TRÍ TUỆ TÀI CHÍNH - Phần 4

  1. Đầu tư & Tài chính

Mọi người có thể đọc những phần trước ở đây:


Trí tuệ tài chính phần 1 - Hoàng Vũ Anh


Trí tuệ tài chính phần
2 - Hoàng Vũ Anh


Trí tuệ tài chính phần
3 - Hoàng Vũ Anh


Những danh mục đầu tư của tôi - Hoàng Vũ Anh



blur-chart-data-159888


  • Không đánh đổi rủi ro bằng lợi nhuận

Rất nhiều người nghĩ rằng đầu tư mà muốn có lợi nhuận cao thì phải chấp nhận rủi ro cao, hiểu đơn giản là giữa lợi nhuận với rủi ro luôn tỷ lệ thuận với nhau, tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng. Có rất nhiều thương vụ có lợi nhuận cực cao nhưng rủi ro lại cực kỳ thấp, và ngược lại, có nhiều thương vụ lợi nhuận cực thấp nhưng rủi ro lại cao vô cùng. Nếu muốn đầu tư chúng ta cần phải xây dựng cho mình một phương pháp quản trị và đánh giá rủi ro thật tốt, thật chi tiết chứ không phải là biện minh theo kiểu thương vụ này có lợi nhuận cao nên tôi chấp nhận rủi ro cao, đó là điều hết sức ngớ ngẩn.


Nguyên tắc của cá nhân tôi đó là khi đánh giá về một dự án hay một thương vụ, nếu rủi ro vượt quá mức an toàn thì dù lợi nhuận có cao hay thấp đến đâu đi chăng nữa tôi cũng sẽ không đầu tư. Triết lý này cực kỳ đơn giản, như trong bóng đá muốn thắng thì trước tiên anh phải không thua, đầu tư mà muốn có lãi thì trước hết phải không để mất tiền, phải tìm mọi cách để bảo toàn số vốn của mình trước khi nghĩ đến việc có lãi. Trong đầu tư thì vốn chính là vũ khí để bạn đánh nhau với thị trường, nó giống như thanh kiếm của một chiến binh vậy, nó không chỉ là 1 thứ vũ khí đơn thuần mà còn là biểu tượng cho tinh thần, danh dự của người đó nữa. Lời khuyên của cá nhân tôi hãy xây dựng phương pháp quản trị rủi ro trước khi tìm hiểu cách làm thế nào để có lãi, tức là hãy nghĩ đến việc làm thế nào để không bị mất tiền trước khi nghĩ đến việc làm thế nào để có tiền và đừng bao giờ đánh đổi rủi ro bằng lợi nhuận, hãy bảo toàn vốn và tìm ra những thương vụ thực sự tốt, có lợi nhuận cao và rủi ro thấp để đầu tư.


  • Tầm quan trọng của cắt lỗ

Trong đầu tư cắt lỗ là cả một nghệ thuật, nó không hề dễ nhưng đây là điều mà bạn bắt buộc phải làm nếu như không muốn bị mất hết số tiền của mình. Tôi vẫn thường hay ví von việc cắt lỗ giống như là chiếc phanh của một phương tiện vậy, bạn có dám đi một chiếc xe mà không có phanh hay không? Thực ra là đi cũng được nhưng sẽ đi rất rất chậm, và nếu đi xe đạp thì có thể phanh thủ công bằng chân, ngày xưa tôi toàn làm vậy. Khi tham gia vào thị trường tài chính, tôi từng gặp rất nhiều người khi khoản đầu tư của họ thua lỗ, liên tục giảm giá, họ chán nản và bỏ mặc, không thèm quan tâm nữa, đó thực sự là những hành vi hết sức phi lý trí, hết sức ngớ ngẩn. Tôi cảm thấy khó hiểu là tạo sao họ lại không cắt lỗ nhỉ, tại sao lại bỏ mặc số tiền của mình như vậy. Đối với thì việc cắt lỗ là một điều vô cùng quan trọng, nó quan trọng vì 2 lý do chính sau:


