình ngáo vô cùng với các địa danh ấy. Nhiều lúc mình cứ ngồi ngoài sân, nhìn lên trời và nghĩ. Chả có lẽ, có cái Cõi Trời trên kia, máy bay bay xuyên qua thiên đình luôn? Xem phim Tây Du Kí hồi bé cứ tưởng tượng thế.

Thực ra, những địa danh này là ở trong tâm các bạn ạ. Là trong tâm của mỗi chúng ta, chứ không phải ở thế giới vật chất ngoài kia.

Bạn đi ra đường, bị một người tạt đầu xe làm bạn bị ngã. Rồi hai bên chửi nhau, đánh nhau. Đó là lúc, cái Tâm sân hận trong cơ thể chúng ta trỗi dậy. Tâm sân hận chiếm quyền sử dụng thân xác của bạn, để tấn công người kia. Chửi nhau xong rồi, nhưng trong người bạn vẫn đầy bực tức, khó chịu. Bạn dựng xe lên, và đi tới nơi làm việc. Nhưng bạn vẫn không thể nào, gạt đi được sự cay cú bực tức trước đó. Và cả ngày hôm ấy, bạn sống trong sự thù hằn, căm phẫn, bực bội. Bạn tiếp tục suy nghĩ về các cảnh tượng, trả thù kẻ kia. Tưởng tượng ra việc, nên chửi nó ra sao, và lần sau oánh nó thế nào.

Đó là Cõi Ngã Quỷ trong tâm đó bạn. Khi tâm sân hận xuất hiện, con Quỷ trong bản thân nó chiếm quyền điều khiển thân xác, thì lúc đó là bạn sống trong Ngã Quỷ.

Tương tự như vậy, khi nào bạn Sợ Hãi, thì là đang sống trong Địa Ngục. Ví dụ như, ngồi trông con ốm, bố mẹ ốm, mà không có tiền chạy chữa. Nếu ai đó làm điều gì khuất tất, hãm hại người khác. Dẫn đến ngày đêm sống trong sợ hãi, tinh thần bất an, lo lắng, luôn giật mình, hay gặp ác mộng… đó là đang sống trong địa ngục.

Khi bạn làm đầy tớ cho một ông chủ nào đó, ông ta sai gì làm đấy, không biết đúng sai, bảo gì cũng làm. Hoặc, bạn đi học mà chẳng hiểu đi học để làm gì, không có mục tiêu, không có định hướng, thì đó là trạng thái của Súc Sinh. Khác gì con chó con mèo đâu. Cũng không khổ lắm, nhưng mà bị người ta đem thịt lúc nào cũng không biết, đại diện lúc này là Tâm Si. Si trong chữ ngu si, mê mờ.

Cõi người là khi, bạn đi bán hàng mà mồm mép dẻo quẹo, nhiệt tình, vui cười với khách hàng, đơn giản vì đó là cái Tâm Tham thôi, yêu thương gì khách hàng đâu. Cõi Người đại diện bởi Tâm Tham, nhưng cũng tốt vì Tham mà con người phải đối xử với nhau tử tế, chứ Sân hận với nhau, ngu si thì chỉ có ăn bả chuột, chứ lấy đâu ra việc lấy được tiền của nhau. Chữ Tham ở đây dịch nghĩa ra là: muốn được sở hữu về cho bản thân. Chứ không phải là dã tâm, ác độc, cướp chiếm của người khác, những hành động này là sống trong cõi ngạ quỷ, súc sinh, vừa nãy chúng ta vừa nói đến.