  1. Lý do thứ nhất đó là việc cắt lỗ sẽ giúp bạn tránh được việc mất hết số tiền mình có, nếu ai đã từng chơi forex sẽ hiểu rất rõ điều này khi không chịu đặt stop-loss. Đồng thời giúp bạn tránh được việc chôn vốn quá lâu mà không thể làm được gì. Trong rất nhiều trường hợp nếu bạn dám cắt lỗ để mang số tiền còn lại đi đầu tư ở dự án khác thì có lẽ đã thu về gấp nhiều lần số tiền kia rồi. 
  2. Lý do thứ hai quan trọng hơn rất nhiều đó là về mặt tâm lý. Khi có một khoản đầu tư bị thua lỗ, chúng ta sẽ phát sinh cảm xúc tiêu cực, suốt ngày lo lắng, liên tục mở lên xem giá cả thế nào, rồi dần dần khi khoản lỗ quá lớn sẽ có xu hướng bỏ mặc, không thèm quan tâm không thèm xem nữa, những hành động vô cùng phi lý trí. 


Cắt lỗ là quan trọng và cần thiết, khi bạn đầu tư bất cứ lĩnh vực nào hãy nghĩ đến việc cắt lỗ trước khi nghĩ đến việc có lãi. Cắt lỗ có hai phương pháp được sử dụng phổ biến đó là cắt lỗ dựa vào phân tích kỹ thuật và cắt lỗ dựa theo thị trường.

  1. Thứ nhất là dựa vào phân tích kỹ thuật để cắt lỗ, ưu điểm của phương pháp này là bạn có thể đặt lệnh từ trước và khi giá xuống đến mức đó, hệ thống sẽ tự cắt lỗ giúp bạn. Tuy nhiên phương pháp này có nhược điểm đó là đôi khi giá xuống thấp chỉ là do tin xấu nhất thời, ảnh hưởng trong thời gian ngắn sau đó phục hồi và tăng giá mạnh mẽ khiến nhiều người tiếc nuối. Nếu bạn là một nhà đầu tư thông thái thì đừng tiếc nuối, ngay lập tức vứt bỏ cảm giác ấy và tập trung 100% sức lực cho những dự án tiếp theo, đó là cách duy nhất có thể giúp bạn lấy lại số tiền mà mình đã đánh mất, chỉ ngồi không và tiếc nuối không giúp bạn lấy được số tiền đã mất đâu.
  2. Phương pháp cắt lỗ thứ hai là dựa theo xu hướng của thị trường. Phương pháp này đòi hỏi bạn phải theo dõi thị trường liên tục, và phải có khả năng phân tích tốt những thông tin đó xem mức độ ảnh hưởng của nó đến mức giá như thế nào, trong ngắn hạn hay dài hạn. Nhược điểm của phương pháp này là nó đòi hỏi bạn phải liên tục theo dõi thị trường, chẳng may có hôm nào đó bạn quên không theo dõi thông tin, giá cả có sự biến động một cách bất ngờ thì khả năng bạn sẽ bị mất một khoản tiền lớn là điều không thể tránh khỏi.


Mỗi phương pháp sẽ có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau, bạn nên cân nhắc để đưa ra những lựa chọn tốt nhất trong từng thương vụ, từng thị trường khác nhau hoặc có thể sử dụng cả hai phương pháp để bù trừ cho nhau.


  • Phân tán rủi ro

Phân tán rủi ro là điều hiển nhiên chúng ta phải làm, phải biết và phải thực hiện trong quá trình đầu tư. Tuy nhiên khi mới tham gia thị trường, các nhà đầu tư non trẻ thường có xu hướng mua rất nhiều loại hàng hoá khác nhau nhưng cho đến cuối cùng tất cả đều thua lỗ, và họ thắc mắc là tại sao mình phân tán rủi ro ra như thế rồi mà vẫn thua lỗ. Trường hợp khác thì mua nhiều nhưng không có lãi, cứ cái này tăng được một ít thì cái kia lại giảm một ít, cứ liên tục như vậy. Nguyên nhân là do đâu? Theo tôi quan sát và cũng là kinh nghiệm từ chính cá nhân thì nó xuất phát từ việc chúng ta chưa thực sự hiểu rõ phân tán rủi ro là gì. Tôi lấy ví dụ khi chúng ta khởi nghiệp và muốn tìm ai đó để cùng nhau phát triển, chúng ta sẽ có xu hướng tìm người như thế nào? Người có trình độ kém hơn mình, người có trình độ chuyên môn giống hệt mình, người có những điểm mạnh mà mình không có, hay là người như thế nào. Thông thường chúng ta sẽ có xu hướng tìm những người có điểm mạnh để bù trừ cho điểm yếu của chính mình, vì trong một nhóm, một tập thể, sự bù trừ cho nhau chính là cách tốt nhất để giúp cho tập thể ấy tiến về phía trước một cách vững mạnh.


Bây giờ thì chúng ta hãy nghĩ về phân tán rủi ro theo cách như vậy, hãy coi tổng tài sản của chúng ta là một tập thể, mỗi hàng hoá trong đó là một cá nhân của tập thể ấy, muốn tổng tài sản của chúng ta tăng lên thì dĩ nhiên là phải có những sự bù trừ mạnh yếu lẫn nhau để kéo cả tập thể đi lên một cách nhanh nhất và bền vững. Sai lầm của rất nhiều nhà đầu tư đó là họ thường đầu tư vào một loại hình nào đó na ná nhau, họ cho rằng đó là sự chuyên môn hoá và tin tưởng vào khả năng của phân tích, đánh giá của bản thân mình, sau cùng thì đều sai lầm hết cả. Bạn mua 5 loại cổ phiếu khác nhau nhưng đều trong lĩnh vực thuỷ sản, nếu năm đó làm ăn tốt bạn lãi lớn nhưng vấn đề là nếu năm đó làm ăn thua lỗ thì sao? Bạn mất rất nhiều, dĩ nhiên.

Phân tán rủi ro là cần cho những khi thị trường ảm đạm, thua lỗ, chứ có lãi thì đâu ai cần đến nó nữa. Khi bạn mua một cổ phiếu, ngoài việc cắt lỗ ra, nếu hiểu rõ về phân tán rủi ro thì bạn phải mua thêm một cổ phiếu nữa, cổ phiếu này theo như bạn đánh giá là nếu cổ phiếu đầu tiên có giảm giá thị cổ phiếu thứ hai nhất định sẽ tăng giá, cổ phiếu tiếp theo lại là sự bù trừ cho hai cổ phiếu còn lại, sự bù trừ này mới chính là phân tán rủi ro một cách hiệu quả nhất, mong là bạn hãy áp dụng nó một cách đúng đắn để mang lại lợi nhuận cao nhất.



  • Luôn có khoản dự phòng

Nguyên tắc này được tôi học từ nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet và cũng là trải nghiệm của chính cá nhân tôi nữa, tôi thấy nó vô cùng đáng giá. Khi mới tham gia đầu tư, tôi luôn muốn tiền phải được chuyển thật nhanh đến những nơi có khả năng sinh ra lợi nhuận, cảm giác khi thấy tiền nằm im một chỗ thực sự rất khó chịu, điều này hoàn toàn không có gì sai. Tuy nhiên, sự nóng vội khiến tôi đầu tư vào một vài thương vụ có lợi nhuận không quá cao, không quá bền vững, cho đến khi gặp được một thương vụ thực sự tốt thì tôi lại hết sạch tiền, không có cách nào xoay sở để đầu tư được nữa, đây là một sai lầm rất sơ đẳng và vô cùng đáng tiếc.