Cõi A tu la là khi bạn giỏi giang hơn một nhóm nào đó, thì bạn bắt đầu chém gió, thích thể hiện. Bạn thích giúp đỡ mọi người vì cảm xúc của bản thân. Mình thích thì mình giúp thôi, chẳng cần tiền nong gì cả. Nhưng cái giúp này hơi nửa vời, khoe mẽ năng lực bản thân, chứ không hẳn là vì người khác. Cảm giác này rất phiêu, hoành tráng đúng không các bạn. Đó là lúc Tâm ta được hưởng cảm giác Thần Thánh đấy còn gì. Nhưng mà vẫn chấp vặt, nếu như giúp nó mà nó không cảm ơn mình thì cũng ngứa mắt, từ sau tao đếch thèm giúp mày nữa. Trạng thái A tu la, đôi khi còn được gọi là cõi thánh chấp, chứ không phải là thánh thiện, làm việc tốt nhưng mà vẫn chấp vặt.

Cõi Trời là khi bạn thấu hiểu giá trị cuộc sống, bạn cống hiến mang lại thành tích cho quê hương, cho đất nước. Hoặc bạn xây dựng những công trình cho xã hội, hy sinh bản thân để bảo vệ quốc gia, gia đình, bảo vệ người yếu thế. Hoặc là bạn không tranh giành với ai, sống tự do tự tại, biết đủ, vân vân,… đó là những cảnh giới của cõi trời. Các bạn cứ thử trải qua mà xem, đó là một cuộc sống lâng lâng, phiêu bồng như trên mây vậy.

Còn cõi Phật là khi bạn đang đi. Một ai đó gặp khó khăn, họ nhờ sự giúp đỡ của bạn. Bạn sẵn sàng giúp họ. Bạn làm vì cảm nhận thấy nỗi đau, nỗi khổ, của người cần giúp. Chứ không phải bạn giúp vì, muốn mình được thanh thản, hay thể hiện bản thân mình là người tốt, như Cõi A tu la, càng không phải vì mong được báo đáp vật chất như cõi người.

Đó là lúc bạn đang sống trong cõi Phật, bạn giống như một vị Bồ Tát. Nhưng về cơ bản, con người khó lòng làm được trạng thái này. Vậy nên, chúng ta thường sẽ trải qua 6 cõi phía trên thôi.

Như vậy tóm cái váy lại, chỉ cần trong 1 ngày thôi, Thế giới trong tâm của chúng ta đã chạy khắp các ngả rồi, chứ không phải là đợi đến ngày chui xuống mồ, mới bị đầy đi nơi này, nơi kia đâu bạn.

Nếu chúng ta làm việc thiện, sẽ được trải nghiệm luôn sự sung sướng trong tâm. Nếu chúng ta làm việc ác, ngay lập tức sẽ bị đầy vào cõi khổ tức thời, hoang mang, lo sợ. Cho nên cái Tâm, nó sinh diệt liên tục, vừa mới ở cõi Trời xong, vừa giúp người xong, đi một đoạn đâm xe uỳnh 1 cái, thế là đứng chửi nhau như hát hay. Thế là Tâm nhảy ngay vào sân hận, và sống trong ngã quỷ, địa ngục, ngay lúc đó.

6 cái cõi trong tâm đầu tiên từ cõi địa ngục, đến cõi trời, được gọi là Dục giới. Còn 2 cái giới trong tâm sâu sắc hơn, là Sắc giới, và vô sắc giới, hai giới này, bước vào thường bằng cách Thiền Định.

Vậy nên, chúng ta bước vào Khía cạnh thứ 3, cùng tìm hiểu về Thiền Định.

Ngày xưa, mình nghe đến Thiền là nghĩ cái gì đó, nó cao siêu kinh khủng luôn. Lại còn được các ông nói về việc chứng ngộ thần thông này nọ, nên mình càng hốt, tìm hiểu cũng thấy hoang mang.

Nhưng Thiền Định là gì? Nói đơn giản hóa vấn đề là: hằng ngày chúng ta sống trong thế giới gặp quá nhiều vấn đề. Dẫn đến Tâm nó nhảy loạn xạ, suy nghĩ không ngừng. Nghĩ hết việc quá khứ, ân hận quá, bực bội quá. Rồi nghĩ đến chuyện tương lai, mong cầu quá, chờ đợi quá. Tâm nó đi hết quá khứ rồi tương lai, không thể nào mà dừng suy nghĩ lại được.

Thiền, nó giống như cái phanh của cuộc sống. Đạp cái phanh lại cho nó chậm lại, luồng suy nghĩ chậm lại, chậm cho đến khi nào không lo lắng về tương lai nữa, không hối hận về quá khứ nữa. Khi nào cái Tâm nó đứng im ở một trạng thái duy nhất, càng lâu càng tốt. Đây chính là sự tập trung. Bạn có thể tập trung vào đồ ăn, tập trung vào bước đi, tập trung vào công việc, tập trung vào một luồng suy nghĩ. Bất kì cái gì nhưng làm sao để duy trì sự tập trung lâu nhất.

Cho nên cái mục tiêu của Thiền là giảm tốc độ của Tâm xuống, và đến khi cái Tâm nó đạt cảnh giới, dễ dàng chú tâm cho thực tại cho một việc nào đó duy nhất. Từ Thiền Định nghĩa là Định tâm, cố định.

Đến khi bản thân chúng ta, hoàn toàn làm chủ được tâm của mình. Cảm nhận được tâm này đến, tâm kia đi, suy nghĩ này đến, suy nghĩ kia đi. Khi giận, biết mình đang giận. Khi tham, biết mình đang tham. Cảm nhận được sự sinh diệt của tâm.

Khi thấy cơ hội, cái tâm tham của ta trỗi dậy, ta thấy nó, nó sinh ra, rồi nó diệt đi.

Gặp một việc trái ý, cái tâm sân si trỗi dậy, bực tức sinh ra, ta thấy nó, rồi nó diệt đi.

Chúng ta cảm nhận, giống như chúng ta có thể đứng bên ngoài, nhìn vào chính diễn biến tâm của mình. Lúc đó chúng ta gọi là Thức Tỉnh.

Chưa thức tỉnh thì ta bổ củi, thức tỉnh rồi ta cũng bổ củi thôi. Nhưng lúc chưa tỉnh, thì đang bổ củi, Tâm nghĩ sẽ chuẩn bị nấu cơm. Nấu cơm xong còn lo đi giặt quần áo. Giặt quần áo thì bực mình, vì thằng bạn viết mực vào áo mình sáng nay. Chợt nhớ ra cây bút của mình, hết mực chưa thay. Bỗng thấy chán đời, vì lại nhớ ra là hết tiền mua bút. Suy nghĩ nó cứ rối loạn, quá khứ, tương lai, lo lắng.

Thức tỉnh rồi, đắc đạo rồi, thì ta bổ củi thì tâm chỉ nghĩ về bổ củi thôi, sống trong thực tại thôi, an nhiên, ung dung, tự tại.

Khi đạt được trạng thái này, thì coi như thiền mọi lúc mọi nơi, lúc nào cũng là thiền. Đi, biết mình đang đi. Ăn, biết mình đang ăn. Uống, biết mình đang uống. Làm gì thì trú tâm làm cái đó, cảm nhận từng xúc chạm, từng ánh nhìn, từng âm thanh trong khoảnh khắc đó. Thế thì chẳng sướng, cực lạc ở đây chứ ở đâu, tìm hoài các bạn nhỉ.

Các bạn thấy đấy. Có mỗi cái việc, khiến cho cái tâm mình không nhảy nhót, không suy nghĩ linh tinh. Mà sinh ra cả một đống các loại phương pháp, và ti tỉ môn phái, để giải quyết điều này.

Bởi vì đạt trạng thái định, tập trung trong khoảnh khắc, nhiều người có thể làm được. Nhưng duy trì nó, và biến nó trở thành sự tự nhiên trong từng giây phút, thì nó gọi là cảnh giới rồi. Lúc nào cũng an nhiên được, lúc nào cũng ung dung được, đó mới là cái người ta hướng tới.