Điều tôi muốn nói ở đây là bạn hãy cứ đầu tư để tiền sinh ra tiền nhưng cũng phải đảm bảo phải có một khoản dự phòng đủ lớn, khoảng 25 - 30% trên tổng tài sản để khi có một thương vụ tốt bạn sẽ không bị bỏ lỡ một cách đáng tiếc. Hoặc cách thứ hai đó là bạn đầu tư những dự án đó có tính khoản cao, có thể dễ dàng rút tiền về trong 1 đến 2 ngày hoặc vài phút, vài giây, ví dụ như gửi ngân hàng, mua chứng chỉ quỹ, cổ phiếu, trái phiếu, bạn phải chắc chắn là nó đảm bảo được 2 yếu tố cốt lõi là tính thanh khoản cao và phải sinh ra lợi nhuận, nếu thua lỗ thì nên tránh thật xa.


  • Tránh xa đám đông

Càng nhiều thông tin lại càng khiến cho bạn cảm thấy bối rối, nó khiến bạn khó đưa ra được quyết định hoặc làm lệch lạc đến quyết định của bạn trong những thời điểm quan trọng. Tôi không nhớ đã đọc được trong cuốn sách nào nhưng có một nguyên tắc đó là khuyên bạn khi mua cổ phiếu của một công ty nào đó thì tốt nhất là không nên giao du quá nhiều với ban lãnh đạo của công ty đó. Vì những người lãnh đạo thường rất giỏi bán sản phẩm, vậy nên nếu tiếp xúc quá nhiều, bạn sẽ mất đi sự đánh giá khách quan của mình, luôn nghĩ đó là một thương vụ tốt, ngay cả khi tình hình kinh doanh của công ty đó không tốt, bạn vẫn không lỡ bán vì đã bị ban lãnh đạo của công ty gieo vào đầu những suy nghĩ lạc quan một cách quá mức.


Tránh xa đám đông không có nghĩa là bạn không chơi với ai hay không đọc tin tức gì mà hiểu chính xác là hãy kết thân với những người thực sự giỏi và có một hệ thống chắt lọc thông tin để đảm bảo rằng thông tin đó là hữu ích và cần thiết cho việc ra quyết định chứ không phải chỉ là chạy theo đám đông hỗn loạn, hãy nghi nhớ điều này.


  • Quản lý dòng tiền

Khi mới bắt đầu tham gia vào thị trường, có một điều lạ lùng xảy ra với tôi đó là rõ ràng đầu tư có lãi mà chẳng hiểu tiền nó cứ đi đâu hết, lúc nào cũng trong tình trạng thiếu tiền, phải đi vay khắp nơi để trả lãi ngân hàng. Điều này buộc tôi phải ngồi tính toán lại và nguyên nhân đó là do tôi chưa biết cách kiểm soát dòng tiền của mình. Vậy dòng tiền là gì, và nó quan trọng đến thế nào? Về cơ bản thì khái niệm dòng tiền sẽ là như thế này:

Dòng tiền (Cash Flow) được hiểu là sự chuyển động của vào, ra của đồng tiền (tức là nhận và chi) trong một cửa hàng, doanh nghiệp, dự án hoặc sản phẩm tài chính nào đó.

Khái niệm dòng tiền thực sự vô cùng đơn giản và dễ hiểu nhưng để làm chủ được nó thì lại không dễ dàng chút nào. Khi mới đầu tư tôi phạm phải một lỗi khá sơ đẳng đó là ngày tiền lãi về luôn chậm hơn ngày phải trả lãi ngân hàng, tức là ngày trả lãi là ngày 25 hàng tháng, còn ngày nhận lãi là ngày 26 hàng tháng, woa, đây quả là một sai lầm lớn và nó đã khiến tôi khốn đốn 1 thời gian. Nhưng chúng ta trưởng thành hơn nhờ những sai lầm cơ mà, dẫu sao tôi cũng chỉ phạm sai lầm trong một thời gian ngắn và giờ thì mọi chuyện đã ổn, tôi đã có thể sống khoẻ với thu nhập về mỗi tháng.


agenda-analysis-business-plan-990818


Sẽ rất dễ để làm chủ điều này khi dòng tiền ra vào một cách ổn định và đều đặn mỗi tháng, tuy nhiên trong đầu tư, hay kinh doanh không phải lúc nào mọi chuyện cũng thuận lợi và suôn sẻ như thế, sẽ có những thời điểm lợi nhuận sụt giảm, khiến bạn thua lỗ và dòng tiền thu về không đủ để trả nợ, khi ấy bạn phải làm gì, bạn sẽ lấy đâu ra tiền để trả lãi đây. Và tệ hơn nữa là khi doang nghiệp ngày càng phát triển, thì sẽ có rất nhiều dòng tiền ra vào khác nhau, vô cùng phức tạp, để quản lý được tất cả không phải là điều dễ dàng với bất cứ ai, ngay cả những chuyên gia tài chính cũng phải đau đầu.