Vậy nên, con đường để đến cảnh giới đó, người ta gọi là: con đường Tu Tập.

Chúng ta sẽ bước sang tìm hiểu, khía cạnh thứ tư. Tu tập là làm gì?

Nói thì dễ đúng không các bạn, cho cái tâm nó chú tâm vào thực tại, thế là xong. Nhưng làm sao để làm được điều đó, mà không suy nghĩ viển vông, trên trời dưới biển, quá khứ, tương lai?

Đạo Phật hướng dẫn một lộ trình, mình sẽ phân tích cùng các bạn.

Con người phân ra làm 3 phần: Thân, Tâm, và Trí tuệ. Thế giới trong Tâm, là thế giới mà chúng ta đang tưởng tượng ra trong đầu mình. Lúc này mình mới hiểu, bộ phim Tây Du Kí không phải đơn thuần, chỉ kể về quá trình đi thỉnh kinh của Đường Tăng. Mà đó là một bộ phim để nhân hóa, mô phỏng quá trình bản thân chúng ta, chiến đấu trong nội tâm của mình.

Ví dụ như, Tôn ngộ không, đại diện cho tâm chính nghĩa, bát giới đại diện cho tình cảm dục vọng, sa ngộ tĩnh đại diện cho thân thể khoẻ mạnh, con ngựa đại diện cho ý chí, còn đường tăng đại diện đức tin. 5 mình trò đường tăng đồng lòng là sự hợp nhất trên đường đi thỉnh kinh phải hàng ma, phục yêu, chính là quá trình đấu tranh với những ma tính, tâm tham lam, lửa sân hận, tính tự ái, sự ích kỉ, những ham muốn của bản thân.

Cụ thể như, ngưu ma vương đại diện cho lòng tự ái, công chúa thiết phiến đại diện cho sự ích kỉ, hồng hài nhi đại diện cho lửa sân hận. Những yêu quái như kim giác, ngân giác, đại diện cho tiền tài, có thể trói buộc tôn ngộ không. Phản ánh tâm của con người dễ bị tiền tài trói buộc, trở thành nô lệ cho đồng tiền. Các bạn có thể tìm hiểu thêm, bằng xem giải thích trên Youtube.

Tu tập được chia làm 3 giai đoạn là, Giới, Định, Tuệ, như sau:

Giai đoạn 1: Đầu tiên là học làm điều tốt. Ủa mà sao lại bắt đầu bằng làm điều tốt? Nhiều người nói là: làm điều tốt để được hưởng phước. Thì cũng đúng vì nếu đạt được trạng thái sướng, là hưởng phước còn gì.

Nhưng mình nghĩ đơn giản là, làm điều tốt, sẽ giúp Tâm bớt suy nghĩ hơn là làm điều xấu. Bạn cứ nghĩ mà xem, những điều tốt bạn làm, bạn có nhớ không? Nhưng những điều xấu bạn làm, thì luôn khắc sâu trong đầu, rất dễ khơi gợi lại trong tâm trí.

Vậy nên hằng ngày càng làm nhiều điều tốt, thì sẽ giúp cho Tâm thanh thản hơn, tốc độ suy nghĩ của tâm nó chậm dần lại, không bấn loạn, không bị căng thẳng.

Cái này Đạo Phật gọi là Giới.

Giai đoạn 2: Khi làm điều tốt nhiều rồi thì tâm nhẹ nhàng hơn rồi, giống như là trước kia phi 120 km/h, thì giờ còn khoảng 30 km/h thôi. Tâm nó dao động ít, chậm hơn, suy nghĩ ít hơn, sân si giảm dần.

Khi tốc độ chậm hơn rồi thì chúng ta có thể học Thiền Định, nghĩa là cho tốc độ tâm giảm xuống tiếp, khi nào đứng im thì thôi. Gọi là Đạp phanh đúng không?