Tuy nhiên, nếu không đi vay thì thật khó để có thể tạo được một sức bật lớn trong tương lai, như bạn biết thì các quốc gia hay doanh nghiệp muốn phát triển một cách nhanh chóng thì đều cần phải đi vay. Khi đó bạn cần phải hiểu rằng số tiền lãi bạn phải trả là cố định, dù bạn có tìm cách trên trời dưới biển gì đi chăng nữa thì số tiền đó vẫn không thay đổi, nó không cao hơn, không thấp hơn, nó luôn luôn như vậy, và trả chậm sẽ để lại những hậu quả rất xấu cho chính bản thân bạn. Vậy nên hãy chắc chắn rằng bạn sẽ làm ra lợi nhuận thường là cao hơn 1,5 lần so với mức trả lãi hàng tháng, mức lý tưởng là từ 2 lần trở lên, nếu không muốn bị ngân hàng lấy mất tài sản mà mình cầm cố, hoặc trả chậm và bị liệt kê vào danh sách nợ xấu. Quản lý dòng tiền không đồi hỏi bạn phải tính toán các con số một cách chính xác, tỉ mỉ, và nếu làm được điều này thì nó sẽ trở thành một môn nghệ thuật đích thực.


  • Tiền mặt là nhất

Trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp bạn sẽ bắt gặp vô vàn các con số, chúng có thể bị làm giả, chúng có thể mang tính giả định và ước tính rất cao, trong tất cả thì tiền mặt gần như là con số mà bạn có thể đáng tin cậy được nhất. Trong đầu tư, câu nói tiền mặt là nhất mang theo nhiều ý nghĩa. Thứ nhất nó biểu hiện tính thanh khoản, nếu một doanh nghiệp sở hữu 1 số lượng tiền mặt lớn thì chứng tỏ rằng doanh nghiệp có sức khoẻ về tài chính tốt, có khả năng chi trả nhanh chóng cho những rủi ro bất ngờ xảy đến. Thứ hai nó mang giá trị niềm tin. Nếu bạn đầu tư và nhận được lãi trực tiếp bằng tiền đều đặn trong một thời gian, thì niềm tin của bạn vào dự án đó tăng lên đáng kể, tuy nhiên đây cũng là cách mà các dự án lừa đảo rất hay dùng để lấy lòng tin của nhà đầu tư trong thời gian ban đầu rồi sau đó, khi thu được một số tiền đủ lớn chúng biến mất không dấu vết.


Tiền mặt còn mang giá trị niềm tin cho người sở hữu. Giả sử bạn đi du lịch và không mang theo 1 đồng tiền mặt nào, dù có hàng trăm tỷ trong tài khoản ngân hàng thì điều này vẫn sẽ khiến bạn lo lắng, nếu như có cửa hàng nào đó chỉ chấp nhận tiền mặt mà không chấp nhận thanh toán qua tài khoản ngân hàng thì sao, chẳng nhẽ bạn lại phải chạy đi rút tiền, như vậy thật quá bất tiện. Thế giới đang phát triển không ngừng, báo chí đang nói rất nhiều về một xã hội không tiền mặt nhưng đó là điều không thể xảy ra, vì có nơi giàu sang thì ắt sẽ có nơi nghèo khó. Hơn nữa nó giống như ebook và sách giấy vậy, việc được cầm nắm tận tay, rồi hít hà những đồng tiền vẫn mang lại cho ta những cảm xúc mà tiền trong tài khoản ngân hàng không bao giờ có thể làm được.