Thiền định nghe phức tạp, nhưng bản chất đơn giản thôi, đó là học cách tập trung vào một thứ gì đó.

Ví dụ như các cụ: ngồi niệm phật, lần hạt, thực ra thì niệm cái gì cũng được, gọi là thần chú cho nó sang miệng. Tác dụng như nào? Khi mình ngồi, mình đọc một câu gì đó, thì tâm sẽ tập trung vào câu đọc đó, thế là không suy nghĩ viển vông nữa, tốc độ của tâm nó giảm dần.

Các bạn sẽ thấy, Cái Tâm, chính là Tôn Ngộ Không, nhảy nhót khắp nơi, lên thiên đình xuống địa ngục. Một nhún là đến thiên sơn. Nghĩa là hoàn toàn có thể, 1 khoảnh khắc thôi đã có thể thành Phật, đắc đạo được rồi. Nhưng mà toàn thân thì phải trải qua từng kiếp nạn, loại bỏ những tính xấu, ma tính trong bản thân mình, thì mới đến được Thiên Sơn. Thế nên Ngộ Không phải phò tá Đường Tăng, trên từng bước chân, rửa đi cái nghiệp của bản thân, những thói quen cũ, những kí ức cũ, những mong cầu.

Chúng ta hằng ngày phải đi làm, đi xe, va chạm, hơn thua, nhìn đứa này ngứa mắt, nghe đứa kia nói xấu mình, nếm vị này thấy đắng, nằm trong phòng thấy lạnh,…quá nhiều thứ tác động, làm cho cái Tâm không thể nào yên tĩnh được. Nó cứ nhảy nhót liên tục, lúc sướng, lúc khổ, không thể nào kiểm soát được.

Nhiều khi Tâm bị cuốn vào các thú vui cuộc sống, không giữ được mình. Khi cái Tâm nó làm bậy, thì bồ tát chơi luôn cho cả vòng kim cô lên đầu cái Tâm. Nghĩa là khi chúng ta có sự quan sát, và kiểm soát cái Tâm, để nó không được phép muốn làm gì thì làm.

Và khi Tâm bấn loạn thì sư phụ đọc thần chú. Nghĩa là khi tâm bạn bị loạn, thì chúng ta có thể ngồi xuống, đọc thần chú gì đó, để cho chú tâm trở lại. Thần chú các cụ hay học là: Nam mô a di đà phật, vì Đức Phật A Di Đà được quan niệm rằng, ngài sẽ dang tay đón mọi người, đến với cảnh giới thanh tịnh, cực lạc. Khi trú tâm, không còn bấn loạn, không còn hoảng sợ, không còn lo lắng, thì tâm trở nên thanh tịnh, đúng quá rồi.

Hoặc biết ơn Đức Phật Thích Ca, đã giải thích cho chúng ta hiểu về thế giới trong tâm này, thì có thể đọc câu gì đó để cảm ơn Đức Phật thích ca, tỏ lòng cảm kính.

Hoặc sử dụng thần chú hốp-pô-nô-pô, với 4 câu sau: Tôi xin lỗi, hãy tha thứ cho tôi, cảm ơn bạn, tôi yêu bạn. 4 câu nói này, có tính trị liệu cảm xúc rất cao, bạn có thể tìm hiểu thêm tại Google để thực hành.

Ngoài ra, thì có thể thiền bằng cách quan sát hơi thở, thở ra, hít vào, tập trung quan sát, gọi là Thiền Khí Công, nghe hoành tráng không?

Hoặc Thiền Quán Thế Âm, quan sát âm thanh thế gian, tập trung vào nghe những tiếng động xung quanh, và quên đi mọi thứ khác.

Hoặc, chúng ta Thiền trong công việc, ăn uống, đi lại. Thiền được như vậy thì vô cùng tuyệt vời. Hiệu quả công việc, học tập, lúc đó sẽ rất tốt.

Nói chung, Thiền đơn giản là: mình tập trung vào một đối tượng nào đó, lâu nhất có thể. Để rồi Tâm ta lành tính dần, chậm dần. Nhưng Thiền theo kiểu, chúng ta rà phanh đứng khực lại. Rồi sau đó, hết thiền thì chúng ta lại nghĩ loạn xạ mọi thứ, thì cũng không ăn thua.

Mục đích là rèn được thói quen cho tâm chậm lại dần, sau mỗi lần thiền, và dần dần đạt trạng thái thiền liên tục, và sống trong thực tại, sống trong sự tập trung.

Giai đoạn 2 này trong Phật Giáo, được gọi là Định.

Giai đoạn 3: Khi thiền chậm lại được rồi, thì sẽ bắt đầu thấy hiện tượng khởi sinh Trí Tuệ, hiểu biết ta cần tìm kiếm sẽ ngày càng rõ hơn.

Ví dụ như: với kinh nghiệm của mình thiền trước khi ngủ, đó là lúc mình tạm quên hết mọi thứ, mọi khái niệm, mọi định nghĩa, không vướng mắc vào những định vị, con người gán sẵn cho sự việc. Mình tập trung, chỉ đi theo một luồng suy nghĩ duy nhất, trả lời những câu hỏi: nó đến từ đâu, nó đến để làm gì, nó sinh ra dựa trên nguyên lý gì? Nhờ đó, mình có được cái nhìn, cách hiểu từ gốc rễ của vấn đề. Cuối cùng, mình rất hay tìm được những lời giải, những đáp án mà mình cần. Giai đoạn này Tư Tuệ hoạt động rất hiệu quả, khai sáng vấn đề rất rõ tường.

Giai đoạn này được gọi là Tuệ, hoàn thiện quy trình, Giới, Định, Tuệ.

Như vậy, khi con người ta làm việc thiện, sẽ làm lành tính con người, đó là Giới. Nhờ có sự lành tính đó, thiện lương đó, chúng ta giảm bớt được những thứ mong cầu không cần thiết, giữ lại được những điều tốt đẹp. Chúng ta sẽ đến được với sự tập trung, khi đó là Định. Khi Định, tập trung được, chúng ta sẽ tìm thấy được Trí Tuệ, đó là Tuệ. Khi đến được với Tuệ, các lời giải của cuộc sống, sẽ dần hiện ra.

Khi Trí Tuệ thông suốt, thấu hiểu được vạn vật, thì chắc lúc đó chúng ta đạt cảnh giới, giống như Đức Phật khi xưa. Hỏi gì Đức Phật cũng biết, thật là đáng nể.

Khi chúng ta tìm hiểu đến đây, ta lại thắc mắc một câu hỏi: Tại sao chúng ta lại thấy: mọi người lên chùa để cầu xin, cầu khấn, làm lễ, giải hạn. Hoặc chúng ta thấy, mọi người thường nghe đài pháp thoại, và học theo các bài thuyết giảng, kinh pháp, giáo lý cuộc sống của Phật Giáo, đó là cái gì? Thiền viện khác chùa như thế nào?

Chúng ta sang khía cạnh cuối cùng, khía cạnh thứ 5: Phân biệt Tâm linh, Tôn giáo, và Tín ngưỡng, để tìm lời giải.

Trước hết, mình tóm gọn cho các bạn, đơn giản như sau:

Khái niệm đầu tiên, dùng phương pháp Thiền để tìm đến trí tuệ, tự đi tìm lời giải cho những câu hỏi của cuộc đời, đó là tiến trình bên trong mỗi người, thì đó là Tâm linh.

Khái niệm thứ 2, truyền dạy các bài kinh pháp, lối sống, tư tưởng sống, giáo hóa mọi người, thì đó là Tôn giáo, cụ thể ở đây là Phật Giáo.

Khái niệm còn lại, đó là hoạt động cúng bái, xin cầu, thì đấy là Tín ngưỡng.