  • Phân biệt giữa cổ phiếu tốt và thương vụ đầu tư tốt

Theo bạn thì thế nào là một thương vụ đầu tư tốt? Với cá nhân tôi thì vô cùng đơn giản, một thương vụ đầu tư tốt là một thương vụ mang lại nhiều lợi nhuận nhất trong thời gian ngắn nhất có thể. Vậy thế nào là một công ty tốt, không dễ để đánh giá điều này nhưng theo bạn thì việc mua cổ phiếu của một công tốt có phải là một thương vụ đầu tư tốt? Hai điều này không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận, thậm chí nhiều khi còn tỷ lệ nghịch.


Screen Shot 2019-05-05 at 13.34.23




Với vốn kiến thức khá vững chắc sau khi đã dành nhiều năm để dùi mài kinh thư, tôi bước chân vào thị trường và nhanh chóng lựa chọn được những công ty tốt, những công ty thực sự tốt và tất nhiên tôi không ngần ngại bỏ tiền ra mua cổ phiếu của những công ty đó, tôi cứ nghĩ thế là xong, đầu tư tưởng gì, cũng chỉ đơn giản thế mà thôi. Nhưng sau một thời gian tôi biết là mình đã nhầm. Những công ty mà tôi đã mua vẫn là những công ty tốt, nhưng giá cổ phiếu thì lại không ngừng đi ngang, dao động rất thấp, rất chậm và chả được lãi bao nhiêu, trong khi đó giá cổ phiếu của những công ty khác lại tăng ầm ầm, những công ty mà tôi đã bỏ qua vì tôi cho rằng chúng không phải là một công ty tốt.

Vấn đề ở đây là gì, rõ ràng tôi đã bị nhầm lẫn, đã không thể phân biệt được một thương vụ đầu tư tốt với một công ty tốt. May mắn là tôi không bị mất tiền vì điều này nhưng cũng chẳng được lãi bao nhiêu, thậm chí là hoà vốn, sau đó tôi quyết định thay đổi phương pháp đầu tư của mình.


Nếu như trước đây tôi chỉ chọn những công ty tốt và những dự án tốt để đầu tư thì nay tôi vẫn sẽ giữ nguyên những tiêu chí đó nhưng có hai sự khác biệt đó là thời điểm mua và mức giá mua. Một công ty tốt mà già cỗi thì mức tăng trưởng hàng năm cũng chỉ đều đều, không có gì đặc biệt, tệ hơn nếu bạn mua cổ phiếu của công ty đó ở mức giá quá cao thì thậm chí còn lỗ chổng vó chứ không thể có lãi được vậy nên thay vì mua công ty tốt già cỗi ở mức giá cao hãy mua những công tốt non trẻ ở mức giá thấp, hoặc vừa phải cũng được. Nó vẫn đảm bảo đó là một công ty tốt nhưng quan trọng hơn cả đó là một thương vụ đầu tư tốt nữa, tất nhiên để tìm ra được những công ty như vậy không hề dễ, bạn phải là người có sự nhạy bén, hiểu được thị trường và nắm bắt được xu thế trog tương lai sẽ như thế nào, dựa vào những điều đó, bạn bắt quá trình tìm kiếm của mình.


Tôi sẽ lấy ví dụ: Hiện tại trong lĩnh vực công nghệ thì blockchain đang nhận được sự quan tâm rất lớn của thế giới. Bạn cho rằng nó sẽ là tương lai, và bạn quyết định sẽ đầu tư vào lĩnh vực này, vì hiện tại nó vẫn còn đang rất non trẻ. Bạn tìm kiếm những công ty tốt nhất trong số những công ty tốt nhất và đầu tư vào công ty đó. Nếu thành công, tức là dự đoán của bạn chính xác thì mức lợi nhuận của bạn sẽ rất rất lớn, so với việc đầu tư vào một công ty tốt già cỗi thì mức sinh lời sẽ lớn hơn gấp nhiều lần. Đọc đến đây thì tôi nghĩ là bạn biết phải làm gì rồi đấy. Ấy đừng nghĩ lung tung nhé, ý tôi là tiếp tục đọc phần bên dưới kìa, học đã rồi xuống núi sau nhé.