Chúng ta tách bạch giữa Tâm linh, Tôn giáo, Tín ngưỡng, chúng ta có câu trả lời cho câu hỏi vừa rồi.

Như vậy, những ngôi chùa mà ở đó phục vụ các hoạt động: cúng bái, lễ lạt, giải hạn, cầu khấn, đó là những chùa Tín Ngưỡng. Đức Phật, bồ tát, hoặc ma quỷ, thánh thần, được nhắc đến ở những địa điểm này, họ giống như một thế lực siêu nhiên.

Tiếp đến, với những hiểu biết về cuộc sống, do Đức Phật giác ngộ rồi truyền lại, được mọi người học theo. Cho nên có những ngôi chùa, mà ở đó, các sư thầy học theo Phật, rồi tổ chức các buổi giảng pháp, giáo hóa những người đến nghe, về các bài học từ Đức Phật. Mục đích hướng tới những đức tính, những hành động sống lành mạnh, tốt đẹp, thiện lương. Ngoài ra với các tôn giáo khác, ví dụ như Thiên chúa giáo, mọi người sẽ đến học ở nhà thờ. Đó được gọi là hoạt động tôn giáo. Đức Phật, Đức chúa, sẽ là hình ảnh để ta học tập, học theo giáo lý của ngài.

Còn cuối cùng là Tâm linh, đây là con người tự hướng vào bên trong bản thân mình. Thông qua sự tập trung, hay còn gọi là thiền định, thiền quán, để có thể quan sát nội tâm của mình. Định tâm để tự tìm những lời giải, cho những câu hỏi của bản thân chưa rõ. Đây được gọi là quá trình Giác, và khi hiểu ra được vấn đề thì gọi là Ngộ. Đôi khi dịch đơn giản, Giác Ngộ nghĩa là: tự chiêm nghiệm để hiểu ra. Cái này gọi là Trí Huệ Vô Sư, tự thiền định và giác ngộ chứ không có thầy.

Khác với chùa tôn giáo và chùa tín ngưỡng, thiền viện là nơi có không gian yên tĩnh, không khí trong lành, cảnh quan thanh tịnh, tránh xa được ồn ào của cuộc sống. Nơi này dành cho những người cần không gian có điều kiện tốt, để thiền định hiệu quả trong một thời gian dài. Giúp cho họ chuyên tâm, khai thông trí tuệ, tìm lời giải những câu hỏi lớn mà họ cần. Ví dụ như: các doanh nhân tìm chiến lược kinh doanh, các thiền sư tìm lý giải về ý nghĩa của cuộc sống.

Như vậy, tôn giáo, tín ngưỡng, là ta nương tựa tinh thần của mình, vào những thế lực bên ngoài. Tâm linh, là ta chọn cách nương tựa tinh thần vào bên trong, nương tựa vào chính mình, tự mình thắp đuốc lên mà đi.

Thông qua cách hiểu đơn giản này, mình mong rằng, các bạn sẽ có được góc nhìn đúng đắn hơn, khi bước ra xã hội. Nhìn nhận vấn đề, tránh bước theo những thứ không phù hợp với bản thân. Hãy vận dụng, và sớm làm chủ được tâm thức của mình.

Một cái tâm hiểu biết, chính là một khởi đầu cho một cuộc đời ý nghĩa các bạn nhé.

——————

Ký tên: Nguyễn Minh Ngọc ™

Từ khóa: 

đạo phật đơn giản

,

thiền là gì

,

giới định tuệ

,

tâm linh

,

tôn giáo

Phật dạy chúng sinh không được sát sinh sao còn ăn còn uống, còn thở?

Trả lời

Phật dạy chúng sinh không được sát sinh sao còn ăn còn uống, còn thở?

Cảm ơn bạn, bạn nghĩ sao về Phật Giáo Đại Thừa và Tiểu Thừa?