  • FA hay TA

FA(Fundamental Analysis - Phân tích cơ bản) và TA(Technical Analysis - Phân tích kỹ thuật) là hai hình thức phân tích phổ biến nhất trong đầu tư, thậm chí còn có thể gọi là 2 trường phái vì có nhiều người chỉ chọn 1 trong 2 hình thức phân tích để quyết định mua bán hay tham gia vào một thương vụ đầu tư nào đó, bạn không nên phân vân sẽ theo trường phái nào vì theo tôi, bạn cần phải biết cả hai, việc lựa chọn giữa một trong hai là điều hết sức ngớ ngẩn. Sẽ có những ý kiến phản biện rằng: Tôi chơi Forex, hay Binary Option thì cần quái gì phải biết đến FA, chỉ TA lá quá đủ rồi, nói thế là sai bét. Chẳng nhẽ bạn đã quên Brexit vừa rồi tác động mạnh mẽ thế nào đến giá của đồng bảng Anh như thế nào, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung, thông báo của FED về việc điều chỉnh lãi suất, những tác động ấy chẳng nhẽ chỉ cần ngồi ở nhà nhìn biểu đồ là biết thôi ư? Một cây nến chỉ cho bạn biết về mức giá, chứ nó không cho bạn biết được rằng sắp tới ông Đỗ Nam Trung sẽ làm gì (Donal Trump), hãy tỉnh dậy đi và đừng có thần thánh hoá TA nữa.


Screen Shot 2019-05-04 at 23.25.14


Tương tự có nhiều câu hỏi là rõ ràng em mua cổ phiếu của công ty tốt, thậm chí là tuyệt vời thế mà vẫn không có lãi, nhiều khi còn lỗ sấp mặt. Sau khi xem xét qua, thì tất cả đều thừa nhận rằng đó là một côn ty tốt, bạn là người có khả năng phân tích cơ bản rất tốt, có thể gọi là xuất sắc nhưng nếu bạn là một kẻ ngu đần trong việc Phân tích kỹ thuật thì bạn không thể nào có lãi lớn được, vì lại đi mua vào thời điểm mà mức giá đang ở đỉnh, mua như thế thì bảo sao mà có lãi được hả trời.


Tôi xin nhắc lại là để trở thành một nhà đầu tư thực sự bạn cần phải biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa cả FA và TA, không cần phải quá xuất sắc nhưng cần phải biết cả hai. Phân tích cơ bản để tìm ra doanh nghiệp tốt, có vị thế đầu ngành, kinh doanh đang mở rộng và quan trọng nhất là lợi nhuận tăng trưởng bền vững trong tương lai. Làm được như vậy nghĩa là đã có 51% thành công trong đầu tư với nhiều cơ hội chiến thắng. Phần còn lại dựa vào phân tích kỹ thuật để tìm ra thời điểm mua thích hợp, quan trọng nhất là điểm nổ của giá cổ phiếu. Chúng ta kết hợp hài hoà giữa TA và FA sẽ tạo ra kết quả vượt trội so với thị trường chung.


  • Đầu tư là một nghề

Tôi đã từng gặp rất nhiều người khi mới bỏ ra một khoản tiền cho một dự án nào đó để nhận lãi về mỗi tháng thì ngay lập tức tự nhận mình là một nhà đầu tư là chuyên gia tài chính, đây quả thật là một sự ngộ nhận đến ngớ ngẩn và nực cười (nói hơi thô thì nghe ngứa hết cả lỗ....bla bla)


Đối với cá nhân tôi, đầu tư là một công việc, là một nghề nghiệp rõ ràng chứ không phải là sự tự phong, việc bỏ tiền vào một dự án chỉ là một hành động đầu tư đơn thuần, nó không thể nào biến bạn trở thành một nhà đầu tư được, để trở thành một nhà đầu tư thật sự bạn cần phải có nhiều hơn thế, rất rất nhiều. Chúng ta có thể đào tạo ra kỹ sư, bác sỹ, lập trình viên, luật sư,giáo viên, nhưng chúng ta không thể nào đào tạo ra Tổng thống, Thủ tướng hay các CEO vì những chức vụ đó đòi hỏi một lượng kiến thức rất lớn, cả về trình độ chuyên môn lẫn nhân cách đạo đức, và nhà đầu tư thì cũng tương tự như vậy. Không có trường lớp lớp nào có thể đào tạo ra được một nhà đầu tư thực sự, chỉ có hai yếu tố tạo nên một nhà đầu tư thực sự đó là thị trường và chính bản thân họ mà thôi. Do là một nghề nên nếu xác định là sẽ trở thành một nhà đầu tư thực sự thì bạn cần phải mất nhiều năm, và muốn trở thành một chuyên gia thì bạn nên biết về con số 10 nghìn giờ. Theo kinh nghiệm của những nhà đầu tư huyền thoại truyền lại thì sẽ mất khoảng 2 năm học hỏi và liên tục lăn lộn trên thị trường để bạn có thể hiểu được đầu tư là gì, và bạn phải luôn nghi nhớ trong đầu rằng, đây là một nghề, là sự nghiệp của cả cuộc đời bạn chứ không phải chỉ là một cuộc dạo chơi.


 Rất nhiều người bước chân vào lĩnh vực này và lỗ sấp mặt, đơn giản vì họ đã tư duy sai ngay từ đầu. Nếu bây giờ cho một người chẳng biết gì về xây dựng đi xây nhà, thì liệu có xây nổi hay không? Nếu ngay lập tức cho một ông xe ôm vào làm phẫu thuật, thì liệu ca phẫu thuật đó có thành công hay không? Nếu cho một bác nông dân đi làm luật sư, thì liệu rằng có thắng nổi vụ kiện hay không? Kết quả như nào thì chúng ta cũng đều đã rõ, vậy nên một ông bác sỹ, luật sư, hay kỹ sư chẳng biết mẹ gì về đầu tư lại đòi nhảy qua nghề đầu tư thì việc họ bị thua lỗ là điều hiển nhiên, họ đâu có hiểu được đầu tư là một nghề, mất nhiều năm khổ luyện mới có thể thành tạo, đâu phải ngày một ngày hai mà thành công ngay được. Trong xã hội có nhiều công việc, mỗi nghề sẽ cần đồi hỏi phải có dụng cụ hay công cụ để tác nghiệp. Đối với một nhiếp ảnh gia, công cụ để hành nghề là chiếc máy ảnh, bác lái xe là chiếc xe, lập trình viên là chiếc máy tính, một người lính là súng, là kiếm là vũ khí thì đối với một nhà đầu tư, công cụ hành nghề là tiền, đây chính là điểm đặc biệt nhất của nghề này. 


Một nhà đầu tư muốn hành nghề được thì phải có tiền, đó là lý do tại sao mà rất nhiều nhà đâu tư thành công nói rằng tiền chỉ đơn thuần là công cụ mà thôi, nó cũng giống với việc một ông nhiếp ảnh gia mang máy ảnh đi hành nghề vậy, nếu trứng gà có thể dùng làm công cụ đầu tư được thì nhà đầu tư sẽ dùng trứng gà để hành nghề, nếu đó là cát thì dùng cát, nếu đó là sỏi thì dùng sỏi, nếu là tiền thì dùng tiền, chung quy lại chúng chỉ là công cụ mà thôi. Do công cụ hành nghề đặc biệt như vậy nên chúng ta phải cực kỳ cẩn trọng vì nếu không có tiền thì không thể hành nghề được, đó là lý do tại sao nguyên tắc đầu tư số 1 của Warren Buffet là không để mất tiền hay nói theo một cách chính xác hơn thì đó là: Không để mất dụng cụ hành nghề.

Từ khóa: 

trí tuệ tài chính

,

tài chính

,

đầu tư & tài chính